Diệu pháp liên hoa kinh

Từ điển Đạo Uyển


妙法蓮華經; S: saddharmapuṇḍarīka-sūtra; cũng được gọi ngắn là kinh Pháp hoa;

Một trong những bộ kinh Ðại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Tông Thiên Thai lấy kinh này làm căn bản giáo pháp. Nội dung kinh này chứa đựng quan điểm chủ yếu của Ðại thừa, đó là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tính và khả năng giải thoát. Kinh này do đức Phật giảng trong cuối đời Ngài, được kết tập trong khoảng năm 200 (Tây lịch).
Kinh này do Phật giảng trên đỉnh Linh Thứu cho vô số người nghe gồm có nhiều loài khác nhau. Trong kinh này, Phật chỉ rõ, tuy có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thật tế chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa hay Bồ Tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì phải cần phù hợp vào căn cơ của hành giả. Phật chỉ tuỳ cơ duyên, sử dụng các Phương tiện (s: upāya) mà nói Ba thừa nhưng thật chất chỉ có Phật thừa (s: buddhayāna) – nó dẫn đến Giác ngộ và bao trùm cả Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Quan điểm này được làm sáng tỏ bằng ẩn dụ, trong đó một người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi một cái nhà đang cháy. Vì những đứa trẻ không chịu nghe lời chạy ra khỏi nhà, người cha đành phải hứa với mỗi đứa cho một món quà tuỳ theo ý thích của chúng, đứa thì được con nai, con dê, xe trâu… để chúng chịu ra ngoài.

Kinh này còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tín tâm (s: śraddhā) trên bước đường giải thoát. Sau khi Phật giảng tới đó thì các vị Phật và Bồ Tát tuyên bố hỗ trợ kẻ tu hành để tăng phần tín tâm. Một phẩm quan trọng của kinh này với tên Phổ môn (普門品) được dành cho Quán Thế Âm, trong đó vị Bồ Tát này nói rất rõ sự hộ trì của mình đối với người tu học kinh Pháp hoa. Phẩm Phổ môn này được Phật tử Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt ưa thích và tụng đọc.

Trong kinh này, đức Phật không còn được xem là vị Phật lịch sử nữa mà Ngài là dạng xuất hiện của Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân), là thể tính đích thật của muôn loài. Mỗi chúng sinh đều xuất phát từ dạng chuyển hoá này của Phật tính và vì vậy đều có thể trở về với chân tính của mình, trở thành một vị Phật.