diệu pháp liên hoa kinh

Phật Quang Đại Từ Điển


(妙法蓮華經) Phạm: Saddharma-puṇḍarīka sūtra. Gồm 7 quyển hoặc 8 quyển, ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần, gọi tắt: Pháp hoa kinh, Diệu pháp hoa kinh, thu vào Đại chính tạng tập 9. Là một trong những bộ kinh chủ yếu của Phật giáo Đại thừa, gồm 28 phẩm. Diệu pháp hàm ý là giáo pháp nói trong bộ kinh mầu nhiệm không gì hơn; Liên hoa kinh ví dụ kinh điển thanh khiết hoàn mĩ. Cứ theo sự suy đoán thì nguyên điển kinh này có lẽ đã được thành lập vào khoảng trước hoặc sau kỉ nguyên Tây lịch. Chủ ý của kinh này cho rằng, các phái Phật giáo Tiểu thừa đã quá coi trọng hình thức mà xa rời ý nghĩa đích thực của giáo pháp, vì thế, để nắm bắt được cái chân tinh thần của đức Phật, mới dùng thể tài văn học, thi ca, thí dụ, tượng trưng v.v… tán thán đức Phật vĩnh hằng (Phật đã thành từ lâu xa) và thọ mệnh của Ngài vô hạn; Ngài hiện các loại hóa thân, dùng mọi phương tiện mà nói pháp vi diệu. Tâm điểm của kinh này là ba thừa về một, tức là đưa ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát về một Phật thừa, điều hòa các loại giáo thuyết của Đại thừa, Tiểu thừa mà chủ trương hết thảy chúng sinh đều có thể thành Phật. Về mặt biểu hiện của bộ kinh tuy có tính văn học, nhưng chủ ý vẫn khế hợp với tư tưởng chân thực của giáo pháp đức Phật. Niên đại thành lập các phẩm tuy có khác nhau, nhưng nhận xét theo phương diện chỉnh thể thì vẫn không mất tính thống nhất hồn nhiên. Đối với tư tưởng sử và văn học sử Phật giáo, kinh Pháp hoa đã có một giá trị bất hủ. Về Hán dịch thì có sáu loại bản dịch, nhưng hiện còn có ba: kinh Chính pháp hoa 10 quyển 27 phẩm, do ngài Trúc pháp hộ dịch năm 286 đời Tây Tấn, kinh Diệu pháp liên hoa 8 quyển, do ngài Cưu ma la thập dịch năm 406 đời Diêu Tần, kinh Thiêm phẩm diệu pháp liên hoa 8 quyển 27 phẩm, do các ngài Xà na quật đa và Đạt ma cấp đa dịch năm 601 đời Tùy. Trong các bản dịch trên đây thì Chính pháp hoa rất tỉ mỉ rõ ràng, Diệu pháp hoa thì ngắn gọn nhất, nhưng lại được lưu truyền rất rộng và được tụng đọc nhiều nhất. Về các bản chú thích kinh này, thì ở Ấn độ ngài Thế thân là người đầu tiên đã soạn Diệu pháp liên hoa kinh ưu ba đề xá 2 quyển, do các ngài Bồ đề lưu chi và Đàm lâm dịch vào đời Hậu Ngụy. Còn ở Trung quốc thì từ sau ngài Cưu ma la thập, người ta đã thấy xuất hiện các bản chú thích đầu tiên là: Pháp hoa kinh sớ 2 quyển do ngài Trúc đạo sinh soạn vào đời Tống thuộc Nam triều, kế đến là: Pháp hoa nghĩa kí 8 quyển của ngài Pháp vân ở chùa Quang trạch; rồi lần lượt đến Pháp hoa tam đại bộ của ngài Trí khải, Pháp hoa nghĩa sớ 12 quyển và Pháp hoa huyền luận 10 quyển của ngài Cát tạng, Pháp hoa huyền tán 20 quyển của ngài Khuy cơ v.v… riêng ngài Trí khải đã căn cứ vào kinh này mà sáng lập tông Thiên thai. Đến Nhật bản, sau khi Thái tử Thánh đức chú giải kinh Pháp hoa thì kinh này trở thành một trong ba bộ kinh hộ quốc của Nhật bản, xưa nay rất được kính tín tôn sùng. Sau khi ngài Tối trừng khai sáng tông Thiên thai ở Nhật bản, kinh này lại trở thành trung tâm giáo học của Phật giáo Nhật bản, là kinh nòng cốt của nền Phật giáo mới chi phối giới Phật giáo Nhật bản. Bản tiếng Phạm của kinh này thời gần đây đã được tìm thấy ở Khách thập cát nhĩ (Kashgar) thuộc Tân cương và được học giả người Pháp là Eugène Burnouf dịch ra Pháp văn và xuất bản vào năm 1852. Về sau lại có các bản dịch tiếng Anh, tiếng Nhật (Phạm, Nhật đối chiếu). Kinh Pháp hoa là bộ kinh được truyền bá rộng nhất từ xưa đến nay. Các kinh như: Đại bát nê hoàn, Đại bát niết bàn, Ưu bà tắc giới, Quán phổ hiền bồ tát hành pháp, Đại thừa bản sinh tâm địa quán, Đại Phật đính thủ lăng nghiêm v.v… và các bộ luận như: Đại trí độ, Trung quán, Cứu kính nhất thừa bảo tính, Nhiếp đại thừa, Phật tính, Nhập đại thừa v.v… đều có nêu tên kinh này và trích dẫn nhiều đoạn văn nghĩa trong đó. Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Phạm viết tay thường trộm dùng lời văn và giáo nghĩa của kinh này, nhưng thêm bớt lộn xộn. Ngoài ra, trong các bản đào được ở Đôn hoàng thấy có các phẩm: Đạc lượng thiên địa thứ 29, Bồ tát Mã minh thứ 30 của kinh Diệu pháp liên hoa, và đều được thu vào Đại chính tạng tập 85. Phong tục sao chép kinh Pháp hoa từ xưa đã rất thịnh, bản kinh sao chép sớm nhất mà văn tự có thể khảo xét được là bản kinh chép vào năm Kiến sơ thứ 7 (411) đời Tây Lương, tức là sau bản dịch của ngài Cưu ma la thập sáu năm. [X. Pháp hoa văn cú Q.8 phần dưới; Lịch đại tam bảo kỉ Q.8; Xuất tam tạng kí tập Q.4, Q.8; Khai nguyên thích giáo lục Q.11, Q.14; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.2; Duyệt tạng tri tân Q.24]. (xt. Chính Pháp Hoa Kinh).