điểu khoà đạo lâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(鳥窠道林) (741 – 824) Vị Thiền tăng thuộc tông Ngưu đầu ở đời Đường. Người Phú dương, Hàng châu, họ Phan (có thuyết nói là họ Ông), thủa nhỏ tên là Hương quang. Cứ theo truyện Đạo lâm trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 4 nói, thì năm lên 9 tuổi, sư xuất gia, 21 tuổi, sư đến thụ giới Cụ túc ở chùa Quả nguyện thuộc Kinh châu (Hồ bắc). Sau sư theo pháp sư Phục lễ ở chùa Tây minh tại Trường an học kinh Hoa nghiêm và luận Đại thừa khởi tín. Ngài Phục lễ dạy cho sư bài tụng Chân vọng và bảo tu Thiền định. Bấy giờ, vua Đại tông thỉnh thiền sư Đạo khâm vào kinh đô, sư Đạo lâm đến tham yết và khế ngộ tâm yếu. Trên đường về nam, sư thấy trên núi Tần vọng có cây tùng cao to, tàn lá quấn quanh tròn như cái lọng, sư bèn lên ở trên đó, bởi thế người đời gọi là thiền sư Điểu khòa (Thiền sư tổ chim), bên cạnh lại có tổ chim khách nên cũng gọi là hòa thượng Thước sào. Khi Bạch cư dị làm Thứ sử Hàng châu, có lần đã đến thăm sư và hỏi (Vạn tục 138, 24 hạ): Thế nào là đại ý Phật pháp? Sư đáp: – Chớ tạo các điều ác, vâng làm những việc lành. Cư dị nói: – Con nít 3 tuổi cũng nói được như vậy! Sư bảo: – Con nít 3 tuổi tuy nói được, nhưng ông già 80 làm không được. Bạch cư dị thán phục, liền cất gác bằng tre cho sư ở và từ đó thường đến hỏi đạo. Gác ấy về sau trở thành chùa Quảng hóa. Năm Trường khánh thứ 4 (824) sư tịch, hưởng thọ 84 tuổi, 63 tuổi hạ, thụy hiệu Viên tu Thiền sư. Về hành trạng của sư, trong Tống cao tăng truyện quyển 11 ghi chép có hơi khác. [X. Ngũ đăng hội nguyên Q.1; Liên đăng hội yếu Q.2; Phật tổ lịch đại thông tải Q.16; Thiền tông chính mạch Q.2; Phật tổ cương mục Q.21].