diệu cao thập nghĩa dụ thập trụ bồ tát hành

Phật Quang Đại Từ Điển


(妙高十義喻十住菩薩行) Mười nghĩa của núi Diệu cao dụ cho pháp hạnh của Bồ tát Thập trụ. Diệu cao tức là núi Tu di, núi này do bốn thứ quí báu cấu tạo thành và cao vượt lên trên bảy quả núi vàng nên gọi là Diệu cao.Cứ theo Hoa nghiêm kinh sớ quyển 17 nói, thì khi đức Như lai nói kinh Hoa nghiêm, Ngài đã dùng sức thần thông tự tại bay lên đỉnh núi Diệu cao gia bị Bồ tát Pháp tuệ và nói về pháp hạnh của hàng Bồ tát Thập trụ nên có 10 điều ví dụ sau đây: 1. Thể diệu: Núi này do bốn thứ quí báu tạo thành, thể của nó vi diệu, ví dụ Bồ tát lấy bốn pháp nghe, nghĩ, tu, hiểu làm diệu thể. 2. Tướng diệu: Núi này có tám phương, bốn cấp, tướng rất vi diệu, ví dụ Bồ tát có đủ bốn đức và tám diệu tướng của bậc Thánh. 3. Sắc diệu: Núi này phía bắc màu vàng ròng, phía đông màu bạc, phía nam màu lưu li, phía tây màu thủy tinh. Tất cả cỏ cây chim muông, sinh ở phương nào thì đều giống màu sắc của phương đó, nhưng chủng loại thì không thay đổi. Ví dụ Bồ tát có bốn thứ biện tài (nghĩa biện, pháp biện, từ biện, thuyết biện), chỗ hiểu biết đều giống nhau, nhưng trí của mình thì bất biến. 4. Đức diệu: Núi này tám hướng không bị gió mạnh lay động, ví dụ Bồ tát không bị tám thứ gió của thói đời lay chuyển. 5. Quyến thuộc diệu: Núi này có bảy lớp núi vàng bao bọc và bảy biển Hương thủy chảy vòng quanh giống như quyến thuộc, ví dụ Bồ tát cũng có bảy chi giới như bảy núi vàng bao bọc và bảy thức lưu chuyển như bảy biển chảy quanh. 6. Y trì diệu: Núi này chỉ có các trời và những người đã được thần thông mới có thể cư trú, ví dụ chỉ có Bồ tát an trụ nơi cõi trời đệ nhất nghĩa, chứ loài hữu tình không thể bay lên được. 7. Tác nghiệp diệu: Núi này không rời chỗ của nó mà trấn khắp bốn châu, bóng của núi che khuất mặt trời mặt trăng mà thành ngày đêm; ví dụ Bồ tát không rời trụ xứ mà biến hiện khắp 10 phương, ánh sáng che mặt trời Phật và mặt trăng Bồ tát mà thành ngày đêm Niết bàn và sinh tử. 8. Sinh quả diệu: Ở núi Diệu cao có cây Ba lợi chất đa la hay sinh diệu quả làm lợi ích chư thiên, ví dụ Bồ tát giống như cây thắng diệu sinh ra giáo, hạnh, quả. 9. Vi thủ diệu: Khi thế giới thành lập thì núi Diệu cao được thành lập trước bốn châu, ví dụ khi thế giới mới thành thì Bồ tát ra đời trước để tạo những thứ đồ dùng, vật thực làm lợi ích chúng sanh. 10. Kiên cố diệu: Khi thế giới hoại diệt thì núi này hoại sau cùng, ví dụ khi thế giới hoại thì Bồ tát cũng diệt độ sau cùng, để còn dạy chúng sinh tu thiền định mà thoát khỏi ba tai nạn.