diệt hỉ thiền phái

Phật Quang Đại Từ Điển


(滅喜禪派) Diệt hỉ, Phạm: Vinìtaruci. Cũng gọi Tì ni đa lưu chi Thiền phái. Là phái Thiền sớm nhất ở Việt Nam do Thiền sư Tì ni đa lưu chi (? – 594) sáng lập vào khoảng thế kỉ thứ VI. Tì ni đa lưu chi là người nam Thiên trúc, đến Trường an vào năm Kiến đức thứ 3 (574) đời Vũ đế nhà Bắc Chu đúng vào lúc Vũ đế đang tiêu diệt đạo Phật. Do đó, ngài đến huyện Nghiệp tham yết Tam tổ Thiền tông Tăng xán. Sau đó, ngài đến chùa Pháp vân ở Giao châu (nay là miền Bắc Việt nam) hoằng pháp, lấy những tư tưởng Chân như Phật tính chẳng sinh chẳng diệt, Chúng sinh cùng một bản tính chân như làm giáo nghĩa. Đệ tử nối pháp, có ngài Pháp hiền (? – 626) là tổ thứ nhất. Ngài người Châu diên, họ Đỗ, đầu tiên tham học Thiền sư Quán duyên ở chùa Pháp vân, sau theo Thiền sư Tì ni đa lưu chi. Sau khi Thiền sư Lưu chi tịch, ngài Pháp hiền đến huyện Từ sơn tỉnh Bắc ninh sáng lập chùa Chúng thiện, lấy kinh Lăng già làm yếu pháp truyền tâm, theo truyền thuyết ngài có hơn ba trăm đệ tử. Qua mấy đời truyền đến Thiền sư Thanh biện (? – 686), ngài người Giao châu, lúc đầu là đệ tử của Thiền sư Huệ nghiêm chùa Sùng nghiệp tỉnh Bắc ninh, lấy kinh Kim cương làm pháp yếu truyền tâm. Về sau, nổi tiếng hơn là các Thiền sư Định không (729 – 808), Vạn hạnh (? – 1018), Y sơn (? – 1216) v.v… Bắt đầu từ ngài Định không, giáo pháp xu hướng gần với Thiền pháp đốn ngộ của Thiền Nam tông Trung quốc. Từ thiền sư Y sơn trở về sau, Thiền phái Diệt hỉ dần dần suy đồi. Về lược truyện của ngài Tì ni đa lưu chi cũng có các thuyết khác nhau. Cứ theo Đối chiếu lục do ngài Thông biện soạn thì Thiền sư Lưu chi vâng lời khuyên của Tổ Tăng xán đến chùa Chế chỉ tại Quảng châu, trụ trì khoảng sáu năm, dịch kinh Tượng đầu tinh xá và kinh Đại thừa phương quảng tổng trì. Nhưng, cứ theo Cổ châu pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục chép, thì Thiền sư Lưu chi đã từ nước Phù nam đến Giao châu, chứ chưa từng đến Trung quốc. Lại có thuyết cho rằng, những lời của ngài Pháp hiền được ghi chép trong Đại nam thiền uyển truyền đăng tập lục, như: Tâm ấn của chư Phật quyết không lừa dối ai, tròn như thái hư, không thiếu cũng không dư, chính là chỉ rõ cho thấy sự truyền thừa của Thiền sư Lưu chi là Thiền Đạt ma xưa kia, chứ không phải là hệ thống của tổ Tăng xán. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.12; Hải ngoại Phật giáo sự tình 7 phần 3; Đông á Phật giáo sử (Kim sơn Chính hảo)].