diệt đế

Phật Quang Đại Từ Điển


(滅諦) Phạm: Nirodha-satya, Pàli: Nirodhasacca. Gọi đủ: Diệt Thánh đế, Khổ tận đế, Khổ diệt Thánh đế, Ái diệt khổ diệt Thánh đế. Một trong bốn (Thánh) đế, là giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo. Diệt nghĩa là diệt hết, diệt hẳn; Đế nghĩa là xét kĩ đúng như thật. Tức là, nếu người ta diệt hết cái gốc (ái dục) của sự khổ, thì có thể từ trong cảnh khổ đau triền miên thoát ra mà được tự do. Nếu suy xét cho kĩ để hiểu thấu giáo nghĩa này một cách đúng như thật mà không một mảy may lầm lỗi thì gọi là Diệt đế. Về Diệt đế, các bộ luận giải thích có khác nhau: 1. Luận Pháp uẩn túc quyển 6 nói Diệt đế tức là Niết bàn. 2. Luận Tập dị môn túc quyển 6 cho rằng Trạch diệt vô vi là Diệt đế. 3. Luận Đại tì bà sa quyển 77 nêu ra hai thuyết: a. Khi diệt hết Tập trong bốn đế tức là Diệt đế, như chủ trương của Thí dụ luận sư và các Phân biệt luận giả. b. Diệt hết Khổ và Tập mới có thể gọi là Diệt đế, như chủ trương của Đại luận sư Diệu âm (Phạm:Ghowa) và những người khác thuộc Thuyết nhất thiết hữu bộ. 4. Luận Tam vô tính quyển thượng lấy chân như thanh tịnh trong bảy chân như phối hợp với Diệt đế rồi cho rằng diệt hết hoặc tức là Diệt hay Diệt đế. 5. Phẩm Phân biệt diệt đế trong luận Tứ đế quyển 3 cho rằng diệt hết cái. (phiền não) là Niết bàn hữu dư, diệt hết khổ là Niết bàn vô dư. 6. Cứ theo phẩm Diệt đế sơ lập giả danh trong luận Thành thực quyển 4, thì diệt hết ba tâm: Giả danh tâm, Pháp tâm, hông tâm tức là Diệt đế. 7. Luận Biện trung biên quyển trung thì dựa vào ba tính Duy thức(tính Biến kế sở chấp,tính Y tha khởi, tính Viên thành thực) mà chia làm ba loại Diệt đế. Đó là: a. Tự tính của Biến kế sở chấp chẳng sinh, gọi là Tự tính diệt. b. Hai thủ (Kiến thủ, Giới cấm thủ) do các loại nhân duyên bên ngoài dấy sinh (Y tha khởi) nay hai thủ chẳng sinh, gọi là Nhị thủ diệt. 3. Bản tính của chân như tịch diệt, gọi là Bản tính diệt. [X. kinh Phân biệt thánh đế trong Trung a hàm Q.7; kinh Tăng nhất a hàm Q.17; luận Đại trí độ Q.19; luận Giải thoát đạo Q.11; luận Duy thức Q.8]. (xt. Tứ Đế).