diên lịch tự

Phật Quang Đại Từ Điển


(延曆寺) Chùa ở núi Tỉ duệ thuộc huyện Tư hạ, kinh đô (Kyoto) Nhật bản. Cũng gọi Tỉ duệ sơn tự, Tỉ duệ tự, Tỉ giang tự, Sơn môn, Bắc lĩnh, Thai lĩnh. Là tổng bản sơn của tông Thiên thai Nhật bản. Năm Diên lịch thứ 4 (785) đời Hoàn vũ Thiên hoàng, ngài Tối trừng dựng một ngôi am cỏ ở đây. Ba năm sau, ngài sáng lập Căn bản trung đường thờ tượng đức Phật Dược sư do ngài tự làm, gọi là Nhất thừa chính quán viện. Năm Diên lịch 23, ngài đến Trung quốc tham học, năm sau trở về Nhật bản, theo lời phát nguyện của vua, ngài xây cất ở đây một Đại già lam và sáng lập tông Thiên thai Pháp hoa của Nhật bản. Năm Hoằng nhân 13 (822) ngài Tối trừng thị tịch. Cùng năm này, vua cho kiến lập Đại thừa giới đàn, năm sau, vua ban cho chùa tấm biển Diên lịch tự và ngài Nghĩa chân nhậm chức Tọa chủ đời thứ I tông Thiên thai. Sau lại có các vị cao tăng Viên nhân, Viên trân v.v… lần lượt ra đời nên tông phong rất thịnh, các nhà điện được kiến thiết, thời thịnh nhất có ba tháp và hơn ba nghìn kiến trúc lớn nhỏ. Niên hiệu Trinh quán năm đầu (895), ngài Viên trân lại làm chùa Viên thành như một viện riêng biệt. Vào hai thời kì Bình an (794-1192) và Liêm thương (1192-1333) Phật giáo hưng thịnh đã có rất nhiều vị tăng có tên tuổi đến chùa này để học tập, nghiên cứu. Năm Nguyên qui thứ 2 (1571), Chức điền Tín trường xung đột với tăng binh của chùa Diên lịch, đốt sạch quả núi, chúng tăng tử thương rất nhiều. Về sau, vào thời Phong thần Tú cát (1536-1598), Đức xuyên Gia khang (1542-1616), các sư Toàn tông, Thuyên thuấn v.v… xây dựng lại chùa gần được như cũ. Về phương diện giáo học, thì ngoài Viên giáo, Mật giáo, Giới học và Thiền ra, tư tưởng Tịnh độ cũng rất phát triển ở đây, cho nên chùa Diên lịch đã trở thành một đạo tràng của nền Phật giáo tổng hợp, và các vị tổ sư khai sáng nền Phật giáo mới ở thời kì Liêm thương phần lớn đều lên núi này tu học. Trong toàn quả núi chia làm ba tháp: 1. Đông tháp: Lấy Căn bản trung đường làm trung tâm, trong đó thờ tượng đức Bản tôn Dược sư Như lai, tượng đứng của Bồ tát Quan âm nghìn tay, Đại giảng đường (đã bị thiêu hủy) vốn là nơi cử hành pháp hội tháng 6 và pháp hội tháng 11 và Giới đàn viện là giới đàn truyền giới Viên đốn (giới Đại thừa) sớm nhất. Ngoài ra, còn có viện Văn thù (cũng gọi Nhất hạnh tam muội đường), viện Tiền đường (nơi ở của ngài Viên nhân), viện Tổng trì, viện Tịnh độ (nơi thờ ngài Tối trừng), viện Đàn na (nơi ở của ngài Giác vận), viện Ngũ trí (nơi thờ ngài Viên nhân), viện Minh vương (bản đường của chùa Vô động), viện Đại thừa (dấu tích cũ của ngài Từ viên, nơi tu học của ngài Thân loan). 2. Tây tháp: Lấy Thích ca đường làm trung tâm, cũng gọi là Chuyển pháp luân đường, trong đó thờ tượng đức Bản tôn Thích ca Như lai, tượng các bồ tát Văn thù, Phổ hiền, Tứ thiên vương v.v… Đại chúng của Tây tháp đến nơi này để tu các pháp như: Pháp hoa, Bát tự Văn thù, Bất động v.v… Pháp hoa đường và Thường hình đường, chùa Thanh long ở phía bắc Thích ca đường, do Lương nguyên xây dựng, sau là nơi tu học của các ngài Pháp nhiên, Chân thịnh, ngoài ra còn có Lưu li đường, Tướng luân đường v.v… 3. Hoành xuyên: Lấy Hoành xuyên trung đường làm trung tâm, cũng gọi là viện Thủ lăng nghiêm, do ngài Viên nhân sáng lập, thờ Bản tôn Thanh Quan âm, có Tì sa môn thiên và Bất động tôn đứng hai bên. Ngoài ra, còn có Tứ quí giảng đường (cũng gọi Định tâm phòng) là nơi ở của ngài Lương nguyên, viện Huệ tâm là nơi của ngài Nguyên tín, Định quang phòng là nơi tu học của sư Nhật liên, viện Hoa tạng là nơi ngài Đạo nguyên xuống tóc, viện Tư hạ là bản phường của chùa Diên lịch, Nhật cát thần xã thì tế lễ Sơn vương Quyền hiện. Bảo vật của chùa hiện còn là những bộ sách do Tông tổ tông Thiên thai là ngài Tối trừng viết chép như: Tương lai mục lục, Yết ma kim cương mục lục, Thiên thai Pháp hoa tông niên phần duyên khởi, Lục tổ Huệ năng truyện, Nhập đường điệp, Sơn môn tái hưng văn thư v.v… [X. Cửu viện Phật các sao; Sơn môn đường xá kí; Duệ nhạc yếu kí; Tam tháp chư tự duyên khởi; Truyền giáo đại sư hành trạng; Thiên thai tọa chủ kí Q.1, Q.2; Sơn gia tối lược kí].