diêm mâu na hà

Phật Quang Đại Từ Điển


(閻牟那河) Diêm ma na, Phạm: Yamunà. Dịch ý: Phược hà. Một chi nhánh của sông Hằng bên Ấn độ, dài khoảng 1385 cây số. Từ xưa người Ấn độ rất sùng bái con sông này và coi nó như là Diêm mĩ (Phạm: Yamì), em gái trời Diêm ma. Thời xưa, kinh đô của nhiều triều đại đã được thiết lập trên hai bờ của con sông này nên nó được coi là nơi trung tâm văn hóa của Ấn độ. Cũng gọi là Lam mâu ni na hà, Dao phù na hà, Dao vô na hà, Da mâu na hà. Tức là sông Jumna ngày nay. Theo kinh A hàm nói, thì sông này là một trong năm con sông ở Ấn độ, phát nguyên từ dãy núi Hi mã lạp sơn, ở độ cao hơn 3.000 mét, chảy qua mạn tây sông Hằng, rồi chảy về phía nam đến A lạp cáp ba (Allahabad, tiếng Phạm xưa gọi là Prayàga, Bát la da già), thì đổ vào sông Hằng, Allahabad cũng nhờ đó mà trở thành Thánh địa của Ấn độ giáo suốt mấy nghìn năm nay. Khi ngài Huyền trang đời Đường đến Ấn độ thì dọc theo hai bờ sông Diêm mâu na đã có các nước như: Tốt lộc cần na (Phạm: Zrughna), Mạt thố la (Phạm: Madhurà), Yết nhã cúc xà (Phạm: Kanyakubja), Bát la da già (Phạm: Prayàga) v.v…[X. luật Ma ha tăng kì Q.8; Thiện kiến luật tì bà sa Q.12; luận Đại trí độ Q.28; Đại đường tây vực kí Q.4, Q.5].