địa trấn tế

Phật Quang Đại Từ Điển

(地鎮祭) Cũng gọi Địa trấn thức, Địa trấn pháp, Địa kiên pháp. Nghi thức chôn các báu vật như vàng, bạc v.v… xuống đất để cúng tế Địa thần khi xây nền nhà hoặc đàn tràng. Cứ theo kinh Đà la ni tập quyển 12, thì trước khi xây nền làm nhà hoặc đắp đàn tràng, phải dùng dây để phân địnhbốn góc và chính giữa nhà, rồi rắc phấn trắng đánh dấu. Sau đó, ở mỗi chỗ rắc phấn đều đào một lỗ trống, chônbảy thứ báu(vàng, bạc, trân châu, san hô, hổ phách, thủy tinh, lưu li), năm loại hạt (lúa tẻ, lúa mì, gạo nếp, đậu nhỏ, vừng) để tượng trưng chỗ đức Phật chuyển pháp luân. Về các báu vật được chôn giấu, theo kinh Nhuy hi da quyển thượng, có 15 vật: Năm thứ báu (vàng, bạc, san hô, hổ phách, lưu li), năm thứ thuốc (bơ, phó mát, dầu, mật, đường phèn), năm thứ hạt v.v… chỉ chôn ở chỗ chính giữa đạo tràng. Còn theo Đại nhật kinh sớ quyển 4 thì có 10 vật: Năm thứ thuốc, năm thứ báu cũng chỉ chôn ở chỗ chính giữa đạo tràng. Pháp Địa trấn này có xuất xứ từ Bất động an trấn quĩ và kinh Nhất kế tôn đà la ni, là pháp tu tiêu trừ tai ách, tăng thêm lợi ích. Nếu trấn địa hình thì gọi là Địa trấn; nếu trấn thổ đàn (đàn đắp bằng đất) thì gọi là Trấn đàn. Địa trấn và Trấn đàn này nếu tu hai lần riêng biệt thì gọi là Bản nghi, còn nếu tu chung một lần hai pháp thì gọi là Lược nghi.