địa tạng bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(地藏菩薩) Địa tạng, Phạm: Kwitigarbha. Dịch âm: Khất xoa để nghiệt bà. Vị Bồ tát được sự phó chúc của đức Thích tôn đã tự thệ nguyện độ hết chúng sinh trong 6 đường trong khoảng thời gian từ khi đức Thích tôn viên tịch đến lúc bồ tát Di lặc thành đạo rồi Ngài mới thành Phật. Về ý nghĩa của danh hiệu bồ tát Địa tạng, thì kinh Địa tạng thập luân quyển 1 (Đại 13, 722 thượng) giải thích: An nhẫn bất động, giống như quả đất, vắng lặng sâu kín, giống như kho tàng, nên gọi là Địa tạng. Kinh Đại phương quảng thập luân quyển 1 thì cho rằng Địa tạng nghĩa là phục tạng (kho báu được chôn giấu trong lòng đất). Luận Cứu cánh nhất thừa bảo tính quyển 4, dùng kho báu giấu kín trong lòng đất để ví dụ cho Như lai tạng. Cứ theo phẩm Tựa trong kinh Đại phương quảng thập luân quyển 1 và kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo quyển thượng, thì bồ tát Địa tạng do nguyện lực đại bi ở quá khứ, nên thị hiện vô lượng thân trong các loài khác nhau, như thân Đại phạm vương, thân Đế thích, thân Thanh văn, thân Diêm la vương, thân sư tử, voi, cọp, sói, trâu, ngựa cho đến thân La sát, thân địa ngục v.v… để giáo hóa chúng sinh, đặc biệt thương xót chúng sinh chịu khổ trong cõi đời năm trọc ác mà giúp chúng sinh tiêu tai tăng thọ để thành tựu căn lành. Vì sự hóa hiện vô số thân như thế nên bồ tát Địa tạng còn được gọi là Thiên thể địa tạng. Về sự tích tiền thân của bồ tát Địa tạng thì có nhiều thuyết. Cứ theo phẩm Đao lợi thiên cung thần thông trong kinh Địa tạng bồ tát bản nguyện quyển thượng, thì trong kiếp quá khư xa xưa, bồ tát Địa tạng là con một Đại trưởng giả, nhân thấy hình tướng đẹp đẽ trang nghiêm của đức Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh Như lai mà sinh lòng cung kính chiêm ngưỡng, rồi vì muốn chứng được thân tướng ấy mà phát nguyện trong đời vị lai độ thoát hết thảy lục đạo chúng sinh. Còn phẩm Diêm phù chúng sinh nghiệp cảm trong kinh đã dẫn thì nêu ra 2 thuyết. 1. Trong một kiếp quá khứ xa xưa, bồ tát Địa tạng là một vị Quốc vương, phần đông nhân dân trong nước ấy đều làm điều ác, Quốc vương bèn phát nguyện độ hết chúng sinh tội khổ, nếu không thì chẳng nguyện thành Phật. 2. Cũng trong một kiếp quá khứ lâu xa, bồ tát Địa tạng là một cô gái, tên Quang mục, mẹ nàng phải chịu khổ trong địa ngục, để cứu mẹ, Quang mục phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh tội khổ, cho đến khi thành Phật hết thì Quang mục mới lên ngôi Chính giác. Hình tượng của bồ tát Địa tạng có nhiều loại. Theo kinh Đại nhạt quyển 3 thì Ngài mang hình một vị Bồ tát, đầu đội mũ báu, cổ đeo chuỗi ngọc. Còn theo kinh Đại phương quảng thập luân quyển 1 thì Ngài có hình một vị sa môn. Phổ thông, hình tượng được lưu truyền rộng rãi nhất là loại hình tượng bên trong ẩn hạnh Bồ tát, bên ngoài hiện tướng sa môn, tay trái cầm ngọc báu, tay phải cầm tích trượng, ngồi hoặc đứng trên hoa sen. Trong Mật giáo, bồ tát Địa tạng là vị tôn đứng đầu viện Địa tạng trên Mạn đồ la Thai tạng giới, hiện hình Bồ tát, tay trái cầm hoa sen, trên hoa có cờ báu Như ý, tay phải cầm bảo châu, ngồi trên hoa sen, mật hiệu là Bi nguyện kim cương, Dữ nguyện kim cương. Hình tam muội da là bảo châu hoặc cây cờ trên hoa sen. Chủng tử là (i), hoặc (ha). Chân ngôn có hai loại, nhưng phần nhiều thường dùng Nam ma tam mạn đa bột đà nẫm ha ha ha vi sa ma duệ sa ha. Ấn tướnglà Kì ấn (ấn cờ). Nhưng theo kinh Đà la ni tập quyển 6 thì ấn tướng của Ngài là Pháp thân ấn và Pháp ấn. Ngoài ra, Bồ tát kim cương chàng trong số 4 vị thân cận của đức Bảo sinh Như lai ở phương Nam trong Mạn đồ la Kim cương giới là cùng thể mà khác tên với bồ tát Địa tạng. Lại cứ theo kinh Bát đại bồ tát mạn đồ la, thì bồ tát Địa tạng là 1 trong 8 vị Đại bồ tát. Có thuyết cho rằng bồ tát Địa tạng cùng với các bồ tát Quan âm, Thế chí và Long thụ đều đứng hầu bên cạnh đức Phật A di đà, gọi là A di đà ngũ Phật. Cũng có thuyết cho rằng tiền thân của đức Phật A di đà là bồ tát Pháp tạng là cùng thể với bồ tát Địa tạng. Tại Trung quốc, từ đời Tùy, Đường trở đi, tín ngưỡng sùng bái bồ tát Địa tạng rất hưng thịnh. Như ngài Tín hành đời Tùy đã dựa vào kinh Địa tạng thập luân mà đề xướng thuyết Phổ Phật Phổ Pháp và pháp lễ sám bồ tát Địa tạng, bấy giờ gọi là Tam giai giáo. Ngoài ra, ngài Thường cẩn đời Tống có soạn Địa tạng bồ tát linh nghiệm kí, trong đó, soạn giả ghi chép 32 truyện tích về sự linh nghiệm của bồ tát Địa tạng từ đời Lương đến đời Tống. Do tín ngưỡng Địa tạng phổ biến, nên người đời thường vẽ hình tượng của Ngài tôn trí ở các chùa viện hoặc bàn thờ của tư gia để lễ bái cúng dường. Bức tượng bồ tát Địa tạng nổi tiếng nhất là bức tượng vẽ trên vách hồi lang phía đông của chùa Thiện tịch, huyện Đức dương, châu Hán vào đời Lương. Giới Phật giáo Trung quốc coi bồ tát Địa tạng là 1 trong 4 vị Đại bồ tát, tương truyền đạo tràng ứng hóa thuyết pháp của Ngài là núi Cửu hoa ở tỉnh An huy. Cứ theo Tống cao tăng truyện quyển 20 v.v… thì bồ tát Địa tạng giáng sinh vào dòng quốc vương nước Tân la, họ Kim, tên là Kiều giác. Sau khi xuất gia, Ngài đếnTrung quốc vào đời vua Huyền tông nhà Đường, vào núi Cửu hoa tu đạo, sau mấy mươi năm Ngài thị tịch, nhục thân của Ngài toàn vẹn không hư nát và được đặt trong tháp. Tương truyền, điện thờ nhục thân của Ngài trên núi Cửu hoa là chỗ Ngài thành đạo. Vì lòng từ bi thệ nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh chịu khổ ở địa ngục nên bồ tát Địa tạng hóa thân làm vua Diêm la. Quan niệm về địa ngục trong tín ngưỡng dân gian Trung quốc chịu ảnh hưởng của kinh Địa tạng bồ tát bản nguyện rất sâu, coi bồ tát Địa tạng là vị chủ tể tối cao của địa ngục, gọi là U minh giáo chủ, dưới Ngài có Thập điện diêm vương cai quản. Cứ theo kinh Địa tạng thập vương quyển 1, thì bồ tát Địa tạng có vô lượng công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, hàng Thanh văn, Độc giác không thể sánh kịp. Theo kinh Địa tạng bồ tát bản nguyện quyển thượng, thì bồ tát Địa tạng vốn đã chứng quả vị Thập địa, nhưng vì hóa độ chúng sinh, nên Ngài nguyện trụ ở quả vị Thanh văn, Duyên giác chứ không nguyện thành Phật. Kinh này cũng nói: Nếu có người chí tâm xưng niệm danh hiệu bồ tát Địa tạng hoặc lễ bái cúng dường hình tượng của Ngài thì xa lìa những nỗi buồn khổ, không rơi vào đường ác và được 10 hoặc 28 điều lợi ích. Tại Nhật bản, tín ngưỡng Địa tạng bắt đầu từ giữa thời đại Bình an, đến thời Liêm thương thì hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian và cho mãi đến nay vẫn còn hưng thịnh. [X. kinh Kim cương tam muội; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.57; kinh Hoa nghiêm Q.44 (bản dịch cũ); kinh Đại bảo tích Q.1; kinh Địa tạng bồ tát đà la ni; kinh Đại nhật Q.1 đến Q.4; Địa tạng bồ tát nghi quĩ; kinh Dự tu thập vương sinh thất; kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.9; Đại nhật kinh sớ Q.5; Q.10. Q.13; Pháp uyển châu lâm Q.14; Cảnh đức truyền đăng lục Q.11]. (xt. Lục Địa Tạng, Diên Mệnh Địa Tạng, Diêm Ma Vương).