địa tạng bồ tát bản nguyện kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(地藏菩薩本願經) Phạm: Kzitigarbha-praịidhànasùtra. Gọi tắt: Địa tạng bản nguyện kinh. Gồm 2 quyển, do ngài Thực xoa nan đà dịch vào đời Đường, thu vào Đại chính tạng tập 13. Kinh này nói về công đức bản nguyện, thệ nguyện bản sinh của bồ tát Địa tạng, người đọc tụng kinh này có thể tiêu trừ vô lượng tội nghiệp và được lợi ích không thể nghĩ bàn. Nội dung gồm 13 phẩm: 1. Phẩm Đao lợi thiên cung thần thông. 2. Phẩm Phân thân tập hội. 3. Phẩm Quán chúng sinh nghiệp duyên. 4. Phẩm Diêm phù chúng sinh nghiệp cảm. 5. Phẩm Địa ngục danh hiệu. 6. Phẩm Như lai tán thán. 7. Phẩm Lợi ích tồn vong. 8. Phẩm Diêm la vương chúng tán thán. 9. Phẩm Xưng Phật danh hiệu. 10. Phẩm Giáo lượng bố thí công đức duyên. 11. Phẩm Địa thần hộ pháp. 12. Phẩm Kiến văn lợi ích. 13. Phẩm Chúc lụy nhân thiên. Dưới đề kinh này có ghi Đường Vu điền quốc Tam tạng sa môn Thực xoa nan đà dịch (Tam tạng sa môn người nước Vu điền là ngài Thực xoa nan đà dịch vào đời Đường), nhưng trong Khai nguyên thích giáo lục và Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục không thấy ghi câu này. Hơn nữa, trong các tạng đời Tống, Nguyên, Minh và tạng Cao li thì chỉ có tạng đời Minh là ghi câu này, còn các tạng kia (Tống, Nguyên, Cao li) vốn có trước tạng Minh thì không thấy chép. Vì vậy, thuyết nói do ngài Thực xoa nan đà dịch có lẽ không đủ chứng liệu để tin. Lại nữa, cứ theo Cảm ứng Địa tạng kí của sa môn Tri (Trí) hựu chùa Thanh thái được trích dẫn trong Địa tạng bồ tát linh nghiệm kí của ngài Thường cẩn đời Tống, thì trong năm Thiên phúc (963?) thời vua Cao tổ nhà Hậu Tấn đời Ngũ đại, sa môn Trí hựu người Tây Ấn độ đã mang bản tiếng Phạm của kinh này đến Trung quốc. Nhưng cũng chỉ biết qua thế thôi, còn về việc kinh này được truyền dịch như thế nào thì không rõ, mà trong các văn hiến đời Đường cũng không thấy chỗ nào ghi chép việc này. Ngoài ra, theo sự suy đoán của Vũ khê Liễu đế, học giả người Nhật bản, thì kinh này được soạn ở nước Vu điền thuộc Trung á. Còn theo sự nghiên cứu của Tùng bản văn tam lang thì kinh này có thể là kinh giả, do phỏng theo bản nguyện của đức Phật A di đà nói trong các kinh điển Tịnh độ, lấy kinh Địa tạng thập luân làm nòng cốt, rồi các nhà Kinh học đời sau bổ sung mà thành. Về sách chú sớ kinh này thì có: Địa tạng bản nguyện kinh khoa văn 1 quyển của Nhạc huyền, Địa tạng bản nguyện kinh luân quán 1 quyển của Linh diệu, Địa tạng bản nguyện kinh khoa chú 6 quyển của linh diệu, Địa tạng bồ tát linh nghiệm kí 1 quyển của Thường cẩn v.v… [X. Đại minh tam tạng Bắc tạng mục lục Q.2; Duyệt tạng tri tân Q.5; Phật điển phê bình luận].