địa ngục

Phật Quang Đại Từ Điển

(地獄) Phạm: Naraka hoặc Niraya, Pàli: Niraya. Dịch âm: Nại lạc ca, Na lạc ca, Nại lạc, Nê lê da, Nê lê. Cũng gọi Bất lạc, Khả yếm, Khổ cụ, Khổ khí, Vô hữu, Địa ngục đạo, Địa ngục thú, Đia ngục hữu, Địa ngục giới. Một trong Ngũ thú, một trong Lục thú, một trong Ngũ đạo, một trong Lục đạo, một trong Thất hữu, một trong Thập giới. Là nơi chịu khổ của chúng sinh tạo các nghiệp ác, như giết hại, trộm cướp, gian dâm. Địa ngục được phân loại như sau: 1. Bát đại địa ngục (cũng gọi Bát nhiệt địa ngục, Bát đại nhiệt địa ngục), gồm 8 địa ngục: Đẳng hoạt, Hắc thằng, Chúng hợp, Khiếu hoán (Hào khiếu). Đại khiếu hoán (Đại khiếu), Viêm nhiệt, Đại tiêu nhiệt (Cực nhiệt), A tị (Vô gián) v.v… 2. Bát hàn địa ngục: Át bộ đà, Ni thích bộ đà, Át chiết tra (A tra tra), Hoắc hoắc bà (A ba ba), Hổ hổ bà, Ôn bát la, Bát đặc ma và Ma ha bát đặc ma. Ngoài ra, mỗi một địa ngục trong Bát đại địa ngục đều có 16 địa ngục nhỏ phụ thuộc, tổng cộng là 136 địa ngục. Về vị trí của các địa ngục thì có 3 thuyết: 1. Cứ theo kinh Trường a hàm quyển 19 và phẩm Nê lê trong kinh Đại lâu thán quyển 2, thì địa ngục ở chung quanh biển lớn, ở khoảng giữa núi Đại kim cương và núi Đại kim cương thứ 2. 2. Cứ theo phẩm Địa động trong luận Lập thế a tì đàm quyển 1, thì địa ngục ở ngoài núi Thiết vi, chỗ hẹp nhất là 8 vạn do tuần, chỗ rộng nhất là 16 vạn do tuần. 3. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 172 và luận Câu xá quyển 11, thì Đại địa ngục Vô gián ở phía dưới Nam thiện bộ châu cách 2 vạn do tuần, 7 địa ngục còn lại theo thứ tự chồng xếp lên trên hoặc nằm ở bên cạnh. Ngoài ra, còn có Cô địa ngục và Biên địa ngục không lệ thuộc vào các địa ngục lớn, nhỏ nói trên, hoặc ở trong 4 châu, ven sông bên núi, hoặc ở dưới đất, giữa hư không v.v… Có chỗ nói Cô địa ngục tức là Biên địa ngục, 2 địa ngục này là một, chỉ khác nhau về tên gọi mà thôi. [X. kinh Thiên sứ trong Trung a hàm Q.12; kinh Khởi thế nhân bản Q.2; kinh Tứ nê lê; kinh Chính pháp niệm xứ Q.5; phẩm Địa ngục danh hiệu trong kinh Địa tạng bồ tát bản nguyện; luận Lập thế a tì đàm Q.6, Q.7, Q.8; luận Thuận chính lí Q.31; luận Du già sư địa Q.4; luận Đại trí độ Q.9, Q.16, Q.30, Q.39, Q.62]. (xt. Bát Hàn Địa Ngục, Bát Nhiệt Địa Ngục, Thập Lục Tiểu Địa Ngục).