Ðịa luận tông

Từ điển Đạo Uyển


地論宗; C: dìlùn-zōng; J: jiron shū; Một trong nhứng tông phái sớm nhất của Phật giáo Trung Hoa, căn cứ vào luận giải về Thập địa kinh luận (十地經論, s: daśabhūmika-śāstra) của Thế Thân, và cũng căn cứ vào luận giải chương 1 trong kinh Hoa Nghiêm. Lặc-na-ma-đề (勒那摩提, s: ratnamati) và Bồ-đề Lưu-chi (菩提流支, s: bodhiruci) mang Thập địa kinh luận bản chép tay dịch sang tiếng Hán vào thời Bắc Nguỵ. Địa luận tông chủ yếu căn cứ vào triết học Du-già hành phái, đặc biệt là giáo lí về A-lại-da thức. Nhánh phía Bắc của tông nầy với đại biểu là Đạo Sủng (道寵), đệ tử của Bồ-đề Lưu-chi đưa ra luận điểm tạng thức không thực có, và Phật tính đạt được trước hết khi thành Phật, thế nên nó không phải là bẩm sinh. Nhánh phía Nam, đại biểu là Huệ Quang, đệ tử của Lặc-na-ma-đề, cho rằng A-lại-da thức là thật có và đồng nhất với Phật tính. Tông Hoa Nghiêm được xem là phát triển từ nhánh phía Nam, còn Pháp tướng tông tiếp thu tinh thần nhánh phía Bắc.