địa chủ vương

Phật Quang Đại Từ Điển

(地主王) Địa chủ, Phạm: Dizàô-pati. Pàli: Disàm-pati. Hán âm: Nễ phiến ba đế. Cũng gọi Phương chủ, Thành chủ, Địa tự tại. Vua nước Ấn độ thời thái cổ, là tiền thân của Phật Thích ca. Cứ theo phẩm Địa chủ trong kinh Tăng nhất a hàm quyển 13 chép, thì ở thời quá khứ xa xưa có một vị Đại vương tên là Địa chủ, đã chia phân nửa châu Diêm phù đề dưới quyền thống trị của mình cho quan Đại thần Thiện minh. Đại thần Thiện minh có người con xuất gia thành đạo, đó là đức Đăng quang Như lai. Về sau Đại vương nhờ nghe diệu pháp mà thề nguyền suốt đời cúng dường Như lai và 80 ức vị tỉ khưu. Sau khi Như lai và 80 ức vị tỉ khưu lần lượt vào Niết bàn, thì Đại vương lại cúng dường xá lợi trong bảy vạn năm, làm tất cả công đức, mãi đến khi di pháp của Như lai hoàn toàn mất hẳn, Đại vương mới diệt độ. Địa chủ vương ấy chính là tiền thân của đức Thích tôn. Nhưng, kinh Điển tôn trong Trường a hàm quyển 5 ghi chép hơi khác. Cứ theo kinh này thì Địa chủ vương đem việc nước giao phó cho quan Đại thần Điển tôn. Sau khi Điển tôn chết, con là Diệm man lên làm tướng, người đời gọi là Đại điển tôn. Sau khi Địa chủ vương băng hà, con là Từ bi lên nối ngôi, không bao lâu, Từ bi cũng giao phó quốc sự cho Diệm man. Về sau, Diệm man xuống tóc xuất gia, đồng thời, có 8 vạn 4 nghìn người cũng theo Diệm man xuất gia. Đại điển tôn này chính là tiền thân của Phật Thích ca. [X. kinh Trường a hàm Q.20; kinh Khởi thế nhân bản Q.10; kinh Phật bản hạnh tập Q.3, Q.4; luật Tứ phần Q.31]. (xt. Định Quang Như Lai).