dị thục thức

Phật Quang Đại Từ Điển


(異熟識) Phạm: vipàka-vijĩàna. Âm Hán: Tì ba ca tì nhã nam. Tên khác của thức A lại da. Chủ thể của nhân quả nghiệp báo. Nhà duy thức cho rằng, thức A lại da do nghiệp thiện, ác huân tập (hun ướp), lấy chủng tử nghiệp làm duyên tăng thượng mà chiêu cảm quả Dị thục, vì thế gọi là Dị thục thức, là quả tướng của thức A lại da. Sáu thức trước tuy cũng là quả Dị thục, nhưng chỉ là biệt báo và có gián đoạn, nên không phải Chân dị thục. Chỉ có quả thể tổng báo (thức thứ 8) của hữu tình mới là Chân dị thục, vì nó có đủ ba nghĩa: nghiệp quả, không gián đoạn và khắp ba cõi, nên gọi là Dị thục thức. Nhưng đến sát na cuối cùng trước quả Phật thì bỏ tên Dị thục, bởi vì thức Dị thục chỉ tồn tại ở quả vị của nghiệp thiện, ác; đến lúc thành quả Phật thì nhân, quả dị thục hoàn toàn không còn nữa. Ngoài ra, Sơ năng biến trong ba Năng biến thì thức Dị thục được gọi là Dị thục năng biến. [X. Nhiếp đại thừa luận bản Q.thượng; luận Thành duy thức Q.2, Q.3, Q.5, Q.8; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối, Q.8 phần đầu]. (xt. Tam Năng Biến, A Lại Da Thức).