dị thục sinh

Phật Quang Đại Từ Điển


(異熟生) Vấn đề này, giữa Đại Thừa, Tiểu thừa giải thích có khác: 1. Theo luận Câu xá Tiểu thừa: Chỉ cho quả do nhân Dị thục sinh ra, đồng nghĩa với Dị thục quả. Luận Câu xá quyển 2 giải thích Dị thục sinh theo bốn nghĩa: a. Do nhân dị thục sinh ra, như xe do bò kéo, gọi là xe bò. b. Từ lúc tạo nghiệp cho đến kết quả, luôn luôn biến đổi để thành thục, gọi là Dị thục. Quả này từ Dị thục sinh ra nên gọi là Dị thục sinh. c. Quả khác loại với nhân, nhưng lại do nhân mà thành thục, nên gọi Dị thục; Dị thục này tức là nghĩa sinh, nên gọi Dị thục sinh.d. Do nhân mà tạm đặt tên quả, nên đã gọi nhân là nhân Dị thục, thì quả do nhân này sinh ra tức gọi Dị thục sinh. (xt. Dị Thục Quả). 2. Theo Duy thức Đại thừa: Quả thể tổng báo của thức thứ 8 gọi là Dị thục, hoặc Chân dị thục; quả biệt báo của sáu thức trước do Chân dị thục sinh ra, gọi là Dị thục sinh. Luận Thành duy thức quyển 2 (Đại 31, 7 hạ) nói: Tập khí dị thục làm duyên tăng thượng, chiêu cảm thức thứ 8 dắt dẫn sức nghiệp, vì luôn luôn nối nhau nên gọi Dị thục. Khi chiêu cảm sáu thức trước thể hiện nghiệp một cách đầy đủ, từ Dị thục sinh ra, gọi là Dị thục sinh, chứ không gọi Dị thục, vì có gián đoạn. [X. luận Thành duy thức Q.8; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối].