dị thể tướng tức

Phật Quang Đại Từ Điển


(異體相即) Khác thể mà tức là nhau. Một trong hai môn hiển bày sự sự viên dung vô ngại của tông Hoa nghiêm. Dị thể đối lại với Đồng thể; Tương tức đối lại với Tương nhập. Dựa theo nghĩa đợi duyên trong sáu nghĩa của Nhân mà lập môn Dị thể. Đứng về phương diện thể mà nói, thì các pháp duyên khởi đều có hai nghĩa không và có, tương tức vô ngại. Vì các pháp không có tự tính nên là không; các pháp nương vào nhân duyên mà sinh khởi tướng có giả, nên là có. Như A và B, khi A có, B không, thì A là chủ biểu hiện ở bên ngoài, B là bạn ẩn kín ở bên trong, ngược lại cũng thế. Nếu AB đều là có thì sẽ ngăn ngại nhau không tương tức; trái lại, nếu AB đều là không thì cũng không thể tương tức, đều không thành lập được duyên khởi.Hãy dùng 10 đồng tiền làm ví dụ: Đếm từ 1 lên 10 có 10 môn. Một tức là nghĩa 10, một này chẳng phải tự tính mà do duyên thành. Nếu không có 1 thì cũng không có 10, cho nên 1 là có, ngoài ra đều là không, vì là không nên thành một, nhiều tương tức, 1 này tức 10. Lấy đây làm chuẩn, từ 1 đến 10 đều như thế. Đếm từ 10 trở xuống 1 cũng có 10 môn. Một tức là nghĩa 10, 10 này chẳng phải tự tính mà là 10 do duyên thành, nên là không, ngoài ra đều là có. Vì là không nên nhiều, một tương tức, 10 này tức là 1. Lấy đó làm chuẩn từ 10 trở xuống cho đến 1 cũng đều như thế. Dùng thể của một, nhiều nói trên làm có, không lẫn cho nhau mà tương tức, vì thế có thể thành tựu duyên khởi, trái lại, nếu không tương tức thì không thể thành một, nhiều. Bởi vì, nếu 1 chẳng phải là 10, thì cho dù có bao nhiêu cái 1 đi nữa cũng chỉ là nhiều cái 1 riêng lẻ, chứ không bao giờ có thể thành 10. Nay, 1 đã là 10, cho nên biết 1 tức là 10. Nếu 1 chẳng tức là 10, thì 10 cũng không thành; mà nếu 10 đã không thành, thì 1 ắt cũng chẳng thành. Như vậy, thể của các pháp một, nhiều làm có không lẫn nhau mà tương tức: Đó là ý chỉ nhiệm mầu của môn Duyên khởi. [X. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4].