dĩ tâm truyện tâm

Phật Quang Đại Từ Điển


(以心傳心) Lìa lời nói văn chữ, dùng tâm truyền tâm.Thiền tông không lập văn chữ, không nhờ vào kinh luận, chỉ có thầy và trò trực tiếp trao truyền, dùng gương tâm chiếu vào nhau để truyền yếu chỉ Phật pháp, gọi là Dĩ tâm truyền tâm. Đức Thế tôn nói pháp trên núi Linh thứu, Ngài đưa bông hoa lên dạy chúng, trong tám vạn người chỉ có tôn giả Ca diếp hiểu ý của Phật và mỉm cười. Tổ sư Thiền tông qua các đời đã căn cứ vào tích truyện này mà định tông phong chẳng lập văn tự truyền trao đại pháp. Đây cũng là lời truyền đạt cảnh giới chứng ngộ. Luận Huyết mạch của Tổ Đạt ma (Vạn tục 110, 405 thượng), nói: Ba cõi bời bời đều về một tâm, Phật trước Phật sau dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự. Lục tổ đàn kinh (Đại 48, 349 thượng), nói: Ngày xưa, Đại sư Đạt ma mới đến Trung hoa, mọi người chưa tin Thiền pháp nên Ngài truyền tấm áo này để làm tín vật, đời đời truyền nhau; Pháp thì đem tâm truyền tâm, đều khiến mọi người tự ngộ tự giải.Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự quyển thượng phần 1 của ngài Tông mật (Đại 48, 400 trung), nói: Đạt ma nhận được pháp bên Thiên trúc, rồi đích thân đến Trung hoa, Ngài thấy người học ở phương này phần nhiều chưa thấu suốt pháp, chỉ hiểu theo danh số, làm theo sự tướng. Vì Ngài muốn mọi người hiểu rằng mặt trăng chẳng ở nơi ngón tay, pháp là tâm ta, nên Ngài chỉ dùng tâm truyền tâm chứ không lập văn tự. Đây là đặc sắc của Thiền tông: truyền riêng ngoài giáo, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật. [X. Truyền tâm pháp yếu (Hoàng bá); Hiển tông kí (Hà trạch).