di sa tắc bộ ngũ phần luật

Phật Quang Đại Từ Điển


(彌沙塞部五分律) Phạm: Mahizàsakavinaya, 30 quyển. Cũng gọi Di sa tắc bộ hòa hi ngũ phần luật, Di sa tắc luật, Ngũ phần luật, do các ngài Phật đà thập và Trúc đạo sinh dịch vào đời Lưu Tống, đưa vào Đại chính tạng tập 22. Đây là tạng luật do Di sa tắc bộ (Hóa địa bộ) lưu truyền. Bản chữ Phạm do ngài Tam tạng Pháp hiển thỉnh được ở nước Sư tử (Tích lan), đến tháng 12 năm Cảnh bình thứ 2 (424) mới được phiên dịch ở chùa Long quang tại Kiến nghiệp (Nam kinh). Bộ luật này có năm phần nên gọi là Ngũ phần: – Phần đầu từ quyển 1 đến 10 là 251 giới tỉ khưu bao gồm 4 háp Ba la di, 13 pháp Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 pháp Xả đọa, 91 pháp Đọa, 4 pháp Hối quá, 100 pháp Chúng học, 7 pháp Diệt tránh… – Phần hai từ quyển 11 đến 14 là 370 giới tỉ khưu ni bao gồm 8 pháp Ba la di, 17 pháp Tăng tàn, 30 pháp Xả đọa, 207 pháp Đọa, 8 pháp Hối quá và 100 pháp Chúng học… – Phần ba từ quyển 15 đến quyển 22 bao gồm pháp thụ giới, pháp Bố tát, pháp an cư, pháp tự tứ, pháp y (áo), pháp bì cách (giày dép), pháp dược (thuốc), pháp thực (ăn uống), pháp ca hi na y… – Phần bốn từ quyển 23 đến quyển 24 bao gồm pháp Diệt tránh, pháp Yết ma. – Phần năm từ quyển 25 đến 30 bao gồm pháp phá tăng, pháp ngọa cụ, pháp tạp, pháp uy nghi, pháp già bố tát, pháp biệt trụ, pháp điều phục, pháp tỉ khưu ni, pháp ngũ bách tập, pháp thất bách tập v.v… Trong các phần trên, 19 pháp từ pháp thụ giới phần ba đến pháp tỉ khưu ni phần năm là phẩm Kiền độ, tức là chia loại và giải thích các nghi thức hành sự, yết ma trong chúng tăng, cho đến những điều luật qui định các việc ăn, ở, mặc hàng ngày. Thời gần đây các học giả đã nghiên cứu đối chiếu luật tạngPàlivới các bộ luật Hán dịch và đều cho rằng bộ luật này gần giống với các tạng luậtPàli hơn cả, nhưng nó lại không được lưu truyền rộng rãi ở Trung quốc. Ngoài ra, ngài Phật đà thập còn dịch Di sa tắc ngũ phần giới bản 1 quyển. [X. Tứ phần luật hàm chú giới bản sớ Q.1 phần trên; Cao tăng pháp hiển truyện; Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.3, Q.15; Khai nguyên thích giáo lục Q.5, Q.6, Q.9; Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.2; Pháp kinh lục Q.5].