di mạn sai kinh

Phật Quang Đại Từ Điển


(彌曼差經) Phạm:Mìmàôsà-sùtra. Thánh điển căn bản của phái Di mạn sai, một trong sáu phái triết học Ấn độ. Tương truyền kinh này do Kì mễ ni (Phạm:Jaimini) sáng tác vào khoảng thế kỉ II, III trước Tây lịch. Đến khoảng thế kỉ thứ II sau Tây lịch lại do người sau biên soạn thành 12 chương 60 tiết 2742 câu, chia làm 915 luận đề, là Thánh điển lớn nhất trong sáu phái triết học. Kinh này cốt yếu bàn về giáo pháp (dharma), giáo lệnh (Phạm: codanà) v.v.. trong kinh Phệ đà, nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người Nhã lợi an (Aryan), vì ngay trong những hành động và lời nói hàng ngày của họ đều được qui định bởi những nghi thức và phép tắc tế tự mang đầy tính quyền uy. Đứng về phương diện hình thức và tính chất mà nói thì kinh này có thể được chia làm hai phần: Thần ca (Phạm: Mantra) và Phạm thư (Phạm: Bràhmaịa), nhưng về nội dung thì có thể chia thành năm loại: 1. Nghi quĩ (Phạm: Vidhi) chiếm phần lớn trong sách này, bao gồm những phép tắc tỉ mỉ như: Các thần trong lễ tế, vật cúng tế, người chủ tế, thứ tự việc tế, quan tế (gia trưởng) v.v… 2. Thần ca: Tức là ba thứ trong kinh Phệ đà: Tán ca, Ca vịnh, Tế từ. 3. Danh xưng (Phạm: Nàmadheya): Là những tên gọi điển tế trong các kinh Phệ đà, như: Hỏa tế, Tâm mãn nguyệt tế v.v… 4. Cấm chế (Phạm: Niwedha): Nói rõ những việc phải ngăn cấm trong nghi thức cúng tế. 5. Thích nghĩa (Phạm:Arthavàda): Giải thích về nguồn gốc và công đức của những nghi thức cúng tế. Những điều trên đây đều liên quan đến việc cúng tế, nguồn gốc tri thức của chúng đều thuộc tính chất thiên khải (Thánh giáo lượng), chứ không phải những vấn đề chủ yếu của nhân sinh hoặc tư tưởng. Bởi thế, đứng về mặt giá trị triết học mà nói, thì chúng không có một ý nghĩa đặc thù nào. Nhưng, nếu loại bỏ phần nghi thức tế tự trong kinh đi, phần còn lại là tìm hiểu tính chất tuyệt đối của Phệ đà, thì đó là một trong những luận đề quan trọng từ xưa đến nay trong triết học Ấn độ. Đây cũng là luận đề bàn thảo về âm thanh (Phạm: zabda) là thường trụ hay là vô thường. Kinh này chủ trương âm thanh là thực tại tồn tại trong vũ trụ, tất cả lời cầu đảo đều có sức thần bí tuyệt đối: đây tức là Thanh thường trụ luận và luận điểm này cũng có liên quan đến các học phái khác như: Ni dạ da (Phạm: Nyàyika), Thắng luận (Phạm: Vaizewika) và cả với Phật giáo nữa. Phái Di mạn sai lại căn cứ vào Thanh thường trụ luận mà triển khai phương pháp nghiên cứu làm năm giai đoạn, tức là: đối tượng nghiên cứu, những điểm còn ngờ, luận phản đối, định thuyết phản bác và các luận khác. Phái này xác lập cơ sở trên năm phương pháp trên để tìm cầu tri thức. Đây là điểm rất có ý nghĩa về lịch sử tư tưởng trong triết học Ấn độ. Sách chú thích quan trọng nhất của kinh này là Tát bạt la chú (Phạm: Zabarabhàwya) do Tát bạt la tư mã mễ (Phạm: Zabarasvàmin) soạn. [X. Ấn dộ triết học nghiên cứu Q.1 (Vũ tỉnh Bá thọ)].