Di-lặc

Từ điển Đạo Uyển

彌勒; S: maitreya, P : metteyya; dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), cũng có tên là Vô Năng Thắng (無能勝; s, p: ajita), hoặc theo âm Hán Việt là A-dật-đa;

Một vị Ðại Bồ Tát và cũng là vị Phật thứ năm và cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Phật Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Cõi giáo hoá của Ngài hiện này là trời Ðâu-suất (s: tuṣita). Theo truyền thuyết, Phật Di-lặc sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa.

 

Di-lặc Bồ Tát
Di-lặc Bồ Tát

Trong hình này, Ngài chưa ngồi trên toà sen, đang ở trong tư thế chuẩn bị (nói chung là nghệ thuật vùng Bắc Ấn, Hi-mã-lạp sơn ít khi trình bày Di-lặc Bồ Tát dưới dạng ngồi). Tay Ngài bắt ấn chuyển pháp luân, có nghĩa rằng, khi xuất hiện trên thế gian, Ngài sẽ quay bánh xe pháp một lần nữa để cứu độ tất cả chúng sinh.

Tranh tượng hay vẽ Ngài ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hoá chúng sinh. Tại Trung Quốc, Phật Di-lặc cũng hay được biểu tượng là một vị mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Theo truyền thuyết thì đó chính là hình ảnh của Bố Ðại Hoà thượng, một hoá thân của Di-lặc ở thế kỉ thứ 10. Nếu năm đức Phật xuất hiện trên trái đất nói trên được xem là hoá thân của Ngũ Phật thì Phật Di-lặc được xem như hoá thân của Thành sở tác trí (xem Phật gia, Năm trí).

Có thuyết cho rằng, chính Ngài là người khởi xướng Ðại thừa Phật giáo hệ phái Duy thức. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha), thầy truyền giáo lí Duy thức cho Vô Trước (s: asaṅga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài Luận (s: śāstra), được gọi là Di-lặc (Từ Thị) ngũ luận:

  1. Ðại thừa tối thượng (đát-đặc-la) tan-tra (s: mahāyānottaratantra);
  2. Pháp pháp tính phân biệt luận (s: dharmadharmatāvibaṅga);
  3. Trung biên phân biệt luận (s: madhyāntavibhāga-śāstra);
  4. Hiện quán trang nghiêm luận (s: abhisamayā-laṅkāra);
  5. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (s: mahāyānasūtralaṅkāra).