di lặc tín ngưỡng

Phật Quang Đại Từ Điển


(彌勒信仰) Tin thờ bồ tát Di lặc. Tín ngưỡng này vốn đã có rất sớm ở Ấn độ, như kinh Tăng nhất a hàm quyển 45, phẩm Phật hưng lập trong kinh Hiền kiếp quyển 7 v.v… đều cho rằng Di lặc là đức Phật đầu tiên xuất hiện trong vị lai. Luận A tì đàm bát kiền độ quyển 27 cũng ghi chép việc Di lặc thành Phật trong đương lai. Rồi truyện Pháp thịnh trong Danh tăng truyện sao thì chép, bốn trăm tám mươi năm sau đức Phật nhập diệt, có A la hán Ha lợi nan đà bay lên cung trời Đâu suất vẽ tượng Di lặc, sau đó Ngài lại đến phía đông bắc nước Ưu trường (nước Đà lịch trong Phật quốc kí), tạc một pho tượng Di lặc lớn bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn. Truyện Linh vận trong Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện quyển hạ nói, chùa Na lan đà có thờ tượng Di lặc. Đại đường tây vực ký quyển 7, quyển 8 cũng chép, ngôi già lam ở phía tây bắc Thủ đô của nước Chiến chủ thờ tượng Di lặc. Ngôi tinh xá ở phía đông cây bồ đề nơi đức Phật thành đạo, có thờ tượng Di lặc bằng bạc cao hơn 2 mét.Tại Trung quốc, những kinh được dịch ra có liên quan đến tín ngưỡng Di lặc, bắt đầu từ đời Tây Tấn, trước sau có hơn 10 loại bản dịch, có thể qui nạp vào ba hệ thống: Thướng sinh, Hạ sinh và Bản nguyện. Liệt kê như sau: – Kinh Di lặc hạ sinh và kinh Di lặc bồ tát sở vấn bản nguyện do ngài Trúc pháp hộ dịch vào năm Đại an thứ 2 (303) đời Tây Tấn. – Kinh Di lặc đại thành Phật và kinh Di lặc hạ sinh thành Phật do ngài Cưu ma la thập dịch vào năm Hoằng thủy thứ 4 (402) đời Diêu Tần. – Kinh Di lặc thướng sinh do Thư cừ kinh thanh (? -464) dịch vào đời Lưu Tống thuộc Nam triều. – Kinh Di lặc lai thời được dịch vào đời Đông Tấn, không rõ dịch giả. – Kinh Di lặc bồ tát sở vấn do Bồ đề lưu chi dịch vào niên hiệu Vĩnh bình năm đầu đến năm Thiên bình thứ 2 (508-535) đời Bắc Ngụy. – Kinh Di lặc hạ sinh thành Phật do ngài Nghĩa tịnh dịch vào niên hiệu Đại túc năm đầu (701) đời Đường. – Kinh Di lặc bồ tát sở vấn do ngài Bồ đề lưu chí dịch vào năm Cảnh long thứ 2 đến niên hiệu Khai nguyên năm đầu (708- 713) đời Đường. Từ các kinh trên đây người ta có thể biết tín ngưỡng Di lặc rất phổ biến. Tín ngưỡng Di lặc lại chia làm hai phái: 1. Thướng sinh tín ngưỡng: Phái này cho rằng hiện nay bồ tát Di lặc đang nói pháp trên cung trời Đâu suất và muốn sinh lên cung trời này. 2. Hạ sinh tín ngưỡng: Phái này tin rằng trong tương lai bồ tát Di lặc sẽ sinh xuống thế giới này, Ngài thành Phật dưới cây Long hoa, nói pháp ba hội cứu độ chúng sinh và chính mình cũng có thể sinh vào cõi này, được nghe pháp của Ngài mà thành Phật, do đó mới có thuyết Long hoa tam hội. Về phía những người theo tín ngưỡng Thướng sinh, thì trước tiên có ngài Đạo an (314-385). Cứ theo truyện Đạo an trong Lương cao tăng truyện quyển 5 chép, thì vua Phù kiên nhà Tiền Tần sai sứ đi Tây vực, khi trở về mang theo tượng Di lặc thêu có đính hạt châu, mỗi khi ngài Đạo an giảng pháp thì thường đem pho tượng này ra bày. Kế đến, có Đới ngung. Pháp uyển châu lâm quyển 16 ghi: Đới ngung đời Đông Tấn trong giấc mộng có người bảo thờ bồ tát Di lặc, sau Đới ngung tạc tượng Di lặc đứng để thờ ở chùa Long hoa tại Cối kê. Còn Danh tăng truyện sao thì nói, vào năm Nguyên gia thứ 9 (432) đời Lưu Tống thuộc Nam triều, ngài Pháp tường xây dựng tịnh xá Di lặc. Ngoài ra, những người thuộc tín ngưỡng Thướng sinh còn có: Đạo kiểu, Tăng nghiệp, Tuệ nghiêm, Đạo uông, Đạo pháp, Pháp thịnh, Đàm phó, Đàm bân v.v… Đến đời Đường, các ngài Huyền trang, Khuy cơ cũng mở rộng tín ngưỡng Thướng sinh Đâu suất, để rồi trở thành truyền thống của tông Pháp tướng. Về tín ngưỡng Hạ sinh cũng rất phổ biến. Cứ theo bài tựa Pháp uyển tạp duyên nguyên thủy tập mục lục trong Xuất tam tạng kí tập quyển 12, thì vua Minh đế (ở ngôi 465-471) nhà Lưu Tống soạn Long hoa thệ nguyện văn, Chu ngung soạn Kinh sư chư ấp tạo Di lặc tam hội kí, Tề kính lăng Văn tuyên vương soạn Long hoa hội kí. Ngài Nam nhạc Tuệ tư soạn Lập thệ nguyện văn, trình bày thuyết Di lặc hạ sinh. Hòa thượng Bố đại (Khế thử) thời Ngũ đại được coi là hóa thân của bồ tát Di lặc… Ngoài ra, sử sách các đời ghi chép trường hợp những kẻ mượn tín ngưỡng Di lặc hạ sinh để xuyên tạc văn kinh, xúi dục dân chúng làm loạn cũng không ít. Năm Đại nghiệp thứ 9 (613) đời Tùy, Tống tử hiền tự xưng là Di lặc giáng thế, tụ tập dân ngu làm loạn, phục kích đoàn xe của Dượng đế bị bắt. Hướng hải minh người huyện Phù phong, tỉnh Thiểm tây cũng tự xưng là Di lặc ra đời, kêu gọi dân chúng mưu phản. Đầu năm Khai nguyên (713-755) đời Đường, Vương hoài cổ người Bối châu tỉnh Hà bắc tự xưng là Phật mới (ngụ ý Phật Di lặc) nổi dậy và bị bắt. Thời vua Hi tông (873-888) nhà Đường, tín đồ Di lặc giáo ở vùng Tây thục mở rộng thanh thế, tổ chức thành hội Di lặc. Thời vua Nhân tông (ở ngôi 1022-1063) nhà Bắc Tống, có Vương tắc ở Bối châu lãnh đạo tín đồ Di lặc giáo nổi loạn. Bạch liên giáo ở đời Nam Tống và đời Nguyên sáp nhập với Di lặc giáo rồi mượn danh Di lặc hạ sinh mưu phản, mãi đến đời Minh, Thanh các tông giáo này vẫn còn lưu hành. Do tín ngưỡng Di lặc phổ cập nên việc tạo tượng Di lặc cũng rất thịnh hành từ xưa đến nay. Trong năm Kiến vũ đời Nam Tề, ngài Tăng hộ đã phát nguyện tạc pho tượng Di lặc bằng đá cao 40 mét ở núi Thạch thành, huyện Diệm, nhưng nguyện chưa thành đã qua đời. Về sau, ngài Tăng hựu hoàn thành tượng này vào năm Thiên giám 15 (516) đời Lương, được gọi là Tam thế thạch Phật, Diệm huyện đại Phật. Thời Bắc Ngụy, vua Hiến Văn đế tạc động Di lặc trong hang 13 ở Vân cương Đại đồng, tôn trí pho tượng ngồi cao 16 mét. Sau khi dời đô đến Lạc dương, Hiến văn đế còn tạo hang đá Long môn, trong đó có đến vài trăm pho tượng Phật lớn nhỏ được tạc trong khoảng những năm Thái hòa, Cảnh minh và Vĩnh bình. Ngoài ra, trên sườn núi Hoàng thạch ở Lịch thành thuộc tỉnh Sơn đông, và ở núi Thiên Phật cũng có rất nhiều tượng Di lặc được tạc vào đời Bắc triều. Các hình thức tạo tượng Di lặc ở Trung quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến bán đảo Triều tiên và Nhật bản.Tín ngưỡng Di lặc ở Trung quốc bắt đầu vào thời Nam Bắc triều, dần dần thịnh hành. Đến sau đời Đường, khi kinh A di đà được phiên dịch, thì rất nhiều người phát nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ cực lạc ở phương tây, do đó tín ngưỡng Di lặc không được thịnh hành như trước kia. Nhưng tín ngưỡng này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong các đoàn thể tông giáo dân gian ở thế kỉ XIX, XX. Tại Hàn quốc và Nhật bản, từ xưa đến nay, tín ngưỡng Di lặc cũng rất thịnh hành. [X. Lương cao tăng truyện Q.13; Tỉ khưu ni truyện Q.2; Quảng hoằng minh tập Q.16; luận Biện chính Q.4; Tục cao tăng truyện Q.17, Q.19; Tống cao tăng truyện Q.4, Q.26; Phật tổ thống kỉ Q.40, Q.43; Pháp uyển châu lâm Q.29; Ngụy thư Q.9 Túc tông kỉ; sách Phủ nguyên qui Q.922; Tùy thư Q.23 Đại nghiệp cửu niên điều; Đường thư Q.183; Thái bình quảng kí Q.289; Tục tư trị thông giám trường biên Q.161; Tam quốc di sự Q.2; Nhật bản thư kỉ Q.20]. (xt. Đâu Suất Thiên).