di lặc luận sư

Phật Quang Đại Từ Điển


(彌勒論師) Di lặc, Phạm: Maitreya. Hán dịch: Từ thị. Người Ấn độ, ra đời khoảng 900 năm sau đức Phật nhập diệt, là vị thủy tổ của phái Du già Đại thừa. Trong tạng kinh Hán dịch hiện còn ghi bồ tát Di lặc là tác giả của những bộ luận Du già sư địa, Đại trang nghiêm kinh luận tụng, Biện trung biên luận tụng, Kim cương bát nhã ba la mật kinh luận v.v… Còn trong Đại tạng Tây tạng thì ngoại trừ những tác phẩm nêu trên ra, còn có các luận Hiện quán trang nghiêm, luận Pháp pháp tính phân biệt và luận Đại thừa cứu cánh yếu nghĩa v.v… cũng là tác phẩm của Ngài. Tương truyền luận sư Di lặc là thầy của ngài Vô trước, sáng lập ra giáo lí Du già duy thức, sau truyền trao cho ngài Vô trước. Lại cứ theo Bà tẩu bàn đậu pháp sư truyện chép, thì ngài Vô trước từng lên cung trời Đâu suất để thỉnh vấn bồ tát Di lặc về lí quán không của Đại thừa, rồi vì thầy của ngài Vô trước cũng tên là Di lặc, cho nên đời sau coi thầy của Vô trước cũng là Di lặc sẽ thành Phật trong vị lai. Nhưng cuối cùng Di lặc có phải một nhân vật có thực trong lịch sử hay không thì đến nay vẫn chưa xác định được. Còn đối với các tác phẩm ở trên, thì thực tế có thể đã do ngài Vô trước tổng hợp các học thuyết của những bậc tiên hiền rồi tạm cho là của bồ tát Di lặc sáng tác. Nhà học giả Phật giáo người Nga là Âu bạch mễ lặc (E. Obermiller) cho rằng, những việc như ngài Long thụ được bồ tát Văn thù điểm hóa mà viết các bộ luận, ngài Vô trước thì nhờ thần lực của bồ tát Di lặc trên cung trời Đâu suất giao cảm mà trứ tác v.v… đều là truyền thuyết. Học giả Nhật bản là Sơn khẩu ích nối theo thuyết của Obermiller cho rằng, ngài Vô trước là người chú thích, bàn nói về các tác phẩm Trung biên phân biệt luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Pháp pháp tính phân biệt luận v.v… còn bồ tát Di lặc chỉ là người khải phát linh cảm và là vị Phật đương lai Nhất sinh bổ xứ. Học giả Lạp mô đặc (E. Lamotte) đồng ý với thuyết này, bổ sung và thuyết minh thêm. Ông cho rằng vì kinh điển Đại thừa được thành lập sau cho nên thường có khuynh hướng dựa vào lời nói của các bậc Thánh để tăng uy tín, bởi thế ông nghi ngờ tính cách lịch sử của thuyết Di lặc. Nhà học giả Nhật bản là Vũ tỉnh Bá thọ thì phản đối thuyết này, ông cho rằng luận sư Di lặc là nhân vật có thật trong lịch sử, đã đề xướng giáo lí Du già Đại thừa, còn Vô trước chỉ là người chép lại những bộ luận nói trên của Ngài mà thôi. [X. Bài Bạt trong luận Du già sư địa; Xuất tam tạng kí tập Q.12 Tát bà đa bộ mục lục tự; Ấn độ triết học nghiên cứu Q.1 (Vũ tỉnh Bá thọ); Trung biên phân biệt luận thích sớ tứ luận (Sơn khẩu ích); E. Obermiller: The Sublime Science of the Great Vehicle to Salvation].