di lặc bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển


(彌勒菩薩) Di lặc, Phạm: Maitreya, Pàli: Metteyya. Cũng gọi Mai đát lệ da bồ tát, Mạt đát lị da bồ tát, Mê để lũ bồ tát, Di đế lễ bồ tát. Hán dịch: Từ thị. Theo kinh Di lặc thướng sinh và kinh Di lặc hạ sinh chép, thì ngài Di lặc sinh ra trong một gia đình Bà la môn, sau xuất gia làm đệ tử đức Phật và nhập diệt trước đức Phật, mang thân Bồ tát trụ ở cõi trời Đâu suất nói pháp cho những người trời ở cõi này. Theo truyền thuyết thì vị Bồ tát này vì muốn giáo hóa thành tựu cho chúng sinh nên ngay từ lúc mới phát tâm đã không ăn thịt, do nhân duyên ấy mà có tên là Từ thị. Đại nhật kinh sớ quyển 1 nói, bồ tát Từ thị là lấy Từ trong bốn tâm vô lượng của Phật làm đầu. Lòng từ đó sinh ra từ hạt giống Như lai, khiến hết thảy thế gian không mất tính Phật, cho nên gọi là Từ thị. Đức Thích tôn từng thụ kí nói trước, hết thời kì loài người sống lâu 4000 tuổi (ước chừng 57 tỉ 6o triệu năm nữa), bồ tát Từ thị sẽ sinh xuống cõi này thành Phật dưới gốc cây Long hoa, chia làm ba hội thuyết pháp. Do ý nghĩa Ngài thay đức Phật Thích ca thuyết giáo mà gọi là Bồ tát Nhất sinh bổ xứ, Bổ xứ bồ tát, Bổ xứ tát đỏa. Đến lúc đó thì Ngài đã thành Phật nên gọi là Phật Di lặc hoặc Di lặc Như lai. Cứ theo phẩm Tùy hỉ công đức trong kinh Pháp hoa quyển 6 và kinh Bình đẳng giác quyển 4 nói, thì ngài Di lặc chính là ngài A dật đa một đệ tử của đức Phật. Thế nhưng, theo kinh Thuyết bản trong Trung a hàm quyển 13, kinh Xuất diệu quyển 6 và luận Đại tì bà sa quyển 178 nói, thì Di lặc và A dật đa là hai người khác nhau. Trong Mật giáo, bồ tát Từ thị là một trong chín vị tôn của Trung đài trong mạn đồ la Thai tạng giới, ngồi ở phía đông bắc đức Đại nhật Như lai. Còn trong mạn đồ la Kim cương giới thì Ngài là một trong 16 vị tôn kiếp Hiền. Về hình tượng của Ngài có nhiều thuyết khác nhau: theo kinh Bát đại bồ tát mạn đồ la và Đại khổng tước minh vương họa tượng đàn tràng nghi quĩ chép, thì thân Ngài màu vàng ròng, tay trái cầm quân trì (cái bình), bàn tay phải đưa lên hướng ra ngoài làm dáng thí vô úy. Hình tam muội da là bình hoặc tháp, mật hiệu là Tấn tật kim cương. Tại Trung quốc, các chùa miếu thờ tượng Di lặc miệng cười, bụng to phơi ra, đó là Hòa thượng Khế thử (Bố đại) thời Ngũ đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu), vì theo truyền thuyết thì Hòa thượng Khế thử là hóa thân của Bồ tát Di lặc, cho nên người đời tạo tượng Ngài để thờ. Tín ngưỡng sinh lên cõi trời Đâu suất cũng như tín ngưỡng vãng sinh Tịnh độ cực lạc của đức Phật A di đà từ xưa đều được tín đồ Phật giáo coi trọng. Ngoài ra, cuốn kinh nói rõ về truyện tích bản sinh của bồ tát Di lặc là kinh Nhất thiết trí quang minh tiên nhân từ tâm nhân duyên bất thực nhục, được thu vào Đại chính tạng tập 3. [X. kinh Tạp a hàm Q.43; Trường a hàm Q.6 kinh Chuyển luân thánh vương tu hành; kinh Tạp thí dụ; kinh Hiền ngu Q.12 phẩm Ba bà lê; kinh Hoa nghiêm Bồ Tát Di Lặc (bản dịch cũ) Q.60; Từ thị bồ tát tu dũ nga niệm tụng pháp Q.thượng phẩm Nhập pháp giới ngũ đại quán môn; luận Đại trí độ Q.29; Duy ma kinh lược sớ Q.5; Câu xá luận quang kí Q.18; Đại đường tây vực kí Q.4, Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.18]. (xt. A Dật Đa, Di Lặc Tín Ngưỡng).