di hạ luận

Phật Quang Đại Từ Điển


(夷夏論) Có 1 thiên, do Cố hoan soạn vào đời Nam Tề. Nội dung biện luận về sự dị, đồng giữa Phật giáo và Đạo giáo. Toàn thiên có hơn 800 chữ. Trước hết, tác giả dẫn chứng: việc ngài Lão tử gá thai vào phu nhân Tịnh diệu ở nước Duy vệ, Thiên trúc trong Huyền diệu nội thiên; việc đức Thích ca đã thành Phật với số kiếp nhiều như bụi nhỏ nói trong kinh Pháp hoa và kinh Vô lượng thọ; việc đức Thích tôn làm Quốc sư, Đạo sĩ, Nho lâm v.v… chép trong kinh Thái tử thụy ứng bản khởi để biện luận cho lí: Đạo tức Phật, Phật tức Đạo, cùng một vị Thánh, nhưng ứng tích khác nhau. Kế đến bàn về sự sai khác giữa phục sức, tang chế, nghi lễ, giáo pháp của hai nước Hạ (Trung quốc), Di (Ấn độ) để ví dụ thuyền, xe đều là phương tiện di chuyển, nhưng đường thủy, đường bộ khác nhau. Nghĩa là tuy Phật giáo và Đạo giáo về mặt lí thì giống nhau, nhưng tập tục của Phật giáo không thích hợp với Trung quốc. Cố hoan còn cho rằng Niết bàn của Phật giáo tuy giống với Tiên hóa của Đạo giáo, nhưng, nếu đứng về phương diện đắc đạo mà nói, thì Vô sinh của Niết bàn khó đạt hơn Vô tử của Tiên hóa. Cố hoan lại so sánh sự hơn kém giữa Phật giáo và Đạo giáo, như: Phật giáo văn vẻ mà rộng, Đạo giáo chất phác mà tinh; lời Phật hoa mĩ mà trương ra, lời Đạo chân thật mà nén xuống; nén xuống thì người sáng tiến một mình, trương lên thì kẻ tối tranh đi trước; kinh Phật nhiều mà rõ ràng, kinh Đạo ít mà sâu kín; Phật là phương pháp phá ác, Đạo là nghệ thuật hưng thiện; Phật tích sáng tỏ rộng lớn, Đạo tích kín đáo nhỏ nhiệm v.v…. Luận Di hạ dung hợp hai nhà Phật và Đạo dèm chê lẫn nhau, nhưng ý nghiêng về Đạo giáo. Bởi thế, quan Tư đồ Viên xán đời Lưu Tống cũng như những tín đồ Phật giáo và Đạo giáo đều có viết luận bài bác. Di hạ luận được xếp vào Nam Tề thư quyển 54, Nam sử quyển 75 Cố hoan truyện, Toàn tề văn Q.22, Ngọc hàm sơn phóng tập dật thư tử biên Đạo gia loại v.v… Cứ theo Tề thư chép, thì Cố hoan tự là Cảnh di, người Diêm quan, quận Ngô. Ông từng học nơi Lôi thứ tôn, sau, ông mở nhà trên núi Thiên thai dạy học. Niên hiệu Vĩnh minh năm đầu (483), ông được cử làm Thái học bác sĩ nhưng từ chối. Ông thích Hoàng lão, sở trường về Đạo thuật, năm 60 tuổi, ông mất ở Diệm sơn. Ông có các tác phẩm: Luận ngữ Cố thị chú 1 quyển, Đạo đức chân kinh chú sớ 8 quyển. [X. Tùy thư Q.34 Kinh tịch chí; Đường thư Q.47 Kinh tịch chí].