dĩ biện địa

Phật Quang Đại Từ Điển


(已辨地) Phạm: Kftàvì-bhùmi. Cũng gọi Sở tác biện địa, Dĩ tác địa, Dĩ biện địa, là địa vị thứ 7 trong Tam thừa cộng vị theo thuyết của tông Thiên thai. Hành giả ba thừa dứt hết Tư hoặc trong cõi Sắc và cõi Vô sắc, phát khởi trí chân vô lậu, diệt sạch 72 phẩm Ngũ thượng phần kết (tham ở cõi Sắc, tham ở cõi Vô sắc, điệu cử, mạn, vô minh). Công phu dùng trí tuệ đoạn trừ phiền não đã hoàn tất, cho nên gọi là Dĩ biện (đã làm xong). Nhưng ở giai vị này, hành giả tuy đã dứt hết chính sử (phiền não chủ thể), nhưng vẫn chưa trừ sạch tập khí. Tương đương với quả thứ tư trong Tam tạng giáo. Lại giai vị này là quả cuối cùng của hàng Thanh văn, cho nên căn cứ vào đó mà đặt tên là Dĩ biện địa. Ngoài ra, theo phẩm Phát thú trong kinh Đại phẩm bát nhã quyển 6 thì Bồ tát Thất địa không được dính mắc vào 20 pháp và phải đầy đủ 20 pháp. Hai mươi pháp không được dính mắc là: 1. Không được dính mắc vào cái ta. 2. Không được dính mắc vào chúng sanh. 3. Không được dính mắc vào thọ mệnh. 4. Không dính mắc các con số cho đến người biết, người thấy. 5. Không dính mắc vào cái thấy dứt mất hẳn (đoạn kiến). 6. Không dính mắc vào cái thấy thường còn mãi (thường kiến). 7. Không được tác tướng. 8. Không được tác nhân kiến. 9. Không dính mắc danh sắc. 10. Không dính mắc năm ấm. 11. Không dính mắc 18 giới. 12. Không dính mắc 12 nhập (xứ). 13. Không dính mắc ba cõi. 14. Không dính mắc nơi chỗ. 15. Không nghĩ đến chỗ để trông đợi. 16. Không nghĩ đến nơi để nương tựa. 17. Không dính mắc nương vào Phật kiến. 18. Không dính mắc nương vào pháp kiến.19. Không dính mắc nương vào tăng kiến. 20. Không dính mắc nương nơi giới kiến. Hai mươi pháp phải đầy đủ là: 1. Đầy đủ không. 2. Chứng được vô tướng. 3. Biết rõ vô tác. 4. Ba phần trong sạch. 5. Đầy đủ trí từ bi đối với tất cả chúng sinh. 6. Không nhớ nghĩ tất cả chúng sinh. 7. Quán xét tất cả pháp một cách bình đẳng. 8. Biết rõ thực tướng của các pháp. 9. Vô minh pháp nhẫn. 10. Trí vô sinh. 11. Tuyên thuyết các pháp một tướng. 12. Phá trừ tướng phân biệt. 13. Chuyển ức niệm. 14. Chuyển kiến. 15. Chuyển phiền não. 16. Định Tuệ ngang nhau. 17. Điều phục ý. 18. Tâm vắng lặng. 19. Trí vô ngại. 20. Không nhiễm ái. (xt. Thập Địa).