đê xứ đê bình

Phật Quang Đại Từ Điển

(低處低平) Chỗ thấp bằng thấp, tương đối với Cao xứ cao bình (chỗ cao bằng cao). Từ ngữ biểu thị các pháp bình đẳng, có xuất xứ từ cơ duyên vấn đáp giữa thiền sư Qui sơn Linh hựu và đệ tử là sư Ngưỡng sơn Tuệ tịch ở đời Đường. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 11 (Đại 51, 282 trung), ghi: Một hôm, Tuệ tịch theo ngài Qui sơn đi cày ruộng, Tịch hỏi: – Đầu này thấp bao nhiêu, đầu kia cao bao nhiêu? Sơn nói: Hãy dùng nước thử xem, nước có thể làm chuẩn để cân bằng sự vật. Tịch nói: Nước cũng không định được, vì nước chỗ cao bằng cao, ở chỗ thấp bằng thấp. Sơn lặng yên. Ý nói tất cả pháp đều bình đẳng, không có cao, thấp; các khái niệm cao, thấp đều nên xem như tuyệt đối. Nghĩa là đứng trên lập trường rốt ráo mà nhận xét, thì cao là tuyệt đối, mà thấp cũng là tuyệt đối; bởi thế không nên dùng tâm phân biệt cao thấp, lớn nhỏ, đẹp xấu của thường tình để lường tính các pháp.