đệ tứ thiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(第四禪) Phạm: Caturtha-dhyàna, Pàli: Cattutha-jhàna. Tân dịch: Đệ tứ Tĩnh lực. Thiền thứ 4 trong 4 thiền. Cứ theo luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 9 nói, thì Thiền này gồm có 4 tính cách: Xả thanh tịnh, Niệm thanh tịnh, Bất khổ bất lạc thụ và Tâm nhất cảnh tính. Ở trong định này, hành giả đã thoát li diệu lạc của Tam thiền nên gọi là Xả thanh tịnh; chỉ còn nhớ nghĩ đến công đức tu dưỡng, nên gọi là Niệm thanh tịnh, do đó, hành giả an trụ nơi cảm thụ không khổ không vui. Ở trong định này, hành giả có thể đối trị được 5 chướng nạn của việc tu đạo là hơi thở ra vào, tham, lạc, lạc tác ý và Định hạ liệt tính của Đệ tam thiền định. Tu tập định này được quả báo sinh lên cõi Tứ thiền. Cõi này gồm có 8 tầng trời: 1. Vô vân thiên: Tầng trời này ở trên chỗ các tầng mây dày đặc, cho nên bắt đầu từ đây, chỉ có những làn mây mỏng như ánh sao. 2. Phúc sinh thiên: Kẻ phàm phu phải có phúc đức thù thắng mới được sinh lên tầng trời này. 3. Quảng quả thiên: Nơi thù thắng nhất trong các tầng trời cõi Sắc mà phàm phu được sinh đến. 4. Vô phiền thiên: Ở tầng trời này không có những sự vật hoặc hiện tượng tạp nhạp lộn xộn gây ra buồn phiền. Lại vì chúng sinh ở đây không cầu sinh vào cõi Vô sắc nên còn gọi là Vô cầu thiên. 5. Vô nhiệt thiên: Người ở tầng trời này đã diệt hết các hoặc chướng thượng, trung phẩm, tâm ý nhu hòa, không còn nhiệt não nên gọi là Vô nhiệt thiên. 6. Thiện hiện thiên: Người ở tầng trời này đã được định tu các thiện phẩm, quả đức hiện rõ nên gọi là Thiện hiện. 7. Thiện kiến thiên: Người ở tầng trời này đã lìa các chướng tu định, những chỗ trông thấy đều rất rõ suốt nên gọi là Thiện kiến. 8. Sắc cứu kính thiên: Đây là tầng trời sau cùng trong các cõi còn có hình sắc, bên trên tầng trời này là cõi Vô sắc. Tất cả 8 tầng trời trên đây đều ở trong đệ tứ Thiền thuộc cõi Sắc. Ngoài ra, kinh Trường a hàm quyển 20, luận Đại tì bà sa quyển 136, luận Câu xá quyển 11, luận Lập thế a tì đàm quyển 3, quyển 7 v.v… đều có nói rõ về quả báo chỗ ở, thân lượng và thọ lượng của các vị trời Đệ tứ thiền. Sau hết, như đã được trình bày ở trên, các vị trời Tứ thiền đã thoát li cảm thụ diệu lạc của Tam thiền chỉ còn nhớ nghĩ công đức tu dưỡng thôi, cho nên Tứ thiền còn được gọi là Xả niệm thanh tịnh địa và đến mạt kiếp sẽ không bị hỏa tai, đại hồng thủy và bão tố phá hủy. [X. luận Câu xá Q.8; luận A tì đạt ma thuận chính lí Q.21; luận Đại trí độ Q.7]. (xt. Tứ Thiền, Tứ Thiền Thiên).