đế thích thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(帝釋天) Phạm: Zkra Devànàm-indra. Hán âm: Thích ca đề hoàn nhân đà la. Gọi tắt: Thích đề hoàn nhân, Thích ca đề bà. Cũng gọi Thiên đế thích, Thiên chủ, Nhân đà la, Kiều thi ca, Sa bà bà, Thiên nhãn. Đây vốn là một vị thần của Ấn độ giáo. Ở Ấn độ đời xưa, thần này được gọi là Nhân đà la, sau khi du nhập Phật giáo, được gọi là trời Đế thích. Cứ theo các kinh luận nói, thì trời Đế thích vốn là người Bà la môn ở nước Ma già đà, nhờ phúc đức bố thí mà được sinh lên cõi Đao lợi, làm chủ 33 tầng trời. Truyền thuyết này đã có từ thời Phệ đà ở Ấn độ, đến thời đại Phật giáo thì thần cách Nhân đà la được cụ thể hóa mà thành. Trong Phật giáo, thần này là 1 trong 12 vị trời, ở trong thành Thiện kiến trên đỉnh núi Tu di, trấn thủ phương đông, chuyên hộ trì Phật pháp. Ở hai bên vị trời này có 10 Đại thiên tử đứng hầu. Vào 6 ngày trai mỗi tháng, vị trời này ra lệnh cho Tứ thiên vương, Thái tử, Thị giả v.v… xem xét những điều tà chính, thiện ác trong cõi người. Nếu nghe chúng sinh ở nhân gian làm nhiều điều ác, như bất hiếu với cha mẹ, không kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ người nghèo khổ v.v… thì vị trời này lo buồn vì như thế thì thiên chúng sẽ bị giảm tổn mà chúng A tu la tăng thêm. Còn nếu xét thấy có nhiều người siêng năng tu phúc, giữ gìn giới đức, thì trời này ra lệnh cho quan Tư mệnh tăng thêm tuổi thọ cho họ, nếu ngược lại thì sẽ chẳng giúp đỡ hộ trì mà còn có thể làm cho giảm thọ. Sau khi đức Thế tôn thành Phật, trời Đế thích trở thành thần thủ hộ của Ngài. Trong thời gian Ngài lên cung trời Đao lợi nói pháp cho thân mẫu nghe thì trời Đế thích cầm lọng báu theo hầu đức Phật. Hình tượng Đế thích thông thường là hình người trời cỡi voi trắng, tay phải cầm chày 3 chĩa, tay trái chống vào cạnh sườn ngang chỗ thắt lưng. Trong viện Ngoại kim cương trên Mạn đồ la Thai tạng giới Mật giáo thì hình Đế thích được tạo theo hình tượng các Thần vương. [X. kinh Tạp a hàm Q.40; phẩm Đao lợi thiên trong kinh Trường a hàm Q.20; kinh Tứ thiên vương; kinh Đại bát niết bàn Q.33 (bản Bắc); phẩm Cụ duyên trong kinh Đại nhật Q.2; Đại nhật kinh sớ Q.5]. (xt. Nhân Đà La, Phạm Thiên, Kiều Thi Ca).