đệ nhị thiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(第二禪) Phạm: Dvitìya-dhyàna, Pàli: Dutiyajhàna. Tân dịch: Đệ nhị tĩnh lự. Thiền thứ 2 trong Tứ thiền, gồm có 4 tính cách: Nội đẳng tịnh, Hỉ, Lạc, Tâm nhất cảnh tính. Hành giả ở trong Thiền định này đã xa lìa hoạt động tâm lí Tầm (tìm tòi), Tứ (rình xét) của Sơ thiền, trong tâm có niềm tin trong sáng nên gọi là Nội đẳng tịnh; nhờ Thiền định, hành giả ở trong trạng thái hỉ (mừng) và lạc (vui) nên gọi là Định sinh hỉ lạc. Tu tập thiền định này, hành giả có thể đối trị 5 thứ chướng ngại của sự tu đạo ở Sơ thiền là:tham, tầm tứ, khổ, trạo cử và định hạ liệt tính. Lại nữa, tu tập Thiền định này, hành giả sẽ được quả báo sinh lên cõi trời Đệ nhị thiền. Cõi thiền này có 3 tầng trời: 1. Thiểu quang thiên: Trong các tầng trời của cõi Nhị thiền, tầng trời này ít ánh sáng nhất nên gọi là Thiểu quang thiên. 2. Vô lượng quang thiên: Ánh sáng ở tầng trời này dần dần tăng thêm tới mức khó đo lường được, nên gọi là Vô lượng quang thiên. 3. Cực quang tịnh thiên: Ánh sáng ở tầng trời này sáng hơn 2 tầng trời nói trên, chiếu khắp cõi mình. Lại vì thiên chúng của tầng trời này dùng ánh sáng làm tiếng nói nên còn gọi là Quang âm thiên. Ngoài ra, kinh Thế kí trong Trường a hàm quyển 20, luận Đại tì bà sa quyển 136, luận Câu xá quyển 11, luận Lập thế a tì đàm quyển 3, quyển 7 v.v… đều có nói đến quả báo về chỗ ở, về thân lượng và thọ lượng của các vị trời Đệ nhị thiền. Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, nhờ an trụ nơi Thiền định mà các vị trời ở cõi này sinh khởi cảm thụ hỉ, lạc, cho nên cõi trời này còn được gọi là Định sinh hỉ lạc địa. Sau hết, vào thời mạt kiếp, khí thế gian từ cõi trời Đệ nhị thiền trở xuống, sẽ bị nạn đại hồng thủy xâm nhập hủy hoại. [X. kinh Chúng tập trong Trường a hàm Q.8; luận Câu xá Q.28; luận Hiển dương thánh giáo Q.2, Q.19]. (xt. Tứ Thiền, Tứ Thiền Thiên).