đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(諦) Phạm: Satya, Pàli: Sacca. Chân lí bất biến. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 17 nói, giáo pháp của Như lai chân thực nên gọi là Đế. Về các loại Đế, trong kinh luận có nhiều thuyết khác nhau, như: Nhất đế, Nhị đế, Tam đế, Tứ đế, cho đến Thất đế, Thập đế, Thập lục đế, Nhị thập ngũ đế v.v… Luận Du già sư địa quyển 46 mở rộng Tứ đế thành Thất đế và Thập đế, rồi dựa theo đó mà thuyết minh lí mê – ngộ và nhân – quả. Trong đó, mối quan hệ giữa Thất đế (7 đế) và Tứ đế (4 đế) là: Ái vị đế (Tập), Quá hoạn đế (Khổ), Xuất li đế (Đạo), Pháp tính đế (Diệt), Thắng giải đế (Đạo), Thánh đế (Diệt), Phi thánh đế (Khổ, Tập). Mối quan hệ giữa Thập đế (10 đế) và Tứ đế là: Năm đế đầu hiển bày 8 khổ, biểu thị Khổ đế; kế đến, Nghiệp đế và Phiền não đế biểu thị Tập đế; kế nữa, Thính văn chính pháp như lí tác ý và Chính kiến đế biểu thị Đạo đế; cuối cùng, Chính kiến quả đế thì tương đương với Diệt đế. Cứ theo kinh Hoa nghiêm quyển 25 (bản dịch cũ) nói, thì Bồ tát đệ ngũ địa giáo hóa chúng sinh, vì muốn chúng sinh hiểu rõ chân lí nên nói 10 đế là: Thế đế, Đệ nhất nghĩa đế, Tướng đế, Sai biệt đế, Thuyết thành đế, Sự đế, Sinh đế, Tận vô sinh trí đế, Linh nhập đạo trí đế và Nhất thiết bồ tát thứ đệ thành tựu chư địa khởi Như lai trí đế. Kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp quyển thượng thì triển khai 10 đế thành 16 đế. Học phái Chính lí trong 6 phái triết học của Ấn độ đời xưa lập 16 đế, tức là chia phương pháp luận chứng nhận thức và suy lí làm 16 loại, cũng gọi là Thập lục cú nghĩa. [X. kinh Chúng tập trong Trung a hàm Q.8; luận Đại tì bà sa Q.77; luận Thành thực Q.11; Nhị đế nghĩa Q.thượng; Ma ha chỉ quán Q.3 phần trên; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.3 phần cuối; Trung quán luận sớ Q.10 phần đầu; luận Kim thất thập].