Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

 

ĐAU TAY

“BS ơi tay tôi đau quá!!”

Bàn tay là nơi bắt đầu của nhiều thứ, từ cái nắm tay đầu tiên, lần đụng chạm với nhau đầu tiên, hay cái tát đầu tiên. Dĩ nhiên, bàn tay chúng ta cũng dễ bị tổn thương đầu tiên.

Bàn tay là một trong những tuyệt phẩm của tạo hoá với 27 xương, cơ, và dây chằng để tạo ra những động tác chính xác nhất, mạnh mẽ, nhưng cũng nhẹ nhàng nhất.

Chúng ta bị đau tay khi tổn thương một phần hay kết hợp nhiều phần của xương, khớp, mô kết nối, gân, hay dây thần kinh do viêm, đau dây thần kinh, gãy xương, lệch/dãn dây chằng, hay các bệnh mãn tính khác.

Mô tả chính xác vị trí đau trên bàn tay và bệnh sử của quý vị sẽ giúp BS tìm ra lý do đau tay nhanh hơn. Đây là các bệnh đau tay hay gặp:

1. Viêm khớp tay: (Hand Arthritis)

– Người bệnh cảm giác đau nhức khớp thường xuyên, nhất là về đêm, đôi khi có cảm giác tê tê như điện giật, và giảm cảm giác. Buổi sáng, các khớp bàn tay thường bị cứng (viêm RA cứng lâu hơn viêm OA). Hai loại viêm khớp xương tay hay gặp là viêm khớp do thoái hoá (Osteoarthritis) và viêm thấp khớp (Rheumatoid Arthritis). Cả hai loại viêm khớp đều làm tổn thương phần sụn, khiến xương đụng xương gây ra đau. Viêm OA thường xảy ra ở người lớn tuổi trong khi viêm thấp khớp RA xảy ra ở trường trẻ hơn. Cả hai loại đau tay này đều ảnh hưởng đến chức năng của bàn tay.

Viêm thoái hoá OA do chúng ta làm việc nhiều, cử động khớp nhiều lần, hoặc có tư thế không đúng. Trái lại viêm thấp khớp RA do hệ miễn dịch, bạch cầu tấn công vào các khớp làm hư hại.
Cách chữa viêm khớp tay hiện nay là chẩn đoán đúng, dùng thuốc giảm đau phù hợp (NSAID cho viêm OA và NSAID/DMARD/Biologics viêm RA). Chích steroid thẳng vào khớp, nẹp cố định, tập vật lý trị liệu, và cuối cùng là phẫu thuật để chữa đau.

2. Hội chứng hẹp ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome):

– Người mắc hội chứng này hay cảm giác đau rát, đau tê, hay đau ngứa ở lòng bàn tay cả ngày. Buổi sáng, cổ tay có thể bị co cứng và đau nhức thường ở vùng gần ngón tay cái, ngón trỏ, hay ngón giữa. Về lâu dài, bàn tay yếu đi khi nắm hay cầm đồ vật. Lý do là dây thần kinh giữa (median nerve) bị kẹt và chèn ép ở giữa ống cổ tay.

Vùng cổ tay có nhiều dây thần kinh, dây chằng, mạch máu, và xương đi qua, được bó gọn trong bao hoạt dịch như gói rau muống quý vị thấy ngoài chợ. Khi cánh tay và cổ tay hoạt động nhiều (như gõ bàn phím viết bài Facebook như tôi), khiến khớp cổ tay sưng, theo thời gian, ép lên dây thần kinh giữa gây ra triệu chứng đau như trên.
Chữa trị bệnh này gồm chẩn đoán đúng, vật lý trị liệu, đeo nẹp cổ tay, thay đổi cách làm việc (như tôi viết bài Fb giảm lại), uống thuốc giảm đau NSAID, châm cứu, hay chích steroid trực tiếp vào vùng viêm làm giảm sưng. Cuối cùng, phẫu thuật giảm áp lực ép dây thần kinh cũng là một lựa chọn tốt khi các phương thức trên không hiệu quả.

3. Viêm dây chằng De Quervain’s (Tenosynovitis):

– Bệnh nhân mắc bệnh này thường đau nhức vùng xung quanh ngón cái, đặc biệt là phần gốc với các dây chằng bị sưng (rất đau khi đụng vào), giảm khả năng nắm chặt vật dụng. Khi các dây chằng và vùng gây xung quanh (bao gân hoạt dịch) bị sưng, ép lên dây thần kinh gần đó, tạo ra cơn đau và tê vùng gốc ngón tay.

Thường bệnh này do làm việc quá nhiều vùng ngón tay hoạt hoạt động liên tục (như đánh bài, điếm tiền, chơi iphone) hay chấn thương trực tiếp vào vùng bao xung quanh gây cổ tay. Bệnh xảy ra nhiều hơn ở nữ giới, nhiều hơn trong lúc mang thai.

Chữa trị cho bệnh này gồm đeo nẹp, dùng bịch chườm nóng/lạnh, dùng thuốc NSAID, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, và chích steroid trực tiếp vào vùng sưng. Phẫu thuật ít khi cần đến ngoại trừ trường hợp tổn thương do tai nạn hay các trị liệu thuốc không giảm.

4. Đau Gút bàn tay (Gout Arthritis):

– Bệnh nhân bị mắc bệnh này thường bị đau nhức đột ngột ở khớp cổ tay hay một vài khớp ngón tay, sưng đỏ, nóng, nhất là đau buốt về đêm khi nhiệt độ xuống. Mặc dù bệnh gút ít hay khị đau ở khớp tay hay cổ tay, do bệnh gút thường đau ở khớp gối hay mắt cá hay ngón chân, nhưng bệnh nhân gút vẫn có thể đau cổ tay thường xuyên do tích tụ uric acid thành các cục vôi tophi ở bàn tay. Một vài trường hợp cực hiếm, bệnh nhân gut có thể có cục tophi ở dương vật (trích trong sách “Từ KTS thành BS tại Hoa Kỳ, chương 24)

Chữa trị bệnh gút bàn tay tương tự như chữa gout khớp gối. Bệnh nhân cần uống thuốc giảm đau NSAID, giảm lượng uric qua thuốc (Allopurinol/Colchicine) hay đồ ăn (bớt ăn đồ biển, thịt đỏ, có nhiều protein), và tập vật lý trị liệu. Chích steroid vào khớp trong trường hợp đau liên tục, không giảm với thuốc. Dùng dịch Pegloticase (rất mắc tiền) là cách chữa hẳn gout với tophi gần đây. Phẫu thuật ít có tác dụng trong chữa trị gout.

5. Đau khớp bàn tay do bệnh Lupus Ban Đỏ (Systemic Erythematous Lupus):

– Bệnh nhân mắc bệnh Lupus ban đỏ đôi khi bắt đầu bằng sưng đỏ đau khớp hai bàn tay. Đây là bệnh tự miễn, do hệ miễn dịch (bạch cầu và kháng thể) của chính bệnh nhân tấn công vào các khớp cổ tay, bàn tay, gây ra viêm sưng. Đau nhức khớp hai bàn tay, đau cứng cổ tay buổi sáng, có thể giống viêm thấp khớp RA, nhưng các xét nghiệm lab và các dấu hiệu lâm sàng khác như sốt, rụng tóc, nổi mẩn đỏ trên mặt có thể dẫn đến chẩn đoán lupus.

Khi bệnh nhân Lupus lên cơn đau, cả cơ thể bị viêm, khiến cho các lớp vòng xung quanh khớp bị sưng, dẫn đến đau buốt nhức cả bàn tay.

Chữa trị đau tay do Lupus thường nhắm vào chữa trị toàn thân, kiểm soát cơn Lupus. Khi bệnh nhân ổn định và qua cơn Lupus, các khớp đau sẽ giảm. Bệnh nhân có thể uống thuốc kháng viêm NSAID, chờm nóng/lạnh, hay vật lý trị liệu. Chích steroid vào khớp tay do Lupus thường không tác dụng do bệnh Lupus làm tổn thương nhiều khớp ở tay.

6. Đau khớp bàn tay do viêm dây thần kinh ngoại biên (Peripheral Neuropathy):

– Bệnh nhân mắc bệnh này thường có cảm giác đau tê tê, đau buốt bàn tay, mất hay giảm cảm giác, hay mất/giảm khả năng cầm nắm đồ vật. Điều này thường do dây thần kinh bàn tay bị tổn thương do nhiều lý do: tiểu đường không kiểm soát, đau dây thần kinh cột sống, bệnh mãn tính, nhiễm trùng, hay chấn thương dây thần kinh. Tổn thương dây thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở một hay nhiều dây thần kinh từ cổ dẫn đến cổ tay, dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau, từ mất cảm giác sờ đụng, cảm giác nóng lạnh, đến yếu cơ bắp. – Chữa trị đau do bệnh này thường phải chữa tận bệnh gốc như tiểu đường, chữa tổn thương thần kinh cột sống, chữa bệnh mãn tính, kết hợp tập vật lý trị liệu, thay đổi lối sống. Các thuốc trị liệu giảm đau gồm thuốc kháng viêm NSAID, đau thần kinh họ Neurotin, hay thuốc chữa trầm cảm.

7. Đau bàn tay do “ngón tay bóp…cò hay ngón tay bật lò xo” (Trigger Finger):

– Bệnh đau tay này xảy ra ở các ngón tay nhỏ, thường xảy ra ở ngón trỏ hay ngón áp út, khi bệnh nhân co ngón tay lại, bị kẹt không mở ra được, vì vậy bệnh này có tên thú vị là ngón tay bật lò xo hay ngón tay bóp cò do bóp rồi…không mở ra được. Khi ngón tay bị kẹt vào vị trí co lại, khớp sẽ đau nhức ở gốc ngón tay và dây chằng sẽ sưng căng lên. Bệnh nhân thường phải dùng bàn tay còn lại từ từ mở ngón tay bị gập ra cho bớt đau.

– Thông thường, khi chúng ta cử động các ngón tay lại, các khớp nhỏ ở ngón tay có các dây chằng như dây ròng rọc chạy qua một khe hẹp nhỏ. Nếu các khớp ngón tay này làm việc nhiều (như bóp cò súng hay làm nhiều việc lặp lại) sẽ khiến vùng dây chằng sưng, theo thời gian làm dây to hơn, không chạy trơn trượt qua khe hẹp ở giữa khớp ngón tay, dẫn đến dây bị kẹt khi ngón tay gập lại.

– Chữa trị bệnh này gồm uống thuốc kháng viêm NSAID, dùng nẹp ống cho ngón tay, dùng vật lý trị liệu, hay chích steroid vào khớp (khá hiệu quả).

8. Các bệnh khác làm đau nhức bàn tay:

– Raynaud hội chứng đau nhức đổi màu bàn tay do các mạch máu vùng cổ tay/bàn tay bị co lại. Thường hội chứng Raynaud xảy ra do nhiều lý do, các bệnh tự miễn như Lupus hay viêm khớp RA, xơ bì cứng (systemic scleroderma) cũng có thể làm tay sưng đổi màu. Chữa trị hội chứng Raynaud thường nhắm vào bệnh lý gây ra (như Lupus hay xơ bì cứng).

– viêm đau tay do các cục nước (Cyst) trong gân hay dây chằng, thường do hoạt động liên tục khiến nước dịch tích tụ sưng viêm. Các cục nước này thường xuất hiện giữa bàn tay, ngón tay, cổ tay, có thể ép lên dây thần kinh dẫn đến đau nhức. Chữa trị dùng thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu, hay chích kim hút nước.

# Khi nào quý vị nên gặp bác sĩ ?

Khi cơn đau bàn tay nặng hơn, có đau mới, hay các đau tê nhức làm giảm chức năng bàn tay, quý vị nên gặp BS. Tuỳ vào bệnh lý, BS gia đình có thể dùng thuốc chữa, hay gửi quý vị đến chuyên viên vật lý trị liệu, BS chuyên khoa cơ xương khớp, hay chấn thương chỉnh hình.