đâu suất vãng sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(兜率往生) Cũng gọi Đâu suất thướng sinh. Vãng sinh lên cõi trời Đâu suất là Tịnh độ của bồ tát Di lặc. Cõi trời Đâu suất có Nội viện là nơi bồ tát Di lặc thuyết pháp và Ngoại viện là chỗ chư thiên hưởng thụ dục lạc, khó được nghe pháp. Tại Ấn độ đời xưa, tín ngưỡng vãng sinh Đâu suất rất được thịnh hành, cho nên đã có khá nhiều tư liệu ghi chép việc các bậc cao tăng đại đức phát nguyện vãng sinh Di lặc Tịnh độ mong được bồ tát Di lặc giáo hóa. Cứ theo Đại sử (Mahàvaôsa, XXXII) vănPàli chép, thì vào khoảng thế kỉ thứ II trước Tây lịch, lúc lâm chung, vua Mộc xoa già ma ni (Duỉỉhagàmaịi) nước Tích lan, nghe một vị Trưởng lão nói về bồ tát Di lặc và chỗ ở của Ngài, liền sinh tín tâm, nên khi nhà vua băng liền được bồ tát Di lặc từ cung trời Đâu suất ngồi xe đến đón về cõi này. Lại cứ theo Xuất tam tạng kí tập quyển 10 chép, thì các ngài Bà tu mật, Di đố lộ đao lợi và Tăng già la sát đều đã sinh lên cung trời Đâu suất, trong đó, ngài Bà tu mật sẽ là vị Phật ra đời tiếp sau đức Di lặc, hiệu là Sư tử Như lai, còn ngài Di đố lộ đao lợi cũng sẽ thành Phật hiệu là Quang viêm Như lai, ngài Tăng già la sát hiệu là Nhu nhân Phật. Lại nữa, cứ theo Bà tẩu bàn đậu pháp sư truyện và Đại đường tây vực kí quyển 5 chép, thì các ngài Vô trước, Thế thân, Sư tử giác v.v… cũng đã được vãng sinh hoặc phát nguyện vãng sinh Tịnh độ Đâu suất, trong đó, tại cung trời Đâu suất, ngài Vô trước đã thỉnh vấn bồ tát Di lặc về yếu nghĩa của các kinh Đại thừa. Ngoài ra, còn nhiều tư liệu tương tự khác, không thể kể hết được. Ở Trung quốc, tín ngưỡng vãng sinh Tịnh độ Đâu suất đã thịnh hành từ đời Đông Tấn trở về sau. Cứ theo Đạo an truyện, Tăng phụ truyện, Đàm giới truyện, Đạo uông truyện, Tăng ấn truyện, Pháp thịnh truyện trong Danh tăng truyện sao và Lương cao tăng truyện quyển 5 chép, thì ngài Đạo an và tám vị đệ tử của ngài là Pháp ngộ v.v… đều phát nguyện vãng sinh về cõi trời Đâu suất. Khi ngài Đạo an thị tịch, quả nhiên cảm được thần tăng trỗi nhạc cõi trời Đâu suất hiện thân đến đón. Lại cứ theo Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện quyển 10, Tán thán bộ trong Pháp uyển châu lâm quyển 16, truyện Khuy cơ và truyện Đạo tuyên trong Tống cao tăng truyện quyển 4, quyển 14 chép, thì ngài Huyền trang và đệ tử là Khuy cơ, ngài Đạo tuyên v.v… đều lập thệ nguyện về cõi trời Đâu suất. Ngài Huyền trang còn soạn Tán Di lặc tứ lễ văn, ngài Khuy cơ thì soạn Di lặc thướng sinh kinh sớ để khởi xướng tín ngưỡng vãng sinh Đâu suất. Thời gần đây, các bậc cao tăng như: Đại sư Thái hư, hòa thượng Hư vân, bồ tát Từ hàng v.v… đều phát nguyện vãng sinh về Nội viện Tịnh độ Di lặc. Tại Nhật bản, tư liệu ghi chép về tín ngưỡng Di lặc sớm nhất là vào thời Khâm minh Thiên hoàng năm 13 (551) khi Bách tế thỉnh được một pho tượng Di lặc bằng đá rồi lập điện Phật để tôn thờ, lễ bái. Từ đó, tín ngưỡng Đâu suất dần dần hưng thịnh, người phát nguyện vãng sinh rất nhiều, trong đó có cao tăng Không hải (774-835). Bồ tát Di lặc được tông Pháp tướng du già tôn thờ làm vị Khai tổ cho nên các luận sư Pháp tướng phần nhiều đều phát nguyện vãng sinh Đâu suất. Hơn nữa, từ khi ngài Vô trước sáng tác luận Nhiếp đại thừa, trong đó, ngài nói rằng người phàm phu vãng sinh Cực lạc là Biệt thời ý thì tín ngưỡng vãng sinh Đâu suất lại càng hưng thịnh. Kinh Quán vô lượng thọ có nói: Niệm danh hiệu Phật được vãng sinh Tây phương cực lạc ngay tức khắc, nhưng, thuyết Biệt thời ý thì cho rằng niệm danh hiệu Phật thực ra chỉ là cái nhân xa của sự vãng sinh Tây phương, còn nói được vãng sinh tức khắc thì đó chỉ là phương tiện thuyết pháp để khuyên chúng sinh xả bỏ sự biếng nhác mà thôi. Đây là nguyên nhân khiến cho tín ngưỡng vãng sinh Tây phương đã một thời suy vi tại Ấn độ và Trung quốc. Do đó, các ngài Cát tạng, Đạo xước, Ca tài v.v… mới nêu ra những luận điểm để so sánh sự hơn, kém giữa Đâu suất, Cực lạc và sự vãng sinh khó, dễ như thế nào. Trong đó, Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ của ngài Cát tạng lập bốn nghĩa để so sánh sự dị đồng giữa kinh Quán vô lượng thọ và kinh Di lặc. Còn An lạc tập quyển thượng của ngài Đạo xước thì nêu ra 4 nghĩa để so sánh sự hơn kém giữa Tây phương và Đâu suất như sau: 1. Bồ tát Di lặc thuyết pháp cho chúng sinh nghe, có những chúng sinh nghe pháp thâm tín, nhưng cũng có rất nhiều chúng sinh đam mê hưởng lạc không tin. Vả lại, dù được vãng sinh lên cõi trời Đâu suất, nhưng thế giới này còn thuộc trong 3 cõi, nên vẫn còn nguy cơ bị thoái chuyển. Trái lại, người vãng sinh Tây phương không còn trở lui nữa, vì Tây phương là vô lậu, không thuộc phạm vi ba cõi. 2. Thọ mệnh của những người vãng sinh Đâu suất chỉ có 4 nghìn tuổi, sau khi mệnh chung khó tránh khỏi bị đọa trở lại. Còn những người vãng sinh Tây phương thì tuổi thọ của họ là vô lượng. 3. Rừng cây chim nước ở Đâu suất chỉ là duyên tạo ra các thú vui cho chư thiên; còn rừng cây chim nước ở Tây phương thì có khả năng diễn nói diệu pháp khiến những người vãng sinh chứng được cảnh giới vô sinh. 4. Về âm nhạc thì âm nhạc ở Tịnh độ phương tây thù thắng gấp muôn ức lần âm nhạc ở thế gian và sáu cõi trời, do đó, cõi Đâu suất không thể sánh kịp. Ngoài ra, trong luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 4 của ngài Hoài cảm, Hoa nghiêm kinh khổng mục chương quyển 4 của ngài Trí nghiêm, luận Tịnh độ quyển hạ của ngài Ca tài v.v… cũng nêu ra nhiều nghĩa rõ ràng để so sánh sự hơn kém, khó dễ giữa Tịnh độ Di đà và Di lặc. Về nhân hạnh và thứ bậc vãng sinh về cõi trời Đâu suất, cứ theo kinh Di lặc thướng sinh và Kinh sớ do ngài Khuy cơ soạn, thì Nhân hạnh vãng sinh về Nội viện Đâu suất có 3 phẩm thượng, trung, hạ, mỗi phẩm lại được chia làm 3 phẩm thượng, trung, hạ nữa, thành tất cả là 9 phẩm. – Nhân tu vãng sinh Thượng phẩm gồm có 6 việc là: Siêng tu công đức, quét dọn chùa tháp, cúng dường hương hoa, tam muội chính thụ và đọc tụng kinh điển. Thượng phẩm thượng sinh tu 5 việc hoặc 6 việc, Thượng phẩm trung sinh tu 3 việc hoặc 4 việc, Thượng phẩm hạ sinh tu 1 việc hoặc 2 việc. – Nhân tu vãng sinh Trung phẩm gồm có ba hạnh nghiệp là: Tâm vui mừng, lời cung kính và thân lễ bái. Trung phẩm thượng sinh phải tu đầy đủ 3 hạnh nghiệp, Trung phẩm trung sinh tu 2 hạnh, Trung phẩm hạ sinh tu 1 hạnh. – Nhân tu vãng sinh Hạ phẩm có 11 thứ là: Sám hối, nghe danh hiệu, tạo hình tượng, cúng hương, cúng hoa, cúng y phục, cúng lọng tua, cúng cờ, cúng phan, thân thường lễ bái, tâm miệng chuyên niệm v.v… Sám hối là hạnh nghiệp chung của ba phẩm hạ sinh. Còn Hạ phẩm thượng sinh thì phải tu cả 10 hạnh kia. Hạ phẩm trung sinh tu: Tạo tượng, cúng dường, lễ bái. Hạ phẩm hạ sinh tu: Tạo tượng, cúng dường. Ngoài ra, vãng sinh về Ngoại viện Đâu suất phải tu năm nhân hạnh là: Giữ 5 giới, giữ 8 giới, giữ giới Cụ túc, tinh tiến và tu pháp Thập thiện. [X. kinh Di lặc hạ sinh; kinh Tâm địa quán Q.3; Du tâm an lạc đạo; luận Tịnh độ thập nghi; A di đà kinh sớ sao Q.4; Vãng sinh yếu tập Q.thượng phần cuối]. (xt. Đâu Suất Thiên, Di Lặc Bồ Tát).