đâu lâu bà

Phật Quang Đại Từ Điển

(兜樓婆) Phạm: Turuwka. Cũng gọi Đẩu lâu bà, Đâu lâu ba, Đô rô bà, Đố lộ bà, Đột bà, Tốt đổ lỗ ca. Dịch ý: Bạch mao hương, Mao hương, Hương thảo. Tức là Tô hợp hương. Một loại cỏ (giống như cỏ tranh) có mùi thơm. Kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm quyển 7 nói: Trước đàn đặt một cái lò nhỏ, nấu cỏ Đâu lâu bà để lấy nước tắm gội. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 7 nói, thì cỏ Đố lộ bà là hương mục túc (một loại rau ăn được) của Ấn độ, hơi khác với hương mục túc của Trung quốc. Ngoài ra, còn có Cầu cầu la (Phạm: Gugula), tức là hương An tức, cũng khác với Đâu lâu bà. [X. Pháp hoa nghĩa sớ Q.11].