đạt ma tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(達磨像) Đây không phải chỉ riêng cho tượng Tổ sư Thiền tông mà là tượng ngài Đạt ma do trí tưởng tượng của người đời sau mà được vẽ ra, là một loại mĩ thuật Thiền lưu hành ở đời Tống, Nguyên trở đi, cũng là một trong các nhân vật Phật giáo, Đạo giáo được dùng làm đề tài hội họa. Thông thường tượng ngài Đạt ma được vẽ theo các chủ đề: Lô diệp đạt ma(cũng gọi Nhất vi độ giang. Nghĩa là Tổ Bồ đề đạt ma ngồi trên một cọng lá lau vượt sông Trường giang sang nước Ngụy), Tổ sư vấn đáp(tranh vẽ Tổ Đạt ma đàm đạo với Lương Vũ đế), Diện bích Đạt ma (tranh Tổ Đạt ma xoay mặt vào vách ngồi thiền trong 9 năm), Chích lí Đạt ma, cũng gọi Chích lí Tây qui (tranh vẽ sự tích Tổ Đạt ma tay mang một chiếc giày trở về Ấn độ), Tuệ khả đoạn tí (Tuệ khả chặt tay, tranh vẽ Nhị tổ Tuệ khả biểu thị quyết tâm cầu pháp nơi Tổ Đạt ma) v.v…