Đạt-ma-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: dharmapa hoặc dhamapa, damapa; “Kẻ tu học triền miên”; Một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem như sống đầu thế kỉ thứ 11. Ðạt-ma-pa là người dòng Bà-la-môn, siêng năng học hỏi, nhưng ông thiếu khả năng phân tích và thiền định nên không tiến bộ gì cả. Ngoài ra ông còn có thêm tính hay quên. Ngày nọ ông gặp một vị Du-già sư (s: yogin), thú nhận yếu kém của mình và cầu xin giúp đỡ. Vị Du-già sư truyền bí mật cho ông bằng bài kệ nói về cái nhất thể trong mọi hiện tượng: Ví như người thợ rèn, đốt cháy mọi kim loại, rèn thành thỏi duy nhất. Hãy hoà mọi hiểu biết, vào Tâm thức mênh mông. Vị Du-già sư đã dạy cho ông thoát khỏi loại tri kiến của nhà học giả, tức là biết rất nhiều nhưng không hiểu cái biết đó từ đâu mà ra. Nhờ tri kiến này, Ðạt-ma-pa chứng rằng, nguồn gốc tất cả hiểu biết của mình chính là tự tính của tâm thức. Ông đạt được sức mạnh và chứng ngộ được Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi) giúp vô số người tìm đường giải thoát. Bài ca chứng đạo của Ðạt-ma-pa như sau: Tâm trí người trí thức, bị óc quen phân tích, bị tư duy nhị nguyên, đầu độc quá nặng nề. Phép lành của Ðạo sư, biểu hiện bằng lời nói, chữa căn bịnh phát xuất, từ cái nhìn lầm lạc.