đạt ma đa la

Phật Quang Đại Từ Điển

(達磨多羅) I. Đạt Ma Đa La. Phạm: Dharmatràta. Cũng gọi Đàm ma đa la, Đạt ma đát la đa, dịch ý: Pháp cứu. Luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, ra đời kế tiếp các ngài Bà tu mật (Thế hữu), Cù sa (Diệu âm). Luận Đại tì bà sa quyển 77 nói ngài là một trong 4 vị luận sư lớn của Thuyết nhất thiết hữu bộ; có thuyết cho rằng ngài là một trong 4 vị luận sư lớn của hội Bà sa. Còn trong luận Câu xá, luận Tôn giả bà tu mật bồ tát sở tập, luận Đại tì bà sa v.v… nhiều chỗ gọi ngài là Đại đức Pháp cứu, Tôn giả Pháp cứu, Tôn giả Đàm ma đa la, Đại đức, hoặc Đại đức thuyết và có trích dẫn luận thuyết của ngài. Ngoài ra, người biên chép kinh Pháp cú cũng có tên là Đại đức Pháp cứu, nhưng khó mà suy đoán có phải cùng là một người hay không. [X. Câu xá luận quang kí Q.2; Xuất tam tạng kí tập Q.12]. II. Đạt Ma Đa La. Phạm: Dharmatràta. Cũng gọi Đạt ma đát la đa. Dịch ý: Pháp cứu, Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm quyển 6 phiên âm là Đạt ma uất đa la và dịch ý là Pháp thượng. Ngài là người ở thành Bố lộ sa bố la nước Kiện đà la, luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, thuộc môn phái ngài Pháp thắng. Ngài ở ngôi chùa cách thành phố Bố sắc yết la phạt để khoảng 5 dặm về phía bắc, nổi tiếng nhờ soạn thuật bộ luận Tạp a tì đàm tâm 11 quyển để giải thích luận A tì đàm tâm của ngài Pháp thắng. Về năm sinh của ngài thì Tam luận huyền nghĩa cho rằng ngài ra đời khoảng 600 năm sau đức Phật nhập diệt, Pháp hoa huyền nghĩa thì chủ trương khoảng 800 năm sau Phật nhập diệt. Bởi vì luận Tạp a tì đàm tâm được ngài Tăng già đề bà phiên dịch vào cuối năm Kiến nguyên (365 – 384) đời Phù Tần, cho nên niên đại của sư phải là trước khoảng thời gian này. [X. Câu xá luận bảo sớ Q.1; Xuất tam tạng kí tập Q.10]. III. Đạt Ma Đa La. Phạm: Dharmatràta. Cũng gọi Đàm ma đa la. Luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ và là người truyền trì pháp Thiền. Cứ theo Xuất tam tạng kí tập quyển 9, thì sư ra đời sau ngài Phú nhã mật la, cùng với ngài Phật đà tư na (Phật đà tư tiên) hoằng dương pháp thiền Đại thừa ở nước Kế tân và cùng biên soạn Đạt ma đa la thiền kinh. Lại theo Trí nghiêm truyện trong Lương cao tăng truyện quyển 3, thì ngài Trí nghiêm đến nước Kế tân học pháp Thiền nơi ngài Đạt ma đa la tại tinh xá Ma thiên đà la. Căn cứ vào đó mà suy đoán thì vào khoảng năm Long an (397 – 401) đời Đông Tấn ngài vẫn còn tại thế. [X. Đạt ma đa la thiền kinh Q.thượng; Xuất tam tạng kí tập Q.12]. (xt. Đạt Ma Đa La Thiền Kinh). IV. Đạt Ma Đa La. Pàli: Dhammapàla. Cũng gọi Đạt ma ba la. Nhà chú thích kinh điển ở cuối thế kỉ thứ V, được tôn là A xà lê (Pàli: Àcàriya). Sư là người ở thành phố Kiến chí bổ la (Phạm: Kàĩcìpura) miền Nam Ấn độ. Sư từng học ở Đại tự (Pàli: Mahà-vihàra), về sau, sư ở tại chùa Ba đa la để đà (Pàli: Padaratittha-vihàra), nước Đạt mi lạp (Pàli: Damiơa) miền Nam Ấn độ, chuyên lo việc trứ tác. Về niên đại, sư thuộc hàng hậu bối của ngài Phật âm (Pàli: Buddhaghosa), tiếp nối ngài Phật âm hoàn thành việc chú thích Tam tạng bằng tiếngPàli mà ngài Phật âm còn bỏ dở. Có thuyết cho rằng sư là Bồ tát Đạt ma ba la (Hộ pháp) được nêu trong Đại đường tây vực kí quyển 10, nhưng thuyết này sau bị các ông như W. Geiger bác bỏ. Cứ theo Thánh điển sử (Pàli: Gandhavaôsa) chép, thì sư có những tác phẩm sau đây: – Chân đế đăng (Pàli: Paramatthadìpanì): Nội dung chú thích 7 bộ thuộc Tiểu bộ kinh (Pàli: Khuddhaka-nikàya) là: 1. Như thị ngữ (Pàli: Itivuttaka). 2. Tự thuyết (Pàli: Udàna). 3. Sở hành tàng (Pàli: Cariyàpiỉaka). 4. Trưởng lão kệ (Pàli: Thera-gàthà). 5. Trưởng lão ni kệ (Pàli: Therì-gàthà). 6. Thiên cung sự (Pàli:Vimàna-vatthu). 7. Ngã quỉ sự (Pàli: Peta-vatthu). -Chân đế khuông (Pàli: Paramatthamaĩjùsà), cũng gọi Đại chú (Pàli: Mahàỉìkà): Nội dung chú thích luận Chỉ đạo (Pàli: Nettipakaraịa) và luận Thanh tịnh đạo (Pàli: Visuddhimagga). -Bí nghĩa giải minh (Pàli: Lìnatthavaịịanà): Nội dung chú thích Trường bộ kinh (Pàli: Dìgha-nikàya), Trung bộ kinh (Pàli: Majjhima-nikàya), Tương ứng bộ kinh (Pàli: Saôyutta-nikàya) và Tăng chi bộ kinh (Pàli: Aíguttara-nikàya) v.v… – Bản sinh kinh chú sớ (Pàli: Jàtakaỉỉhakathà-ỉìkà). – Chỉ đạo luận chú sớ (Pàli: Neỉỉitthakathà-ỉìkà). – Phật chủng tính chú sớ (Pàli: Buddhavaôsaỉỉhakathà-ỉìka). – Thích A tì đạt ma chú sớ (Pàli: Abhidhammaỉỉhakathà-ỉìkà-anutìkà). Nhưng có thuyết cho rằng bộ Thích A tì đạt ma chú sớ này không phải là tác phẩm của sư. [X. B.C. Law: A History of Pàli Literature; G.P. Malalasekera: Dictionary of Pàli Proper Names]. V. Đạt Ma Đa La (1864 – 1933). Phạm: Dhammapàla, Sir Devamitta. Cũng gọi Đạt ma ba la. Nhà ngoại hộ Phật pháp, người Tích lan ở thời cận đại. Vào thế kỉ XIX, Phật giáo Tích lan rất suy đồi, tất cả trẻ em đều phải chịu lễ rửa tội của Cơ đốc giáo, Đạt ma đa la cũng nằm trong số người này. Nhưng, về sau, nhờ sự dắt dẫn của bà Ba lạp ngõa tư cơ (Mrs. Blavatsky) và ảnh hưởng của cha mẹ, được nghe giáo pháp của đức Phật, tâm trí bèn mở tỏ, nên ông quyết định hiến thân cho sự nghiệp cứu giúp nhân loại. Năm 1891, ông đến chiêm bái Thánh tích Bồ đề già da nơi đức Phật thành đạo, thấy ngôi Đại tháp hoang phế và thuộc quyền sở hữu của giáo chủ Thấp bà, ông liền đặt kế hoạch tổ chức Hội Ma ha bồ đề (Mahabodhi Society) ngay ở đây nhằm khôi phục Thánh tích này cho Phật giáo. Sau đó, Tổng bộ của hội chính thức được thành lập tại Colombo Tích lan. Mục đích của tổ chức này là truyền bá Phật giáo ra nước ngoài, đặt nặng việc phục hưng Phật giáo ở Ấn độ và xúc tiến phong trào giáo dục tại Tích lan. Tháng 5 năm sau ông sáng lập tạp chí Ma ha bồ đề. Năm 1906, ông xây dựng Học xá Phật giáo ở Tích lan, phát hành tuần san Phật giáo đồ bằng tiếng Tích lan và khởi xướng cuộc vận động cấm rượu. Năm 1908, ông kiến thiết Hội quán hội Ma ha bồ đề, ngân quĩ của Hội này phần lớn do bà Phúc tư đặc (Mrs. Mary Elizabeth Foster) ủng hộ. Năm 1920, ông hoàn thành việc xây cất chùa Pháp vương tháp viện, việc này xác định công lao của ông đối với việc đẩy mạnh cuộc vận động phục hưng Phật giáo. Năm 1932, ông xuất gia thụ giới Sa di ở chùa Căn bản Hương tích và sau khi giao phó chức vụ lãnh đạo hội Ma ha bồ đề, ông liền lui về ở ẩn. Tháng 4 năm 1933, ông qua đời vì bệnh viêm phổi, thọ 70 tuổi. Những tác phẩm tiếng Anh của ông gồm có: What did Lord Buddha teach? 1922; Psychology of Progress; Repenting God of Horeb; Relation between Hinduism and Buddhism, Life and Teaching of Buddha; Word’s Debt to Buddha; Ethics of Buddha; History of the Maha Bodhi Temple at Bodha Gaya; The Arya Dharma of Sakya Muni. Tác phẩm tiếng Bengal: Buddhadever Upadesh. Tiếng Ấn độ: Buddhaki Siksha v.v… [X. The Maha-bodhi, 1925; 1933 (Sri Devamitta Dhammapàla Number); A. C. March: A Buddhist Bibliography].