đạt lại lạt ma

Phật Quang Đại Từ Điển

(達賴喇嘛) Dalai-lama. Vốn là tiếng tôn xưng những vị đệ tử Phật vừa có trí đức, vừa có thắng hạnh. Dalai là tiếng Mông cổ, có nghĩa là biển; Lamalà tiếng Tây tạng, có nghĩa là Thượng nhân. Đạt lại lạt ma là chỉ cho vị Pháp vương thống trị Tây tạng, tức là những vị nối tiếp sự nghiệp ngài Tông khách ba, người phục hưng nền Phật giáo Tây tạng và là khai tổ của phái Hoàng mạo (phái đội mũ vàng). Đạt lại lạt ma cũng chỉ cho một trong hai hệ thống Hoạt Phật chuyển sinh, hệ thống kia là Ban thiền lạt ma. Nhưng ở Tây tạng danh hiệu Đạt lại lạt ma phần nhiều được dùng về mặt ngoại giao. Người Tây tạng còn có nhiều tiếng tôn xưng khác, như: 1. Gia mục căn nhân ba thiết (Tạng:Skyabs-mgon-rim-po-che) nghĩa là Cứu hộ tôn giả. 2. Cát ba nhân ba thiết (Tạng: Rgyalba-rim-po-che), nghĩa là Đắc thắng tôn giả. 3. Đạt mục khâm kham ba (Tạng: T’ams-cad-mk’yen-pa) nghĩa là Nhất thiết trí giả. Nhân viên cận vệ Đạt lại lạt ma thì gọi là Bố cách (Tạng:Sbugs), nghĩa là Đại nội. Ngoài ra, Đạt lại lạt ma các đời phần nhiều dùng danh hiệu Gia mục thố (Tạng: Rgyo mtsho), nghĩa là biển đặt ở sau tên. Về nguồn gốc của danh từ Đạt lại lạt ma thì có 2 thuyết: 1. Khoảng năm Vạn lịch thứ 6 (1578) đời vua Thần tông nhà Minh, vị đệ tử đời thứ 3 của ngài Tông khách ba là Tỏa lãng gia mục thố đến Mông cổ hoằng pháp, được Am đáp hãn (Altam khan, vua) của Mông cổ phong tặng tôn hiệu Đạt lại Lạt ma Kim cương trì. Từ đó về sau tôn hiệu này trở thành tên gọi của toàn thể hệ phổ Đạt lại lạt ma. Nhưng, có chỗ nói Am đáp hãn phong tặng tôn hiệu là Kim cương trì (Phạm: Vajradhàra) chứ không phải là Đạt lại. 2. Khoảng năm Thuận trị thứ 7 (1650) đời vua Thế tổ nhà Thanh, vị đệ tử đời thứ 5 của ngài Tông khách ba là A vượng la bốc tạng gia mục thố (Tạng: Íag-dbaí blobzaí rgya-mtsho, 1617 – 1682) được Cố thủy hãn (Tạng: Gu-zri Khan, Cố thực hãn) của Ách lỗ đặc mông cổ hòa thạc đặc bộ phong tặng tôn hiệu Đạt lại. Cố thủy hãn từng giúp La bốc tạng gia mục thố thống nhất toàn cõi Tây tạng, hoằng dương Hoàng giáo. Từ đó, những người truyền nối về sau đều có tên gọi Đạt lại lạt ma. Phật tử Tây tạng rất tôn sùng Lạt ma, nên cho rằng nếu cúng dường Lạt ma về vật chất và tinh thần thì có thể thành Phật. Đạt lại lạt ma từ đời thứ 1 đến nay được coi là hóa thân của bồ tát Quán thế âm, được toàn thể dân chúng Tây tạng tôn sùng là bậc vô thượng. Trải qua các đời, những vị Đạt lại lạt ma giữ gìn nghiêm khắc chủ nghĩa độc thân và dùng pháp Chuyển sinh (Phật sống) để quyết định người thừa kế. Ngoài ra, bộ sách thu gom những tác phẩm của các đời Lạt ma được gọi là Lạt Ma Lịch Thế Toàn Thư (Tạng: Skyabsmgon-rim-#bhyuí gsuí #bum). Trong đó, bộ Luận Tùng của vị Đạt lại đời thứ 5 là một tác phẩm rất quan trọng, nó hàm nhiếp cả giáo lí Hiển, Mật và bao gồm lịch sử, kinh lục v.v… của Tây tạng. Từ đời Đạt lại lạt ma thứ 5 trở về sau, khi Tây tạng tiếp nhận chính quyền toàn lãnh thổ của mình từ Mông cổ, thì Đạt lại lạt ma trở thành người nắm quyền lực cao nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị cũng như người đứng đầu phái Hoàng mạo, cai quản hơn 3.000 ngôi chùa viện, bốn trăm nghìn Lạt ma. Nay tường thuật sơ qua về sự truyền thừa các đời Đạt lại như sau: – Đời thứ 1: Đạt lại Căn đôn châu ba (Tạng: Dge-gdun-grub, 1391 – 1475). – Đời thứ 2: Đạt lại Căn đôn gia mục thố (Tạng: Dge-gdun-rgya-mtsho, 1476 – 1543). – Đời thứ 3: Đạt lại Tỏa lãng gia mục thố (Tạng: Bsod-nams-rgya-mtsho, 1543 – 1588). – Đời thứ 4: Đạt lại Vinh đan gia mục thố (Tạng: Yon-tan-rgya-mtsho, 1589 – 1616). – Đời thứ 5: Đạt lại A vượng la bốc tạng gia mục thố (Tạng: Íag-dbaí blo-bzaí rgya-mtsho, 1617 – 1682). – Đời thứ 6: Đạt lại Thương ương gia mục thố (Tạng: Tshaís-dbyaís rgya mtsho, 1683 – 1706). – Đời thứ 7: Đạt lại Cách tang gia mục thố (Tạng: Skal-bzaí-rgya-mtsho, 1708 – 1758). – Đời thứ 8: Đạt lại Khương bạch gia mục thố (Tạng: Fjam-dpal-rgya-mtsho, 1758 – 1805). – Đời thứ 9: Đạt lại Long đa gia mục thố (Tạng: Luí-rtogs-rgya-mtsho, 1805 – 1816). – Đời thứ 10: Đạt lại Sở xưng gia mục thố (Tạng: Tshul-khrim-rgya-mtsho, 1816 – 1837). – Đời thứ 11: Đạt lại Khải châu gia mục thố (Tạng: Mkhas-sgrub-rgya-mtsho, 1837 – 1855). – Đời thứ 12: Đạt lại Xưng lặc gia mục thố (Tạng: Sprin-lasrgya-mtsho, 1856 – 1875). – Đời thứ 13:Đạt lạiThổ đan gia mục thố (Tạng: Thub-bstanrgya-mtsho, 1876 – 1933). – Đời thứ 14: Đạt lại lạt ma hiện nay là Lạp mộc đăng châu (Tạng: Ṅag-dbaṅ blo-bzaṅ bstan-ḥdsin-rgya-mtsho, 1935-). Năm 1959, sau cuộc nổi dậy của nhân dân Tây tạng chống lại sự thống trị của cộng sản Trung quốc thất bại, đức Đạt lại lạt ma phải lưu vong sang Ấn độ. Từ đây, sự hưng suy của Phật giáo Tây tạng rất được thế giới quan tâm. [X. A. Waddell: The Buddhism of Tibet; W. W. Rockhill: The Dalai Lamas of Lhasa their relation with the Manchu Emperors of China].