Đạt-lại Lạt-ma

Từ điển Đạo Uyển


達賴喇嘛; T: dalai lama [da lai bla ma]; nghĩa là “Ðạo sư với trí huệ như biển cả”; Danh hiệu do nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Cách-lỗ (t: gelugpa, Hoàng giáo) năm 1578. Kể từ 1617, Ðạt-lại Lạt-ma thứ 5 trở thành người lĩnh đạo chính trị và tinh thần của Tây tạng. Kể từ đây, người ta xem Ðạt-lại Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm và Ban-thiền Lạt-ma là người phụ chính. Mỗi một Ðạt-lại Lạt-ma được xem là tái sinh của vị Lạt-ma trước. Ðạt-lại Lạt-ma thứ 6 là vị có trình độ học thuật rất cao thâm và cũng là một nhà thơ. Vị Ðạt-lại Lạt-ma hiện nay là vị thứ 14, sống lưu vong tại Ấn Ðộ từ 1959 đến nay. Sư là người lãnh giải Nobel Hoà bình, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới. Các tác phẩm Sư viết trình bày Phật giáo Tây Tạng và Phật pháp nói chung là những quyển sách mà mỗi người Phật tử phải nghiên cứu kĩ. Danh sách các vị Ðạt-lại Lạt-ma: 1. Ðạt-lại Lạt-ma Căn-đôn Châu-ba (t: gendun drub, 1391-1475); 2. Ðạt-lại Lạt-ma Căn-đôn Gia-mục-thố (gendun gyatso, 1475-1542); 3. Ðạt-lại Lạt-ma Toả-lãng Gia-mục-thố (sonam gyatso, 1543-1588); 4. Ðạt-lại Lạt-ma Vinh-đan Gia-mục-thố (yonten gyatso, 1589-1617); 5. Ðạt-lại Lạt-ma La-bốc-tạng Gia-mục-thố (losang gyatso, 1617-1682); 6. Ðạt-lại Lạt-ma Thương-ưng Gia-mục-thố (jamyang gyatso, 1683-1706); 7. Ðạt-lại Lạt-ma Cách-tang Gia-mục-thố (kelsang gyatso, 1708-1757); 8. Ðạt-lại Lạt-ma Khương-bạch Gia-mục-thố (jampel gyatso, 1758-1804); 9. Ðạt-lại Lạt-ma Long-đa Gia-mục-thố (lungtog gyatso, 1806-1815); 10. Ðạt-lại Lạt-ma Sở-xưng Gia-mục-thố (tsultrim gyatso, 1816-1837); 11. Ðạt-lại Lạt-ma Khải-châu Gia-mục-thố (kedrub gyatso, 1638-1856); 12. Ðạt-lại Lạt-ma Xưng-lặc Gia-mục-thố (trinle gyatso, 1856-1875); 13. Ðạt-lại Lạt-ma Thổ-đan Gia-mục-thố (tubten gyatso, 1876-1933); 14. Ðạt-lại Lạt-ma Ðăng-châu Gia-mục-thố (tenzin gyatso, 1933-).