đát đặc la phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(怛特羅佛教) Tantric Buddhism. Nền Phật giáo ở giai đoạn hậu kì trong lịch sử Phật giáo Ấn độ, lấy Vương triều Ba la ở Đông bộ Ấn độ làm trung tâm phát triển. Đây là thời kì phát triển của Mật giáo. Đát đặc la (Phạm: Tantra) nguyên là văn hiến lí luận và lễ bái mà phái Tính lực (Phạm: Zàkta) của Ấn độ giáo dùng làm tiêu chuẩn. Tương truyền, văn hiến này có tới 64 cho đến 192 thứ, nhưng phần lớn đã bị thất lạc, phần hiện còn thì được thành lập vào khoảng thế kỉ thứ VIII Tây lịch. Nội dung chia làm 4 bộ: 1. Giáo nghĩa lí luận. 2. Du già. 3. Thần điện kiến trúc, Thần tượng chế tác pháp. 4. Tông giáo nghi thức. Trong đó bộ thứ 4 là chủ yếu. Phái Tính lực lại chia làm 2 loại: – Phái Tả đạo tính lực (Phạm: Vàmàcàra Zàkta): Lấy Đát đặc la lưu hành ở khoảng thế kỉ XI làm trung tâm, coi trọng Luân tòa lễ bái (Phạm:Carkrapùjà, tạp giao), nghĩa là cúng hiến thân người và thực hành nam nữ giao hợp để mong trong cơn hoan lạc ấy mà được hợp nhất với thần, đạt đến cảnh giới giải thoát, và coi đó là phương pháp cũng như giai đoạn tu hành hữu hiệu nhất! Đây là hành vi hỗn tạp, bỉ ổi, thấp hèn khiến mọi người coi khinh. – Phái Hữu đạo tính lực (Phạm: Dakwiịàcàra Zàkta): Cho đó là gương xấu xa, nên vào thế kỉ XIII, phái này nổi lên làm cuộc cách tân, trừ bỏ hết những hành vi đồi bại, đê tiện và nhớp nhúa của phái Tả đạo tính lực. Đát đặc la Phật giáo (Mật giáo) chịu ảnh hưởng của phái Tả đạo tính lực, dựa vào tư tưởng Tức thân thành Phật (thành Phật ngay thân này) mà khẳng định hạnh phúc khoái lạc ở hiện thế, nên chẳng những không chủ trương ức chế phiền não ái dục của loài người mà, trái lại, còn chấp nhận và quí trọng nó, do đó đã hình thành phái Tả đạo Mật giáo, thịnh hành vào thời Vương triều Ba la (Phạm:Pàla) ở miền Đông Ấn độ. Quá trình phát triển của Đát đặc la Phật giáo ở Ấn độ như sau: – Vào nửa trước của thế kỉ thứ VII, học giả Đát đặc la là ngài Sa la ha (Phạm: Saraha) ở chùa Na lan đà (Phạm: Nàlanda) giáo hóa hàng vương giả và 5.000 dân chúng. – Vào đầu thế kỉ thứ VIII, theo truyền thuyết, con vua Cù ba la (Phạm: Gopàla) là A nam ca phát lạp (Phạm: Anaígavajra) soạn Bát nhã phương tiện quyết định thành tựu pháp (Phạm: Panjĩopàya-vinizcayasiddhi); Vương hầu nước Ô trượng na (Phạm: Uđđhiyàna) là Nhân đà la phố đế (Phạm: Indrabhùti) soạn Trí tuệ thành tựu pháp (Phạm:Jĩàna-siddhi); em gái của Nhân đà la phố đế tên là La kha tu minh ca la (Phạm:Lakwmìkarà) thì soạn Bất nhị thành tựu pháp (Phạm: Advaya-siddhi), học trò rất đông. Còn con của Nhân đà la phố đế chính là Liên hoa sinh (Phạm: Padmasambhava) đã từng cùng với ngài Tịch hộ (Phạm: Zàntirakwita) đến Tây tạng hoằng pháp. – Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII, Đa tì hách lỗ khách (Phạm: Đombì Heruka) soạn Câu sinh thành tựu pháp (Phạm: Sahajasiddhi). Từ đó, nơi trung tâm của Đát đặc la Phật giáo được dời đến chùa Siêu giới (Phạm: Vikramazìla, Tì cưu ma thi la) do vua Đạt ma ba la (Phạm: Dharmapàla) xây dựng. – Thế kỉ thứ IX, có Khố lợi tu na giả lâm (Phạm: Kfwịacàrin) biên soạn hơn 40 bộ sách. – Cuối thế kỉ X đến đầu thế kỉ XI, ở chùa Siêu giới xuất hiện nhiều vị cao tăng như: A đề sa (Phạm: Atìza), Bảo tạng tịch (Phạm: Ratnàkarazànti), Na lạc ba (Phạm: Naropa) v.v… Trong đó, thượng tọa A đề sa từng đến Tây tạng hoằng pháp và đã cải cách nền Phật giáo ở đó. – Thế kỉ thứ XI, các vị học giả xuất thân từ chùa Siêu giới đem gom tất cả các bộ Thành tựu pháp của các tác giả trước mà soạn thành bộ Thành tựu pháp man (Phạm: Sàdhana-màlà); bấy giờ còn có Thời luân căn bản nghi quĩ (Phạm: Kàlacakramùla-tantra) từ Nam Ấn độ truyền đến, cũng được các học giả Đát đặc la tu tập. Thời luân, tức là chủ trương cho rằng cõi mê bị 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai hạn chế, nên phải nương vào đức Phật bản sơ (Phạm:Àdibuddha) là nguồn gốc của vũ trụ để được giải thoát. – Đầu thế kỉ XII, có A bố cáp da ca lạp cấp đa (Phạm: Abhayàkaragupta) soạn các bộ Nhập thời luân (Phạm: Kàlacakravatàra) v.v… Cùng thời ấy, ở Đông Ấn độ còn có giáo phái Thủ hộ đạo (Phạm:Nàtha-màrga), một chi nhánh của Phật giáo Đát đặc la, chủ trương cho phép giáo đoàn kết hôn. Phật giáo Đát đặc la nhờ sự hộ trì của Vương triều Ba la mà được hưng thịnh. Nhưng đến giữa thế kỉ XI, thì Vương triều Tư na (Phạm: Sena) nổi lên thay thế Vương triều Ba la và dần dần cải tín sang Ấn độ giáo, lại thêm thế lực Hồi giáo không ngừng xâm nhập, nên Phật giáo Đát đặc la rơi vào tình trạng suy sụp. Đến cuối thế kỉ XII, tín đồ Hồi giáo đánh phá và tiêu diệt Vương triều Tư na, thì chùa Siêu giới – nơi trung tâm của Phật giáo Đát đặc la – cũng bị hủy hoại, học tăng chạy tứ tán, số còn lại bị hành hạ đến chết. Từ đó, Phật giáo Đát đặc la tuyệt tích ở Ấn độ. (xt. Tả Đạo Tính Lực Phái).