đạo tục

Phật Quang Đại Từ Điển

(道俗) I. Đạo Tục. Gọi chung Phật đạo và thế tục. Bài tựa Trung luận của ngài Tăng duệ (Đại 30, 1 thượng), nói: Đại giác thì tự tại chiếu soi rộng rãi, còn tiểu trí thì ràng buộc nơi tâm hẹp hòi. Chiếu soi mà không cùng khắp thì không đủ để dứt hữu vô, đạo tục; biết mà không suốt hết thì chưa thể hợp với Trung đạo, dứt bặt hai bên. Đạo tục không dứt, hai bên không diệt, là nỗi lo của Bồ tát. Trung luận sớ quyển 1 (Đại 42, 3 trung), nói: Đạo là Niết bàn, tục là sinh tử. II. Đạo Tục. Cũng gọi Tăng tục, Truy tố, Truy bạch. Là danh từ gọi chung người xuất gia và tại gia. Điều Tống vân nhập Ô trường quốc trong Lạc dương già lam kí quyển 5 (Đại 51, 1020 thượng), nói: Đất đai phì nhiêu, nhiều loại hoa thơm lạ, mùa đông cũng như mùa hạ, hoa nở liên tiếp, đạo tục hái về, dâng cúng dường Phật. [X. kinh Diễn đạo tục nghiệp; Nam sử Q.44; Ngụy thư Q.36 Lí đồng quĩ truyện].