đạo trường

Phật Quang Đại Từ Điển

(道場) I. Đạo tràng. Phạm: Bodhi-maịđa. Cũng gọi Bồ đề đạo tràng, Bồ đề tràng. Nơi đức Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ đề ở Bồ đề già da thuộc Trung Ấn độ. [X. phẩm Thế gian tịnh nhãn trong kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.1; phẩm Chư bồ tát bản thụ kí trong kinh Bi hoa Q.3]. II. Đạo Tràng. Nơi tu hành Phật đạo. Bất luận có nhà cửa hay không, phàm chỗ dùng để tu hành Phật đạo đều gọi là Đạo tràng. Phẩm Như lai thần lực trong kinh Pháp hoa quyển 6 (Đại 9, 52 thượng), nói: Nơi đất nước đang ở, nếu có người thụ trì, đọc tụng, giải nói, viết chép, như lời dạy tu hành; nơi trong vườn trong rừng, dưới gốc cây, nơi tăng phường, nhà bạch y, điện đường, trong núi hang, đồng trống v.v… nếu có quyển kinh thì nên xây tháp cúng dường. Vì sao? Vì chỗ ấy tức là Đạo tràng. [X. Duy ma nghĩa kí Q.2 phần cuối]. III. Đạo Tràng. Chỉ cho sự phát tâm và tu hành thành tựu Bồ đề. PhẩmBồ tát trong kinh Duy ma quyển thượng nói: Trực tâm là đạo tràng, thâm tâm là đạo tràng, Bồ đề tâm là đạo tràng, bố thí là đạo tràng, tam minh là đạo tràng, trong khoảng một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng. [X. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.2; Hoa nghiêm kinh sớ Q.4]. IV. Đạo Tràng. Trong Mật giáo, khi tu diệu hạnh Du già thì trước hết phải kết giới trong một khu vực nào đó, kế đến kiến lập đạo tràng Bản tôn để tu Đạo tràng quán. Mục đích là quán tưởng thân Phật ở các thế giới khác chính là Bản tôn; hoặc quán tâm mình và Bản tôn dung hợp làm một. (xt. Đạo Tràng Quán). V. Đạo Tràng. Tên gọi khác của chùa viện. Vua Dượng đế nhà Tùy từng ban lệnh đổi tên chùa là Đạo tràng. Ngoài ra, nơi làm các việc Phật trong cung vua gọi là Nội đạo tràng, hoặc gọi là Nội tự. Tông Lâm tế chuyên gọi nơi dành cho các vị tăng Vân thủy (du phương, hành cước) tu hành là đạo tràng. Ngài An nhiên của tông Thiên thai Nhật bản gọi chỗ thụ giới là đạo tràng. [X. Phật tổ thống kỉ Q.39; Tục cao tăng truyện Q.11 Cát tạng truyện; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.15]. VI. Đạo Tràng. Chỉ cho các pháp hội, như: Từ bi đạo tràng, Thủy lục đạo tràng. VII. Đạo Tràng. Cũng gọi Đạo trường. Vị tăng ở đời Bắc Ngụy, không rõ quê quán. Mới đầu, sư y vào ngài Tuệ quang xuất gia, sau theo ngài Bồ đề lưu chi (đến Trung quốc vào năm 508) làm đệ tử, nhưng vì làm phật ý ngài Lưu chi nên sư vào Tung sơn ở ẩn, trong 10 năm, chuyên nghiên cứu luận Đại trí độ, hiểu hết ý chỉ sâu kín. Không bao lâu, sư xuống núi, về Lạc dương, chuyên giảng luận Đại trí độ. Sư lại đến Nghiệp đô, mở trường giảng ở chùa Đại tập, tăng tục theo học rất đông và tôn sư là Học giả. Sư thường thờ bức tranh đức Phật A di đà cùng với 50 vị Bồ tát do bồ tát Ngũ thông ở chùa Kê đầu ma bên Thiên trúc vẽ. Sau bức tranh này được vẽ lại để lưu hành ở đời. Không rõ sư tịch năm nào, chỉ biết vào niên hiệu Long hóa năm đầu (576) đời Hậu chủ nhà Bắc Tề thì sư vẫn còn mạnh khỏe. Ngoài ra, trong An lạc tập quyển hạ có ghi thuyết Lục đại đức tương thừa, trong đó, theo thứ tự là: Đạo tràng, Đàm loan v.v… Như vậy, Đàm loan là đệ tử của sư chăng? [X. Đại trí độ luận sớ Q.24; Tục cao tăng truyện Q.24 Minh chiêm truyện; Quảng hoằng minh tập Q.2].