Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục

II/ Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Dịch

Đây là dịch đề. Phẩm này nguyên là văn Phạn, do Ngài Cưu Ma La Thập dùng văn tự của Tàu dịch ra. Cưu Ma Tàu gọi Đồng, là họ, La Thập gọi Thọ, là tên. Thân phụ của Ngài tên Cưu Ma La Diêm. Nguyên là người xứ Trung Ấn. Ấn Độ chia Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung năm bộ. Ông Diêm đi du lịch Đông Ấn đến nước Qui Từ, tức nay là biên địa của tỉnh Vân Nam, Quốc Vương Qui Từ mến mộ đạo cao học rộng của ông, mới đem người con gái gả cho. Rồi sanh con tức là Ngài Cưu Ma La Thập. Pháp sư là người phiên dịch phẩm Kinh này. Pháp sư khi còn nhỏ đã có thông huệ hơn mọi người. Tuổi còn đồng ấu mà đã có tác phong thái độ như người kỳ lão nên gọi là Đồng Thọ. Khi Ngài lên bảy tuổi, theo thân mẫu đi chùa. Vào chùa, thấy một cái bát bằng đồng to nặng. Thấy vậy rồi liền lấy đội lên đầu rất là nhẹ nhàng và dễ dàng. Kế đó Ngài nghĩ rằng bát này to nặng mà ta thời nhỏ nhít, vì sao mà cử cất lên là được ngay? Tức thì cái bát rơi xuống đất. Rồi La Thập cất lên lần thứ hai chẳng nổi. Liền lúc ấy Ngài giác ngộ rằng Vạn pháp là duy tâm. Đối với tất cả pháp vốn chẳng nên đem tâm tư lường phân biệt. Nặng chẳng tự biết nó là nặng, nhẹ cũng như thế đó vậy. Kia cho nên biết nặng nên cất lên lần thứ hai nữa chẳng nổi là vì La Thập đã trót khởi một điểm tư lường nơi tâm. Đã có tư lường phân biệt tức là vọng tưởng nổi dậy. Vọng tưởng mà máy động một tí tức là biết nặng cất lên không nổi. Cho nên phải biết tất cả cảnh giới đều do vọng tưởng mới có sai biệt: Tâm sanh thời các Pháp sanh, tâm diệt thời các pháp diệt. Nên gọi nhất thiết duy tâm tạo, vạn pháp duy thức biến là vậy. Giả như Tâm Pháp chẳng hai, không có sai biệt, tức chẳng sa vào trong hang thẳm của tâm ý thức thời đâu có phân nam nữ, chia tự tha mà thành nhất thể. Nên gọi là bất nhị pháp môn. Bất nhị tức là Diệu Pháp.

La Thập Pháp Sư khi lên bảy tuổi, có một vị La Hán bảo với thân mẫu Ngài rằng: Cậu La Thập này nếu được 35 tuổi hơn mà chẳng phá giới thì chắc là làm nhân thiên đạo sư, giáo hóa vô lượng chúng sanh. Và còn phải đến nước Tàu hoằng dương giáo pháp nữa. Về sau khi Ngài lên mười tuổi hơn, muốn đi xuất gia, mẫu thân mới đem lời của vị La Hán bảo cho Ngài nghe. La Thập nói: Cần nên được hoằng dương Phật pháp và phải hy sinh tất cả, đấy là chí nguyện của con rất muốn như vậy. Đang khi Ngài tại Qui Từ hoằng dương Phật pháp được Quốc Vương kính phục là bực Thượng Tọa mà đem thân mình làm Pháp Tọa cho Pháp Sư ngồi để lặng lẽ nghe giảng Kinh. Tại sao nhà vua kính trọng đến quá mức như thế? Vì đối với Phật pháp có một phần cung kính tức có một phần phước đức vậy; vả lại đấy cũng là một phương pháp mà hành trì được thời chứng đạo quả. Khi La Thập đã trưởng thành, đi đến đâu giảng Kinh thuyết pháp là nổi danh cả toàn xứ.

Lúc bấy giờ ở nước Tàu Trung Quốc gặp phải thời đại ngũ hồ, ông Phù Kiên tiếm đoạt ngôi vua tự xưng là Tần Vương, đóng đô ở Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Quốc hiệu là Phù Tần. Một đêm hôm, quan Thái Sử Công quan sát thiên tượng nhận thấy có sao Đức tinh chiếu sáng nơi trời Tây. Đoán biết nước Thiên Trúc sắp có một vị Đại Đức sẽ đến Trung Quốc hoằng dương đạo pháp. Ông liền minh tấu lên Tần Vương. Mà trong lòng nhà vua cũng đã biết qua được rằng ở Đông Ấn Độ có Ngài Cưu Ma La Thập Pháp Sư là người đạo đức, học vấn rất thâm thúy. Tần Vương liền sai sứ thần mang lễ vật sang Qui Từ xin phụng thỉnh La Thập. Ngặt nỗi Quốc Vương Qui Từ cất dấu La Thập để làm Quốc bảo, nhất định chẳng chịu thỏa mãn được cho sứ thần Trung Quốc. Thế là một phen sự bất thành, buộc lòng Phù Kiên phải sai tướng quân Lữ Quang, lần này chẳng cần đem theo lễ vật, mà lại mang theo bảy vạn đại quân tiến thẳng sang Qui Từ quốc, vây thành công hãm quyết liệt. Mục đích của Kiên là chẳng phải tham vọng đất đai tài vật mà là chủ yếu nghinh thỉnh cho kỳ được Pháp Sư La Thập mà thôi. Đang khi Pháp Sư còn trên đường đi chưa đến Thiểm Tây Trường An thì Phù Kiên chết, Dao Trành thế vị nên gọi là Dao Tần, lại xưng Hậu Tần mà Phù Tần là Tiền Tần. Sau khi Dao Trành chết, con là Dao Hưng tức vị. Hưng rất tin Phật pháp, nên mới cung nghinh La Thập về Trường An cung phụng như Thần Thánh. La Thập sang Tàu vào năm 420 Tây lịch.

Kinh điển Ấn Độ, đến thời này lại truyền vào Trung Quốc thêm nữa. Rồi do La Thập Pháp Sư tái hành phiên dịch, lưu truyền lại đến ngày nay gồm có ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng là tất cả Pháp môn do Phật Thích Ca nói ra, như Tâm Kinh, Kim Cang, Di Đà, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm các Kinh. Luật là giới luật do Phật giảng ra, như Tứ phần luật, Thập tụng luật, Ngũ giới tướng Kinh thảy. Luận là do các vị Bồ tát, các vị Tổ Sư muốn hiển dương chánh lý mà trước tác ra tất cả, như Đại Trí Độ Luận, Du Già Sư Địa Luận v.v… La Thập Pháp Sư đem ba tạng giáo pháp hoằng dương hóa độ chúng sanh. Và tự mình cũng dùng Tam Tạng Đại pháp làm Thầy; tự lợi tự tha, nên gọi là Tam Tạng Pháp Sư. Kinh điển do Ngài dịch rất hay ho đẹp đẽ không ai bì kịp. Trước khi Ngài thị tịch bảo các đệ tử rằng: Những Kinh tôi đã dịch nếu không sai lầm, thời thân Tôi tuy hóa mà cuốn lưỡi Tôi chẳng hư hoại. Sau khi Ngài viên tịch, đem hỏa táng thời cuốn lưỡi vẫn y nguyên chẳng hư hao chút nào!

Do đó có thể chứng biết những Kinh điển Ngài phiên dịch xác thật không có chỗ nào sai lầm. Về sau đó Ngài Đạo Tuyên Luật sư tu ở núi Chung Nam. Tu khổ hạnh hơn ai hết. Một hôm đi đường bị trật chân bổ nhào, bỗng nhiên có vị Thiên Vương tử con của Bắc Phương Tỳ Sa Môn Thiên Vương đến trước mặt Ngài phò hộ đỡ dậy. Chúng ta ai có thể tu trì được một giới tức có được năm vị Thần bảo hộ. Ngài Đạo Tuyên Luật Sư được vị Thiên tướng ấy hộ trì bởi Ngài nghiêm Trì giới luật vậy. Khi Đạo Tuyên Luật Sư nhận thấy Thiên tướng, nhân đó hỏi rằng: Kinh điển của Trung Quốc, phần nhiều do La Thập Pháp Sư phiên dịch, được mọi người vui mừng hoằng dương. Nay Ngài đã qui tịch hiện giờ ở cõi nào? Thiên tướng đáp: La Thập dịch Kinh điển, chẳng những của Phật Thích Ca, mà cả Kinh của bảy Đức Phật cũng đều do Ngài đảm nhiệm phiên dịch, cho nên không có mảy may sai lầm. Cho nên đó nên được hậu thế hoằng dương. Nay phẩm Kinh này là của La Thập Pháp Sư dịch, đương nhiên chính xác không sai lầm vậy.

1) Trường văn (Trường Văn: Vấn Đáp Sơ Vấn)

2) Kệ Tụng.