đạo sư

Phật Quang Đại Từ Điển

(導師) I. Đạo Sư. Phạm, Pàli: Nàyaka. Cũng gọi Đạo thủ. Bậc Thánh giáo hóa và dắt dẫn chúng sinh vào Phật đạo. Chỉ riêng đức Thích ca, hoặc là tiếng dùng tôn xưng Phật và Bồ tát. Thích thị yếu lãm quyển thượng dẫn lời kinh Thập trụ đoạn kết nói: Người chỉ dạy chính đạo cho chúng sinh gọi là Đạo sư. Kinh Hoa thủ thì nói: Người có thể giảng thuyết đạo giải thoát sinh tử cho chúng sinh gọi là Đạo sư. Phẩm Tòng địa dũng xuất trong kinh Pháp hoa quyển 5 thì nêu 4 vị Đạo sư trong chúng Bồ tát là Thượng hạnh, Vô biên hạnh, Tịnh hạnh và An lập hạnh. Bốn vị Bồ tát này là bậc xướng đạo (dạy bảo, dẫn dắt) tối thượng thủ trong hàng Bồ tát. Danh từ Đạo sư thời xưa chỉ được dùng để tôn xưng chư Phật và các vị Đại bồ tát, nhưng về sau, nhân vật chủ yếu trong pháp hội, là người đọc nguyện văn hoặc biểu bạch và là người hướng dẫn nghi thức lễ bái cho đại chúng cũng gọi là Đạo sư. [X. kinh Tạp a hàm Q.12 (bản biệt dịch); kinh Toán số mục kiền liên trong Trung a hàm Q.35; kinh Pháp hoa Q.1 phẩm Phương tiện, Q.3 phẩm Hóa thành dụ; kinh Thủ lăng nghiêm Q.thượng; kinh Duy ma phẩm Phật quốc; luận Đại trí độ Q.7, Q.10; Duy ma kinh văn sớ Q.4; Pháp hoa kinh văn cú Q.5 phần trên]. (xt. Xướng Đạo). II. Đạo Sư. Phạm:Sarvamitra,Pàli: Sabbamitta. Dịch âm: Tát lí phạ mật đát la, Tát ba mật. Cũng gọi Thiện hữu, Nhất thiết hữu. Là Thị giả của đức Ca diếp Như lai, vị Phật thứ 6 trong 7 vị Phật đời quá khứ. Phẩm Bất thiện trong kinh Tăng nhất a hàm quyển 15 (Đại 2, 791 thượng), nói: Thị giả của đức Ca diếp Như lai tên là Đạo sư, thị giả của ta tên là A nan. [X. kinh Đại bản trong Trường a hàm Q.1; kinh Thất Phật; kinh Thất Phật phụ mẫu tính tự]. III. Đạo Sư. Cũng gọi Nan thắng, Đọa di đà tiên na. Là con của đức Phật Câu na hàm, vị Phật thứ 5 trong 7 vị Phật đời quá khứ. Kinh Đại bản trong Trường a hàm quyển 1 (Đại 1, 3 thượng), nói: Con của đức Phật Câu na hàm ở quá khứ tên là Đạo sư, nay con ta tên là La hầu la. [X. kinh Thất Phật phụ mẫu tính tự; kinh Phật danh Q.8].