đạo sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(道生) I. Đạo Sinh (355 – 434). Cũng gọi Trúc đạo sinh. Vị cao tăng thời Đông Tấn, người Cự lộc (Bình hương, Hà bắc) đến ở tại Bành thành (Động sơn, tỉnh Giang tô), họ Ngụy, vì làm đệ tử của ngài Trúc pháp thải nên đổi thành họ Trúc. Năm 15 tuổi, sư đã lên tòa giảng, những danh sĩ thời bấy giờ không ai đối địch nổi. Năm 20 tuổi, sư thụ giới Cụ túc, tiếng tăm lừng lẫy. Lúc đầu, sư ở chùa Long quang tại Kiến nghiệp, sau vào Lô sơn thờ ngài Tuệ viễn làm thầy, nghiên cứu sâu rộng các kinh luận trong 7 năm, rồi đến Trường an thụ giáo nơi ngài Cưu ma la thập, người thời ấy tôn sư là một trong bốn vị đệ tử xuất sắc của ngài Cưu ma la thập. Năm Nghĩa hi thứ 5 (409), sư trở về Kiến nghiệp, đề xướng thuyết Xiển đề thành Phật, Đốn ngộ thành Phật, giới Phật giáo xôn xao, các nhà nghiên cứu kinh Niết bàn cũng phản đối, nên sư trở lại Lô sơn. Đến khi kinh Đại niết bàn do ngài Đàm vô sấm dịch được truyền đến Kiến nghiệp, thì mọi người mới khen kiến thức sâu rộng của sư. Sư còn đề xướng thuyết Tứ chủng pháp luân và có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Duy ma cật kinh chú của ngài Tăng triệu, Đại niết bàn kinh tập giải của ngài Bảo lượng v.v… thường dẫn dụng học thuyết của sư. Năm Nguyên gia 11 (434) đời Tống sư tịch, thọ 80 tuổi. Sư có các tác phẩm: Luận Nhị đế, luận Phật tính đương hữu, luận Pháp thân vô sắc, luận Phật vô tịnh độ, luận Ưng hữu duyên, Biện Phật tính nghĩa, Pháp hoa kinh nghĩa sớ. II. Đạo Sinh. Vị Thiền tăng thuộc phái Hổ khâu, tông Lâm tế ở đời Nam Tống, hiệu là Tào nguyên, người Nam kiếm (tỉnh Phúc kiến), đệ tử nối pháp của ngài Mật am Hàm kiệt. Sư xuất gia ở chùa Diệu quả tại Nhiêu châu (tỉnh Giang tây), về sau, sư lần lượt ở các chùa Qui phong ở Tín châu (Giang tây), chùa Tiến phúc ở Nhiêu châu. Sư có các trứ tác: Tào nguyên hòa thượng ngữ lục 1 quyển, Tào nguyên sinh thiền sư ngữ yếu 1 quyển. [X. Ngũ đăng hội nguyên tục lược Q.5; Tục truyền đăng lục Q.35].