ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP X
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

489. Ly Khổ Đắc Lạc
490. Ai Giàu Có, Ai Nghèo Khó?
491. Khả Năng Thành Phật Của Con Người
492. Thế Cũng Đủ Rồi!!!
493. Niết Bàn Là Những Gì Mà Chúng Ta Đang Có
494. Từ Người Lên Phật
495. Thong Dong

 

489. LY KHỔ ĐẮC LẠC

Không gian vô tận, vũ trụ vô cùng từ muôn thuở vẫn thản nhiên chứng kiến những thành trụ hoại không với tiến trình tự nhiên của luật vô thường. Rồi con người nguyên sơ xuất hiện và sống hiền lành độ lượng và hòa nhập với thiên nhiên. Dù cuộc sống vật chất có thiếu thốn, con người nguyên sơ đã trải qua một thời gian thật dài với cuộc sống hiền lương, tốt đẹp và hạnh phúc. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã làm hư hỏng con người từ một con người nhu hòa độ lượng và lương hảo trở thành một con người với chất chồng những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Thiên nhiên chúng ta đang sống vẫn là thiên nhiên của ngày nào, vẫn gió mát trăng thanh, vẫn rừng thông vi vút tiếng thông reo, vẫn ngút ngàn những bờ ruộng con đê, vẫn suối nguồn tươi mát, vẫn bốn mùa chim hót hoa nở, vẫn núi sông ghềnh thác năm xưa, vẫn vầng dương sáng ấm, vẫn tiếng gió rì rào muôn thuở. Thế tại sao con người chúng ta lại không còn hiền lương, tốt đẹp và độ lượng như buổi ban đầu nữa? Trong khi chúng ta đang khắc khoải lặn hụp trong khổ đau phiền não thì thiên nhiên vẫn ung dung đứng đó đợi chờ mà không một lời oán trách. Trong khi chúng ta đang tự nhốt mình trong lao tù lục đạo, thì thiên nhiên vẫn dang rộng đón chờ chúng ta trở về. Thế nhưng đã bao năm rồi chúng ta sống bằng quên lãng tự tâm, sống cuồng sống vội với chất ngất những hướng ngoại cầu hình. Hãy bình tâm suy gẫm lại coi từ lúc chúng ta có đầy đủ ý thức về cuộc sống của mình, đã có bao lần chúng ta dám can đảm trực diện với chính mình, đã bao lần chúng ta có đủ khôn ngoan trở về với chính mình để đau thương não phiền tự tan biến trong vầng dương ấm áp của thiên nhiên vũ trụ? Hãy tự soi rọi để thấy mình chưa bao giờ làm gì được lợi lạc cho chính mình, huống là làm được gì lợi lạc cho người?

Hai mươi sáu thế kỷ trước, Đức Thích Tôn Từ Phụ đã nhìn thấy cái trục trặc của chúng sanh mọi loài, nhứt là nỗi trầm thống của con người, nên Ngài đã dóng một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về sanh, lão, bệnh, tử, bốn nỗi khổ lớn của con người cũng như của chúng sanh mọi loài. Ngài đã khẳng định với tứ chúng rằng chừng nào con người chưa tận diệt được mọi ưu khổ sầu bi, chừng ấy con người vẫn phải tiếp tục lăn trôi trong tam đồ lục đạo. Chừng nào con người chưa ý thức và nhận biết được những trầm thống từ sanh, lão, bệnh, tử, chừng đó chúng ta vẫn không cách chi tận diệt được khổ đau phiền não. Mà thật vậy, nếu chúng ta không thấy được bộ mặt thật của khổ đau phiền não và do đâu mà khổ đau phát sanh và tăng trưởng thì làm sao chúng ta diệt khổ đây? Đã thế, lắm khi chúng ta đang tự trói buộc bởi khổ đau phiền não của thế gian mà cứ vỗ tay tán thưởng và cho là hạnh phúc an vui. Đã gần hai mươi sáu thế kỷ, chiều dài lịch sử giải thoát của Phật Tổ, thiết nghĩ thời gian ấy cũng đủ dài cho chúng ta tỉnh thức mà nhận ra đâu là chơn đâu là giả, đâu là giải thoát còn đâu là lao tù lục đạo. Trước khi nhập diệt, Phật Tổ đã nhắn nhủ với tứ chúng rằng: “Con đường mà ta đã kinh qua, dù muốn hay không muốn, các ông rồi ai cũng phải một lần kinh qua, nếu không bây giờ thì cũng vạn triệu kiếp về sau nầy.” Đức Phật muốn nói gì trong những lời giảng ngắn gọn nầy? Đạo Phật, một tôn giáo kỳ diệu duy nhất trên địa cầu nầy. Một tôn giáo mà giáo chủ luôn khẳng quyết con đường mà Ngài đã kinh qua, lại cũng chính là con đường mà những đệ tử hậu bối của Ngài rồi đây cũng sẽ kinh qua. Một tôn giáo mà tín đồ không sợ hãi thần quyền. Không có một uy quyền nào trong đạo Phật được dùng để dọa dẫm tín đồ, không có một giáo điều nào trong đạo Phật được dùng để bắt ép ai phải theo ai. Đức Phật dạy chúng ta hãy lấy tình yêu của từ bi hỷ xả mà yêu thương lẫn nhau. Ngài đã là một tấm gương rạng rỡ về yêu thương cho mọi người noi theo: Đời vốn dĩ là một biển khổ, xin đừng làm khổ nhau thêm nữa, xin con người hãy yêu thương lấy con người. Ngài đã thể hiện tinh thần yêu thương rộng lớn bằng cứu khổ ban vui một cách bình đẳng. Ngài đã khẳng định với tứ chúng đệ tử rằng không có một quyền năng nào có thể cứu khổ ban vui ngoài sự yêu thương của con người, chỉ có con người mới có khả năng làm vơi bớt những nỗi trầm thống của con người. Phật tử chơn thuần hãy bình tâm nhìn sâu vào thảm trạng của nhân loại để cảm thương nỗi trầm thống bao đời chồng chất lên thân phận con người, để từ đó phát đại hùng đại lực và đại nguyện “ly khổ đắc lạc” cho mình và cho người. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Hãy dùng sức lực của trí huệ, thuận theo tâm tính của chúng sanh mà giúp mình giúp người ly khổ đắc lạc.” Con người hôm nay đang dồn hết mọi nỗ lực vật lộn với cuộc sống cho miếng cơm manh áo, nhưng miếng cơm manh áo không phải là nhu cầu duy nhất trong cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc sống loạn động hôm nay, chúng ta cần lắm đạo đức, chúng ta cần áp dụng chơn lý vào việc rèn luyện con người nhằm đưa mọi người đến một cuộc sống “ly khổ đắc lạc,” một cuộc sống an lạc, tự tại, tỉnh thức và hạnh phúc. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng để có một cuộc sống “ly khổ đắc lạc,” trước hết tự thân tự tâm phải luôn định tỉnh, phải hiểu rõ giá trị của chính mình, phải nhận chân đúng sự tương quan và tương duyên giữa con người với con người và giữa con người với vạn hữu từ đó chúng ta mới có khả năng buông bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến và tiến dần đến cuộc sống “ly khổ đắc lạc.” Chính Đức Phật đã từng dạy trong các kinh điển của Ngài: “Con người là hơn cả vì hết thảy kết quả giác ngộ đều đạt được bởi con người.” Bằng chứng hùng hồn là Đức Phật, Ngài đã đi từ người lên Phật bằng cách từ bỏ tham sân si và sống đời “ly khổ đắc lạc.” Người con Phật chơn thuần không tự mình “ly khổ đắc lạc” mà còn giúp người “ly khổ đắc lạc.” Chúng ta phải tự trang bị cho mình một nội dung Phật chất đầy đủ, phải hiểu rõ Tứ Diệu Đế, phải tu tập 37 phẩm trợ đạo, phải vào đời bằng trái tim “từ bi hỷ xả,” phải nghiêng tai bên những trái tim hấp hối để nghe cho rõ những trầm thống của nhân loại, phải sẵn sàng xăn tay áo lên giúp băng bó những vết thương rỉ máu của con người, khi thấy ai cần của thì giúp của, ai cần lời thì giúp lời, ai đói thì giúp cho miếng ăn, ai khát thì giúp cho thức uống, ai lạnh thì giúp cho manh quần tấm áo, ai run sợ lo âu thì khuyến tấn trấn an. Làm như vậy là mình đang “ly khổ đắc lạc” và đang giúp người “ly khổ đắc lạc.” Làm sao để được có được cuộc sống “ly khổ đắc lạc?” Như trên đã nói, chỉ có nội dung Phật chất mới giúp được con người tiến dần đến thiểu dục tri túc trong những lôi cuốn thúc bách của xã hội hôm nay. Chỉ có thực tập thiền định mới giúp con người tương đối định tỉnh trong xã hội loạn động mà con người phải hằng ngày vật lộn. Tôn giáo nầy chẳng những không chấp nhận thần linh huyền bí, mà còn đưa con người trở về với thực tế cuộc sống. Trong tứ chúng, Phật không bắt ép ai phải tiết dục. Ai muốn tiết dục để tu giải thoát thì cứ xuất gia xuất trần, ai chưa kham nổi diệt dục thì Phật khuyên nên thiểu dục tri túc. Ai có khả năng thiền cứ thực hành thiền định, ai không kham nổi thiền định thì Phật chỉ cách niệm Phật sao cho nhất tâm bất loạn. Đạo Phật không là lý thuyết, đạo Phật không dành riêng cho người xuất gia, cho người thế tục, cho người trí thức hay phàm dân. Đạo Phật thực tế và đạo Phật là đạo của mọi người. Người tin Phật và tu Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều phải tâm nguyện chí thành “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Vì Phật đã khẳng quyết trong Kinh Hoa Nghiêm rằng không vì chúng sanh mà tu hành các thiện pháp đều là hành động theo ma vương, vì không sớm thì muộn kẻ đó cũng rơi vào ma đạo, kẻ đó rồi cũng vị tư lợi, háo danh, hoặc cầu vui cho mai sau. Người con Phật vẫn đi thẳng vào đời, vẫn mưu sinh, nhưng không màng danh lợi, không vì danh lợi mà làm tổn hại đến tha nhân. Dù buông bỏ công hầu khanh tướng, con người ấy không thối chí khiếp sợ trước bất công bạo lực. Người Phật tử vẫn đi thẳng vào đời nhưng can đảm dứt bỏ thị phi yêu ghét và thản nhiên trước mọi tình huống. Trước mọi sự mọi việc không tham ái đắm chìm, không sợ hãi ghen ghét.   Người con Phật vào đời bằng Trung Đạo, từ chối thái quá và bất cập, không khoái lạc  mà cũng không đau khổ. Trên vạn nẻo đường đời người con Phật chơn thuần chỉ hành trình bằng cái tâm duy nhất: an tịnh. Muốn được như vậy, người con Phật phải vào đời bằng cái tâm bình thường dù trong trạng huống hạnh phúc hay đau khổ. Người con Phật phải thấy và biết như vậy thì mới mong có được những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm chơn chánh. Tâm an tịnh là tâm không chứa đựng, không chứa đựng cái xấu mà cũng không ôm ấp cái tốt. Điểm quan trọng ở đây là người con Phật luôn tự biết mình, luôn tỉnh thức trong chánh niệm, luôn nhớ đến chánh pháp, nhứt nhứt ý niệm trỗi lên ta đều biết nhưng không theo cũng không đuổi, không mời cũng không gọi. Làm được như vậy thì lợi danh, khen chê, thị phi, hoạn nạn, mai mắn, sầu thảm hay vui sướng cũng không quật ngã được chúng ta. Làm được như vậy thì tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng, ngã kiến, biên kiến sẽ không còn sức khống chế được chúng ta nữa. Làm được như vậy là làm được một phần kim ngôn của Phật: “Ly khổ đắc lạc,” nghĩa là lìa khổ được vui, cũng là bước khởi đầu cho một cuộc vươn lên hướng thượng và mở ra một phương trời cao rộng trên bước đường tu tập giải thoát. Trong Kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy: “Trong tất cả các loài, con người đủ điều kiện hơn, như về trí khôn chẳng hạn. Nhất là hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như các cõi trời và không ngu si như loài súc sanh.” Như vậy Đức Phật đã khẳng quyết về khả năng “ly khổ đắc lạc” của con người. Kỳ thật muốn làm được thân người với khả năng “ly khổ đắc lạc,” thì ít nhất đời trước chúng ta đã giữ tròn đầy ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không uống những chất cay độc). Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Không đau khổ nào giống như sự đau khổ của loài người, nhưng chẳng có hạnh phúc nào lớn bằng sự an định của tâm ý.” Như vậy Đức Phật đã dạy quá rõ ràng về cách “ly khổ đắc lạc” cho hàng hậu bối chúng ta rồi còn gì? Ngài nhấn mạnh về nỗi khổ đau trầm thống của con người không thể nào diễn tả được bằng lời, và liền theo đó Ngài chỉ cho chúng ta “ly khổ đắc lạc” bằng cách an định tâm ý. Muốn giảm thiểu khổ đau chúng ta không có con đường nào khác hơn là chế phục dục vọng. Bên cạnh đó, chúng ta phải luôn nhẫn nhục vì nhẫn nhục chính là những nhân phát triển công đức. Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Đức nhẫn nhục không cái gì có thể sánh bằng được. Người tu hạnh nhẫn nhục đáng gọi là đại lực sĩ.” Tuy nhiên, người con Phật chơn thuần phải luôn hiểu rằng “nhẫn nhục” để không đốt phá những khu rừng công đức mà chúng ta đã vun quén bấy lâu nay, chứ không phải là đầu hàng nghịch cảnh. Tóm lại, tất cả những tên giặc tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, biên kiến, sát, đạo, dâm, vọng đều là những nhân của khổ đau phiền não. Muốn “ly khổ đắc lạc” chúng ta phải tận diệt những nhân gây ra đau khổ vừa kể trên. Nhất là nhân “si mê” vì si mê mà chúng ta mù quáng không biết đâu là chánh đâu là tà, đâu là chơn đâu là ngụy để rồi cuối cùng nhắm mắt đi vào địa ngục với thầy tà bạn ác. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy trong Kinh Sa Di Thập Giới: “Nỗi khổ bị thiêu đốt trong ba đường dữ, nỗi khổ của con lạc đà hay con lừa phải chở nặng, nỗi khổ đói khát áp bức của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Si mê không học, không biết hướng đi mới là khổ.”

490. AI GIÀU CÓ, AI NGHÈO KHÓ?

Trong các kinh điển, Đức Phật đã dạy: “Bố thí đứng đầu trăm hạnh.” Đúng vậy, hạnh bố thí là hạnh đầu trong trăm hạnh. Bên cạnh đó, theo quan niệm thực tiễn của đạo Phật thì ai là người giàu có, còn ai là kẻ nghèo khó? Trong các kinh dạy ưu bà tắc và ưu bà di, Đức Phật đã khẳng định, dù có là triệu phú nhưng mang tâm keo kiết bỏn sẻn, đó là kẻ nghèo khó. Ngược lại, dù có thiếu thốn về vật chất mà tâm địa rộng rãi, vị tha bác ái, quảng đại, bố thí cúng dường, người ấy chính là người giàu có. Người nghèo là người mang tâm địa ích kỷ, chỉ mưu tính sao cho mình được lợi, còn thì sống chết mặc ai. Ngược lại, người giàu trong đạo Phật là người mang tâm không ham muốn truy cầu, không tham lam bỏn sẻn, không vơ vét của người làm của mình, không lường gạt giựt giọc của ai. Theo Đức Phật, người giàu có là người biết tu thân theo chánh pháp, phải có lòng từ bi hỷ xả vì con người ấy không còn vướng mắc những hệ lụy của khổ đau phiền não. Người nghèo khó là người suốt ngày phải bị dằn dặc cấu xé bởi những sợ hãi, mất mát, tranh đua, hơn thiệt, thị phi, kiêu mạn trong Kinh Di Giáo, Đức Phật đã dạy: “Nếu ta biết đủ thì dù nằm trên đất trên cỏ cũng thấy là đủ, còn không biết đủ thì dù có nằm trên nệm ấm chăn êm hay trên thiên đường cũng chẳng thấy đủ.” Thật vậy, đền đài Bát Thánh Đạo không đến được bằng tiền của vật chất của thường tình thế tục. Kẻ có nhà cao cửa rộng không bao giờ mua được chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định. Tiền của vật chất của cõi nước tạm bợ nầy không mua được “liễu sanh thoát tử,” cũng không làm cho đạo đức nở hoa. Thế nên lắm khi người giàu tiền lắm của trên thế gian vẫn là những con người nghèo khó về mặt đạo đức và tu hành. Đạo Phật còn đi xa hơn thế nữa, những người đã có đạo đức và khéo tu hành, nhưng nếu chỉ tiêu cực tự kỷ, không dám mở lòng vị tha phóng khoáng, không dám “cô thân vạn lý du” hành hóa độ tha, con người ấy vẫn là người nghèo khó. Thật vậy, dẫu xây chín bậc phù đồ, cũng không bằng đem một lời Phật dạy ra mà hoằng hóa làm lợi lạc cho nhân sinh. Người giàu với đạo là người dám vì tha nhân mà phát nguyện cầu học cầu tu, tự hóa hóa tha, phát tâm dũng mãnh trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Người giàu với đạo còn là người chịu trồng thiện căn, gần bạn lành, đi đâu đến đâu cũng kết tụ Bồ Đề quyến thuộc, thường phát tâm nghe pháp, không thối chuyển, không mỏi mệt. Ngoài ra, người giàu có theo đạo Phật, là người liễu ngộ ba đặc tướng vô thường, khổ và vô ngã, phải thấy được thực tướng của các hiện tượng đều do duyên hợp duyên tan chứ không có cái gì là có thật. Con người ấy luôn biết quán sát thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp một cách tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ tham ưu ở đời. Nhờ luôn giữ được chánh niệm (làm cái gì mình biết mình đang làm cái ấy, nghĩa là lâm luôn trụ yên trên một đối tượng) mà tâm sẽ từ từ thanh sạch, nghĩa là những chướng ngại của tâm sẽ từ từ giảm bớt hay bị gạt ra ngoài, do đó mà tâm sẽ ngày càng trở nên sáng suốt và thanh tịnh. Nhờ liễu ngộ được vô thường, khổ và vô ngã mà con người giàu có ấy sẽ chỉ còn thấy tất cả những sự việc xảy ra trên đời nầy chỉ là những hiện tượng chứ không còn thấy chúng qua một người hay một chúng sanh khác nữa. Nhờ sự tỉnh giác nầy mà con người ấy không còn khởi tâm sân hận hay thù ghét bất cứ ai, như vậy người giàu có trong đạo Phật luôn sống hài hòa với tha nhân, luôn nhìn tha nhân bằng đôi mắt “từ bi hỷ xả,” luôn lấy “lợi tha làm bổn nguyện (vi bổn hoài)” chứ không còn ham muốn, bám víu, dính mắc, nhiễm ô. Tâm người giàu có trong đạo luôn đi ngược lại với thường tình thế tục. Thường tình thế tục thì luôn ôm ấp và vơ vét, ngược lại trong đạo thì luôn “buông xả” tài vật của thế gian, nhưng lại “thu thúc”  trong việc giữ gìn giới luật. Chính vì thế mà con người ấy lúc nào cũng xả ly dù đang ở địa vị quyền cao chức trọng, con người ấy không bao giờ màng đến tiền của vật chất mà chỉ lo phát triển  trí tuệ cho đến mức cùng tột. Con người ấy luôn tinh tấn tu trì, luôn nhẫn nhẫn nhẫn, nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn cả những cái không đáng nhẫn, vì theo Phật thì trên đời nầy không có cái gì không đáng được gọi là không đáng nhẫn cả. Con người luôn chân thành chánh trực chứ không bao giờ tà ngôn vạy ngữ. Nhờ vậy mà con người ấy luôn sống đời buông xả, chẳng chút lo buồn, sợ hãi; trong tâm không còn một vẩn đục tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng; đi đâu đến đâu con người ấy cũng chỉ một bề kết tụ Bồ Đề quyến thuộc. Mong cho ai nấy đều phát tâm buông xả để trở thành những con người giàu có theo đúng ý nghĩa của nhà Phật!

491. KHẢ NĂNG THÀNH PHẬT  CỦA CON NGƯỜI

Đức phật đã từng nói trong các kinh điển của Ngài rằng chúng sanh mọi loài đều có Phật tánh như nhau. Phật tánh ấy ở chư Phật như thế nào thì ở chúng sanh cũng như thế ấy, chứ không lớn, không nhỏ, không trược, không thanh hơn. Tuy nhiên, trong tam đồ lục đạo thì con người  có nhiều lợi điểm tỏ ngộ Phật tánh hơn cả vì dù so với vũ trụ bao la thì con người không bằng một hạt cát nhỏ, nhưng hạt cát ấy có tư tưởng phán đoán và suy luận. Nhờ biết phán đoán và suy luận mà con người có thể khắc phục những khuyết điểm và lầm lỗi để tiến lên chỗ thanh cao đẹp đẽ hơn. Đặc biệt là từ khi Phật Tổ thị hiện, Ngài và các bậc Tổ Thầy đã không ngừng nghỉ khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật. Ngài đã thiết lập một đạo giáo với minh triết cho con người theo đó mà sống hạnh phúc và tu giải thoát. Tôn giáo nầy tuyệt đối không để thờ phượng, nên Phật Tổ không muốn ai thờ Ngài theo kiểu một thần linh. Phật đã từng khẳng định rằng Ngài chỉ là một người giác ngộ đi trước, muốn đem những kiến giải của mình ra chia xẻ cho mọi người để ai nấy đều được giác ngộ và giải thoát như Ngài. Ngài muốn xây dựng lại một giá trị tinh thần thanh cao trong đời sống hằng ngày của nhân loại.

Giáo lý Phật Đà dù thậm thâm, cao siêu và vô lượng, cũng chỉ với mục đích duy nhất là “chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc.” Để minh chứng khả năng thành Phật của con người, Phật Tổ đã chứng nghiệm nơi tự thân của Ngài. Ngài đã tu hành và thành Phật. Ngài đã đưa giá trị con người vào một vị thế vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Ngài đã chứng minh một cách hùng hồn qua tự thân rằng con người với nỗ lực tu hành, có khả năng biến mình thành Phật. Tấm gương rạng ngời của Phật Tổ năm xưa đã khai mở cho chúng sanh một con đường, một chân trời mới trong khả năng thành Phật của chính mình. Tuy nhiên, con người chỉ có thể thấy được căn cội của mình khi đã thấy được  vì đâu mà chúng ta đã lăn trôi từ vô lượng kiếp? Rồi từ đó lần về bờ mé của giác ngộ và giải thoát. Phải thấy cho được vì vô minh mà chúng ta cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Phật đã giác ngộ và giải thoát khỏi mọi ràng buộc nên Ngài thành Phật. Với Ngài, phiền não hay Bồ Đề không sai khác. Ngài đã chia xẻ sự giác ngộ cao tuyệt ấy với các đệ tử của Ngài rằng nếu chúng ta không cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si thì phiền não và Bồ Đề không còn bờ mé nữa. Phật đã nhờ nguyện lực và ý chí mà Ngài đã vượt thoát khỏi bờ mé của biển khổ sông mê. Con người chúng ta lại cũng như vậy, nếu chúng ta không còn u mê và cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si sẽ không còn vướng mắc của ngũ trược ác thế nữa. Khả năng thành Phật nơi Đức Thích Tôn Từ Phụ như thế nào thì khả năng thành Phật nơi chúng ta lại cũng như thế không sai khác.

Người con Phật chơn thuần hãy suy gẫm lại mà xem, vướng mắc vào ngũ trược ác thế rồi chúng ta được gì? Phật đã đã chỉ dạy quá rõ ràng trong đời nầy, từ vua quan cao sang đến cùng đinh hạ tiện, từ thiên hà vũ trụ bao la cho đến con kiến, hạt bụi, tất cả đều chịu chung một qui luật: sinh, trụ, dị, diệt. Đức Phật đã gửi một thông điệp cho mọi loài mọi người: “Dù có tom góp toàn thể tài sản của Ta Bà nầy rồi cũng phải trở về với cát bụi.” Thật đúng vậy quý vị ạ! Văn minh vật chất có thể đưa con người đến những tinh cầu xa xôi, nhưng chưa bao giờ nền văn minh ấy thực sự đưa con người  gần lại với con người. Trong cơn hồng thủy và những tai ách của Thế Giới Ta Bà, Đức Từ Phụ đã hiên ngang tuyên bố rằng: “hạnh phúc của con người phải bắt nguồn từ việc đem con người xích lại gần nhau hơn.” Chỉ khi nào chúng ta đem lại cho nhau bằng tình thương chơn thật và sự hiểu biết đúng đắn, chừng đó chúng ta mới có thể chuyển hóa cho tâm hồn an lạc cho mình và cho người. Phật tử chơn thuần không nên tự ti mặc cảm với những tội lỗi trong quá khứ rồi đâm ra bi quan yếm thế không chịu tu hành. Chính Đức Từ Phụ đã từng khẳng định trên đời nầy có hai hạng người cao quí như nhau, thứ nhất là những bậc Thánh chưa bao giờ phạm lỗi, thứ hai là những ai phạm lỗi mà biết nhận và sửa lỗi. Chính Đức Từ Phụ cũng đã khẳng định: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham Phật quả.” Nghĩa là ai cũng đều có Phật tánh và đều có thể là một vị Phật trong tương lai. Biết như vậy để vững tin rằng chỉ cần bỏ ác làm thiện và giữ cho tâm ý thanh sạch là khả năng thành Phật của ta hiện tiền. Tuy nhiên, Phật tử nên luôn nhớ rằng “khả năng thành Phật” và “thành Phật” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Làm sao được khả năng thành Phật? Một khi đã hiển bày được khả năng thành Phật rồi thì bước kế tiếp là phải tu sao cho thành Phật. Người con Phật chơn thuần dù ở nhà, ở chợ, ở sở hay ở chùa đều luôn biết tùy duyên mà khắc phục hoàn cảnh và phương tiện tu hành, dù phương tiện có khác nhưng việc tu hành vẫn đúng theo chánh pháp (tùy duyên mà bất biến). Trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật dạy: “Chúng sanh mọi loài đều có khả năng thành Phật nếu chịu tu đúng theo Chánh Pháp, chịu giữ vững giới luật thì luôn thấy Như Lai. Ngược lại, không tu theo Chánh Pháp, không trì giữ giới luật, dù đứng trước Như Lai cũng không thấy được Như Lai.” Tu sao cũng được miễn là tu thiệt. Đừng tưởng đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, trì chú, vân vân đã là tu rồi. Tất cả những thứ vừa kể đều rất tốt với điều kiện đi chùa lễ Phật nhằm triệt tiêu cái bản ngã kiêu căng  và tự cao tự đại tự thuở giờ; tụng kinh hiểu lý để sám hối tam nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh sạch; gần gũi chư Tăng Ni để học hỏi Chánh Pháp; làm công quả với mục đích tự lợi lợi tha; làm Phật sự vì lợi ích chúng sanh và tự giác giác tha; đi chùa để bớt làm việc ác, tăng trưởng việc lành chứ không đi chùa để được tán thán ca tụng, vân vân. Người Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ rằng khả năng thành Phật của con người không ai cho mà có, không mua mà được, cũng không do mặc khải mà thành. Nếu mặc khải mà thành hoặc cho mà có thì Vua Tịnh Phạn, bà Hoàng Hậu Ma Da, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, công chúa Da Du Đà La, và La Hầu La đã thành Phật mà không cần phải làm gì cả. Khả năng thành Phật cũng không do học mà được. Nếu học mà được thì từ gần hai mươi sáu thế kỷ nay bao nhiêu học giả đã đều thành Phật hết rồi. Muốn được khả năng thành Phật, con người chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất là tu hành như Phật Tổ đã tu hành năm xưa. Muốn hiển lộ khả năng thành Phật trước hết phải có tâm xuất ly, xuất ly tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Chư pháp không vĩnh hằng, không có cái gì là triệt để hay tự tại, chính vì thế nếu chúng ta ôm lòng bám víu vào bất cứ thứ gì rốt rồi chúng ta đều phải chuốc lấy khổ đau phiền não. Muốn tìm về khả năng thành Phật của chính mình người con Phật phải phát tâm tu hành y theo Phật chứ không có con đường nào khác. Chữ “Tu” trong đạo Phật, nếu muốn nói đơn giản thì nó đơn giản, mà nếu muốn nói thâm cao thì nó cũng thâm cao. Tu là sửa đổi, là sửa cái hư xấu thành cái tốt đẹp. Tu là chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, cải hóa hành vi xấu xa ra tốt lành. Tu còn là phản quang tự kỷ, quay lại nhìn chính mình. Tu là ăn hiền ở lành. Tu là chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý. Tu là giác mê lìa khổ. Tu là tự cởi trói, tự mình giải thoát khỏi mọi hệ lụy của khổ đau phiền não. Tu là chuyển hóa từ trược đến thanh. Tu là cắt tuyệt cái óc nhị phân và gỡ mình ra khỏi tài sắc danh thực thùy. Tu là thấy rõ những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng chính là những kiết sử (hoặc lợi hoặc độn), kiến hoặc và tư hoặc trói cột và mê hoặc chúng ta, làm cho khả năng thành Phật của chúng ta bị che lấp mất. Tu là thấy rõ “Tứ Diệu Đế” chính là con đường chắc thật đưa chúng ta đến chỗ thoát khổ lìa não, vân vân và vân vân. Tuy nhiên, tất cả những thứ mà chúng ta vừa kể trên không chạy ra ngoài thế gian pháp. Nếu chúng ta cứ mơ mơ màng màng từ bỏ thế gian này để đi tìm giác ngộ chẳng khác chi chúng ta cố gắng đi tìm lông rùa sừng thỏ vậy. Điểm tối quan trọng trong tiến trình tu tập là không nói mà chỉ hành, vì trong vạn kiếp lăn trôi chúng ta đã mang cái tâm buông lung theo sự xúi giục của trần cảnh bên ngoài để đi qua hết cửa nầy đến cửa khác của luân hồi sanh tử. Nay quyết tâm tu hành là phải tu hành chứ không tiếp tục buông lung nữa. Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy: “Thế gian pháp là mọi hiện tượng trên đời nầy, tùy nơi tùy lúc mà biết dùng cái trí khôn tỉnh sáng để hành sử, ấy là Phật pháp.” Người con Phật chơn thuần phải luôn cẩn trọng để thấy Phật pháp bàng bạc khắp nơi trong thế gian, chúng ta chỉ cần dùng cái trí tỉnh sáng mà ứng phó chứ không cần đào bới trong văn tự ngôn ngữ. Thật tình mà nói, càng đào bới trong văn tự ngôn ngữ hạn hẹp của thế gian, chúng ta càng bị mắc kẹt và vướng víu vào những văn tự ngôn ngữ đó. Chính vì vậy mà Mã Tổ có dạy: “Cỏ hoang nhà mình chưa từng xới mà lại đi đào bới kiếm tìm những hư từ trong văn tự.” Như vậy tu là hãy quay ngay về với chính mình mà thanh lọc thân khẩu ý như trở về giẫy cỏ đang mọc lan tràn trong vườn nhà vậy. Người con Phật chơn thuần phải luôn nhớ rằng khả năng thành Phật chỉ hiển lộ qua tiến trình hành trì chứ không qua sự học hay nói. Nếu không chịu hành trì mà chỉ “tầm chương trích cú” trong kinh điển để nhàn đàm hý luận, dù có tầm chương trích cú trong kinh điển tối thượng thừa, tất cả chỉ là giỡn chơi cho qua ngày tháng chứ không ăn nhằm gì đến việc phát huy khả năng thành Phật của chính mình. Thật vậy, tầm chương trích cú không bao giờ giúp ta dứt trừ được tham, sân, si, mạn nghi, tà kiến, biên kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Chỉ có “hành thiện, không hành ác và tự tịnh kỳ ý” mới giúp cho chúng ta đoạn trừ những thứ nầy và thấy được đạo mà đoạn trừ mê lầm (kiến đạo sở đoạn hoặc) và tu trì cả lý lẫn sự mà đoạn trừ mê lầm (tu đạo sở đoạn hoặc). Một khi đã tu trì như vậy thì cho dù chưa đạt được khả năng thành Phật, thì cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy. Người tu Phật chỉ với hai tâm nguyện duy nhứt là thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh, không có gì khác để nói trong tiến trình nầy. Không có gì phải nói trong tiến trình đấu tranh đoạn tận tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Người con Phật phải luôn tỉnh thức mọi móng động của tâm ý mình, vì chỉ có sự tỉnh thức nầy mới giúp chúng ta có cơ hội chuyển hóa những sai trái, chỉ có sự tỉnh thức nầy mới giúp ta có khả năng thành Phật. “Nói” sẽ không bao giờ giúp ta lách mình ra khỏi hố thẳm của sân hận và si mê. Trong thời mạt pháp xa Phật nầy, có lắm ma nhiều quỷ. Phật tử chơn thuần đi chùa thì ít, nhưng ma Ba Tuần rảo bước đến chùa phá đạo nhiễu  Tăng thì nhiều vô số kể. Thậm chí có người vừa tụng được một vài biến kinh, niệm được dăm ba câu chú, hoặc ngồi được một hai cử thiền đã vội vỗ ngực xưng tên “Thiền Sư” “Thiền Thầy.” Thiền sư thiền thầy mà thịt chúng sanh vẫn nuốt, tham lam sân hận vẫn còn đầy, gian ngoa láo khoét không ai bằng, ngày ngày vẫn độ người uống rượu bằng cách cam tâm làm đệ tử Lưu Linh, đêm đêm vẫn độ kẻ bài bạc bằng cách tự nguyện làm bác thằng Bần. Qua lớp tướng hảo đoan trang là cả một bầu tà hạnh. Người con Phật nên luôn nhớ rằng trong tiến trình làm hiển lộ khả năng thành Phật của chính mình, phải luôn quán xét sự bất tịnh nơi thân, sự vô thường nơi tâm, sự vô ngã nơi pháp (chư pháp không có chủ thể) và mọi thọ nhận đều là nhân của khổ đau phiền não. Con người ấy phải luôn siêng năng tu trì chánh đạo, luôn ngăn ngừa và dứt trừ điều ác, luôn thực hiện và phát triển điều lành, luôn tu tập thiền định một cách dũng mãnh, không mỏi mệt, không thối chuyển. Con người ấy luôn thấy rằng ngũ căn là cội rễ của ác căn mà cũng là nguồn cội của thiện căn nên luôn biết thu thúc không cho chúng buông lung tạo nghiệp. Con người ấy luôn tin Phật Pháp Tăng và tin tưởng nơi khả năng thành Phật của chính mình, luôn tin nhơn quả nghiệp báo, tin rằng con người luôn có năng lực tập trung tư tưởng đúng như lời Phật dạy để luôn có được kiến thức chơn chánh, tư duy chơn chánh, lời nói chơn chánh, hành động chơn chánh, mạng sống chơn chánh, siêng năng tu trì, không loạn niệm tạp niệm trong cuộc sống cuộc tu hằng ngày. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng từ lộ trình giải khổ về đến bảo sở (tòa Như Lai) hãy còn dài và còn nhiều chướng ngại phải vượt qua. Cũng như vậy, thấy được khả năng thành Phật không có nghĩa là thành Phật, từ thấy đến thành phải trải qua ba a tăng kỳ như lời Phật dạy. Tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật thật rộng sâu không thể nghĩ bàn, ai muốn tu theo pháp nào cũng được, miễn là tu chứ đừng nói. Tâm ta nào khác chi cuộn chỉ rối, tu hành là hành trì phương cách gỡ rối, gỡ những khổ đau phiền não. Người con Phật phải nghe cho kỹ những lời Phật dạy để hiểu và biết cả lý lẫn sự, cả tướng lẫn tánh, cả lý thuyết lẫn thực nghiệm. Làm được như vậy dù chưa thành Phật thì cuộc sống hiện tại hẳn là an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy!

Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ rằng thời gian qua mau hơn ánh điển chớp, thời gian không chờ không đợi một ai, đừng đợi đến lúc tay rung, mắt mờ, chân yếu rồi mới tìm về với khả năng thành Phật của mình thì e rằng không còn kịp nữa. Được thân người là cơ hội hãn hữu để tu hành giải thoát, gặp Phật pháp chẳng khác chi gặp được “cây sắt” nở hoa, thế mà chúng ta nỡ để cho kiếp nầy luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Người con Phật chơn thuần hãy tự hỏi lòng mình xem coi mình đi chùa để làm gì? Nếu đi chùa để nương Tăng dựa pháp mà chuyển hóa nghiệp chướng và đoạn ái ly sân, cũng như lìa tham xa mạn, tránh sát, đạo, dâm, vọng thì nên đi chùa lắm. Ví bằng đi chùa để nhàn đàm hý luận và diễu đạo khinh Tăng thì nên đi uống nước đồng sôi cho tan nát một thân nầy càng sớm càng tốt, chứ đừng tự mình lót đường cho mình vào địa ngục vô gián vĩnh viễn. Văn tự ngôn ngữ chỉ có lợi lạc khi con người biết nương vào đấy để mà tu tập, còn những danh lý hư từ như “trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật,” “phiền não tức Bồ Đề,” hay “Phật pháp không lìa thế gian pháp,” hay “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” vân vân và vân vân sẽ chẳng giúp ích gì cho những kẻ chỉ mang tâm đi nhàn đàm hý luận. Tu là tiến trình chuyển hóa  nhờ quán chiếu sâu vào vạn pháp chứ không thể nào cưỡng ép tâm ý mà có kết quả được. Người con Phật chơn thuần muốn tìm lại cái khả năng thành Phật mà mình đã một lần dại dột bỏ quên, hãy luôn tỉnh giác trong chánh niệm để làm chủ trọn vẹn tâm mình, để từng bước chân ta đi là từng bước đi về nẻo Bồ Đề. Mong cho ai nấy đều tìm lại được cái khả năng thành Phật của mình để một ngày không xa nào đó pháp giới chúng sanh đều thành Phật đạo.

492. THẾ CŨNG ĐỦ RỒI!!

Phật là một bậc toàn giác, Ngài đã chứng ngộ chơn lý giải thoát cao tuyệt, đã khởi tâm đại bi hóa độ cho những chúng sanh chưa giác ngộ. Công hạnh của Ngài đã hoàn toàn viên mãn. Ngài đã thấy rõ thế gian là bể khổ và Ngài đã tìm ra đâu là nguyên nhân của khổ, cũng như làm sao diệt khổ. Ngài đã thấy chơn lý chắc thật để diệt trừ khổ đau phiền não không chạy ra ngoài việc thực hành rốt ráo bốn chữ “Thế cũng đủ rồi!” Bốn chữ nầy kỳ thật chỉ là mệnh đề phụ của một cái gì đó, thế mà lại là một “chơn lý chắc thật” có công năng diệt trừ khổ đau phiền não trên cõi đời nầy.

Đã là chúng sanh, chưa một ai dám vỗ ngực tự cho là mình chưa bao giờ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Hãy bình tâm suy gẫm lại mà xem! Hoặc trong quá khứ, hoặc trong hiện tại, hoặc trong đời nầy, hoặc trong đời trước, chúng ta đã từng hí hửng làm nô lệ cho những tên giặc tham, sân, si. Chính vì thế mà chúng ta cứ mãi lặn ngụp trong sóng gió của luân hồi sanh tử, khi khóc, khi cười, khi vui, khi khổ. Chính những đám mây đen vô minh của tham ái, dục vọng, sân hận, si mê đã che khuất cả mặt trời trí tuệ mà vốn dĩ chúng ta đã có từ vô thỉ. Chính những đám mây đen tham, sân, si đã làm cho nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển. Thật vậy quý vị ơi! Đời người vui ít khổ nhiều. Những niềm vui, nếu có chỉ là tạm bợ trong giây lát rồi sẽ qua đi. Niềm vui nào khác chi vỏ trứng bao bọc lấy cả quả trứng khổ đau phiền não. Khổ đau phiền não của Ta Bà có kể cũng không cùng, có viết cũng không cạn. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy: “Nếu khổ đau phiền não của chúng sanh mà có hình tướng thì tam thiên đại thiên thế giới cũng không đủ chỗ chứa.” Chính bản thân con người đã khổ, mà hoàn cảnh chung quanh lại còn đè nặng lên tấm thân gầy còm của chúng sanh. Cứ thế mà cái khổ nầy tiếp tục chồng lên cái khổ kia. Ngoài chuyện thân thể bị chi phối bởi sanh, già, bệnh, chết  con người còn bị đủ thứ tai ách từ những hoàn cảnh bên ngoài như hạn hán, bão lụt, hỏa hoạn, áp bức, bóc lột, giàu hiếp nghèo, sang hiếp hèn, uy quyền hiếp thế cô, vân vân và vân vân. Lại nữa, từng sát na trôi qua là cả vũ trụ nầy đang trải qua một tiến trình hoại diệt, chứ không riêng chúng sanh hay con người hoại diệt. Dù cho bậc vua quan uy quyền tột đỉnh cũng phải đành bó tay trước sự nghiền nát và hủy diệt của thời gian. Thêm vào đó, tâm viên ý mã của con người nào để yên cho con người. Bên cạnh sự chi phối của ngoại cảnh và thời gian, tâm viên ý mã luôn lôi kéo thúc đẩy chúng ta làm những chuyện xằng bậy, nào là ta giận, ta buồn, ta thương, ta ghét, ta vui, ta muốn thứ nầy, thích thứ kia, vân vân. Đức Thích Tôn Từ Phụ đã vạch ra quá rõ do đâu mà có khổ và làm thế nào mà khổ đau phiền não cứ mãi chất chồng. Vì loạn động mà con người sanh ra đủ thứ tham, sân, si cho khổ đau, rồi cũng chính vì loạn động mà con người cứ chồng chất từng lớp khổ đau lên nhau. Tuy nhiên, Ngài cũng khẳng định, không có Niết Bàn tịnh tịch ngoài cái thế giới Ta Bà loạn động nầy. Có điều là chúng ta có đủ can đảm tự nhủ: “Thế cũng đủ rồi!” để từ đó dám quay lưng lại với tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Mỗi khi một niệm tham vừa mống lên là ta dám tự nói với chính mình: “Thôi, tham từ vô lượng kiếp cũng đã đủ quá rồi còn gì! Nay là lúc ta phải can đảm quay lưng lại với các ngươi đây.” Cũng như vậy, một niệm sân vừa khởi dậy, chúng ta phải dám tự nhận chỉ vì tham thôi mà tâm thức nầy đã lăn trôi trong ba nẻo sáu đường huống là mang thêm tâm sân hận? Thôi thế cũng đủ rồi, đừng “sân” thêm chi cho nặng nghiệp. Rồi đến lượt si mê, kiêu mạn, tà kiến, ác kiến, nghi hoặc, sát, đạo, dâm, vọng chúng ta đều tự nhủ y như vậy, thì con người chúng ta là gì nếu không phải là con người giác ngộ với sự quân bình tuyệt vời giữa thân và tâm? Nếu ai trong chúng ta cũng làm được như vậy thì chúng ta sẽ luôn biết đủ trong mọi tình huống, sẽ chẳng khởi vọng tâm bất cứ lúc nào. Hầu hết chúng ta đều đã từng khổ não vì tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, quyền uy, ăn ngon, mặc đẹp và ngủ nghỉ. Chỉ vì những thứ nầy mà con người quên hết đạo tâm, không còn biết đâu là nhân nghĩa đạo đức, nhân quả tội phước. Chỉ vì những thứ nầy mà chúng ta đã dùng trăm mưu ngàn kế để mình và gia đình mình được hưởng thụ, còn thì sống chết mặc ai. Những ai muốn tiền tài, ham sắc dục, háo danh vọng, háo uống, háo ngủ mà chẳng kinh vì nhân quả tội phước thì cứ việc buông lung phóng túng cho đời sau thành chó thành heo để tiếp tục ăn uống ngủ nghỉ cho thỏa thích. Còn những ai muốn có cuộc sống thật xứng đáng của một con người ngay trong đời nầy kiếp nầy để trở thành một bậc thượng căn đại giác, hãy tự nhủ lòng: “Thế cũng đủ rồi!” Người con Phật chơn thuần phải dùng trí tuệ quan sát thật kỹ những tai hại của ngũ dục, phải phát lòng đại hùng đại lực mới có thể tu được với năm chữ “Thôi thế cũng đủ rồi.” Tuy nhiên, đạo Phật nói dễ khó làm. Một khi đã nổi sân hận lên, có mấy ai có thể tự trầm tĩnh và nói được năm chữ “thôi thế cũng đủ rồi?” Muốn làm được những điều nầy, phải tu cả thân, khẩu, lẫn ý. “Thôi thế cũng đủ rồi” nơi thân có nghĩa là không còn nữa những ngày ăn sang mặc đẹp, quần là áo lụa, không còn nữa những ngày trây lười dể duôi. “Thôi thế cũng đủ rồi” nơi miệng có nghĩa là không còn nữa những ngày tà ngôn vạy ngữ, chưởi rủa hung ác, nói lưỡi hai chiều, nói lời đâm thọc, hay nói lời độc ác. “Thôi thế cũng đủ rồi” nơi ý có nghĩa là kể từ đây ta phải lắng lòng dẹp xuống tất cả mọi sự mọi việc, kể từ đây không còn nữa những tà kiến, ác kiến, những tức giận oán thù, những si mê dâm vọng. Một khi giận ai mà chúng ta dám tự nhủ “thôi thế cũng đủ rồi” thì giận hờn làm gì còn khống chế được chúng ta? Một khi ý vừa nẩy ra một niệm tham mà chúng ta dám tự nhủ với chính mình rằng chúng ta đã tham từ vô lượng kiếp nên mới lăn trôi, thôi thế cũng đủ rồi. Vì kiêu mạn mà chúng ta khinh sư chê đạo, thôi thế cũng đủ rồi. Đã bấy lâu nay cứ dây dưa với oan gia trái chủ và thiên tai vạn họa, cái thế công danh. Thôi thế cũng đủ rồi hỡi những người con Phật! Đã từ lâu nay vì chấp trước mà ta chưa bao giờ vui được theo cái vui của người, chưa từ bi lân mẫn được với chúng sanh mọi loài, chưa khoan hòa tha thứ rộng lượng được với ai, vân vân. “Thôi thế cũng đủ rồi” hỡi những người con Phật! Kể từ bây giờ từ trong ra ngoài, từ tinh thần đến thể chất, từ lời nói đến việc làm đều được phát huy với tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi.”  Ngay cả chuyện sống chuyện chết, chuyện lão bệnh tử cũng chỉ với tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi.” Hãy bình tâm suy nghĩ thì chúng ta sẽ thấy, chúng ta có thể lo lắng cho cái ăn cái mặc, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn được lòng tham vô cùng vô tận của chúng sanh. Nếu chúng ta không tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” thì lòng tham vô đáy sẽ đẩy chúng ta tiếp tục lăn trôi triền miên trong lao tù lục đạo. Nói chi đến chuyện sống chuyện chết là những chuyện mà chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được, nếu chúng ta không chịu sống và chết với tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” thì ô hô biển khổ đời mình sẽ trở nên mênh mông vô cùng vô tận. “Thôi thế cũng đủ rồi,” cho dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; cho dù nhà dột cột xiêu, cho dù đói rách cơ hàn, chúng ta phải thấy được rằng những thứ nầy đều là quả của những nhân đời trước, thấy để không than trời trách đất, thấy để không tiếp tục gây tội tạo nghiệp. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Từ Phụ đã từng dạy: “Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, điên đảo đủ điều chỉ vì cứ mãi chạy theo những ảo vọng của trần thế.” Đức Phật đã dạy quá rõ rồi còn gì? Bấy lâu nay điên đảo đủ điều, bây giờ chịu tu theo Phật nên tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi.” Bấy lâu nay tham ô nhiễm trược, tật đố, si mê  “thôi thế cũng đủ rồi.” Phật đã dạy: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Thế mà chúng ta từ vô thỉ đã không biết bao nhiều lần sân tâm khởi. “Thôi thế cũng đủ rồi” hỡi những người con Phật! Trong vô lượng kiếp lăn trôi, chúng ta đã từng phách lối, hiếp đáp, lấn lướt, ỷ sang hiếp hèn, ỷ giàu hiếp nghèo, ỷ mạnh hiếp yếu; chỉ có ta là số một còn người là bất tài vô dụng, chỉ có ý kiến của mình là đúng là cao cả còn của người là sai là thấp thỏi. Thôi thế cũng đủ lắm rồi hỡi những người con Phật! Dù biết rằng vấn đề tu hành giải thoát không phải là chuyện một ngày một bữa; tuy nhiên, nếu không tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” ngay từ bây giờ thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có khởi điểm cho công cuộc tu hành giải thoát cho chính mình. Nếu chúng ta không chịu dừng lại ngay từ bây giờ thì những đức tính từ bi hỷ xả, trí tuệ bình đẳng, nhẫn nhục, lợi tha sẽ chẳng bao giờ dám bén mảng lại gần chúng ta. Đức Phật đã từng dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!” Nghĩa là không sợ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng khởi lên, mà chỉ sợ rằng chúng ta không sớm tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” mà thôi. Trong Kinh Lục Độ Tập, Đức Phật dạy: “Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không chịu vô đạo được giàu sang mà sống.” Thật vậy, dù chỉ làm một việc ác thật nhỏ để được tiền muôn bạc vạn, người Phật tử cũng không nên làm vì nhân ác dù nhỏ thế mấy cũng là nhân ác. Hễ nuôi dưỡng nó thì có ngày nó phải lớn dần và lớn dần, để một ngày nào đó nó sẽ nuốt trộng  hết những nhân lành mà mình đã ngàn đời dày công tích tụ. Đức Phật dạy: “Chúng ta không nên xem thường đốm lửa nhỏ vì đóm lửa ấy có thể đốt rụi cả khu rừng.” Người con Phật phải nên luôn biết đủ trong cuộc sống hằng ngày vì tánh biết đủ sẽ không lôi kéo chúng ta vào con đường tham sân si và không đưa chúng ta đến khổ đau phiền não. Với tham dục lại cũng như vậy, tham dục dù nhỏ thế mấy chúng ta cũng không nên xem thường vì nó có thể biến chúng ta thành những con người với đầy dẫy tham dục. Chính vì thế mà trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Muốn thoát khỏi khổ não nên quán tưởng tri túc. Tỳ kheo các ông phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người thiểu dục không mong cầu, không ham muốn thì không có khổ não. Các ông nên biết phép tri túc là chỗ an ổn của sự giàu sang sung sướng. Người tri túc dù nằm trên đất cũng thấy sung sướng. Người không tri túc dù ở cõi trời cũng không vừa ý. Người tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không tri túc tuy giàu mà nghèo. Người không tri túc thường bị năm món dục vọng sai xử khiến người tri túc thường thương xót tới.” Thật vậy quý vị ơi! Lòng ham muốn của con người vô cùng vô tận, tam thiên đại thiên thế giới cũng không đủ chỗ chứa, không lẽ hết ngày dài rồi lại đêm thâu chúng ta chỉ biết  rong ruổi đó đây để gom góp và gom góp? Người con Phật chơn thuần phải lắng nghe lời Phật dạy, phải luôn biết tri túc và luôn biết dừng lại để thân được yên và tâm được tịnh. Người biết nghĩ “Thôi thế  cũng đủ rồi” không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt sai xử. Tâm con người ấy luôn thản nhiên chứ không lo âu sợ sệt. Lòng tham của con người là cái túi không đáy nên lúc nào chúng ta cũng chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy không nhàm chán. Lúc được thì vui, lúc mất thì giận do đó mà chúng ta gây tạo không biết bao nhiêu là nghiệp tội, nào là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống những chất cay độc để rồi cứ mãi tiếp tục lăn trôi trong ba nẻo sáu đường. Những người con Phật tại gia, nếu chưa tuyệt dục được thì cũng nên luôn tự nhủ “thôi thế cũng đủ rồi” trong mọi hoàn cảnh để cuộc sống ngày càng trở nên thanh sạch hơn. Hơn nữa, phải hằng sống được với câu “thôi thế cũng đủ rồi” chúng ta mới thấy nhẹ nhàng sung sướng, mới không bị bứt rứt trong lúc thất thời, không kiêu hãnh trong khi đắc thế, không cảm thấy thiếu thốn bất cứ thứ gì. Ngược lại, nếu không sống được với câu “thôi thế cũng đủ rồi” thì dù trong địa vị nào chúng ta cũng không thấy đủ, do đó luôn bị khống chế bởi khổ sở và phiền não.

Tu dưỡng trong đạo Phật không phải là cái gì cao siêu huyền hoặc. Ngược lại, tu dưỡng trong đạo Phật gần và thực tiễn với chúng ta. Chúng ta chỉ cần tâm niệm và hành trì cho rốt ráo một câu Phật dạy là cách tu dưỡng tuyệt vời. Chúng ta chỉ cần ngày ngày tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” thì tất cả những đạo đức thiện lành sẽ lót đầy nẻo về đất Phật của chúng ta. Đường tuy chông gai khổ sở, nhưng với tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” thì ai trong chúng ta cũng đều thấy được những kỳ hoa dị thảo trên đường trở về đất Phật của chính mình. Mong cho ai nấy đều tâm niệm “thôi thế cũng đủ rồi” trong mọi tình huống để một ngày không xa nào đó tất cả chúng ta và chúng sanh sẽ cùng nắm tay chư Phật thong dong đi vào cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt!

493. NIẾT BÀN LÀ NHỮNG GÌ MÀ CHÚNG TA ĐANG CÓ

Đời sống của một người thực tâm tu hành thật cao đẹp nhưng cũng đầy dẫy những chướng duyên nghịch cảnh, vì bấy lâu nay mình đã làm bạn với lũ ma Ba Tuần, giờ muốn rẽ đường tách bước không phải là chuyện dễ. Bên cạnh đó thế giới Ta Bà nầy ngày một thêm nhiều cám dỗ của sa đọa và trụy lạc. Tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, ai rồi cũng sẽ phải một lần lên đường, một lần thực tâm tu hành để liễu sanh thoát tử, nếu không bây giờ thì cũng vạn triệu kiếp về sau nầy. Người con Phật tại gia, chướng nghiệp hãy còn dầy, chưa đủ cơ duyên tu hành giải thoát, nhưng không có nghĩa là không tu được. Chính Đức Từ Phụ đã từng khuyến dạy rằng tách rời phiền não để đi tìm Bồ Đề là chuyện không tưởng trong thế giới Ta Bà nầy vì Bồ Đề và phiền não cũng giống như nước và sóng, hễ sóng lặn thì mặt nước phẳng lì êm ả, cũng như vậy, hễ phiền não lắng đọng thì Bồ Đề hiển lộ. Thấy như vậy, người con Phật vẫn đi thẳng vào đời, vẫn nghĩ những việc mình phải nghĩ, vẫn nói những cái cần nói, vẫn làm những cái cần làm, vân vân, nhưng tất cả đều phải hướng về lợi mình lợi người y như lời dạy dỗ của Phật Tổ năm xưa. Mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm không vì lợi ích của chúng sanh dù có thể biến một con người hay một nhóm người trở thành tiếng tăm lừng lẫy, đều là vô nghĩa đối với đạo Phật. Người con Phật tại gia cũng nên luôn nhớ rằng dù không kham làm Phật nên vẫn phải trở lại làm chúng sanh, nhưng tối thiểu phải ăn ở tu hành thế nào để ít nhất kiếp sau cũng được trở lại làm người mà tiếp tục tiến tu. Nói gì thì nói, dù trở lại để làm người hay làm trời đều không phải là mục đích tối thượng của người tu Phật. Mục đích tối thượng của người tu Phật là giải thoát mọi hệ lụy của khổ đau phiền não và dứt bỏ luân hồi sanh tử ngay trong đời nầy kiếp nầy.

Từ vô lượng kiếp lăn trôi, vô minh đã che lấp mất trí tuệ thuở nào nên còn mấy ai thấy được khổ, tập, diệt, đạo; còn mấy ai thấy rõ được hành vi của thân, khẩu, ý; còn mấy ai thấy được bản chất vọng ngoại của mắt, tai, mũi, lưỡi; còn mấy ai phân biệt đâu là khổ đâu là hạnh phúc, đâu là nghiệp báo, đâu là biến đổi vô thường? Kịp đến khi răng long, tóc bạc, mắt mờ, tai yếu, chân run, gối mỏi mới bắt đầu thấy được từ bấy lâu nay mình đã gây tội tạo nghiệp, thì e rằng đã quá muộn màng, lúc đó dù có thực tâm muốn trở về mái nhà xưa, mái nhà tâm linh mà trong vô lượng kiếp chúng ta đã bị vô minh che lấp nên quên mất lối về, cũng không còn kịp nữa. Người con Phật chơn thuần, dù hãy còn tại gia cũng phải ráng học hạnh Phật, đem thân tâm nầy dâng trọn cho gia đình, xã hội, đất nước và chúng sanh mọi loài, quyết không làm tổn hại, mà ngược lại, còn tự tạo công đức cho mình và cho người. Người con Phật ở trong bất cứ xã hội nào, và bất kỳ ở đâu, đều phải xả bỏ và sống đời hy sinh cho mọi người. Xả bỏ ở đây không có nghĩa là bi quan yếm thế hay đầu hàng hoàn cảnh. Xả bỏ ở đây có nghĩa là buông bỏ những gì mà phàm tình thế tục không thể buông bỏ được ; xả bỏ ở đây là lội ngược dòng đời. Còn sự hy sinh của người con Phật cũng vậy, không phải hy sinh một cách u mê ám độn. Người con Phật nếu cần  dám đem thân mạng  mình để đổi lại sự an vui cho bá gia bá tánh. Trường hợp Bồ Tát Thích Quảng Đức, là một thí dụ điển hình. Ngài đã dám chấp nhận vị pháp vong thân, vì sự tồn tại của Phật pháp mà Ngài phải đem thân làm đuốc soi đường cho những kẻ u mê ám muội, Ngài cũng không màng.

Nói như vậy không có nghĩa là người con Phật không tham gia vào sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Chính Phật Tổ đã khẳng định với tứ chúng rằng nếu không có đời thì cũng chẳng cần có đạo để làm gì. Như vậy nếu những ai cho rằng sự cố gắng  mưu tìm những phương tiện tiện ích cho bản thân, gia đình và cuộc sống nầy là do lòng tham mà ra, hãy coi chừng tự mình đang xô đẩy mình vào một biên kiến sai lầm của tà ma ngoại đạo. Người con Phật chơn thuần vẫn phải bỏ công bỏ sức ra mà toan tính học hành, làm việc bằng trái tim từ bi hỷ xả và khối óc trí tuệ dũng cảm của mình để vừa sinh tồn vừa làm tốt đạo đẹp đời. Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn nầy, trong vạn kiếp lăn trôi có mấy ai còn nhận được ra chính mình? Vậy thì trong kiếp hiện tiền dù cho mình có đỉnh đạc khôi ngô thông minh xuất chúng đến đâu, học hành thông suốt, tu hành bậc nhất thế mấy  cũng khoan vội chê trách ai là kém cỏi phiếm diện. Đồng ý người tu chơn chính là người đang lội ngược dòng đời. Tuy nhiên, trong Ta Bà ngũ trược ác thế nầy, làm sao biết được ai là người lội ngược ai kẻ lội xuôi? Nói bằng cái miệng thì dễ dàng quá! Người tu Phật chơn thuần, không nói cũng không phê bình ai, mà ngược lại cứ thầm thầm tiến tu. Nhà Như Lai sẽ không và không bao giờ chứa chấp những kẻ cống cao ngã mạn, những kẻ coi trời không bằng vun, những kẻ tự coi mình là trung tâm vũ trụ. Ai dám nói khi bước vào chùa là bước vào nhà tri thức, còn những kẻ đầu xanh áo trắng là chưa bước vào được căn nhà ấy? Nói như vậy thì Bàng Long Uẩn, Duy Ma Cật và Huệ Năng có lần nào vào chùa để thấy đạo chưa? Người con Phật phải luôn nhớ những lời dạy quý báu của Phật Tổ để đi thẳng vào đời không vướng mắc. Ngày xưa Đề Bà Đạt Đa vì ganh ghét với Phật nên hay vặn hỏi Ngài những câu gièm pha. Một hôm Đề Bà chặn Phật trên đường đi khất thực mà hỏi rằng: “Nầy ông Cù Đàm, tại sao ngoài miệng ông vẫn bảo tứ chúng xả bỏ chứ đừng tích lũy mà ông vẫn cho xây tịnh xá và cất chùa ở khắp nơi?” Phật chỉ nhẹ cười rồi ôm bình đi khất thực tiếp tục. Thái độ lặng lẽ tiếp tục tiến bước của Phật là một bài học tuyệt luân cho những đứa con của Ngài về sau nầy. Vậy thì người con Phật phải cố gắng đừng chê đừng khen ai. Ai có đủ duyên thì xuất gia tu hành giải thoát, còn ai chưa đủ duyên thì vẫn tại gia, vẫn mưu sinh, vừa lo cho mình và gia đình, vừa hộ trì Tam Bảo. Đừng bao giờ vỗ ngực xưng tên cho rằng đạo ta thanh cao, đạo người thấp kém, hoặc xuất gia bậc nhất còn thì tất cả đều nhớp nhơ đáng chê trách. Hãy tự quay về với chính mình phản quang tự kỷ xem coi mình có bớt được chút nào chưa những giận hờn, thương ghét, buồn vui, hơn thua, ngã mạn cống cao, lộng ngôn vạy ngữ, tham lam, bỏn sẻn keo kiết, vân vân? Nếu thấy mình chưa được cũng đừng quá bi quan yếm thế. Hình ảnh Phật quá cao xa diệu vợi mà loài người cứ vẫn tưởng không bao giờ với tới, nhưng Phật đã không từng là một chúng sanh lăn trôi hay sao? Ngài cũng đã từng là một con người như bao con người khác, có điều con người ấy có đầy đủ đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng; con người ấy biết tận dụng khả năng thăng hoa hướng thượng và tự mình Phật hóa mình đến rốt ráo. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng tách rời chúng sanh để đi tìm Phật là chuyện không tưởng. Con đường cụ thể là con đường “Tự Phật hóa lấy chính mình” mà bất cứ chúng sanh nào cũng có thể kinh qua được nếu chịu phát đại nguyện, đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng để lên đường. Đức Phật đã từng dạy rằng: “Phật pháp ở thế gian, ngoài thế gian không có giác ngộ, lại càng không có giải thoát.” Thật vậy, chúng ta đâu cần phải đợi đến lúc nào mới giải thoát, mà ngay trong đời nầy kiếp nầy nếu chúng ta chịu vâng giữ lời Phật dạy thì hạnh phúc cũng là đây và giải thoát cũng là đây, ở ngay trong tầm tay của chúng ta. Người con Phật chơn thuần hãy nhớ lời Phật dạy để đừng rong ruổi tìm cầu những thứ cao xa không tưởng. Chúng ta đang sống bên cạnh những người thân, trái tim ta vẫn đập, hơi thở ta vẫn đều đặn, đôi mắt ta vẫn sáng, vân vân, chúng ta không hạnh phúc lắm hay sao? Chúng ta không bị đảo điên bởi những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng cũng như những lo âu sợ hãi của sanh, già, bệnh, chết, cuộc sống chúng ta không bị ray rức bởi khổ đau phiền não, cuộc sống đó nếu chưa phải là Niết Bàn thì cũng không thua gì Tây phương Cực Lạc. Đối với thường tình thế tục thì tham luyến không rời dục lạc, đam mê dục lạc hiện tại, luyến tiếc dục lạc quá khứ và mơ tưởng dục lạc tương lai chẳng khác người đưa lưỡi nếm mật trên lưỡi dao thì cơ nguy đứt lưỡi là hẳn nhiên mà thôi. Thường tình thế tục thì tâm ý tán loạn và luôn xung động, tự mình không điều khiển được bản thân mình mà ngược lại chỉ chuyển động theo hoàn cảnh bên ngoài, lúc nào cũng điên đảo đắm chìm trong biển dục lạc ái hà của trần tục. Người con Phật phải luôn thấy như vậy để luôn hướng về tấm gương sống tu rạng ngời của Phật Tổ để tự mình thoát ra những lao tù lục đạo, tự mình phá tung những lao tù ý niệm vì Niết Bàn của đạo Phật không phải là cái gì huyền hoặc cao xa không nắm bắt được. Niết Bàn của người con Phật chính là sự trống vắng những ý niệm vì chính ý niệm tạo tác mọi hành động làm mình và người đau khổ. Niết Bàn của người con Phật không bao giờ là trạng thái sau cuộc sống nầy. Niết Bàn là cái mà chúng ta đang có trong từng giây từng phút của cuộc sống nầy nếu chúng ta chịu sống thực với chính mình. Nếu tách rời chúng ta ra khỏi những gì quanh ta, chúng ta sẽ không có gì ngoài những cô đơn và khổ đau phiền não do mình tự tạo lấy. Chừng nào chúng ta có khả năng nhổ hết gốc rễ của biên kiến sai lầm cho rằng Niết Bàn chỉ đến sau khi chết, chừng đó chúng ta sẽ tìm thấy một nguồn hạnh phúc tuyệt vời với những gì mình đang có trong hiện tại. Chừng đó trái tim của chúng ta sẽ chứa đầy tình thương, lòng thương xót, lòng hoan hỷ và sự xả bỏ. Chừng đó chúng ta sẽ có khả năng phát triển những trạng thái tinh thần thiện xảo và buông bỏ những cái bất thiện. Trong Kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy: “Hãy buông bỏ những gì bất thiện vì sự buông bỏ nầy sẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc cũng như tránh được khổ đau phiền não. Hãy nuôi dưỡng những điều thiện vì việc nuôi dưỡng nầy sẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc cũng như tránh được khổ đau phiền não về sau nầy. Hãy tu tập thiền định, phải có từ tâm và trụ tịnh giới, phải điều nhiếp thân tâm bằng cách điều nhiếp hơi thở.” Thật vậy, Niết Bàn của người con Phật là những gì mà chúng ta đang có, thân được bình ổn chính trực, thư thái, an hòa, không dao động, không căng thẳng hay dồn nén, hơi thở lúc nào cũng điều hòa, không dài không ngắn, không ra tiếng ồn ào, không làm rung động thân thể; tâm không bị ý niệm ràng buộc, không tán loạn; khi tập trung vào việc gì lúc nào cũng giữ được bình chánh, an định và tự tại. Đức Phật đã dạy quá rõ ràng về cách đạt được Niết Bàn trong hiện tại rồi còn gì. Thế mà hãy còn lắm người trong chúng ta, chưa được làm Tổ làm Thầy đã giở giọng Thầy Tổ “không thiện không ác.” Phật tử chơn thuần nên luôn cẩn trọng. Ở các bậc Thầy Tổ thì gạo đã trắng, nước đã trong, các Ngài còn gì nữa để mà nói thiện nói ác, còn chúng ta nghiệp chướng sâu dầy, nếu không khéo thì chẳng những chúng ta chẳng được gì trong cuộc tu mà nghiệp tội ngày càng thêm trĩu nặng. Người con Phật muốn có được Niết Bàn trong hiện tiền, nghĩa là tất cả những gì chúng ta đang có đều là Niết Bàn, chúng ta nên luôn nuôi dưỡng lòng quý trọng sự hợp nhất của chúng ta với tha nhân qua sự bao dung, không tổn hại, không sát hại, không tham, không sân, không si, không mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Chúng ta nên luôn thanh tịnh hóa tâm chúng ta bằng cách tu tập thiền định để luôn có được cái trí tuệ nhận biết chân lý và nhận chân sự đau khổ gây ra bởi việc chúng ta tự tách rời với tha nhân và hạnh phúc đạt được từ việc kết tụ Bồ Đề quyến thuộc. Làm được như vậy thì trái tim của chúng ta là gì nếu không phải là trái tim giải thoát? Niết Bàn hiện tại của người con Phật không phát sinh từ việc tích lũy mà nó phát sinh từ việc buông xả. Nếu cần chúng ta buông xả những gì đáng buông xả, và buông xả luôn những gì không đáng buông xả theo nghĩa của thường tình thế tục. Làm được như vậy cho dù những kinh nghiệm sung sướng và khổ đau vẫn nối tiếp nhau trong cuộc sống hằng ngày, nhưng từng bước chân ta đi là từng bước nhàn du trên Niết Bàn thanh tịnh mà Phật Tổ đã đi năm xưa.

494. TỪ NGƯỜI LÊN PHẬT

“Không có hạnh phúc nào lớn hơn sự an bình của tâm trí.” Đúng như lời Phật dạy năm xưa. Thân nầy có thể bệnh và có thể được chữa lành bằng y dược, nhưng tâm trí nầy một khi đã bệnh, ngoài Phật dược ra, có thuốc nào trị cho lành được? Tại sao chúng sanh phải lăn trôi trong ba nẻo sáu đường từ muôn vạn kiếp? Đức Phật đã dạy rằng sở dĩ chúng sanh mãi lăn trôi và lăn trôi cũng chỉ vì tâm trí bất nhất với bao điên đảo mộng tưởng. Chính vì thế mà trong suốt 49 năm trời hoằng hóa, dù Ngài đã thuyết rất nhiều kinh điển Đại Thừa, nhưng mục đích chính của Ngài không ngoài nhắc nhở chúng sanh rời mê xa vọng cho tâm trí luôn được tỉnh thức. Đức Phật đã xác nhận với tứ chúng rằng: “Đại chúng hãy chấm dứt triết lý mơ mộng viển vông càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy vì tất cả những thứ ấy chỉ làm cho tâm trí ta thêm điên đảo mộng tưởng mà thôi.” Thật vậy, Phật không cấm cản ai tham cứu Kim Cang, Bát Nhã, Phương Quảng, A Hàm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, hay Niết Bàn.. Vì chính Ngài đã nói ra những thứ nầy cho hàng hậu bối tham cứu, xét nghiệm và y nương theo đó mà tu mà sống. Tuy nhiên, mưa pháp của Ngài phải được rưới đúng nơi đúng chỗ. Chúng sanh đa loại, có bậc thượng căn thượng trí thì cũng có hàng hạ căn hạ trí, không phải ai cũng có thể nghe được hiểu được Kim Cang, Bát Nhã, Niết Bàn không phải ai cũng tự mình có khả năng tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Thật vậy, đa phần chúng sanh hôm nay cứ tưởng mình là trung tâm vũ trụ, tưởng rằng mình là nhứt, không ai bằng mình, nên lúc nào cũng mục hạ vô nhân.

Hỡi những người con Phật! Hãy luôn nhớ rằng từ muôn vạn kiếp lăn trôi, khi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lúc làm người, lúc làm trời. Như lời Phật dạy, được sanh làm người đã là đi được gần một phần ba đoạn đường từ chúng sanh lên Phật. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Phật và ma chỉ cách nhau một sợi chỉ, trong tiến trình từ người lên Phật, chỉ cần đi sai một li là đã sa hầm sụp bẫy vào địa ngục chứ làm sao giữ được thân phận một chúng sanh con người đây? Chính vì thế mà người con Phật phải vô cùng cẩn trọng, nếu chưa có khả năng đi lên được thì phải bằng mọi cách tu hành để trong kiếp lai sanh được  tiếp tục trở lại làm người mà tiếp tục tiến tu. Phải tu như thế nào mới được tiếp tục trở lại làm người? Trong Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Đức Phật dạy: “Nếu muốn tiếp tục trở lại làm người thì con người hiện tại phải tinh chuyên tu hành ngũ giới, nghĩa là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống những chất cay độc.” Thấy như vậy mới biết muốn được trở lại làm người đã là khó vô cùng huống là lên Phật. Thói thường chúng ta không chỉ muốn ăn thịt chúng sanh, mà lắm khi chúng ta cố ý đi tìm loại thịt nào ngon mới chịu ăn; lắm khi chúng ta không chỉ ăn trộm ăn cắp mà cố tình căn cướp hay giựt giọc của người; chẳng những chúng ta vọng ngôn vạy ngữ mà còn nói toàn là những lời ác độc, xảo trá, điêu ngoa, những lời gây khổ đau phiền não và ly gián người khác, vân vân và vân vân. Tiến trình từ người lên Phật hãy còn quá nhiều thiên nan vạn nan, chứ không dễ dàng như nhiều người tưởng đâu. Xin xác định lại một lần nữa rằng thông hiểu thiên kinh vạn quyển không giúp ích gì cho cuộc hành trình “từ người lên Phật” của chúng ta đâu. Lắm khi thông thiên kinh hiểu vạn quyển chỉ làm cho phàm phu chúng ta thêm vướng mắc mà thôi. Vì chính lời Phật dạy, những ai thông thiên kinh, hiểu vạn quyển mà lòng hãy còn ôm ấp tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, hận thù, đố kỵ, ganh ghét, ích kỷ, bỏn sẻn, vân vân, thì cho dù có mang cái vỏ bề ngoài thế nào đi nữa, những con người ấy cũng chỉ là những kẻ “tù trong lục đạo” không hơn không kém. Thông thiên kinh hiểu vạn quyển mà không chịu dùng những kiến thức của mình vào tu tập thì thà đừng thông đừng hiểu chi cả. Nói thiền, nói tịnh, nói mật  không ăn nhằm gì đến việc tu hành của ta cả. Có người nói rằng thiền là vai mang túi Bát Nhã đi tìm Như Lai. Như Lai ở đâu mà đi tìm? Phật tử chơn thuần phải vô cùng cẩn trọng vì đây chỉ là thói nhàn đàm hý luận của những con ma trơi không hơn không kém. Nói thiền là tịnh, nói tịnh là thiền, hay nói thiền tịnh song tu cũng không ăn nhằm gì đến việc tu hành của ta cả. Phật tử nào thích hợp với thiền thì tu thiền, ai thích hợp với niệm Phật thì tu theo Tịnh độ, ai trì chú mà thấy tâm mình an lành trong sáng thì tu theo Mật tông. Thiền tịnh mật mà Phật đặt ra là để cho chúng ta tu chứ không để cho chúng ta bàn luận.  Ngày xưa Châu Lợi Bàn Đà Già, không nhớ lấy hai chữ “chữu tảo,” thế nhưng Ngài đã chịu nghiền ngẫm và làm theo những lời Phật dạy nên Ngài đã thăng hoa hướng thượng để tiến lên Phật cách, và Phật cảnh đã hiển bày ngay trong hiện đời của Ngài. Người con Phật chơn thuần phải thấy cho được tấm gương tu hành nầy của ông Bàn Đặc để không phải bị hết vướng mắc nầy đến vướng mắc khác trên bước đường tu tập cho chính mình. Ngày xưa Phật đã dạy không có hạnh phúc nào hơn sự an bình của tâm trí. Lời Phật dạy thật đơn giản và tưởng như dễ làm, thế mà đã gần 26 thế kỷ nay, có mấy ai tìm được hạnh phúc bằng sự an bình của tâm trí? Mà thật vậy, làm sao an bình khi chúng ta không chịu tháo gỡ tham ái, chấp thủ, si mê, ngã mạn, cống cao. Làm sao an bình được khi hết ngày nầy qua ngày khác chúng ta chỉ thấy lỗi người chứ không thấy lỗi mình? Làm sao an bình được khi ta vẫn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ? Làm sao an bình được khi Phật pháp không theo, lời Phật dạy không nghe mà chỉ một bề chạy theo tà thần vạy thánh? Làm sao an bình được khi tự mình không tu, mà chỉ ham đeo chỉ đỏ chỉ vàng, hoặc khăn hồng khăn tía do người ban cho? Làm sao an bình được khi tự mình không chịu tắm gội thân khẩu ý cho thanh sạch, mà ngược lại chỉ một bề ngửa tay xin nước phép của tà ma ngoại đạo? Làm sao an bình được khi chúng ta còn tiếp tục tụng kinh và bị kinh chuyển một cách u mê mù quáng chứ chưa một giây một phút nào chúng ta chuyển được kinh để biến những giáo lý ấy thành lương dược trong cuộc sống cuộc tu hằng ngày của chúng ta? Thân như cây bồ đề hay bồ đề vốn không cây, tâm như đài gương sáng hay gương sáng vốn không đài đó là những lời nói của chư Tổ, nếu chúng ta suy gẫm để mà tu thì được, ví bằng nhái đi nhái lại để nhàn đàm hý luận thì đừng. Chúng ta sẽ không còn bao nhiêu thời giờ nữa đâu quí vị ơi! Chúng ta nào khác chi những con cá cạn nước, một phút ta sống là một phút ta đi gần đến nhà mồ, không lẽ đã sinh ra làm kiếp một chúng sanh khổ đau phiền não, rồi cũng lại ra đi trong não phiền khổ đau? Người con Phật có còn nhớ không? Ngày xưa đức Phật cũng đã từng đến với cõi Ta Bà như một chúng sanh, nhưng Ngài đã đi về cõi vô ưu vô sanh và vô diệt như một vị Phật. Từng bước chân đi của Ngài trên cõi Ta Bà mà vẫn ung dung tự tại, thanh thản như bước chân của một vị Phật nơi cõi Cực Lạc. Người con Phật chơn thuần hãy quay ngay trở về với chơn tâm thực tánh của mình mà sống tu chứ đừng rong ruổi tìm cầu trong vô vọng nữa. Người con phật chơn thuần có còn nhớ không những lời Phật dạy? Có còn nhớ không từ, bi, hỷ, xả cũng như trí tuệ và sự dũng cảm của chư Phật năm xưa? Nói như thế, không có nghĩa là người con Phật chối bỏ sự gia hộ của chư Phật, hoặc giả không tin ở sự gia hộ nầy. Mà nói để cùng nhắc nhở về những lời Phật dạy: “Khi mê thầy độ, khi ngộ thì phải tự độ và độ tha, chứ không phải chỉ một bề khư khư ngửa tay xin Phật hộ trì.” Người con Phật có quyền cầu Phật gia hộ cũng như có quyền ước nguyện an lành. Tuy nhiên, cầu Phật gia hộ và ước nguyện an lành trong đạo Phật thật, không phải là cầu xin một đấng thần linh nào làm thay cho chúng ta những điều chúng ta chưa làm được. Cầu Phật gia hộ là cầu cho chính mình có đủ đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng vững bước trên cuộc hành trình “từ người lên Phật.” Cầu nguyện an lành là cầu cho chính mình có đủ nghị lực tu trì theo Phật để ngay trong đời nầy kiếp nầy tự mình được ngự trong Phật cảnh với đủ đầy Phật cách. Trong muôn trùng kiếp lăn trôi, chúng ta đã bị thiêu đốt trong ba nẻo sáu đường vì đã u mê buông lung theo ngũ dục. Trước thời Phật Tổ thị hiện thì không nói làm gì, đàng này chúng ta đã có Phật và những giáo lý tuyệt vời của Ngài, thế mà chúng ta vẫn cam tâm tiếp tục lăn trôi, quả là uổng cho một kiếp người. Người con Phật chơn thuần nên y theo lời dạy của Phật Tổ mà tu hành để dù chưa lên đến Phật, chúng ta cũng đã và đang tạo nhân lành để mở rộng chân trời giải thoát cho mình và cho người.

Tiến trình “từ người lên Phật” của chúng ta hãy còn dài với nhiều trở ngại. Tuy nhiên, dù dài bao nhiêu, dù trở ngại thế mấy. Phật Tổ đã từng đi “từ người lên Phật” và Ngài đã thành Phật. Như vậy, nếu dụng công tu trì y theo Phật Tổ, chúng ta rồi sẽ thành Phật. Muốn đi “từ người lên Phật,” tự mình phải nhấc chân lên mà đi, không ai đi thế hay đi giùm mình được đâu. Nếu đi thế hay đi giùm  được, thì năm xưa Phật đã không để cho La Hầu La, con trai độc nhất của Ngài phải nhọc công gia nhập đoàn du Tăng khất sĩ của Ngài. Có thấy không hỡi những người con Phật? Chúng ta đã từ muôn kiếp sống trong tham, sân, si và chất ngất tội lỗi, nay muốn đi “từ người lên Phật” chúng ta phải từng bước tháo gỡ và tháo gỡ tất cả những tham ái, truy cầu, sân si, tội lỗi  phải sám kỳ tiền khiên túc trái và hối kỳ hậu quá tội tình, phải lắng lòng thanh tịnh cho tâm lắng xuống trong an bình chứ không còn thúc bách bởi những lo âu, giận hờn, ganh ghét, tỵ hiềm. Điều quan trọng với Phật tử chơn thuần là phải chấm dứt ngay những “nhàn đàm hý luận.” Sự hiểu biết  của mình và của người sẽ không giúp ích gì cho cuộc hành trình “từ người lên Phật” của chúng ta nếu chúng ta không chịu biến những hiểu biết ấy thành hành động tu trì. Biết “thiền” không phải là “thiền”; nói “thiền” lại càng không phải là “thiền.” Biết thiền và nói thiền mà ngồi đâu thì tâm vẫn loạn động như con vượn chuyền cây thì biết và nói thiền có ích gì? Bàn luận về “hoa niêm vi tiếu” của Ngài Ca Diếp trong chúng hội trên núi Linh Thứu không ăn nhằm gì đến tiến trình “từ người lên Phật” của chúng ta cả. Đạo khả thuyết hay bất khả thuyết là chuyện của chư Phật và chư Tổ, chuyện của chúng ta, những phàm nhân tục tử đang lăn trôi trong Ta Bà ngũ trược ác thế, là cứ thầm thầm tiến tu những gì Phật dạy: chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý. Chư Phật và chư Tổ muốn nói gì cũng được, vì nơi các Ngài gạo đã trắng nước đã trong, các Ngài có được cũng không vui, có mất cũng không buồn, tâm các Ngài thật bình thản; còn chúng ta được thì vui, mất thì buồn, tâm ý chúng ta luôn rối loạn và vọng động. Nơi các Ngài, tâm luôn an lạc và tự tại, không mong không cầu, không chán nản hay nuối tiếc; còn chúng ta thì luôn mong luôn cầu, luôn mơ tưởng tương lai và luyến tiếc dĩ vãng thì làm sao mà có được cái tâm trong sáng như các Ngài để muốn nói gì thì nói hay muốn làm gì thì làm. Với chư Phật và chư Tổ thì các Ngài đã đi đến nơi về đến chốn, nên các Ngài không còn làm gì, không còn nguyện, không thành, không đạt nghĩa là không còn cái bổn ngã hay tự ngã nữa. Còn chúng ta, chỉ biết đào bới trong văn tự ngôn ngữ cho thật nhiều để đem ra nhàn đàm hý luận, chứ chưa bao giờ thực sự có được một phút một giây tu hành chơn chánh. Người con Phật muốn đi “từ người lên Phật” chỉ nên biết và nói những gì cần biết và cần nói cho cuộc tu giải thoát. Nếu cần cũng không nên biết và không nên nói làm gì. Ngược lại chỉ một bề gỡ bỏ những bụi bặm của não phiền để lắng lòng thanh tịnh. Mặc ai đen đỏ xì xào, lòng nầy vẫn cứ một đường mà tu. Tu hành chơn chánh là sống chơn chánh trong tận cùng bản tâm chơn thật của mình, nghĩa là biểu lộ trực tiếp bản tâm hay bản tánh tự nhiên của mình. Người con Phật chơn thuần nên chấm dứt ngay thói nhàn đàm hý luận, ai ngồi cách nào, nằm cách nào, đi cách nào hay đứng cách nào cũng không ăn nhằm gì đến cuộc sống cuộc tu của chính mình. Chỉ có cái đi đứng nằm ngồi của chính mình mới là quan trọng. Chúng ta tu hành làm sao mà lúc nào cũng cảm thấy thoải mái một cách tự nhiên, từ hành động đến lời nói và ý nghĩ ngay trong những giây phút hiện tại nầy. Với người con Phật, chỉ có những giây phút hiện tại mới là đáng kể vì chính những giây phút nầy có thể đưa chúng ta đi lên hay đi xuống, chứ quá khứ thì đã qua rồi, còn tương lai thì chưa đến. Hãy thở hết những hơi thở mà ta đang có, vì chính những hơi thở nầy tạo nên cái mà ta gọi là cuộc sống. Hạnh phúc thay khi ta thở vào vì ta đang ôm trọn không gian bao la và vũ trụ vô tận vào trong hai buồng phổi của chính mình. Hạnh phúc thay khi ta thở ra vì ta đang trả về cho chỗ vô cùng của không gian những gì mà ta đã vay mượn khi thở vào. Hạnh phúc thay vay trả đã xong trong từng hơi thở ra thở vào. Có người bảo rằng hạnh phúc là khi mà chúng ta quên được không gian và thời gian, người con Phật chơn thuần nên cẩn trọng để đừng vướng mắc thêm vào những ý niệm không cần thiết. Không gian vô cùng và thời gian vô tận, hãy để cho chúng tự đến và tự đi trong tiến trình tự nhiên. Lại có người nói thiện ác tốt xấu khi chúng đến ta chỉ nên làm một cách tự nhiên như làm bất cứ việc gì chứ đừng biện biệt. Quí vị có thấy không lối nhàn đàm hý luận của những kẻ chỉ biết có nói mà không bao giờ làm. Câu nói “không thiện không ác,” chư Phật và chư Tổ có thể nói được, còn chúng ta là những chúng sanh nặng nghiệp đang lăn trôi trong luân hồi sanh tử mà bảo “không thiện không ác” quả là tội nghiệp!  Con đường “từ người lên Phật” không ở đâu xa, mà là ở đây, ở ngay mỗi chúng ta trong đời nầy kiếp nầy. Nói không tham, sân, si thì tu trì sao cho dứt bỏ tham, sân, si, ấy là lên Phật. Nói không mạn, nghi, tà kiến thì phải tu hành gỡ bỏ mạn, nghi, tà kiến ấy là lên Phật. Nói không sát, đạo, dâm, vọng thì phải đoạn trừ sát, đạo, dâm, vọng, ấy là lên Phật. Biết rằng vạn pháp do tâm  sanh nên tâm nầy quyết không điên đảo vọng tưởng theo ngoại trần vọng thức nữa, ấy là lên Phật. Những người con Phật tại gia, lăn xả vào đời giúp xã hội tận diệt tệ nạn để cùng đưa nhau đến hạnh phúc an bình, ấy là lên Phật. Không coi vật chất như là cứu cánh, mà chỉ coi chúng như những phương tiện giúp đưa mình đưa người ra khỏi những lo âu phiền não để đạt tới một cuộc sống tâm linh an bình, ấy là lên Phật. Biết chơn chính, thấy chơn chính, nói chơn chính, sống chơn chính, chỉ thụ hưởng những gì mình kiếm được một cách chơn chính, biết dùng tiền của kiếm được bố thí cho những ai  cần được bố thí, biết dùng lời lẽ chơn thật khuyến tấn an ủi người đau khổ cho họ được an vui, biết dùng tiền của làm phương tiện lợi lạc cho tha nhân, cho xã hội, chứ không cá lớn nuốt cá bé, không mạnh hiếp yếu, không giàu hiếp nghèo, không sang hiếp hèn, không giết hại ngay cả những sinh vật nhỏ bé, không tham ái truy cầu, không cầu mong thỏa mãn dục vọng, không tham quyền uy danh vọng, không nghĩ việc ác mà luôn nghĩ  đến việc thiện, không vị kỷ độc ác, không nói lời độc ác mà nói lời thiện lành, không làm việc ác mà luôn làm việc thiện, vân vân, là lên Phật.

Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng trong tiến trình “từ người lên Phật” cho dù hãy còn dài, nhưng Đức Phật đã từng dạy rằng con người là một chúng sanh tương đối khá cao trong các loài chúng sanh, con người có khả năng suy tưởng, có năng lực, có tình cảm, có lý trí, có đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình và đạo đức xã hội. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Con người là tối thắng, vì con người có thể thực hiện hết thảy mọi sự tốt đẹp.” Như vậy trong tiến trình “từ người lên Phật” con người có một địa vị thật đặc biệt, con người có lý trí, biết phân biệt, biết nhận định và có thể thể nhập với bản thể vũ trụ, con người có khả năng soi sáng cho mình và cho người. Con người có thể đi xuống để vào địa ngục hay ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, nhưng con người cũng có thể đi lên để làm trời làm Phật nếu con người ấy chịu nhận thức rõ ràng thân tâm nầy đều giả hợp, do duyên hợp duyên tan, vì mê lầm không sáng suốt mà các phiền não vọng khởi, để rồi kết thành nghiệp thức phân biệt, từ đó mà sinh lòng bảo thủ sanh mạng, cứ thế mà chúng ta phải luân lưu trong sanh tử. Đức Phật dạy trong Kinh Đại Trang Nghiêm: “Do nghiệp phiền não đời quá khứ nên có thân hiện tại. Trong đời hiện tại lại tạo nghiệp nên được thân vị lai.” Phật tử chơn thuần nên luôn lắng nghe lời Phật dạy, luôn quyết tâm tu trì theo Phật để tiến lên làm Phật. Tuy nhiên, muốn tiến lên làm Phật con người phải tinh chuyên tu trì những gì Phật dạy. Cổ đức có dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý,” nghĩa là viên ngọc mà không được mài giũa cũng không thành đồ vật quí báu được, con người không chịu học hỏi thì không biết cách làm người. Học làm người đã khó như vậy huống là học làm Phật. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật dạy: “Phải tinh tấn, quả quyết sáng suốt, phản quang tự kỷ. Phải làm cho tâm trí luôn an định trong một cảnh giới nào.” Thật vậy, muốn làm Phật thì trước tiên con người phải tu tâm dưỡng tánh sao cho tâm tánh ấy lần hồi rồi cũng giống như Phật. Con người ấy phải luôn tự chiến thắng mình trong trận chiến chống phiền não. Muốn đi từ người lên Phật người con Phật phải có niềm tin mãnh liệt vào giáo lý trước khi hành trì, chứ đừng vội tin một cách mù quáng mà cũng đừng vội bỏ. Niềm tin của người con Phật là tin nơi chơn lý, chứ không mù quáng tin vào những điều huyền hoặc không tưởng. Người con Phật tin rằng “tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm,vọng là những nhân tố của khổ đau phiền não” vì đây là chơn lý, chứ không phải tin nơi một đấng thần linh nào đã phán như vậy. Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng ngoại trừ chính mình ra, không một ai khác có thể đoán biết được những gì đang sôi sục trong tâm mình, có thể là một hay nhiều nhân tố khổ đau phiền não trên đang khởi dậy trong ta. Như vậy muốn tu hành lên Phật, người con Phật phải thấy rõ chứ không mù mờ là chính mình phải tự cởi trói cho mình. Mình biết mình đang mang nhân khổ đau nào bèn cởi bỏ thế là không chuốc lấy quả khổ, thế là giải thoát. Nếu cứ liên tục cởi bỏ và giải thoát cho đến khi không còn một trói buộc nào nữa thì đã lên Phật chứ còn gì? Chuyện tu hành giải thoát theo Phật của chúng ta là chuyện có thật ngay trong đời nầy chứ không đợi đến một kiếp xa xôi nào cả. Hễ cởi được tham là hết đau khổ vì tham, hễ cởi bỏ được sân là hết đau khổ vì sân, hễ cởi bỏ được si là hết đau khổ vì si, cứ thế mà tuần tự cởi bỏ mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng cho tới lúc không còn gì nữa để mà cởi bỏ, thế là chúng ta giải thoát. Tu Phật đơn giản và thiết thực như vậy đó chứ không xa xôi mù mờ, mà cũng không phải xin xỏ hay cầu mong một ai giúp cho mình được. Người tu Phật không cần đa ngôn hý luận, chỉ cần quay lại với chính mình xem coi mình còn vướng gì để tự cởi trói cho chính mình. Tu là chỉ biết đến những gì có thật ở ngay nơi mình chứ không tưởng nghĩ đâu đâu. Tu là nhìn các pháp thế gian mà giác ngộ được chơn lý như từ cái xe mà mình đang chạy mình có thể giác ngộ được lý nhân duyên vì nó do những nhân tố khác hợp lại, từ vị kỹ sư phác họa vẽ kiểu, đến ông chủ nhà máy, nhân công, nguyên liệu như sắt thép, vân vân, hễ có đủ những duyên nầy là có cái xe. Rồi theo thời gian mà cái xe từ từ cũ kỹ và hư hoại, từ đó chúng ta giác ngộ được lý vô thường và sự hư dối của vạn pháp. Thấy để không mãi chấp nê vào chư pháp, thấy để tinh tấn hơn trong việc tu hành. Thấy để biết rõ rằng tu hành giác ngộ theo Phật là chuyện hiện thực chứ không phải là chuyện trời trăng mây nước. Ngay nơi những sự cố xảy ra hằng ngày nơi thế gian mà ta giác ngộ như sanh, lão, bệnh, tử chứ không phải do đuổi hình bắt bóng hay do đa văn hý luận mà được. Đạo Phật phóng khoáng và cấp tiến đến độ những suy nghĩ, kinh nghiệm, và lựa chọn đều tự do chính mình, chỉ có chính mình mới là nơi nương tựa chính cho mình mà thôi. Con đường từ người lên Phật dù xa xôi diệu vợi nhưng Phật đã đi và đã đến, chúng ta quyết sẽ làm được. Con đường “từ người lên Phật” phải được đi và đến bởi con người chứ không ai đi giùm  cho ai được. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng ánh sáng của đạo Phật là ánh sáng thật chứ không phải ảo huyền. Ánh sáng của đạo Phật chỉ được dùng để xua tan bóng tối vô minh chứ không thể làm cho có những gì chưa có. Cũng như vậy, sức mạnh của đạo Phật là quảng đại và không gì lay chuyển nổi, nhưng sức mạnh ấy phải được tự thân tự tâm dùng để đập tan khổ đau phiền não cho chính mình, chứ không thể đập tan đau khổ cho ai được. Nếu chịu y nương theo giáo lý nhà Phật mà tu trì thì đạo Phật có thể biến cải được đời và có thể đưa con người “từ người lên Phật.” Đức Thích Tôn Từ Phụ đã nhiều lần khẳng định: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham Phật quả.” Ngài tin tưởng mọi chúng sanh rồi sẽ thành Phật, nhất là chúng sanh con người. Ngài tin tưởng ở con người có thể tự cứu mình và tự giải thoát khỏi những hệ lụy của trần thế. Tuy nhiên, muốn đi được “từ người lên Phật,” con người chẳng những phải trải qua ba a tăng kỳ mà còn phải có sự cố gắng kiên trì và liên tục. Trong tiến trình “từ người lên Phật,” sự tu trì của con người cũng giống như sự cố gắng của người kéo cây lấy lửa, khi chưa có lửa là phải kéo liên tục chứ không được một giây giải đãi vì dù chỉ ngưng lại một giây thôi, cây liền nguội và chuyện lấy lửa chỉ là chuyện “nấu cát mà muốn thành cơm” không hơn không kém.

Tóm lại, con đường “từ người lên Phật” là con đường ngược chiều. Chúng sanh thì sát sanh, còn Phật thì cứu sanh. Chúng sanh thì trộm cắp, còn Phật thì dù đã viên mãn nhưng vẫn một lòng bố thí. Chúng sanh thì tà hạnh, còn Phật hạnh tợ pha lê. Chúng sanh thì đi từ dối trá, nói lời độc ác, thêu dệt, lưỡi hai chiều, còn Phật thì thành thật, ái kính, thẳng ngay và hòa nhã. Chúng sanh thì tham dục, còn Phật thì thanh tịnh. Chúng sanh sân hận si mê, trong khi Phật thì hài hòa vui vẻ và không bao giờ cố chấp. Chúng sanh thì uế trược cả thân, khẩu, ý, còn Phật thì thanh tịnh mọi bề. Tâm lượng chúng sanh hẹp hòi nhỏ nhen bao nhiêu thì tâm lượng Phật trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới với đầy đủ đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả bấy nhiêu. Tấm gương rạng ngời của Phật Tổ hãy còn đây, thế mà mới non 26 thế kỷ, những người hậu bối chúng ta đã vội quên. Ngài đã bàu mòn sân hận, si mê, ưu não, ái dục, tham lam, bỏn sẻn, ngã mạn, cống cao, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng bằng tứ vô lượng tâm và ba mươi bảy phẩm trợ đạo do chính Ngài đã truyền trao lại cho chúng ta chứ có gì đâu cao xa huyền bí, thế mà hình như chúng ta vẫn xa lạ với những thứ nầy. Thế mới biết dù Phật có vĩ đại đến đâu, dù giáo lý của Ngài có cao tuyệt đến đâu, mà hàng Phật tử  hậu bối chúng ta không chịu noi theo làm theo, sự vĩ đại ấy, sự cao tuyệt ấy cũng không giúp ích gì cho ai, và con đường “từ người lên Phật” của chúng ta hãy còn xa xôi diệu vợi quá! Người con Phật chơn thuần phải luôn quay về tìm hỏi ngay chính mình xem coi chúng ta có đủ kiên trì và can đảm đi cho đến cùng con đường “từ người lên Phật” hay không? Nói gì thì nói, dù câu trả lời là có hay không, chúng ta rồi đây sẽ không có con đường nào khác để lựa chọn. Chúng ta rồi đây sẽ phải một lần “lên Phật.” Vậy thì chúng ta còn chần chờ gì nữa hỡi những người con Phật?

495. THONG DONG

Không phải ai trong chúng ta cũng có đủ duyên mai, gặp, tin  và tu theo Phật pháp đâu. Phải nhờ duyên lành đã gieo trồng từ nhiều đời nhiều kiếp, nên khi gặp được ánh sáng đạo Phật, tâm trí ta mới chợt sáng ra và thông hiểu được cội nguồn của mọi khổ đau trong cuộc sống không ở đâu xa, mà chỉ là một cái chớp giữa bóng tối và ánh sáng. Nếu ai trong chúng ta cũng biết nương theo ánh chớp lóe sáng đó để nhận chân ra bản mặt thật của vạn sự vạn vật, con người ấy đang thong dong  đi vào một cảnh giới an lạc ngay trong vòng sinh tử vô minh của cõi Ta Bà nầy. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã nhiều lần chỉ dạy: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ.” Như vậy giáo lý nhà Phật đã dạy quá rõ ràng về bản chất thật sự của “thong dong.” Một khi đã thấy rõ được bản mặt thật của khổ và làm sao diệt nó là chúng ta đang thong dong đi về đất Phật. Tuy nhiên, giáo lý của Đức Thích Tôn Từ Phụ đã để lại cho chúng ta thì mênh mông bát ngát như là cây trên rừng, còn sức hiểu biết của chúng ta thì cạn cợt nông nỗi và ít ỏi còn thua nắm lá trong tay. Đã vậy đa phần chúng ta còn vướng thêm chứng bệnh trầm kha của thường tình thế tục: biện giải hý luận. Chúng ta chỉ cố sức chuyên chở những triết lý cao xa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Duy Thức, vân vân. Chúng ta thích vân du trong biển pháp mênh mông, thích lý luận với những ngôn từ trùng trùng điệp điệp của thiền, của đại định tam muội, để rồi không chịu tự mình thực sự tắm mát trong biển  pháp cao sâu của Phật. Mục đích tối thượng của đạo Phật là Phật quả. Con đường đi đến Phật quả là con đường thong dong tắm mình trong biển pháp, chứ không bao giờ là nhàn đàm hý luận. Thong dong, tắm mình trong biển pháp là thấy rõ bản chất như thực của cuộc sống, là nhận thức và kinh nghiệm được sự buốt đau cùng tột của cuộc sống nầy. Con người thong dong tắm mình trong biển pháp là con người như như tự tại trước mọi tình huống, không quá vui trong hạnh phúc giả tạm, mà cũng không quá khổ đau tự tận trong nỗi khổ đau vô thường. Thong dong tự tại trong biển pháp không nhứt thiết phải là đầu tròn áo vuông vì lắm khi hình tướng bên ngoài không giúp ích gì cho công cuộc phấn đấu nhận diện tận mắt những kẻ thù “thật sự” bên trong, đang gào thét, đang nổi loạn. Ngược lại, lắm khi hình tướng bên ngoài hay nuôi dưỡng “cái ta” đáng ghét của phàm phu tục tử. Nói chung lại, hình tướng bên ngoài giúp cho ta tu thì ít mà trưởng dưỡng lòng ngã mạn cống cao thì nhiều. Chỉ có thong dong tắm mình trong biển pháp mới có cơ nhận diện và chiến thắng kẻ thù “phiền não” đang gậm nhấm cuộc đời vốn dĩ đã đau khổ của chúng ta. Chỉ có thong dong tắm mình trong biển pháp chúng ta mới có can đảm ngoảnh mặt xoay lưng với những hạnh phúc giả tạm của cuộc đời. Chỉ có thong dong tắm mình trong biển pháp, chúng ta mới có cơ hàng phục tự tâm, làm chủ được mọi tác ý và luôn tỉnh thức bằng chánh niệm, bằng quán chiếu. Chỉ có thong dong tắm mình trong biển pháp mới giúp chúng ta giải trừ tận gốc mọi lo âu, băn khoăn, xao xuyến và bận bịu của thường tình thế tục. Chỉ có thong dong tắm mình trong biển pháp chúng ta mới thấu hiểu được cốt tủy của vạn vật đều là nương vào nhau mà sanh mà diệt, từ thấu ngộ được duyên khởi chúng ta mới có khả năng an trụ trong vô cầu, vô chấp, vô tâm. Thong dong tắm mình trong biển pháp là liễu thông và thực hành trọn vẹn cả lý lẫn sự, cả tướng lẫn tánh, cả tương tức tương nhập lẫn thực dụng chứ không năng thuyết bất năng hành. Người con Phật chơn thuần chỉ hiểu rộng sâu không chưa đủ mà còn phải thực hiện, bởi vì đạo Phật là đạo của hành trì, có hành trì mới có cải thiện, cải thiện ngụy thành chơn, thiên thành viên, tà thành chánh và tiểu thành đại. Trong đạo Phật, lý sự đồng đẳng, có lý mà cũng có sự, có tánh mà cũng có tướng. Muốn tắm phải xuống sông chứ không thể lên núi, muốn lấy gỗ hay củi thì phải lên núi lên rừng chứ không thể xuống sông xuống biển được. Cũng như vậy, người con Phật muốn thong dong tắm mình trong biển pháp thì phải tu đúng môn trì đúng pháp chứ không phải là nhàn đàm hý luận. Dù biết rằng không có con đường giác ngộ nào mà không gian lao nguy hiểm, không có sự giải thoát nào mà không đi qua những chướng duyên nghịch cảnh hay cay đắng chông gai, nhưng con đường duy nhứt phải đi qua của người con Phật vẫn phải là con đường thong dong tắm mình trong biển pháp. Tất cả những gian lao nguy hiểm, những chướng duyên nghịch cảnh và những cay đắng chông gai, đối với người hiểu đạo chỉ là rỗng không, rồi chúng sẽ phải tuần tự tan biến trước định luật vô thường. Tuy nhiên, chúng chính là cửa ngõ vào đạo cho chúng sanh mọi loài. Ai không để cho chúng qua mắt chơn tâm viên minh thường trụ và vô nhiễm của mình, kẻ đó sẽ thong dong bước qua ngưỡng cửa vào đạo giác ngộ vô thượng. Ngược lại, những kẻ chỉ biết nhàn đàm hý luận sẽ là những miếng mồi ngon  cho ham muốn, bất mãn, đói khát, ái dục, hôn trầm, phỉ báng, cố chấp, khen chê, vinh nhục. Những kẻ chỉ biết nhàn đàm hý luận sẽ là những tấm bình phong che chở cho cái “ta” và tiếp tục làm nội ứng phá hủy cuộc đời tu tập của chính mình. Muốn thong dong tắm mình trong biển pháp trước phải tự câu thúc mình trong giới luật vì nhờ giới mà sanh định, rồi từ định mà sanh trí tuệ. Chỉ có trí tuệ chơn chánh mới giúp cho chúng ta dập tắt tri vọng của ý căn, từ đó không còn chạy theo những ham muốn của thường tình thế tục nữa. Chỉ có trí tuệ chơn chánh mới giúp cho chúng ta hiểu được những nguyên nhân nào đã gây cho mình khổ đau phiền não, nguyên nhân nào đã xô đẩy chúng ta lăn trôi trong vòng “sanh lão bệnh tử.” Chỉ có trí tuệ chơn chánh mới giúp cho chúng ta tu đúng đường hành đúng pháp, không để cho năm giác quan buông lung. Trí tuệ chơn chánh là đèn sáng xua tan bóng tối của vô minh, là giáo pháp an vui xua tan những cơn sóng khổ đau phiền não khiến cho chúng ta được thong dong đi về cõi an nhiên tự tại của mười phương ba đời chư Phật. Chỉ có trí tuệ chơn chánh mới giúp ta có khả năng phản quang tự kỷ, nghe những gì đáng nghe chứ không nghe những âm thanh mơ hồ huyễn hoặc; những âm thanh nào không đáng nghe thì không nghe đã đành, mà ngay cả những âm thanh cần nghe chỉ nghe những gì thật là cần thiết mà thôi, chỉ học những những gì thật cần học. Ngay cả tam tạng kinh điển cũng vậy, cái nào hợp với căn cơ trình độ của mình thì học, cái nào không hợp thì không.           Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên biết những lý lẽ cao siêu của tam tạng kinh điển. Tuy nhiên, biết để tu tâm dưỡng tánh thì nên biết, ví bằng biết để nhàn đàm hý luận thì thà không biết vẫn hơn. Biết lý tương tức tương nhập của Hoa Nghiêm để giúp ta giúp người cùng thấy được không có cái gì sanh và không có cái gì diệt trên cõi đời nầy, để không còn ham muốn truy cầu bất cứ thứ gì nữa, như thế là sự hiểu biết chánh đáng. Ngược lại, những kẻ luôn bị dày vò trong nỗi khao khát truy cầu chánh pháp bằng vọng tình, vọng thức và trí hiểu biết của phàm tình thế tục với mục đích “nhàn đàm hý luận,” kẻ đó là những kẻ đang bắc cầu giấy để đi qua con đường sinh tử. Chơn lý của thong dong trong cuộc sống với chính những hành động ngay trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc hằng ngày, chứ không phải là nhàn đàm hý luận hay bằng những kiến thức trong sách vở. Trong cuộc sống hằng ngày, không biết mình đang nghĩ gì làm gì, không tự biết bổn tâm mình thì cũng giống như những kẻ sống say chết mộng, có học pháp đến thiên kinh vạn quyển cũng là vô ích. Ví bằng chịu quay trở lại với chính mình thì chỉ cần với một câu Phật pháp đơn giản: “Làm lành lánh dữ, thanh lọc tâm ý cho trong sạch” cũng đủ giúp cho mình thong dong đi vào cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt của chư Phật. Đạo Phật là phương pháp sống tu cao thượng và được xây dựng bằng những hành động cụ thể, chứ không và không bao giờ được kết tụ bằng nhàn đàm hý luận. Thong dong tắm mình trong biển pháp là sống đơn giản và tự tại, không đếm đo bằng bất cứ thứ gì. Ngay cả tiền bạc và thời gian cũng không đếm đo được cuộc sống thực nầy. Sống “thong dong” là sống không lo toan, hận thù, băn khoăn, xao xuyến, không ganh tỵ hiềm khích. Trong cuộc sống loạn động hôm nay, không làm sao mà tâm ý chúng ta không bị tạp loạn và luôn bị nhiễu nhương bởi khổ đau phiền não. Người xuất gia muốn thong dong trước phải câu thúc mình trong cụ túc giới mà Phật Tổ đã chế ra, còn người tại gia phải tự câu thúc mình trong tam quy, ngũ giới, bát giới và thập thiện. Thong dong không có nghĩa hạn hẹp của thường tình thế tục, muốn làm gì thì làm hay muốn nghĩ gì thì nghĩ. Phật tử muốn thong dong “từ phàm lên Thánh” phải tuân theo lời Phật dạy, trước phải tu luyện đúng phương đúng cách giải khổ, phải thấy cái khổ nầy chồng chất lên cái khổ kia, phải thấy con người không ai làm chủ được thân thể mạng sống hay tài sản vật chất.   Tất cả đều bị nguyên lý “sanh trụ dị diệt” chi phối, hễ có sanh là có diệt, có thành là có hoại. Bên cạnh đó, con người luôn bị ngoại cảnh chi phối về vật chất. Về tinh thần, con người luôn bị vọng niệm sai sử và luôn bị nghiệp chướng hành hạ. Muốn thong dong tắm mình trong biển pháp, trước tiên chúng ta phải thấy cho rõ những ngọn gió độc của khổ đau phiền não, sinh ra là khổ mà sống lại khổ hơn; trong thế gian nầy giàu nghèo sang hèn đều có nỗi khổ của riêng mình. Người trẻ có nỗi khổ của người trẻ, người già lại có nỗi khổ của người già. Rồi bệnh khổ, bệnh mà không có phương tiện chữa trị lại càng khổ hơn. Rồi chết khổ, thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà cứ mãi gặp nhau là khổ, cầu mà chẳng được là khổ, ngũ ấm thạnh suy là khổ. Một khi đã hiểu được sắc, thọ, tưởng, hành, thức tất cả đều như bọt nước tụ tan thì những ngỡ tưởng sai lầm về thế gian nầy tan biến nên không còn cam tâm đắm mình trong khổ lụy trần tục nữa, thế là thong dong tự tại.

Đã từ bấy lâu nay chúng ta đã sống hời hợt theo thường tình thế tục, chỉ biết chạy theo những réo gọi của tài, sắc, danh, thực, thùy và chưa một lần lắng lòng suy tư về một cuộc sống thật. Thực tình mà nói, chúng ta đã từng sống như một kẻ đã chết, chúng ta sống theo phản xạ của thói quen mà không cảm nhận được những tinh hoa của cuộc sống thực nầy. Người thong dong tắm mình trong biển pháp là người biết sống thực, sống ngay trong những giây phút hiện tại, sống có ý thức chứ không xuyên qua suy tư. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta khó lòng sống mà không suy tư lắm vì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt na và a lại da lúc nào cũng gào thét ầm ĩ bên ta, lúc nào cũng bắt ta hoài niệm về quá khứ và dong ruổi đến tương lai, nhưng người biết thong dong tắm mình trong biển pháp là người luôn sống thật và sống có ý thức, luôn thấy rằng “nhân” không thực có và “pháp” cũng không thực có. Người ấy luôn ý thức rằng thân nầy đã lăn trôi gây tội tạo nghiệp cũng chỉ vì tâm nầy mà ra. Người thong dong tắm mình trong biển pháp là người luôn có tâm vô quái ngại, không lưu giữ bóng hình nào của quá khứ, không phản xạ theo thói quen. Ngược lại, tâm người ấy luôn tỉnh thức và an trú trong chánh niệm. Người ấy sống và biết rõ mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì và muốn gì. Nghĩa là người ấy luôn biết tự chủ lấy tâm mình, luôn biết sự vọng động của thân tâm mà hàng phục chúng cho đúng chỗ đúng lúc, luôn biết tiết chế lời ăn tiếng nói. Lúc nào có thể từ tốn được thì không nên oang oát làm vọng động đến người khác. Lúc nào có thể thâm trầm được thì không nên làm con rối cho người mua vui. Người biết thong dong tắm mình trong biển pháp là người không dùng Phật pháp để đè nén, hoặc tự tạo cho mình những uy nghi giả tạo bên ngoài. Ngược lại, với họ Phật pháp luôn là ngọn hải đăng hướng dẫn tâm ý họ hướng về Thánh Đạo, hướng dẫn họ biết sống thanh cao, biết đặt trọng lực vào cuộc sống tâm linh cao cả. Con người ấy luôn đem hết cả đời sống tâm linh của mình làm phương tiện để lên đường trở về với chơn tâm thật tánh. Những kẻ cầu pháp để nhàn đàm hý luận luôn chấp có, chấp không, chấp pháp, chấp tướng, chấp nhơn, chấp ngã. Dù bề ngoài lúc nào họ cũng vỗ ngực “không thiện không ác,” nhưng tận đáy lòng họ lúc nào cũng chấp chứa đủ thứ của thường tình thế tục. Còn người thong dong tắm trong biển pháp thì không nói không rằng, nhưng lúc nào cũng thầm thầm tiến tu. Với họ, nghiệp nhân đã gieo ắt trổ quả, nên họ tránh càng ít gây nhân chừng nào càng tốt chừng nấy. Thật vậy, nhơn nào quả nấy, đã gieo nhơn, dù trải qua bao kiếp, nhơn vẫn không mất, chờ có đủ duyên là trổ quả, dù lên trời, xuống biển cũng không được. Người thong dong tắm mình trong biển pháp là người quyết tâm dứt trừ những khổ lụy do nghiệp mới và nghiệp cũ, cũng như quyết chí ngừng bặt gây tội tạo nghiệp trong hiện tại, quyết giữ thân tâm không làm những điều gian ác. Một khi tâm đã đình chỉ, không tạo tội thì tất cả tội liền tiêu diệt. Ngay cả những khổ đau nghịch cảnh xảy đến cho thân phận mình, mình vẫn nhận chịu với tâm thái an nhiên tự tại, không trách móc vu vơ cho ai . Người biết thong dong tắm mình trong biển pháp là người biết tự quay về với ông Phật thanh tịnh vốn có của mình, tự tu tập để chuyển hóa những ô nhiễm uế trược và không ngừng nỗ lực vượt qua mọi cám dỗ của trường đời, luôn tự nhắc nhở là người con Phật phải sống đời trí huệ bằng ánh sáng vô nhiễm của chánh pháp.

Bình minh và hoàng hôn cứ nối tiếp đến và đi không ngừng nghỉ có dạy ta gì và có chỉ cho ta thấy gì không hỡi những người con Phật? Đó chính là những thông điệp khuyến tu về “lão tử” mà thiên nhiên vũ trụ muốn nhắn gửi đến chúng ta. Chúng ta còn bao lâu nữa để sống và để tu? Không còn bao lâu nữa đâu hỡi những người con Phật! Một hơi thở ra mà không thở vào là xong một kiếp người, chứ không đợi chi đến lúc da nhăn, má hóp, mắt mờ, tay rung, lưng còm, tóc bạc. Muốn chấm dứt lăn trôi trong thế giới huyễn mộng của cõi phù sinh sống gửi thác về nầy, con đường duy nhất là con đường “cô thân vạn lý du và thong dong tắm mình trong biển pháp mênh mông” để tự giải thể kiếp phù sinh và tìm về tự tánh muôn thuở của chính mình.   

Pages: 1 2 3 4 5 6