ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP II
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

195. Tứ Hoằng Thệ Nguyện
196. Nhơn Quả Trong Đạo Phật
197. Những Chàng Cùn Tử
198. Người Phật Tử Và Cái Tâm Xả
199. Tội Và Phước Với Người Phật Tử
200. Nghiệp Báo Và Người Phật Tử
201. Sự Khác Biệt Giữa Đạo Phật Và Các Tôn Giáo Khác
202. Người Phật Tử Và Cái Tâm Từ
203. Người Phật Tử Và Cái Tâm Bi
204. Người Phật Tử Và Cái Tâm Hỉ
205. Những Đức Tánh Tốt Của Người Phật Tử
206. Thế Nào Là Thanh Tịnh Trong Đạo Phật?
207. Lời Hay Trong Lẽ Đạo

195. TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN 

Người Phật tửxuất gia cũng như tại gia, đều mang trong lòng bốn lời nguyện lớn. Bốn lời nguyện nầy không chỉ là những lời nguyện suông, mà còn là những yếu lý của đạo Phật đã giúp cho rất nhiều người đắc đạo. Đó là bốn lời phát nguyện rộng lớn để cầu cho tất cả chúng sanh đạt đến đạo Vô Thượng Bồ Đề.

 Chúng sanh vô biên thệ nguyên độ. Chúng sanh ở đây vừa chỉ cho chúng sanh muôn loài, mà còn là những chúng sanh ở ngay trong ta. Thử nghĩ xem trong ta có bao nhiêu chúng sanh? Biết bao nhiêu mà kể cho xiết, thân sau nối tiếp thân trước; niệm sau nối tiếp niệm trước… Cứ liên tục, không ngừng nghỉ. Cho dù là có vô biên chúng sanh, con vẫn xin thệ nguyện độ cho tận.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Chính những phiền não nầy đã tạo ra nước mắt chúng sanh. Mà Đức Từ Phụ đã từng dạy rằng nước mắt chúng sanh còn nhiều hơn nước đại dương nữa. Thế mới biết phiền não nhiều đến dường nào. Cho dù phiền não có vô tận, con cũng xin thệ nguyện nương theo những gì Đức Từ Phụ đã chỉ dạy Để mà đoạn cho hết.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Cho dù pháp của Phật có nhiều đến như thế nào, có sâu rộng và mênh mông như biển cả, con cũng xin thệ nguyện học. Vì không học thì không đạt tình thấu lý và từ đó không phát trí huệ.

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Người Phật tử quyết tâm một khi tu là đắc quả vô thượng bồ đề, và giác ngộ giải thoátNếu không nguyện được như vậy thì thà là khoan hẳn tu.

Ngoài cái lợi lạc về việc tu học cho chính mình, người Phật tử, một khi phát nguyện những lời trên, còn hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh. Mong cho nhất thiết chúng sanh đều được hạnh phúc, an vui.

Chúng sanh độ khắp xa gần,
Não phiền dũ sạch lòng trần nhẹ lâng.
Pháp mầu số lượng khó phân,
Đạo Phật vô thượng thậm thâm nguyện thành

Thật tình mà nói, trong kinh Phật, từng chữ, từng câu đều có một ý nghĩa rất là thâm sâuPhật tử nên tìm hiểu nghĩa lý của từng bài kinh trước khi tụng đọc. Có như vậy thì chuyện tụng đọc chẳng những có lợi lạc, mà còn lý thú nữa.

196. NHƠN QUẢ TRONG ĐẠO PHẬT

Từ vũ trụ cho đến Thái Dương hệ của chúng ta, không có cái gì xãy ra một cách ngẫu nhiên, mà tất cả đều có định luật. Đó là định luật thiên nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng vô cùng đứng đắn. Cũng như không có một sự vật gì tự nhiên mà có. Lại càng không có một bàn tay nào, dù là thiêng liêng cách mấy, mạnh mẽ cách mấy, lại có khả năng tạo dựng ra. Tất cả sự vật đều cần có đủ điều kiện mới sinh được. Theo đạo Phậtđiều kiện ấy là nhân sanh quả. Muốn có bánh mì thì phải trồng lúa mì; phải có người nông dân, nhà máy xay lúa, người thợ bánh mì, người bán bánh mì… Ngoài ra còn vô số điều kiện phụ khác nữa. Nếu thiếu một trong những điều kiện ấy, sẽ không có bánh mì. Nếu nói như vậy thì có người sẽ thắc mắc do đâu mà có hạt lúa mì? Cũng giống như có người đã từng hỏi do đâu mà có cái trứng gà? Xin thưa nếu ai đó đã biết qua về nhơn sinh quan của Phật giáo thì sẽ không có cái thắc mắc ấy đâu.

Câu trả lời sẽ là đơn giản thôi. Theo Phật giáo nhơn sinh quan, thì cái gì trên cõi đời nầy cũng đều cấu tạo bởi bốn thứ lớn là đất, nước, lửa, và gió. Thiếu một trong những thứ nầy là sẽ không có một sự thành hình nào cả. Ngoài những thứ nầy ra không còn thứ nào khác hơn trong vũ trụ nầy; tuy nhiênchúng ta không nên hiểu một cách cạn cợt về bốn chữ đất, nước, lửa, và gió nầy. Mà phải hiểu một cách rộng rãi. Đất bao gồm những chất hữu và vô cơ. Nước bao gồm toàn bộ những chất lỏng. Lửa ở đây nói chung về nhiệt độ, nóng, lạnh, ẩm… Nói đến gió ta phải hiểu là không khí và sự khác biệt về áp suất của không khí. Hiểu như vậy thì ta mới thấy được cái Tứ Đại mà Đức Phật đã nói có một hàm nghĩa rất là sâu rộng. Thấy như vậy ta mới hiểu tại vì sao mà có hạt lúa mì, hoặc tại vì sao mà có cái trứng gà. Xin nhắc lại, bắt đầu từ hư không, nhờ vào Tứ Đại, nghĩa là nhờ vào những chất hữu và vô cơ, rồi thì, nước, độ ẩm, và không khí cũng như áp suất của nó mà tạo ra những mầm sống, rồi sau đó những mầm sống nầy mới nẩy sinh ra thực vật hoặc động vật.

Ai dám nói có thần linh nào đó làm được bánh mì? Nếu quả thật mà có như vậy thì cái thế giới nầy đâu có thế gọi là thế giới Ta Bà được, mà phải gọi là thế giới của thần linh hay là một cái tên gì khác ấy. Theo Phật giáo, tất cả những điều kiện tạo ra bánh mì được gọi là nhân và bánh mì chính là cái quả. Không cần phải lấy những thí dụ cao xa. Hãy nhìn một học sinh muốn đậu vào Đại họchọc sinh nầy phải trì chí, siêng năng, học nhiều môn như Toán, Vật Lý, Sinh Ngữ, Khoa Học… Từ cái nhân là sự trì chí, siêng năng, đến những môn hoc… mới có cái quả là thi đậu vào đại học.

Nếu mà xét cho tường tận từng vấn đề một, thì thôi biết là bao nhiêu cái nhân mới tạo thành cái quả. Như cái quả là ổ bánh mì để trên bàn mà ta vừa nói trên đấy. Ngoài những nhân chính ra, nó còn lệ thuộc vào vô số những yếu tố khác như nắng, mưa, gió, bão, chuyên chở…Cái đó trong đạo Phật gọi là trùng trùng duyên khởi. Đó là nói về vật chất, chứ nếu nói về con người thì nhơn quả còn phức tạp hơn nhiều. Nếu bàn rộng về nhơn quả thì không biết đến chừng nào mới xong. Ở đây chỉ nói đại cương.

Bây giờ ta hãy định nghĩa sơ qua về nhơn quả. Nhơn là nguyên nhân, còn Quả là kết quả. Nhân là cái mầm, còn quả là cái hạt, cái trái do mầm phát sinh ra. Nhân quả là hai trạng thái nối tiếp nhau. Nếu không có nhân là không có quả. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Trồng dưa thì được dưa, mà trồng đậu thì được đậu. Người học chữ thì biết chữ; mà người học sửa xe thì biết sửa xe. Tóm lại nhân bao giờ cũng đồng loại với quả, hoặc quả bao giờ cũng đồng loại với nhân. Cái câu tóm tắt nầy bao trùm tất cả những gì mà chúng ta sẽ nói sau nầy về luật nhơn quả của đạo Phật. Một nhân không bao giờ sanh ra quả mà phải do sự trợ giúp của nhiều nhân duyên khác nữa. Chẳng hạn như đem hạt lúa mà gieo trên đá thì hạt lúa sẽ không nẩy mầm. Muốn cho nó nẩy mầm, thì ta phải gieo nó ở một chỗ đất, có đầy đủ nước, không khí và ánh sáng, cũng như phải có người biết cách gieo mạ…

Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Trong trái xoài có hột xoài, cũng như trong hột xoài có mầm của trái xoài vậy. Trái xoài đối với quá khứ thì nó là quả, chứ đối với tương lai thì nó lại là nhân. Sự phát triển của nhân mau hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài. Nhân quả là luật áp dụng chung cho mọi loài từ vật vô tri giác, đến thực vậtđộng vật và con ngườiThí dụ như gió thổi nước thành sóng; nước quá lạnh sẽ đông lại thành băng; hạt cam, hạt bưởi sanh cây cam, cây bưởi, rồi trái cam trái bưởi. Chim sanh trứng là nhơn; trứng nở thành chim con, ấy là quả.

 Nói về con người, có hai loại nhơn quả:

 Thứ nhứt là nhơn quả vật chấtCha mẹ và hoàn cảnh là nhơn, sanh con ra là quả.

Thứ nhì là nhơn quả tinh thần: Những tư tưởng hành vi trong quá khứ là nhân sẽ tạo ra quả là tánh tình, tư tưởng và hành động của hiện tạiĐức Phật đã dạy rằng: “Cứ nhìn những gì ta đang làm thì sẽ biết trong tương lai ta sẽ đi về đâu.” Theo luật nhơn quả thì hễ tham là phải chịu cái quả tù đày khổ sở. Sân si thì phải chịu cái quả là trí huệ u-ám. Hễ kiêu mạn thì phải chịu cái quả là cô độc lẻ loi, vì đâu có ai dám đến gần. Hễ si mê cờ bạc thì cái quả phải là tán gia bại sản. Ngược lại nếu ta không tham lam bỏn xẻn thì tâm trí thảnh thơi; không nóng giận thì gia đình êm ấm, chồng vợ thuận hòa; không kiêu mạn thì bằng hữu thương yêu; không bạc bài thì cửa nhà êm ấm.

 Tóm lại luật nhơn quả trong đạo Phật là cái gì vô cùng khoa học, không mê tín dị đoan, không có bất cứ thần quyền nào có thể can dự vào luật nầy. Luật nhơn quả cho chúng ta thấy một cách thực tiển thực trạng của sự vật. Nó rõ ràng như ban ngày; hễ gieo cam thì được cam; gieo bưởi thì được bưởi, thế thôi. Do chính bởi lòng tin ở luật nhơn quả nầy mà người Phật tử luôn tin tưởng rằng mình chính là những người thợ tự xây dựng cuộc đời của mình. Xây khéo thì mình hưởng, xây vụng thì mình phải chịu. Luật nhơn quả là một yếu lý khác của Phật giáo giúp cho Phật tử không ỷ lại vào bất cứ ai. Một khi đã biết mình là quan trọng thì chỉ còn việc hãy tự cố gắng mà sửa mình. Là Phật tử, làm việc gì cũng phải luôn nhớ rằng:

“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.”

Nghĩa là phàm làm việc gì cũng nên nhớ đến cái quả của nó, quả ắt phải đến, sớm hoặc chậm thôi. Nhớ như vậy để ta cân nhắc từ lời ăn tiếng nói. Nếu tất cả Phật tử đều làm được như vậy thì chẳng bao lâu sau, tất cả những người con Phật sẽ gặp nhau trên đất Phật để cùng nhau chia xẻ gia tài của Phật là thanh tịnh và giải thoát.

197. NHỮNG CHÀNG CÙNG TỬ 

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất. Nếu chúng ta quay cuồng trong đó, thì tâm ta làm sao mà tĩnh cho được. Còn nếu như chúng ta không lao đầu vào thì chúng ta sẽ bị xã hội đào thảiChúng ta thật sự đang lang thang nơi xứ người, vật chất thì có đó; nhưng tinh thần thì thật sự là túng quẩn, nghèo nàn và khổ sở. Sống như vậy thì quả là cuộc sống ta không có nghĩa lý chút nào. Dăm ba lần muốn quay trở về ngôi nhà cũ, nhưng nhà ta thì giờ nầy sang trọng quá, còn ta thì nghèo hèn, cơ khổ quá. Chúng ta là ai? Xin thưa, chúng ta là những chàng Cùn Tử mà Đức Phật đã kể trong Phẩm Tín Giải (Kinh Pháp Hoa) đó các bạn ạ! Còn ngôi nhà cũ ấy là gì? Ngôi nhà cũ nầy có thể dùng để chỉ Phật pháp hoặc ngôi chùa mà ta đã một lần đến. Ấy cũng chính là ngôi nhà quí báu mà Đức Từ Phụ đã dựng lên hơn hai mươi lăm thế kỷ nay.

Chuyện kể có một gia đình hai cha con nọ đang sống êm đềm. Vì sinh kế, người con phải bỏ nhà ra đi. Trong suốt năm mươi năm trời xa cách cha, đã có rất nhiều lần người con muốn quay trở lại tìm cha. Nhưng về đến nơi thì anh ta bỗng giựt mình, vì thân mình giờ nầy là Cùn Tử, lang thang rách rưới, nghèo hèn, khổ não; mà nhà cha mình thì nguy nga, lộng lẫy quá. Cho nên, chàng Cùn Tử cứ thập thò năm lần bảy lượt mà chẳng dám bước vào. Cuối cùng chàng lại bỏ đi. Người cha, bây giờ là ông trưởng giả giàu có, nhà cửa sang trọng, biết con mình muốn quay về nhà, nhưng vì nhiều lý do mà nó cứ năm lần bẩy lượt, bước ra bước vô mà không chịu về.

Người cha phải khổ công cho người đi tìm kiếmdụ dỗ cho chàng ta về làm thuê cho mình để cho cha con sớm hôm được cạnh kề. Dần dần nhờ sự khôn ngoan khéo léo của ông Trưởng giả mà chàng Cùn Tử đã biết rành hết mọi việc trong nhà. Một hôm, ông Trưởng giả mới họp tất cả người làm trong nhà lại mà tuyên bố rằng: “Nó (chàng Cùn Tử) là con của tôi từ lâu đã thất lạc; hôm nay vì già yếu, không có người kế thừa, nên tôi giao hết cho nó tất cả gia nghiệp kể từ đây.” Chàng Cùn Tử như người trong mộng, tự nhiên được cả gia nghiệp của cha mình. Bây giờ chàng mới thực sự cai quản gia sản của cha mình.

Chúng ta thử suy gẫm xem mình có phải là cái anh chàng Cùn Tử trong kinh Pháp Hoa hay không? Thưa phải đấy các bạn ạ. Chúng ta cứ mãi mê đeo đuổi theo danh theo lợi, đeo đuổi theo những thứ giả tạm, những thứ mà chúng ta sẽ phải bỏ lại sau cái kiếp sống nầy. Chúng ta không chịu tu học để được những cái cao quí, những thiện nghiệp làm hành trang cho mai sauChúng ta cứ mãi mê quay cuồng trong những thú vui, cho đến lúc nào đó bị đau khổ quấn lấy, thì chúng ta lại quay về tìm Phật, đến khi cơn đau khổ tạm qua thì ta lại dong ruổi nữa. Và cứ như thế, hết lần nọ đến lần kia, như chàng Cùn Tử vậy.

Ta quên mất đi rằng cái vui là tạm bợ, đến trong phút chốc rồi đi, chừa lại cho ta một chuỗi dài đau khổ. Ta quên mất đi là đau khổ nó có bao giờ rời ta đâu, đau khổ lúc nào cũng rình rập chờ có cơ hội là quấn lấy ta. Ta quên đi là ta không thể nào chạy trốn khổ đau đâu, mà ta phải tìm cho ra cái căn cơ cội nguồn của nó để diệt cho sạch nó. Chúng ta quên mất đi là ngay nơi mình có cái kho châu báu vô giá, mà cứ mãi dong ruổi đi tìm ở những đâu, cho đến khi thân tàn ma dại mới chịu quay trở lại, thì có khi không còn kịp nữa, vì kiếp người nầy ngắn ngủi như ánh điện chớp, thấy đó rồi mất đó.

Phật tử hay không Phật tử, tất cả chúng ta đều có Phật tánh, tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Có điều là chúng ta có cương quyết quay về với chính ta để tìm lại cho bằng được cái Phật tánh ấy hay không thôi.

Xin hãy can đảm lên, gan dạ lên mà buông xả đi thế gian pháp để trở về sống với cái lý chơn thật của mình. Căn nhà quí báu mà Đức Từ Phụ đã xây đắp tự năm nào luôn sẳn sàng chờ đón chúng ta. Mong rằng ai nấy đều quyết tâm không làm chàng Cùn Tử nữa, cùng nhau trở về họp mặt trong căn nhà của Phật để có một ngày nào đó tất cả chúng ta đều trọn thành Phật Đạo.

198. NGƯỜI PHẬT TỬ VÀ CÁI TÂM XẢ 

Thế nào gọi là Tâm Xả?

Tâm xả là tâm bình đẳng, không còn chấp trước. Đối với thuận cảnh không đem lòng ưa thích; đối với nghịch cảnh không đem lòng oán giận. Đối với người oán ta, ta không mang tâm trả thù; đối với kẻ thân ta, ta không nên sanh tâm yêu thích. Tâm xả là không còn phân biệt ta và người. Người có tâm xả biết quân bình giữa tình cảm và lý trí; không để ngoại cảnh chi phối, nghĩa là không bị cảnh chuyển.

Chúng ta có Tâm Xả hay không?

Tất cả chúng ta, từ hồi nào đến giờ, vẫn thường có Phật tánh, vẫn thường có cái Tâm Xả ấy chứ. Tuy nhiên, vì bị vô minh che lấp nên thay vì có Tâm Xả, thì ta lại mang cái Vọng Tâm. Với cái vọng tâm nầy, ta thường hay bị cảnh chuyển, nghĩa là ta vẫn biết những gì xãy ra quanh ta nhưng thay vì xem chúng như nước chảy qua cầu, hoặc gió thoảng mây bay, thì ta lại chạy theo chúng. Khi thì thương; khi thì ghét; khi thì vui; khi thì buồn; khi thì đẹp; khi thì xấu. Thử nghĩ xem, mang cái vọng tâm nầy vào trong mình, thì ta đâu có chịu đứng yênThí dụ như nghe có tiếng nói, ta đâu có chịu dừng lại ở đó, mà ta phải tìm xem coi ai nói và nói những gì? Vân vân và vân vân. Thế rồi từ vướng mắc nầy ta phiêu lưu đến vướng mắc khác, và cứ thế suốt năm nầy qua năm khác, ta chôn chặt cuộc đời ta vào những cái không đâu. Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống như vậy thì quả tình tội nghiệp cho chúng ta quá. Chúng ta phải làm sao chứ không lẽ sống trong mê mờ hoài sao?

 Muốn được như vậy, con đường duy nhất là chúng ta phải hành trì những gì mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Hành trì để chặt bỏ đi bức màn vô minh, để mà lần trở về với cái giác tánh chơn thật của ta. Vì như trên đã nói, trong chúng ta, ai cũng có cái giác tánh ấy cả. Hễ chịu hành trì là thế nào cũng được. Mà phải thực tâm cơ, chứ bề ngoài lớt lớt thì ô hô biết cho đến đời kiếp nào mới vén được cái màn vô minh từ vô thỉ ấy. Có nhiều khi chúng ta đi chùa đã lâulễ Phật đã nhiều; kinh đã tụng đủ thứ; đã tốn nhiều tiền của mà cúng dường chư tăng ni, nhưng thật ra chúng ta chưa bao giờ tu.

Tại sao vậy? Tại vì đi chùa cho ai đó thấy là ta cũng đi chùalễ Phật cho người thấy là ta cũng sùng đạo như ai; tụng kinh để chứng tỏ là ta cũng ê a được dăm ba chữ; cúng dường Tam Bảo là phải cúng nhiều hơn người khác, chứ ít hơn là không được, vân vân và vân vân. Đã đưa tiền của rồi, giờ đến chuyện tu thì mấy thầy làm ơn tu dùm vậy. Đấy là những lý do tại sao cho dù có người đã từng đi chùa ba bốn chục năm mà vẫn chưa tu được năm nào. Thậm chí có người còn tệ hơn vậy nữa; họ đến chùa, tung tiền dư của bỏ ra để khuynh đảo mấy thầy. Những hạng người như vậy chẳng những không được gọi là tu, mà họ chính là những người phá đạo. Đời đời họ sẽ không bao giờ thấy được giải thoát đâu, mà chỉ thấy cái địa ngục nắm chắc trong tay đấy bạn ạ.

Phật tử chân chính, muốn trở về với cái giác tánh và đạt được cái tâm xả, xin hãy quỳ trước đài vô thượngchân thành mà khẩn nguyện rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, con từ vô thỉ đã bị vô minh che mờ nên không thấy được con cũng có cái Phật tánh như Ngài. Giờ nầy con thực tình nhìn thẳng vào mắt Ngài, mỉm cười với Ngài, xin Ngài tha thứ và cũng tự tha thứ mình, mà nguyện rằng: Kể từ giờ phút nầy, con sẽ quyết tâm hành trì những gì mà Ngài đã giảng dạy để thoát cho bằng được cái vô minh phiền trược, và con xin hẹn chắc với Ngài là một ngày không xa nào đó con sẽ gặp Ngài nơi đất Phật.” Như vậy mới xứng đáng là một người con Phật.

199. TỘI VÀ PHƯỚC VỚI NGƯỜI PHẬT TỬ 

Hễ nói đến Phật giáo là người ta thường hay nói đến Tội và Phước. Người Phật tử nào cũng đều có sự hiểu biết tối thiểu về tội và phước. Nếu không biết thế nào là tội, thế nào là phước tức là chưa tu. Tội và phước là những chuyện thiết thực, chứ không phải là mơ hồ. Thói thường, hễ ta đánh cắp một vật gì mà bị bắt quả tang thì ta phải chịu tù tội. Nên nhớ là phải bị bắt quả tang cơ thì mới bị tù tội. Ví bằng không bị bắt quả tang thì không hề hấn gì. Ấy là nói về chuyện của thế gian, chứ theo thuyết nhà Phật thì ăn trộm là có tội, chứ không phải đợi đến lúc bị bắt quả tang mới là có tội. Theo đạo Phật thì hành động làm cho người đau khổ là tội; hứa mà không làm là tội; nói lưỡi hai chiều để cho người thù ghét nhau là tội; chuyện có nói không, chuyện không nói có là tội; gây nên chuyện tà hạnh với người là tội; rượu chè be bét làm đau khổ người thân là tội; nói lời hung ác, dù với bất cứ ai, là tội; nổi nóng mắng chửi người là tội.

Ngược lại, phước là những hành động đem lại sự an vui cho người. Người làm phước thì cho dù ở bất cứ đâu cũng được người thương mến. Nhỡ khi lâm nạn thì ai cũng vui vẻ mà cứu giúp. Làm phước hữu lậu, thì cho dù còn trong vòng sanh tử luân hồi, nhưng thân tâm thường được an lạc. Chẳng hạn như cứu người gặp tai nạn thì lòng họ sẽ biết ơn vô kểbố thí cho kẻ nghèo đói thì chẳng những người được bố thí sẽ mừng vô hạn, mà người bố thí cũng mừng không kém vì được cái cơ hội thực hành Bồ Tát hạnh. Khi ta nói lời lẽ chân thật đem lại sự bình yên trong tâm hồn của người khác là ta đang thực hành hạnh vô úy thí cao cả.

Khi thấy ở đâu có sự bất hòa là ta phát tâm giảng hòa; có như thế chẳng những người vui, mà ta cũng vui nữa. Lời nói đâu có mất tiền mua, xin hãy lựa lời mà nói cho vừa lòng người, lòng ta. Làm phước vô lậu là làm những việc phước mà buông xả, không vướng mắc. Mình làm như vậy và chỉ dạy, khuyên lơn người khác làm như vậy, ấy là tu phước vô lậu. Dù vô lậu hay hữu lậu vẫn hơn không làm. Nếu thấy chưa có đủ khả năng phát tâm làm phước vô lậu, thì phát tâm làm phước hữu lậu. Chứ đừng nghe ai đó khen chê, làm như thế nầy thì còn chấp quá; làm như thế nầy thì chỉ là phước hữu lậu thôi, phải làm như thế nầy nầy, mới là phước vô lậu. Xin thưa, hữu lậu hay vô lậu, mình biết mình đang làm gì là quá đủ rồi. Đừng bận tâm để ý đến chuyện thị phi. Thật tình mà nói, cái người nào đó có khả năng nói ta làm phước hữu lậu hay vô lậu, chứ nhiều khi chính họ chả có lậu nào.

Muốn thực hiện được những điều phước trên ta phải phát tâm hành trì những lời Phật dạy như lòng từ bi, nhẫn nhụcnhận biết chân thậtsuy nghĩ và phân biệt đúng sai, chánh tà; nói năng chính xác, chứ không đụng đâu nói đó; đi, đứng, nằm, ngồi phải có ý tứ; mưu cầu sinh kế mà đừng làm phương hại đến ai; siêng năng hành trì những lời Phật dạy; không khởi tâm sát hại chúng sanh mọi loài; chỉ thấy đức tánh tốt của người, chớ không thấy điều xấu của họ; phát tâm chia xẻ niềm đau nổi khổ của người; dù người muốn hãm hại ta, ta vẫn phát tâm thương xót; thấy ai thành đạt thì phát tâm vui theo; thấy ai nghèo khổ thì phát tâm cứu giúp; nói lời hiền hòa và êm dịu.

200. NGHIỆP BÁO VÀ NGƯỜI PHẬT TỬ 

Theo quan niệm của đạo Phật, trên đời nầy không có cái gì xãy ra do sự ngẫu nhiên cả. Mọi chuyện vui và khổ của chúng ta trong hiện tại đều là kết quả của những gì mà ta đã làm trong quá khứ. Hễ quá khứ, có thể là tiền kiếp, ta đã làm lành thì giờ nầy ta được an vui; ví bằng trong quá khứ ta đã làm ác thì hiện tại ta phải chịu khổ. Một khi nghiệp quả đến thì ta phải lãnh thôi, chứ không một ai có thể lãnh thế cho ta. Không có một quyền lực siêu nhiên nào có thể làm được chuyện nầy cho ta. Đó cũng là một chơn lý chẳng những trong đạo Phật, mà còn là một chơn lý cho bất kỳ một môn khoa học nào. Mình làm mình chịu, thiệt là hợp lý và công bình.

Theo đúng như luật nhơn quả của nhà Phật; hễ ta gây nghiệp nhơn thì ta phải gặt lấy nghiệp quả thôi. Sự báo đáp sẽ vô cùng tương xứng. Hễ trong quá khứ ta tạo tác lành, thì trong hiện tại ta được sự báo đáp lành. Còn ngược lại, trong quá khứ ta tạo tác dữ, thì trong hiện tại ta nhận sự báo đáp dữ. Sự báo đáp không bắt buộc phải nhãn tiền, mà có khi nó đến chậm. Nghiệp báo chậm hay mau còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố phụ thuộcThí dụ như ta làm rớt một hột cam trên một vùng đất cằn cỗi; hột cam sẽ không nẩy mầm ngay, mà phải đợi đến mùa mưa, đất mềm đi, nó mới nẩy mầm. Còn nếu ta làm rớt nó ở một nơi đất phì nhiêu, thì nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự báo ứng của nghiệp cũng tương tợ như vậy. Nếu ta đã hiểu rõ ràng có nghiệp báo nhanh, có nghiệp báo chậm thì ta sẽ không bao giờ thắc mắc tại sao có kẻ làm ác vô cùng mà vẫn phây phây, còn người hiền lành thì gặp toàn là hoạn nạn không thôi. Nhiều khi kẻ ác đang nhận phước báo của nhiều đời trước; còn người hiền đang trả quả cũng cho nhiều đời trước đấy.

 Từ đâu mà ta tạo tác ra nghiệp?

Tất cả những tạo tác trên đời nầy đều phát sanh từ thân, khẩu và ý. Nếu ta làm lành, nói lành, nghĩ lành thì ta đang tạo ra nghiệp lành. Còn ngược lại, nếu ta làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ là ta đang tạo ra nghiệp dữ. Nghiệp nó đeo đẳng theo ta như hình với bóng. Cái bóng của bây giờ là do cái hình của đời trước.

Làm sao để khỏi vướng ác nghiệp và tạo tác ra thiện nghiệp?

Ác nghiệp là những tạo tác dữ, có hại cho người; còn thiện nghiệp là những tạo tác lành, có lợi cho người. Muốn đừng vướng ác nghiệp thì xin đừng sát sanh; đừng trộm cướp của ai; đừng tà dâm; đừng nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác; đừng tham lam, giận hờn, si mêTrái lại, để nuôi dưỡng thiện nghiệp, đối với chúng sanh mọi loài phải đem lòng thương xót; kính già yêu trẻ; không sanh tâm giận hờn ai, cho dù người có giận hờn ta; không thù hận ai dù người có thù hận ta; không gạt gẫm ai dù ta có bị người gạt gẫm; quyết không đem lòng tạo tác chuyện tà hạnh gì với ai, cho dù ai kia có cố tâm quyến rũ ta; không nói lưỡi hai chiều để hại ai, cho dù người có nói lưỡi hai chiều để hãm hại ta; luôn hòa nhã và vui vẻ cho dù người có đanh đá với ta; không nói lời hung ác với ai, cho dù người có nói lời hung ác với ta; mất của gì, đừng nên chửi rủa ai, mà hãy vui khi nghĩ rằng trên địa cầu nầy có một người nào đó được sung sướng vì nhận được của ấy; hãy nhẫn nhục trước mọi việc. Nên nhớ là nghiệp lành như những đám mạ non, khó dưỡng; còn ác nghiệp như những đám cỏ dại, một chút cỏ dại có thể mọc lấn lướt đám mạ non khó dưỡng kia. Muốn cho mạ lớn lên và trở thành những đám lúa tốt tươi thì ta phải siêng năng nhổ bỏ đi những đám cỏ dại. Không phải nhổ một ngày một bửa mà hết được đâu, mà phải nhổ hoài, nhổ từ ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ. Nhổ cho đến khi lúa đã gặt xong mới thôi.

Tóm lại, là người Phật tử chân chánh, một khi đã thấu rõ về nghiệp báo, xin hãy cố gắng hành trì những lời chỉ dạy của Phật để chỉ tạo tác thiện nghiệp nếu còn chấp nhận sanh tử luân hồi. Ví bằng ta không muốn luân hồi nữa thì cũng lắng nghe những điều chỉ dạy của Đức Từ Phụ mà tu cho dứt mầm sanh tử. Là Phật tử, luôn nhớ rằng tự ta quyết định và lựa chọn sanh tử hay thoát sanh tử, chứ không một ai có đủ thẩm quyền làm cái chuyện đó; không một ai có đủ thẩm quyền cho người nầy vui, bắt người kia khổ. Không một ai có thẩm quyền làm cái chuyện vô cùng bất công và tội lỗi ấy ngoài ta ra cả.

201. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐẠO PHẬT VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC

Có lẽ trên địa cầu nầy chỉ nở một bông sen và một bông sen duy nhất, đó là cái bông sen đạo Phật. Nói đến đạo Phật là nói đến một cái gì hết sức đặc biệtTôn giáo ư? Triết lý ư? Nói cách nào cũng được. Triết lý thì thật là đúng nghĩa hơn; tuy nhiênhiện tại số tín đồ Phật giáo đã là số một trên hoàn vũ rồi, cho nên nói rằng đạo Phật là một tôn giáo thì cũng là phải thôi. Phật ra đời vì một nhơn duyên lớn: “Khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”

 Thật tình mà nói, đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng đáng quý, đạo nào cũng đáng trọng, đạo nào cũng hướng con người đến chỗ thiện và khuyên con người tránh xa việc ác. Nhưng mục đích thiện tốt vẫn chưa đủ. Phải có cái gì khác hơn thiện, tốt nữa chứ. Nhiều tôn giáo thờ Thần Thánh cũng có khuyên con người hướng thiện, lại cũng vừa dùng lòng tin (mù quáng) như là một thứ thuốc phiện để ru ngủ lòng người. Hãy tin và vâng phục ta là ta sẽ cứu độ, ví bằng không nghe ta là các ngươi sẽ xuống địa ngục thôi. Rồi cái câu nầy được lập đi lập lại từ năm nầy qua năm khác, cho đến khi nó đã ăn sâu vào tim óc của mọi người.

Hễ cha tin thì con tin, con tin thì cháu tin, cháu tin thì chắc tin… Cứ như thế mà thành ra đạo giòng, chứ người ta không còn buồn tìm hiểu xem tại sao ta lại phải tin như vậy. Tin như vậy có mù quáng không? Đạo Phật thì khác hẳn hoàn toànĐức Phật đã không tự xưng là Thần Thánh hoặc Thần Thánh nhập thể trong những hình thức khác nhau, hay được Thần Thánh mặc khải… Ngài nói rằng Ngài chỉ là một con người như bao nhiêu con người, chỉ khác có điều là Ngài đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát. Ngài muốn đem những yếu lý mà Ngài đã chứng được để giảng dạy cho mọi người, để họ cũng được giác ngộ như Ngài, thế thôi. Ngài tuyên bố tất cả những gì Ngài đã thực hiện đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ của mình, của con người, chứ không do thiên khải từ bất cứ một vị thần linh hay một quyền năng nào khác.

Từ cái câu nói của Đức Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành,” ta thấy rõ Ngài quan niệm mọi người đều mang trong mình một khả năng thành Phật nếu họ muốn và nỗ lựcĐức Phật quan niệm vị trí của con người là tối thượngCon người là chủ nhơn ông của chính mình, chứ không một thực thể hay quyền năng thiêng liêng nào trên cao có thể định đoạt số phận cho mình cả. Mình khát nước thì chính mình phải tìm nước mà uống, uống cho tới khi nào hết cơn khát, chứ không ai có thể uống dùm mình được. Mình làm lỗi thì chính mình phải nhận lãnh cái hậu quả của nó, chứ không ai có thể lãnh thế cho mình.

Ngài đã dạy rằng các đức Như Lai chỉ có khả năng chỉ dạy và khuyên lơn chúng sanh đi vào con đường giải thoát. Nghe hay không nghe là chuyện của chúng sanh. Nếu chúng sanh nghe theo mà nỗ lực tiến tu thì sẽ thành Phậtnếu không nghe theo thì vẫn tiếp tục sanh tử luân hồiĐức Phật chỉ thương xót mà không làm gì khác hơn được. Ngài khẳng định hễ trồng đậu thì được đậu, chứ không cớ gì trồng đậu mà được khoai cả. Không có một thần linh hay quyền năng nào có thể thay đổi được nguyên tắc nầy.

Đức Phật không thừa nhận những gì được dựng là do một đấng Thần Linh hay Toàn Năng sinh ra. Theo Đức Phật thì tất cả những tạo dựng đó là do Nhân Duyên, tức là Nhân Quả và Duyên Nghiệp. Hễ cái nầy có thì cái kia có trong một quan hệ tương liên.

Đạo Phật khác với những tôn giáo thờ Thần Thánh ở chỗ không thừa nhận những tạo dựng là do ý của Thần Thánh, mà là do sự tiến hóa của vũ trụ và vạn vật. Theo Phật giáo thì chúng sanh mọi loài đều có khả năng tiến tu và thành Phậttuy nhiên, sự cao thấp có khác. Chẳng hạn như ở những thực vật và động vật thì cái khả năng nầy kém hơn ở loài người. Trong khi các tôn giáo khác thì chỉ có con người mới được cứu độ mà thôi. Còn thì tất cả đều là phương tiện cho cuộc sống của con người.

Các tôn giáo khác thì cho rằng con người là tội lỗi, nên Thần Thánh sai con của Ngài, hoặc bà con thân thuộc của Ngài xuống để chịu tội thế con người. Nói như vậy, theo nhà Phật là không tưởng và vô lýKhông tưởng ở chỗ là đã từng có ai lấy gì để chứng minh được điều đó chưa? Còn vô lý ở chỗ thử hỏi trên đời nầy có đời nào ai chịu tội thế cho ai bao giờ. Anh ăn trộm thì anh phải đi tù, chứ biểu tôi đi tù cho anh à? Đối với những tôn giáo thờ Thần Thánh khác, thì có người đã tự nhận là con của Thần Thánh giáng trần để nhận chịu hết những tội lỗi của con người; thế mà cũng chính người ấy đã dạy trong kinh sách là: “Ai chơi gươm thì phải chết vì gươm, chứ không ai chịu chết thế cho ai.” Như vậy có mâu thuẫn và vô lý lắm không?

 Trong khi Phật giáo không tin con người vốn có tội; tuy nhiên vì mê muội bởi vô minh cho nên bản chất Thiện Ác bị che lấp; lại thêm bị tham lamsân hậnsi mê và dục vọng sai khiến nên con người đã bị lầm lạc, rồi tự mình gây nên đau khổ cho chính mình và người khác. Do đó, theo Đức Phật, muốn được giải thoát thì phải khởi đầu ngay từ bản thân, với nhận định rằng: “Mọi người sửa thì gia đình và xã hội sẽ thay đổi.”

Hướng đi của đạo Phật là Tự Cứu, chứ không tin cậy ở ai, dù là thần linh hay đấng toàn năng, để được cứu độĐạo Phật chỉ tin vào chân lý làm sự thật, tin vào những gì có thể chứng minh được qua thực nghiệm của cuộc đời, chứ không tin vào bất cứ cái gì giải thích qua thần quyền hay huyền hoặc. Đức Phật hoàn toàn không thừa nhận có một thượng đế toàn năng, và càng không tin vào khả năng cứu rỗi con người từ đấng đó. Phật giáo nhận thức rằng mọi giá trị tinh thần cũng như vật chất của con người là do chính Tâm con người làm ra chứ không do bất cứ thần quyền nào sắp đặtTrái lại những tôn giáo thờ thần thánh thì tin tưởng hoàn toàn ở sự cứu độ của thần thánh.

Tin và vâng phục thì được cứu độ; ví bằng không tin và không vâng phục là bị đọa địa ngục. Người thờ Thần Thánh mỗi khi gặp chuyện dữ thì cầu nguyện ơn trên cứu độ cho thoát khỏi sự dữ. Còn đạo Phậtcon người phải bằng cố gắng của riêng mình, bằng nỗ lực tu tập của riêng mình để được giải thoát trọn vẹn. Người Phật tử tin rằng tha lực chỉ là trợ duyên, tức là giúp thêm cho tự lực, chứ không có tính cách quyết định. Cũng theo Phật giáotha lực nằm trong vũ trụ lực, do tâm thức của con người tạo nên, chứ không phải do một đấng thiêng liêng nào sanh ra cả. Chính vì vậy mà mỗi khi gặp khó khăn, người Phật tử phải tự mình đấu tranh để thoát khỏi những khổ đau về tâm lý trên phương diện vật chất cũng như tinh thần.

Những tôn giáo thờ thần thánh khác đã coi con người là đồng nghĩa với tội lỗi mà chỉ duy có thần thánh hoặc con Ngài mới cứu được. Vì thế cho nên họ đã dùng một thứ thuốc phiện để ru ngủ tín đồ của họ: Rằng thì là ta, hoặc con ta, hoặc bà con ta sẽ giáng trần để chịu tội thế cho các ngươi với một điều kiện là các ngươi phải tin ta. Ta là quyền năng Tối Thượng. Ai tin và vâng phục thì sẽ được cứu rỗi lên thiên đàng còn ai không vâng phục thì chuẩn bị hành trang đi về địa ngụcPhật giáo thì không như vậy, Đức Thích Ca Mâu Ni đã chỉ rõ cho con người vì đâu có khổ? Làm sao diệt khổ? Tuy nhiên, Ngài khẳng định là Ngài chỉ có khả năng chỉ dạy mà thôi.

Ai tin, làm theo thì thoát khổ; ai không tin, không làm theo thì vẫn khổ, chứ Ngài không có một khả năng cứu rỗi nào cả. Ngay cả những người tin theo Phật, nhưng không chịu làm theo lời Phật dạy thì khổ vẫn còn khổ. Ngay từ đầu người Phật tử đã được dạy rằng phải tự mình cắt đứt cái rễ và vứt bỏ đi cái nhân gây nên đau khổ là tham, sân, si, và ái dục. Mình phải tự làm, chứ không ai khác có thể giúp mình được cả. Không phấn đấu mà đi cầu tha lực để được cứu rỗi là chuyện không tưởng trong đạo Phật.

Người Phật tử hiểu rằng Chơn Tâm là Phật tánhtâm hồn là vọng thức do giác quan và ngoại cảnh tạo thành, thể xác là do vật chất đất, nước, lửa, gió mà có. Phật tánh sở dĩ không thể hiện được là vì sự mê mờ, tối tăm do vọng tưởng và ngoại cảnh che lấp. Nay muốn trở về với cái tâm hồn trong sáng, tức là chân tâm, thì phải thực hành phương pháp làm chủ tâm thân để khỏi bị vọng tâm chi phối. Nghĩa là nhứt nhứt đều không xa lìa thực tại, không bị ngoại cảnh lôi cuốn.

Đạo Phật là đạo thực nghiệm, có nghĩa là dùng “Sự” để hiển bày cái “Lý,” hoặc dùng thực hành để chứng thực tâm lý. Chính Đức Thế Tôn đã khuyên các đệ tử của Ngài là chỉ nên hành mà không nên lý luận suông. Trong khi các tôn giáo thờ Thượng Đế thì không lý không sự gì cả, mà chỉ có niềm tin. Tin và vâng phục ta là ta cứu rỗi; không tin và không vâng phục ta là ta đọa các ngươi xuống địa ngục ngay. Thật tình mà nói, như thế thì đâu có công bằng. Tự cái tuyên bố ấy nó đã nói lên cái gì bất công và không tự nhiên rồi.

 Các tôn giáo thờ Thần Thánh hoặc Bà Con Thần Thánh thì tin rằng hễ ai vâng phục thì được các Ngài đưa về nước của các Ngài để tiếp tục làm con dân của các Ngài và tiếp tục bị các Ngài thống trị. Còn Phật giáo thì hoàn toàn khác hẳn; cứu cánh của Phật giáo là giải thoát. Ai tu hành nghiêm trang đàng hoàng đều có thể thành Phật giống như Ngài Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Mà một khi đã thành Phật thì Phật nào cũng giống Phật nào, chứ chưa bao giờ Đức Phật nói là có Phật anh, Phật em, Phật cha, Phật con, Phật vua, Phật dân. Đối với đạo Phật, về phương diện siêu hình, Niết Bàn là sự giải thoát rốt ráo khỏi mọi đau khổ và phiền não. Về phương diện tâm lýNiết Bàn là phá tan tham, sân, si và ái dục. Như thế ta thấy rõ Phật pháp gắn liền với thế gian pháp để đạt được giác ngộ.

Mục đích cuối cùng của người tu theo đạo Phật là Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, tức là đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta đi từ sự bỏ tham, sân, si; bỏ lòng ích kỷ để đi đến giải thoát. Trong đạo PhậtGiác Ngộ và Giải Thoát rất ư là quan trọng. Đạo Phật không có chuyện đi tắc, không có chuyện ai vớt ta lên. Mà ta phải thấy cho đúng là giác ngộ và đi cho đến nơi giải thoát. Đi chậm hay đi mau còn tùy nơi căn nghiệp của mỗi chúng sanh. Thật tình mà nói, người Phật tử mà trút bỏ được hết tham, sân, si, ái dụclo âuphiền muộn, và có một cuộc sống an nhiên tự tại thì đạo Phật gọi đó là giải thoát. Phật nói pháp không những với mục đích tối thượng là Niết Bàn, mà còn nhằm giúp con người đi vào đời mà vơi đi đau khổ; vào đời mà tìm thấy sự an vui và tự do tinh thần ngay trong môi trường sống và ngay trong kiếp nầyPhật giáo chưa từng đặt ra một tín lý hay một ước lệ nào để bắt buộc tín đồ phải theo, mà Phật giáo quan niệm: “Tùy duyên giác ngộ.”

 Trong khi các tôn giáo tin vào Thần Thánh thì bắt buộc tín đồ phải tin vào tha lực mà không được quyền nghi vấn, và phải tự coi mình là tội lỗi. Không được quyền hỏi tại sao ta phải tin như vậy, cũng như không được quyền nghi vấn những điều Thần Thánh đã nói qua kinh sách. Còn Phật giáo đề cao sự hiểu biết của con người và khuyên mọi người nên tìm cho ra chân tướng của mình, tìm cho ra Bản Lai Diện Mục của mình; nghĩa là tìm cho ra cái Phật tánh, cái chân tâm. Mình phải tự tìm, chứ không phải cần thần thánh hoặc thượng đế nào xen vàoĐạo Phật quan niệm chính chúng ta phải nương theo những gì Phật dạy để đi sâu vào nội tâm, để thấy cho rõ rằng tất cả những đau khổ của con người là do tham, sân, si, ái dục và vô minh gây ra. Hiểu cho được rằng lăn lộn trong vòng vô minhsân hận chính là bị đọa đày trong đau khổ. Người con Phật phải tu và hành theo cái tuệ giác của Phật mới mong thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.

 Chưa từng có một vị giáo chủ nào có một cuộc đời hoạt động tích cựctinh tấn và kiên trì như Đức Phật. Từ một Thái Tử sống trong vương giả, Ngài đã từ bỏ những xa hoa ấy để trở thành đạo sĩ Cồ Đàm. Ngài đã chịu khó nỗ lực tu học với các đạo sư tiếng tăm, người đã tinh tấn tu khổ hạnh trong rừng sâu núi thẳm suốt nhiều năm, người đã xuất thế để sống một mình trong rừng núi hoang vu. Khi Ngài đắc đạoĐức Phật đã liên tục dạy đạo tỉnh thứctừ bitrí tuệ cho mọi người, trực tiếp và bình đẳng trong suốt 49 năm liền. Ngài không bắt buộc ai phải tin Ngài như Thượng Đếtuy nhiên, Ngài đã khuyên các đệ tử phải kiên trìtinh tấn để chứng ngộ. Trong khi các tôn giáo khác thì nói con người là tội lỗi và đau khổ. Chỉ nói suông, chứ không nói tại sao con người là tội lỗi, cũng không chỉ bày nguồn gốc do đâu mà có khổ đau và tội lỗi và làm sao mà diệt những tội lỗi để chấm dứt đau khổĐạo Phật thì không. Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng sanh vì đâu mà có khổ và làm sao mà diệt cho dứt cái khổ.

 Các tôn giáo tin vào Thần Thánh thì dạy cho tín đồ của họ phải tuyệt đối tin vào thượng đế thiêng liêng và nguyện cầu những đấng nầy giúp cho qua cơn đau khổ, hoặc cho được cứu rỗi lúc lâm chung. Đối với đạo Phật, Phật dạy cho Phật tử cái tích cực, hăng say và dũng mãnh. Người con Phật chân chính dám đi ngược với dòng đời, quyết chiến đấu vượt thắng mọi khó khăn trở ngại để chống lại đau khổMục đích của người Phật tử là đè bẹp, phá hủy, nghiền nát tất cả những đau khổ và phiền muộnĐức Thế Tôn đã nói rõ là chỉ có chính mình tin tưởng ở khả năng tự cứu của mình, chứ không cầu xin ở một thần linh hay thượng đế nào. Ngài đã dạy chúng đệ tử là trong cơn nguy biến, không nên cầu xin được bảo vệ. Hãy cần có đủ nghị lực, đủ quả cảm để vượt qua.

Trong cơn đau khổ không nên khấn vái hoặc trông chờ vào ai; chỉ cần có đủ tâm trí và can đảm để chế ngự nó. Không nên sống thụ động trong lo âu sợ sệt, hay chờ mong một tha lực nào đến cứu vãn. Phải luôn luôn kiên trì và phấn đấu liên tục cho đến kỳ cùng để tự giải thoát lấy ta. Nói như vậy không có nghĩa là người Phật tử không tin vào sự gia hộ của các đấng Như Lai. Người Phật tử tin chứ, nhưng tin không có nghĩa là lệ thuộc hoàn toàn. Người Phật tử không bao giờ tuyệt vọng và không bao giờ ngừng nghỉ đấu tranh; đấu tranh ở đây là đấu tranh với dục vọngsi mêsân hận; đấu tranh ở đây là đấu tranh với những xấu xatội lỗi và đau khổ của cuộc đờiThông điệp đầu tiên mà Đức Từ Phụ đã gởi đến những người con Phật là cố vượt thắng những ma quân ấy.

Đạo Phật không chủ trương tách con người ra khỏi thế giới hiện thực, mà đạo Phật chủ trương tách rời con người ra khỏi những tham, sân, si, thù hân, và đau khổĐức Phật dạy người Phật tử nên dấn thân vào đời một cách tích cực, nhưng đừng để bị ô nhiễm bởi những xấu xa tội lỗi của cuộc đời. Hai đức tính cao quí trong đạo Phật mà người Phật tử nào cũng nên có. Ấy là: “Vô úy,” và “Vô nhiễm,” nghĩa là không sợ hãi và không bị đắm chìm trong cuộc đời. Hãy nhìn cái gương rạng rỡ năm nào của Đức Từ Phụ. Hãy mạnh dạn tiến lên như sư tử và vượt lên tinh khiết như hoa sen, nhô lên từ trong bùn mà không vướng bợn nhơ của bùn. Một khi có đầy đủ những đức tánh ấy thì người Phật tử lúc nào cũng tinh tấn đi vào phụng sự xã hội. Người Phật tử đi vào đời nhập thế; người Phật tử đi vào đời hoằng phápđi vào đời độ sanhđi vào đời cứu độ và phụng sự con người.

Đối với các tôn giáo khác thì thần thánh hoặc bà con thần thánh là tối thượng; không ai có quyền được đứng, hoặc được xếp ngang hàng với quý Ngài. Thần thánh hoặc bà con của thần thánh có quyền cứu độ hay không cứu độ người khác mà không một ai được quyền xen vào. Thật là có khác chi thời đại phong kiến và vua chúa. Vua là vua, còn dân là dân. Vua nắm hết quyền sanh sát trong tay; muốn giết ai thì giết; muốn tha ai thì tha; chứ không ai được quyền làm gì khác hơn. Đối với đạo Phật, thì khác hẳn hoàn toàn. Phật đã tuyên bố sự bình đẳng ngay từ khi lập quốc Phật: Ta là Phật đã thành; chúng sanh là Phật sẽ thành. Đức Phật dạy rằng đời là khổ; sinh, lão, bệnh, tử là khổ.

Muốn thoát khổ, phải tu. Phật đã thành vì Phật đã dày công tu luyệnchúng sanh mà tu luyện như Phật thì chúng sanh cũng sẽ thành Phật thôi. Phật đã nói rõ ràng rằng ai cũng có Phật tánhngặt vì tâm ta động, lại hướng ngoại nên ta không tìm được bản chất Phật của ta. Trăng vẫn chiếu sáng trên mặt hồ và bóng trăng vẫn phản chiếu dưới đáy hồ; nhưng ta không nhìn thấy vì mặt hồ gợn sóng đấy thôi. Khi nào mặt hồ không còn dợn sóng nữa thì tự nhiên ta sẽ nhìn thấy bóng trăng dưới đáy hồ. Trăng dưới đáy hồ là bản chất thực của con người, ấy là tâm Phật. Chỉ khi nào ta hoàn toàn tỉnh lặng thì ta mới tìm thấy nó.

Phật giáo tin vào Nhân Quả Luân HồiCon người của kiếp nầy là sự nối tiếp con người của kiếp trước. Bây giờ sướng hay khổ là do chính mình tạo ra bởi những việc làm về trước, hay có khi bởi những việc làm ngay trong kiếp nầy. Như thế có nghĩa con người làm chủ hiện tại và tương lai của chính mình. Không ai ban cho mình hạnh phúc hay đau khổ; chỉ có mình mới làm cho mình sướng hay khổ mà thôi. Nếu mình phạm tội ác; ấy là tự mình mang thêm những ác nghiệp, mình sẽ phải trả hoặc ngay trong hiện tiền, hoặc ở kiếp sau. Không ai có khả năng lãnh tội thế cho mình, lại càng không ai có cái khả năng tha tội hay cứu rỗi cho mình. Hãy học theo những lời chỉ dạy của đức Từ Phụ: hãy nhìn cho rõ thực trạng của đau khổ và biết cho được nguyên nhân của nó để mà diệt nó.

 Các tôn giáo thờ thần thánh hoặc bà con thần thánh thì bắt buộc tín đồ phải tin tưởng tuyệt đối vào kinh sách, không được quyền nghi vấn. Phải coi những lời thần thánh là chơn lý tối thượng. Chính vì vậy mà Galileo đã bị giam vào ngục thất cho đến chết chỉ vì dám nói trái đất tròn. Vì nói như vậy là trái những gì thượng đế nói. Trái lạiĐức Phật dạy chúng ta phải dùng lý trí để mà tin. Đừng vội tin vào kinh sách; đừng tin vào điều gì mà có nhiều người tin . Đối với tất cả mọi điều phải dùng lý trí mà phán xét. Sau khi phân tách nếu thấy điều ấy tốt cho mọi người; chừng ấy mới tin.

 Các tôn giáo khác thì nói con người là tội lỗi nhưng không nói rõ tại sao con người tội lỗihoặc giả có nói chỉ là chuyện vu vơ không dính dấp gì đến cái gọi là tội lỗi cả. Thí dụ như chuyện một người Nam và một người Nữ nhìn nhau hoặc ăn ở với nhau một cách đường hoàng thì là tội gì? Còn Phật giáo cho rằng Tâm của con người là nguồn gốc của mọi hành động, tội lỗi hay không tội lỗi. Đây quả là một lập luân rõ ràng và hiển nhiên, không một lập luận nào khác hay một môn khoa học nào có thể bác bỏ được. Nhất thiết do tâm tạo; tất cả đều do tâm mà ra. Trong gia đình, một cái tâm ích kỷ sẽ đưa đến đổ vỡ. Ngoài xã hội, một cái tâm bất chánh sẽ đưa đến trộm cướp và gây mất trật tự trị an. Tâm lắng đọng thì những cặn cáo sẽ sẽ lắng đọng. Tâm loạn động thì những cặn cáo sẽ mãi khuấy lên. Khi tâm yên tĩnh thì ta sẽ nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng và chân thật.

 Yếu lý mà Đức Phật đã khai sáng luôn luôn tuyệt vời, luôn luôn là chơn lý; tuy nhiên, đời là vô thường; có sanh thì có diệt; có thịnh thì có suy. Một triều đại cực thịnh rồi cũng phải tàn suy. Tôn giáo nào cũng phải đi theo cái chu kỳ nầy. Phật giáo cũng có thời Mạt Pháptuy nhiên, dù là thời nào, mạt pháp hay thịnh pháp, giáo pháp của Phật vẫn là những chân lý. Chỉ có điều là vào thời mạt pháp thì đồng bóng, dị đoanmê tín sẽ len vào cửa PhậtLúc ấy đạo Phật cũng sẽ bị coi như những tôn giáo thờ thượng đế hay thần linh. Người ta chỉ đến chùa lễ Phật cầu phước, cầu ancầu cứu rỗi, chứ không nhớ lời Phật dạy năm xưa để thực hành hạnh từ bi và cùng muôn loài cùng chung sống và cùng nhau phát triển.

Không phải chỉ người Phật tử mới có những nhận xét như trên về đạo Phật mà ngay cả những nhà trí thức và các khoa học gia trên thế giới cũng đều đồng quan điểm như trên. Ta hãy thử tìm hiểu thêm về những nhận xét của một số nhà trí thức Tây Phương. Họ không phải là Phật tử, nhưng quan niệm của họ về đạo Phật quả còn hơn những Phật tử thuần thành.

 Bertrand Russell. một nhà triết học và một nhà cải cách xã hội nổi tiếng của Anh Quốc đã nói trong quyển Tại Sao Tôi Không Theo Thiên Chúa Giáo: “Nếu nói đến trí tuệ và đức hạnh thì tôi không thể nào nghĩ rằng Chúa Christ ở một vị thế cao như mọi người biết đến qua lịch sử. Tôi nghĩ rằng tôi phải đặt Đức Phật trên Chúa về những phương diện đó.” Cũng theo Bertrand Russell: “Trong những tôn giáo vĩ đại của lịch sử, tôi thích Phật giáo, vì tôn giáo nầy có ít yếu tố ngược đãi nhất.”

 Giám Mục Milman đã nói: “Tôi càng ngày càng cảm thấy Đức Thích Ca Mâu Ni gần gủi nhất trong đặc tính và thực nghiệm của Ngài, Ngài là Đường Lối, là Chân Lý, và là Lẽ Sống.”

 Albert Einstein, một vật lý gia người Mỹ nổi tiếng về thuyết Tương Đối, đã viết về Đạo Phật như sau: “Phật giáo sẽ là một tôn giáo chung cho cả vũ trụ trong tương lai. Tôn giáo nầy đứng ngoài một Đấng Thiêng Liêng nào đó, các tín điều và lý thuyếtTôn giáo đó bao trùm cả thiên nhiên và tinh thần phải căn cứ vào ý niệm đạo giáo phát sinh từ những kinh nghiệm của mọi vậtthiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhứt đầy đủ ý nghĩaRõ ràng Phật giáo đáp ứng được điều đó.” Einstein cũng nói thêm: “Nếu có một tôn giáo nào phải đương đầu với nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo.”

 Karl Pearson, một nhà Toán học và khoa học gia nổi tiếng của Anh Quốc, đã mạnh dạn tuyên bố rằng không có thú vui nhục dục, con người có thể chịu đựng được; không tin tưởng vào bất tửcon người có thể chịu đựng được; không sùng bái một thần linhcon người vẫn chịu đựng được vì có Đức Phật và những câu trả lời của Ngài. Theo Đức Phậtcứu cánh có thể đạt được bởi kiến thứcmột mình kiến thức là chìa khóa để tiến tới con đường cao đẹp hơn; kiến thức đem lại bình tĩnh và an lạc cho đời sống giúp cho con người không xao xuyến trước những cơn bão tố của thế giới đầy biến động nầy.

 Albert Schweitzer, một nhà triết học Tây Phương đã nói: “Trên quả địa cầu nầy, Đức Phật đã đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ riêng cho Ấn Độ mà cho tất cả nhân loạiĐức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ.”

 Bandaranaike, Cựu Thủ Tướng Sri Lanka đã nói: “Phật giáo sẽ còn mãi một khi mà mặt trờimặt trăng và loài người còn hiện hữu trên mặt đất; do đó, Phật giáo là tôn giáo của con người và của nhân loại.”

 Gertrude Garatt, một nhà văn Tây Phương, đã nói: “Không bao giờ Phật giáo có thể bị suy yếu, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi.”

 Anatole France, một triết gia nổi tiếng người Pháp cũng đã thấy một cái gì hay hay nơi Đức Phật: “Dường như người thanh niên bất diệthiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ, như trả lời: Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi.”

 Chính Huxley, một con chiên thuần thành Thiên Chúa giáo, một khoa học gia người Anh lỗi lạc đã phải chua xót mà công nhận rằng: “Phật giáo, một hệ thống không biết đến Thượng Đế theo lối Tây Phương; một hệ thống chối bỏ linh hồn của con người; một hệ thống coi đức tin bất tử là sai lầm; một hệ thống không nhận sự hữu hiệu nào của cầu nguyện và hy sinh; một hệ thống khuyên con người không trông cậy vào đâu cả, mà trông cậy vào những cố gắng của chính mình để cứu rỗi; một hệ thống mà thanh tịnh nguyên thủy của nó không biết gì về thệ nguyện, phục tùng và chưa bao giờ tìm sự giúp đỡ của cánh tay thế tụcĐạo Phật đã và đang được mọi người biết đến một cách nhanh chóng trên thế giới mà không cần có một đoàn truyền giáo nào cả.”

 Theo giáo sư Rhys Davis, một nhà nghiên cứu về Đông Phương Học của người Anh đã nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử loài ngườiĐức Phật đã khẩn cầu và kêu gọi mọi người không nên làm hại một sanh mạng nào, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh sanh mạng cho các thần linhĐức Phật đã có lần tuyên bố hùng hồn rằng Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự cứu rỗi cho chính họ.

 Theo giáo sư Charles Eliot, Viện Trưởng trường Đại Học Harvard, đã nói về Đức Phật như sau: “Đức Phật chẳng những không giận hờn với thế gian, mà Ngài còn tỏ lòng thương xót, ngay cả những người không nghe theo Ngài. Ngài nghĩ là thế gian không phải là độc ác, bất trị mà con người bị vô minh che lấp nên quên mất mình có cái bản tính Phật.”

 Theo Herbert George Wells, một nhà triết học Anh : “Đức Phật là một nhân vật đơn giản và chân thànhmột mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần thoại. Tôi cảm thấy trong những chuyện thần kỳ, thì Đức Phật đã gửi một bức thông điệp tuyệt vời cho cả thế giới. Trong bức thông điệp Ngài đã nói rằng tất cả những đau khổ và bất mãn trong cuộc sống là do lòng ích kỷ mà ra. Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác; hai là tham vọng muốn bất tử; và ba là tham vọng thành công trần tục. Tôi đồng ý với Đức Phật là con người trước khi có được sự thanh tịnh, người đó phải ngưng sống theo giác quan, hoặc sống riêng cho mình. Đức Phật đã sanh ra trên năm trăm năm trước Chúa Christ, đã dạy cho con người có lòng vị tha. Trong rất nhiều chiều hướng, Ngài gần gủi và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta hơn. Đức Phật đã tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ con người chúng ta và không mơ hồ về nhân sinh quan và vũ trụ quan như Chúa Christ.”

 Sau khi đã thấy những nhận xét nầy, ta thấy những nhà trí thức tên tuổi trên địa cầu nầy đều công nhận tính cách thực tiển của đạo Phật. Thế nhưng có những người tự xưng là giáo chủ của tôn giáo nầy hay tôn giáo khác, không hiểu biết tí gì về Phật giáo, hoặc có hiểu biết, nhưng vì thấy đà diệt vong của tôn giáo mình, nên đã không tiếc lời đã kích Phật giáo. Nói gì thì nói, sự thật vẫn là sự thật, khoa học vẫn là khoa học. Trái đất tròn là tròn, chứ không một ai có khả năng uốn cho nó thành vuông. Thì đạo Phật cũng vậy, đạo Phật lúc nào cũng là đạo của sự thật. Cái gì của chơn lý, của sự thật là của Phật giáo. Không một cường quyền nào có thể bẽ gẫy được. Chúng ta không có cái mơ ước là cả thế giới nầy đều theo đạo Phậttuy nhiên, nếu điều nầy thực sự xãy ra, thì thật tình mà nói, thế giới nầy sẽ trở thành một cõi thanh tịnh, trong đó mọi người, mọi loài cùng chung vai phát triển. Ngày đó sẽ không bao giờ còn bóng dáng của chiến tranh và thù hận, mà thay vào đó bằng những nụ cười của tình thương yêu trìu mến.

202. NGƯỜI PHẬT TỬ VÀ CÁI TÂM TỪ 

Từ là cửa ngỏ bước vào đạo Phật. Nói là Phật tử mà không có lòng từ quảng đại ban rãi cho chúng sanh thì quả tình hãy còn đứng bên ngoài cổng Chùa. Từ là mến thương mà tạo ra niềm vui cho người. Từ là một trong bốn pháp bình đẳng trọng đại của đạo PhậtĐức Phật đã dạy: “Đối với chúng sanh mọi loài, ta phải hết lòng thương mến; ta phải lấy lòng bác ái mà chan hòa, ban vui,và giúp cho họ có được cái vui tại tâm, cái vui chân thật. Nghĩa là chỉ vạch cho họ thấy rằng cái vui hiện tại chỉ là cái vui giả dối và nhứt thời. Cái vui còn bị phiền não chi phối; cái vui nầy lúc nào cũng bị dục vọngtà kiến và si mê sai khiến.

Người có tâm từ không phải là tiếp tay tạo cho chúng sanh những niềm vui tạm bợ, mà phải hết lòng giúp cho chúng sanh thấy được bộ mặt thật của cuộc đời nầy là vô thường và đau khổ. Cái vui của phàm phu không là cái vui vĩnh hằng, mà chỉ là trong chốc lát; chỉ là cái vui sớm nở tối tàn. Khi tham, sân, si, ngã mạn được thỏa mãn thì vui, nhưng dục vọng là vô tận; có bao giờ dục vọng được thỏa mãn đâu? Người có Tâm Từ phải chỉ cho chúng sanh thấy cái vui của xuất thế gian là cái vui chân thật, vì nó bền lâu; nó thoát ra ngoài vòng phiền não của tham, sân, si, ngã mạn cống cao; nó không bị dục vọng chi phối. Cái vui nầy không ồn ào, sôi nổi, nhưng nó vĩnh hằng; nó nhẹ nhàng vì nó là cái vui siêu phàm.

Muốn có được cái vui nầy, trước hết ta phải đoạn trừ cho bằng được những khổ đau do phiền não gây ra. Mà muốn được như vậy, ta phải dứt tham, sân, si. Còn tham, sân, si, cho dù có vui thì cũng chỉ là cái vui giả tạm mà thôi. Người có Tâm Từ luôn luôn nhắc nhở và khuyên lơn chúng sanh đừng gây tội ác mà phải gắng công làm việc thiệnviệc lành có lợi lạc cho xã hội và loài người.

Tóm lại lòng Từ trong đạo Phật được xây dựng trên sự hiền hòa vô tậnbình đẳng với chúng sanh mọi loài; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, và giai cấp…Đối với người Phật tửchúng sanh là ta mà ta là chúng sanh. Người được giải thoát như chính ta được giải thoát. Người Phật tử chân chánh luôn nhắc nhở, dìu dắt mọi người tránh xa những tội lỗi nguy hiểm. Và luôn nên nhớ rằng tạo cái vui chân thật ở đây không có nghĩa là tạo ra cảnh thiên đàng giả tạo, hay ban phép lạ, mà là làm cho chúng sanh thức tỉnh, dẫn dắt chúng sanh tránh dữ làm lành một cách tích cực và mạnh mẽ.

203. NGƯỜI PHẬT TỬ VÀ CÁI TÂM BI 

Cũng như Tâm Từ, người Phật tử mà thiếu Tâm Bi thì thật tình hãy còn đứng bên lề của đạo Phật. Bi là lòng thương xót rộng lớn những nỗi đau khổ của chúng sanh, và quyết tâm giúp chúng sanh thoát khỏi những nỗi khổ ấy. Nhiều khi chúng sanh đang sống trong cảnh khổ mà họ không hay biết, nhiều khi còn cho là vui nữa. Người Phật tử thương xót tất cả mọi người mà không bao giờ nghĩ đến sự ghi ơn, hay là sự đền đáp. Học như Phật vậy, thương chúng sanh như cha thương con.

 Người Phật tử chân chánh, thương người cũng như thương ta, vì bị cái màn vô minh che lấp mà phải cứ mãi luân chuyển trong luân hồi. Thương cho phàm phu đợi đến khi cái khổ nó ập đến, ta mới nhận ra. Nhiều khi ta mãi chạy theo dục vọng, có nhiều khi ta vỗ tay tán thán cái khổ mà ta không hay; nhiều khi chính ta bật diêm đốt nhà mà cũng không hay biết; chừng biết ra thì đã muộn. Bất cứ Phật tử nào cũng biết là lòng Đại Bi chính là động lực chánh để đi đến quả vị Bồ Tát và Phật, nên phát tâm bi và tu theo Bồ Tát hạnhmở rộng lòng ra mà thương xót khắp cả chúng sanh, không phân biệt ta hay người, thân hay sơ, bạn hay thù, nghèo hay giàu, hèn hay sang, Việt Nam hay Mỹ, da trắng hay da đen…

204. NGƯỜI PHẬT TỬ VÀ CÁI TÂM HỈ

Đối với người khác mà mình tạo ra niềm vui trong cái ban vui cứu khổ, thì chính mình cũng sẽ vui theo cái vui của họ. Nói cho đúng nghĩa chữ “Hỉ” ở đây có nghĩa là vui theo. Mà vui theo cái gì? Phóng tâm mà vui theo những cảnh trần không khác gì đang đón xe đi về địa ngục vậy. Tạo tác ra ác nghiệp chẳng khác nào ta đang vay một món nợ kết xù. Làm ác đã đành là phải luân hồi tiếp tục để đền trả nghiệp báo; mà thấy người làm ác không khuyên thì tội nào có kém chi. Thói thường, thấy ai làm gì sái luật còn bị đòi ra tòa làm nhân chứng, huống hồ gì là thấy người tạo ra ác nghiệp mà không can không ngăn thì cũng phải tiếp tục luân hồi để chứng kiến cảnh người vay trả.

Phật tử làm thiện mà tự vui nơi đáy lòng thì nên làm; ví bằng thấy người khác làm thiện được người ca tụng mà bắt chước làm theo thì chẳng nên làm. Vì như vậy chẳng những không có lợi mà còn trưởng dưỡng trong ta cái danh, cái lợi, và cái ngã mạn cống cao mà thôi. Phải tập cho được cái vui trong sạch của chư Phật, chứ đừng để bị quay cuồng trong ích kỷ, hẹp hòi của phàm phu. Xin hãy vui theo những việc nhơn từ; thấy người khác bố thí, ta tán thành như chính ta bố thí. Mình giúp ai bớt được nỗi khổ, mà có niềm vui là mình vui như chính mình có được cái an lạc ấy vậy.

205. NHỮNG ĐỨC TÁNH TỐT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Một khi đã nhận mình là Phật tử, nghĩa là con Phật thì ít ra mình cũng phải có, hoặc tập tành những đức tánh cao quí của các đấng Như Lai. Là người Phật tử nên:

**Phát tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mọi loài.

**Giúp đỡ mà không phân biệt sang, hèn, thù hay bạn.

**Luôn luôn tự hạ mình mà bỏ đi cái cống cao ngã mạn.

**Phải thương xót chúng sanh mọi loài một cách chân thật.

**Phải luôn luôn dùng lời ái ngữdịu dàng.

**Đối với các chúng sanh thường khởi lòng Từ Bi.

**Thường tìm cầu học hỏi giáo pháp mà tâm không nhàm chán; nghe giáo pháp không bao giờ thấy đủ,

**Thường hay xét lỗi mình chứ không nói chỗ phạm của người khác.

**Việc thiện dù nhỏ cũng làm; việc ác dù nhỏ cũng quyết tránh.

**Luôn luôn nhẫn nhục và tinh tiến.

**Phải biết xa rời tâm nhỏ hẹp để thực hành đức hạnh bao la.

**Phải biết giao du với bạn lành mà xa lìa bạn ác.

**Phải phát tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả.

**Làm phước mà không cầu quả báo.

**Phải luôn luôn lấy giới luật làm thầy.

**Không nẩy lòng sân hận, cũng không buông lòng ái dục.

**Phải tránh nhân quả báo ứng óan thù.

**Phải luôn biết ăn năn lỗi trước và chừa bỏ lỗi sau.

 Người Phật tử mà hành trì được những điều trên đây thì chẳng những thân tâm mình thường an lạc, mà những người quanh ta cũng được an lạc.

206. THẾ NÀO LÀ THANH TỊNH TRONG ĐẠO PHẬT?

Chúng ta đã nói rất nhiều về chữ tu và tu làm sao cho được thanh tịnh. Cũng như rất nhiều Phật tử đã đề cập đến vấn đề thanh tịnh, nhưng lại không thấu triệt được hết mạch nguồn của thanh tịnhThanh tịnh là căn bản của người tu Phật, và là cội nguồn của một xã hội văn minh. Cho nên bất luận trong đạo hay ngoài đời ta phải tu tập đức thanh tịnh. Đức Phật đã dạy: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.” Nghĩa là hễ thân, miệng, ý mà trong sạch, sẽ được sanh về cõi Phật như chư Phật vậy. Tuy nhiên, cái thanh tịnh mà ta nói ở đây, ở cõi nước tạm bợ nầy, chỉ là sự thanh tịnh tương đối mà thôi; chỉ khi nào ta tu cho dứt được sanh tử thì khi ấy cõi tịnh tịch mới là vĩnh hằng.

Khi nói đến thanh tịnh thì ta phải hiểu là thanh tịnh cả căn, trần và thức. Phật giáo không chủ trương duy vật hay duy tâm, mà Phật giáo tin theo thuyết duyên sinhDuyên sanh có nghĩa là vạn vật do duyên hòa hợp mà có. Đối với Phật giáocon người là do sự kết hợp của sinh lývật lý và tâm lý. Nếu thiếu một trong ba thứ nầy thì không có sự tổng hợp nào cả. Sinh lý ở đây chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Vật lý ở đây chỉ sáu trần (ngoại cảnh); và tâm lý chỉ sáu thức.

Căn, trần, và thức là một cái đỉnh ba chân; thiếu một chân thì đỉnh không thể nào đứng được. Sáu trần và sáu thức phải nhờ môi giới của sáu căn để tác dụng. Trần (ngoại cảnh) và thức mà không có căn thì không có tác dụng gì cả. Thí dụ như nói là cảnh đẹp, mà không có mắt thấy cảnh thì không có gì xãy ra cả. Sáu trần và sáu căn mà không có thức thì không có sự phân biệtTương tự, sáu căn và sáu thức phải có trần (ngoại cảnh) mới có công dụngThí dụ mặt hồ, bóng phản chiếu và sự thấy bóng phản chiếu; trần là cái mặt hồ, nhờ căn và thức phối hợp mà ta biết có cái bóng phản chiếu trên mặt hồ.

Sáu căn là những cấu tạo sinh lý nơi con người như mắt, tai, mũi lưỡi, thân, và ý; mà trong đó ý là thần kinh não bộ, là chỉ huy sở. Còn sáu thức tác dụng giữa tâm lý bên trong và những hiện tượng vật lý bên ngoài. Mắt có thần kinh thấy; tai có thần kinh nghe; mũi có thần kinh ngửi; lưỡi có thần kinh nếm; thân có thần kinh tiếp xúc; và cuối cùng ý phát ra từ chỉ huy sở của thần kinh não. Có cảnh bên ngoài mà không có ai làm môi giới thì đâu có thức để mà biết cảnh. Thí dụ một người mù là người thiếu mất thần kinh thấy; đứng trước cảnh trăm hoa đua nở, người ấy vẫn bình thản như thường. Thế mới biết có trần mà không có căn thì thức cũng đành thúc thủ.

Sáu trần là những ngoại cảnh thuộc về màu sắc, âm thanh, mùi, vị, mềm, cứng, nóng, lạnh… Lúc sáu căn tiếp xúc với sáu trần là lúc mà màu sắc được con mắt thấy; âm thanh được lỗ tai nghe; mùi được lỗ mũi ngửi; vị được lưỡi nếm; mềm, cứng, nóng, lạnh được thân tiếp xúc; và pháp được ý nhận biếtDo nơi sáu căn tiếp xúc sáu trần mà sản sanh ra sáu thức. Thức dùng để phân biệt và ghi nhớ. Một người chết đã mất đi sáu căn thì dù có trần hiện diện, thức cũng không có tác dụng.

Như trên ta đã thấy sự liên hệ dây chuyền của căn, trần và thức. Trong ba thứ nầy, tuy căn chỉ là những sinh lý bình thường, nhưng hễ cột được nó, đương nhiên nó không chạy theo trần được, thì tự nhiên bất chiến tự nhiên thành, thức cũng bị ta ràng buộc nốt. Chính vì vậy mà ta thường nghe tu cho sáu căn thanh tịnh. Hễ sáu căn đã thanh tịnh rồi thì trần và thức cũng thanh tịnh. Từ vô thủy đến nay, mọi tội lỗi đều do sáu căn tạo ra. Như mắt tham sắc; tai tham nghe; mũi tham ngửi; lưỡi tham nếm vị ngọt ngon; thân tham tiếp xúc với những êm dịu; và ý tham vui. Tham mà không được thì sanh ra sân hận; tham quên mất đạo lý và lẽ phảitham sanh ra si mê. Chính từ tham, sân, si mà ta phải mang những phiền não vì muốn mà không được, hoặc vì quá muốn mà ta quên mất lẽ phải và đạo lý mà làm điều càng bậy rồi phải ân hận cả đời, ấy là phiền não. Rồi cứ như thế mà ta cứ mãi quanh quẩn trong vòng luân hồi sanh tử.

Ta đã thấy rõ sáu căn buông lung là cội rễ của tội lỗiphiền não, và luân hồi sanh tử. Muốn được thanh tịnh và thoát ly khỏi sanh tử luân hồicon đường duy nhất của người Phật tử là hãy đến quỳ trước đài vô thượng giác mà thành khẩn, mà công phu tu trì cho được giới, định và huệ. Nói là giới, định và huệ, chứ thực ra chỉ cần ta giữ cho được giới và định thì trí huệ tự nhiên phát sanh. Muốn đạt được giới và định thì ta phải tu cả thân lẫn tâm. Thân thì cột sáu căn, còn tâm thì định tỉnh loại bỏ đi những niệm xấu. Loại bỏ bằng cách nào? Hãy nhìn mà học theo cái gương của Đức Từ Phụ năm xưa; Ngài đã thiền dưới cội Bồ Đề suốt 49 ngày đêm để đạt đến đại định.

Ngài đã thành Phật vì Ngài có cái tâm kiên cường và định tỉnh. Phật tử nếu thấy mình hãy còn cái thân tâm buông lung thì hãy ngay từ bây giờ nên loại bỏ những hành vi bất thiện. Làm sao để loại bỏ những hành vi bất thiện? Chính Đức Thế Tôn đã dặn dò các đệ tử là về sau nầy không có Ngài, các đệ tử nên lấy giới luật làm thầy. Ngài đã dặn dò ngoài việc định tâm, giới chính là cái bánh lái đưa thuyền giác ngộ đáo bỉ ngạn. Như vậy ý của Phật là muốn tu thân phải giữ giới để cho những chuyện xấu xa không thể lọt vào các căn mà kéo cái thức dậy. Từ đó không gieo rắc vào nội tâm những hạt giống luân hồi.

Thanh tịnh có dễ hay không? Đường tu không dễ thì đường thanh tịnh cũng không dễ. Tuy nhiên, không dễ không có nghĩa là không làm được. Là Phật tử chân chánh ta quyết tâm noi theo gương của Đức Từ Phụ, quyết giữ gìn giới luật của nhà Phật. Lúc nào cũng coi giới luật như là những dụng cụ dập tắt lửa tham, sân, si và ái dục, nên lúc nào cũng mang giới luật theo bên mình. Hễ những thứ lửa ấy nổi lên là ta dập tắt ngay; quyết không cho một đốm lửa, dù nhỏ, ngun ngún trong ta. Được như vậy thì cho dù xem thử, nghe thử, ngửi thử, mặc thử… ta cũng quyết không làm. Vì hễ còn làm là còn ham thích, là còn không bỏ; mà không bỏ thì làm gì được thanh tịnh. Xin hãy đừng chạy theo cảnh, dù cảnh đẹp; đừng chạy theo âm thanh, dù êm dịu; đừng để ý đến những mùi hương, dù là hương thơm tuyệt diệu; đừng nếm, dù là mỹ vị; đừng tiếp xúc, dù là tươi mát; đừng chạy theo pháp; đừng để cho giác quan sinh lý của ta chuyển theo cảnh hư huyễn của trần tục nữa. Có được như vậy, không đợi gì Niết Bàn bên kia, mà là hiện tại đã là một Niết Bàn tương đối an lạc và tự tại rồi.

207. NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO 

Dưới đây là những lời hay trong lẽ đạo mà Thiện Phúc đã ghi lại được trong những lúc đàm đạo với những đạo hữu Thiện Đức, Minh Tuấn, Minh Hạnh, và Minh Bình; hoặc trong những lần may mắn được đàm đạo với các Thầy. Thiện Phúc xin được chia xẻ cùng các đạo hữu khác để chúng ta cùng được hưởng sự lợi lạc. Trước hết Thiện Phúc xin chân thành cảm tạ quý thầy và quý đạo hữu đã cho Thiện Phúc có cơ hội học hỏi và tăng trưởng trí huệ trên con đường đi về đất Phật.

**Tu là biết nhường nhịn và không phiền giận.

**Tu là không nói hành nói tỏi ai.

**Tu là nhìn mình chứ không nhìn người.

**Tu là không để cho tâm mình buông lung, mà phải biết dùng giới luật để buộc nó lại.

**Tu là cố gắng làm những điều lành và lánh xa những điều ác.

**Tu là không vướng mắc thị phi.

**Tu là giữ gìn từng lời ăn tiếng nói.

**Tu là cầu học cho được cái trí huệ của Phật; phải tham thiền nhập định, chứ không mãi mê sự vui khổ ngoài đời.

**Tu là không mê tínMê tín sẽ không bao giờ thấu đáo được chân lýMê tín sẽ không bao giờ hiểu được lời Phật dạy, hoặc hiểu sai lệch đi.

**Tu là tìm đến với chân lý.

**Tu là tin và làm theo Phật chứ không phải mãi theo hầu Ngài.

**Ai cũng tu được, vì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Nếu tu y như Phật thì sẽ thành Phật.

**Tu là bỏ đi cái cảnh giả của cuộc đời với bao nhiêu đau khổphiền não để đi vào cái cảnh chân thật của thanh tịnh.

**Tu là không còn tham tương tranh lợi lạc.

**Tu là xóa bỏ mọi hiềm khích, giận hờn và tham vọng.

**Tu là nhìn vinh hoa phú quí như bọt bèo.

**Tu là nhìn lợi danh và uy quyền như ánh điện chớp; chúng đến rồi đi trong khoảnh khắc.

**Tu là chẳng màng đến công danh, sắc đẹp và tiền tài.

**Tu là không bao giờ thay đổi, dù vui khổ, dù tiền tài, dù danh lợi.

**Tu là không hãm hại ai.

**Tu là biết quan sát lòng mình.

**Tu là không nói chuyện thị phi của người.

**Tu là luôn nhớ rằng tạo ác nghiệp thì phải lãnh ác báo.

**Tu là luôn hiểu rằng đời là biển khổ; muốn sống trong cái biển ấy mà đừng khổ thì trước tiên phải nghe theo những gì mà Đức Từ Phụ đã dạy để diệt cái khổ đi đã.

**Tu là luôn biết hậu quả của chuyện mình làm.

**Tu là thà nghèo, chứ không làm giàu trong bất chánh.

**Cái báo thù hay nhứt của người biết tu là không bao giờ báo thù.

**Tu là biết nuôi dưỡng lòng Từ Bi nơi ta.

**Tu là xem vinh hoa phú quí như gió thoảng mây bay; xem cuộc đời như ánh điện chớp.

**Tu là biết sống hòa hiệp với mọi người chứ không mạnh được yếu thua.

**Tu là biết luật vô thường nó chẳng thiên vị một ai.

**Tu là biết hoa sớm nở tối tàn; đời người mới trẻ đó rồi già đó, có khác gì nụ hoa kia đâu.

**Tu là không lầm chấp để gây thêm chướng nghiệp.

**Tu là biết rằng tất cả sự việc trên đời nầy đều giống như sương mai trên đầu cỏ; ánh ban mai vừa ló dạng thì nó cũng tan biến theo.

**Tu là biết cuộc đời là giả tạm, là sinh tử luân hồi.

**Tu là biết không ngọn lửa nào bằng ngọn lửa tham ái; không phiền não nào bằng sân hận; không khổ đau nào bằng ngũ uẩn; không nguy hại nào bằng dục tình; và không ngu dại nào bằng si mê.

**Tu là biết bỏ qua đi những gì đã qua và không bận tâm lo cho chuyện gì chưa tới.

**Tu là chẳng màng việc hơn việc thua.

**Hễ mình còn nghĩ tới danh lợi là mình chưa tu.

**Tu là biết giữ cho tâm bình thường trước mọi dao động.

**Tu là không còn màng đến nhục, vinh nữa.

**Tu là nên biết sự nguy hiểm của đồng tiềnđồng tiền làm thế gian thay đen làm trắng; thẳng hóa xiêng; trí hóa ngu…

**Tu là biết giữ cho tâm mình đừng nóng giận; biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; biết dòm ngó mình chứ không dòm ngó người; biết an phận thủ thường; biết đủ; biết khiêm tốn khi đắc thắng; biết nhập gia tùy tục chứ không khư khư giữ lấy tục mình.

**Tu là biết bớt ham, bớt lo, bớt hung dữ, bớt tranh tụng.

**Tu là biết nói cái gì đáng nói, và không nói cái gì không đáng nói; biết những gì đáng biết, và không biết những gì không đáng biết.

**Tu là biết thì nói biết; không biết thì nói không biết.

**Tu là biết chịu trách nhiệm những gì mình đã làm, sắp làm, và cũng chịu trách nhiệm những gì mình đã sai người khác làm, hoặc những gì mình cản không cho người khác làm.

**Tu là biết tự răn mình về sắc đẹp, dục tình, nóng giận, si mê, lòng ích kỷ và bỏn xẻn.

**Người tu không hứa bậy; không tin bậy; không nghe bậy và cũng không làm bậy.

**Tu là biết rằng ngã mạncống caogian thamái nhiễm và ỷ lại là những liều thuốc độc.

**Tu là biết bố thítrì giớinhẫn nhụctinh tiếnthiền định và trí huệ là con đường đưa ta đến giác ngộ và giải thoát.

**Tu là biết tự xử án lấy mình.

**Tu là có tâm bình đẳng khi bố thí; không bao giờ hỏi tại sao người cầu giúp đở; không có ý lợi dụng kẻ được bố thí; không bố thí rồi sung sướng mà tự khen ngợi lấy; không chỉ nói suông mà chẳng cho gì cả; không cho rồi ác khẩu mắng chửi; không cho rồi sanh lòng nghi; không cho rồi đem lòng tiếc; không cho rồi cầu được đền đáp.

**Người biết tu sẽ mỉm cười trước những lời vu cáo; coi chúng như dọc đường gió bụi.

**Tu là biết làm con người khó được vẹn toàn; có khi ta hơn người, nhưng lắm khi người hơn ta.

**Tu là biết mình đang sửa tánh trau tâm.

**Tu là không cần thấy tật xấu của người, mà phải mau lo diệt tội lỗi của mình.

**Tu là luôn biết vạn vật vô thường mãi tụ tan; hoa thì sớm nở tối tàn; đời người thì nhanh như ánh điện chớp.

**Tu là luôn biết nhiều tội lỗi gây ra bởi tiền tài và danh vọng.

**Người biết tu là người không nịnh bợ ai; không tâng bốc ai; không kiêu căng mà cũng không khinh khi ai.

**Người tu luôn nhớ rằng người nào giữ của bo bo mà không bố thí cho kẻ nghèo, thì chỉ là hạng người làm nô lệ cho vật chất và tôi mọi cho đồng tiền.

**Người tu luôn thích làm điều lành, vì tuy phúc chưa tới mà họa đã đi xa.

**Người tu luôn soi gương lòng; hễ thấy có dơ bẩn thì lau rửa ngay.

**Người tu luôn mang ơn những ai chỉ trích lỗi lầm của mình.

**Lúc chưa tu như thuyền xuôi gió đi vào địa ngục; lúc tu rồi như thuyền chèo ngược gió đi về đất Phật, tuy có chậm nhưng đi đúng đường.

**Người tu lúc nào cũng có cái tâm rộng để tha thứ; cái tâm trong sạch để cầu học; cái tâm bình đẳng để luận bàn; và cái tâm định tỉnh để đi đến giác ngộ.

**Người tu như vàng đem bỏ vào lửa; nếu là vàng thiệt thì không sợ gì lửa đốt cháy tan.

**Người tu là người biết rõ con người sanh ra với tiếng khóc nhưng sẽ đi vào cõi tịnh tịch với tiếng cười.

**Người tu luôn biết rằng nếu trách người mà trách vô lý là mình điên; giận người mà giận vô cớ là tự mình làm khổ lấy mình.

**Người tu lúc nào cũng biết rằng cho dù suốt đời làm lành cũng chưa đủ; mà phải cột chặt cái tâm mình lại, đừng cho nó tiếp tục dong ruổi nữa.

**Người tu làm ơn chớ nhớ, thọ ơn chớ quên.

**Người tu nên luôn nhớ rằng nếu mình còn được nhiều người yêu thích là mình sẽ còn bị kẹt vào một cái thế rất khổ.

**Người tu luôn hiểu rằng cho dù ăn ở hiền lành mà lắm khi thọ nạn; ấy là nghiệp trước còn mang. Hiểu như vậy để đừng trách ai mà vương thêm nghiệp mới.

**Tu là thấy người giỏi không ganh; thấy người dở không khinh.

**Người tu khi làm việc thiện không sợ thất bại; nói việc thiện không sợ bị chê cườiở không sợ không vừa lòng; và đi không sợ không đến chốn.

**Người tu muốn sống không sát hại; muốn an ổn không gian tham trộm cướp; muốn sung sướng thì đừng làm khổ ai.

**Người tu thường tìm hỏi xem người nói như vậy có nghĩa gì, chứ không kết luận hàm hồ.

**Người tu không cầu được nổi trên mặt nước, hoặc bay được trên không; vì như vậy có hơn chi cọng rác hay con ruồi, có ích gì cho ai đâu, mà có khi còn có hại. Người tu là cần mở rộng tình thương đến cho muôn loài và chế ngự được tâm mình.

**Người tu luôn biết rằng thường nghe những câu trái tai, thường gặp những chuyện gai mắt; ấy chỉ là cơ hội mài dũa cái tâm mình mà thôi.

**Người tu luôn biết rằng cái khổ của con người không phải là ở sự nghèo đóinghịch cảnh, hoặc chết chóc; mà là không hiểu được nguyên nhân của cái khổ và không biết sanh ra để làm gì.

**Người tu thường làm những gì mình đã khuyên bảo kẻ khác.

**Người tu biết làm điều lợi và biết trừ điều hại.

**Người tu nghe chó sủa không dừng lại để nghe.

**Tu là biết rằng tham dục nẩy mầm đau khổ và sợ hãi.

**Tu là luôn nghĩ phải làm một điều gì đó có lợi cho người khác.

**Tu là biết giữ cho tâm mình lúc nào cũng chỉ có một tư tưởng xứng đáng; hễ vọng niệm chen vào là phải loại nó ngay.

**Tu là chấp nhận không vị kỷ, mà vị tha.

**Tu là luôn biết rằng kẻ thù làm hại ta nhất là sự tham dục, lòng đố kỵ và ganh ghét trong ta.

**Tu là luôn thương tưởng đến những người bất hạnh.

**Tu là luôn biết rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi; thời gian sẽ chữa lành tất cả các vết thương.

**Tu là không bao giờ dùng lời lẽ thô lỗ và thiếu nhã nhặn để sỉ vả hay bắt bẻ ai.

**Tu là không bao giờ tìm cách chống chế cho những lỗi lầm mà mình đã tạo ra.

**Tu là biết can đảm đương đầu với những chỉ trích.

**Tu là biết rằng những tật xấu mà ta nhìn thấy ở người khác là phản ảnh những tật xấu của chính bản thân ta.

**Tu là biết rằng trên đời nầy không có cái gì là của ta cả; chẳng qua chúng đến với ta trong khoảnh khắc rồi chúng lại đi.

**Tu là chẳng bao giờ hối tiếc cái bóng mờ của dĩ vãng.

**Tu là biết rằng thiện và ác nghiệp sẽ theo ta qua bên kia đáy mồ và sự luân hồi sanh tử của ta.

**Tu là biết mưu cầu hạnh phúc cho mình mà không làm gì phương hại đến kẻ khác.

**Tu là biết rằng của cải vật chất chỉ xây dựng được căn nhà cho ta tạm trú, chứ không xây dựng được ta.

**Tu là biết thanh lọc những ý nghĩ bất tịnh trong tâm ta.

**Tu là biết rằng trong tương lai ta sẽ phải nhận lãnh tất cả những gì mà ta đang tạo tác trong hiện tại.

**Người tu không cầu đợi Niết Bàn ở đời sau mà hưởng Niết Bàn ở ngay đời nầy.

**Tu là biết rằng hạnh phúc không bao giờ đi đôi với giận hờn, oán ghét, vị kỷ và những tư tưởng sai lầm.

**Tu là không bao giờ trách ai; mà biết rằng đau khổ hay hạnh phúc là do chính ta tạo nên nếu không ở đời nầy thì cũng ở đời quá khứ.

**Tu là biết rằng một khi tâm trí con người được rèn luyện, nó sẽ chẳng những có ích cho người đó, mà còn có ích cho mọi người chung quanh.

**Tu là biết tự tin nơi chính mình, chứ không ngồi chờ sung rụng.

**Tu là không bao giờ tin tưởng mù quáng ở bất cứ ai.

**Tu là biết triển khai kỷ luật nơi chính mình; biết dùng lòng từ bi và trí huệ để chấm dứt mọi đau khổ và sợ hãi.

**Tu là biết rằng ta phải tự giác ngộ và giải thoát, chứ không ai giác ngộ và giải thoát dùm ta.

**Tu là biết rằng tin theo tha lực là chỉ đưa đến sự ỷ lạisợ hãi và dị đoan mà thôi.

**Tu là biết rằng thiện nghiệp như những hương thơm; ta không thể nào rót nó vào người khác mà không vương vài giọt trên người ta.

**Tu là biết rằng bộ đồ mà ta đang mặc chỉ tô điểm cái thân xác ta, chứ nó không làm cho ta đẹp.

**Tu là biết rằng chỉ có phẩm hạnh mới làm cho ta đẹp mà thôi.

**Tu là không màng đến sự biết ơn của kẻ khác, nó như những đóa hồng đầy gai thôi.

**Tu là không kể đến sự bội ơn của người, nó như là loài cỏ dại bên đường.

**Tu là luôn biết giá trị của lòng Từ Bi Hỉ Xảthành thật và siêng năng lúc nào cũng là những phẩm hạnh cao đẹp ở bất cứ đâu.

**Tu là biết làm những điều lành mạnh và loại bỏ những điều xấu ác có hại cho người.

**Tu là không phê phán người, mà là phê phán mình.

**Tu là biết rằng dòm ngó lỗi người chỉ nuôi dưỡng lòng ngã mạn và tật xấu dơ bẩn nơi ta mà thôi.

**Tu là biết rằng phàm phu khó chìu; không nói cũng chê; nói ít cũng chê; mà nói nhiều cũng chê.

**Tu là không chạy theo những thú vui của phàm phu.

**Tu là biết rằng có lỗi mà biết để sửa, để tránh tái phạm; ấy là nhổ được gốc rễ của tội lỗi.

**Tu là chẳng bao giờ nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt; hoặc giận dữ hay tà kiến.

**Tu là thường biết rằng trên đời nầy không ai dối gạt ta; mà chỉ có chính mắt, tai, mũi, lưỡi của ta dối gạt ta thôi.

**Tu là biết rằng những lỗi lầm tệ hại của mình có thể tránh được pháp luật và người khác, chứ không tránh được chính mình.

**Tu là luôn biết rằng một niệm khởi sân, tức thì muôn ngàn cửa chướng sẽ mở ra.

**Tu là luôn biết cố công thiền định để cột kềm cái ý mã tâm viên của ta lại.

**Tu là luôn biết rằng ngã mạnỷ lạigian thamtội lỗi, thù hiềm. ganh tị chỉ là những cửa đưa ta vào địa ngục mà thôi.

**Tu là biết xem người như xem mộc; đừng vì một chỗ nứt nhỏ mà bỏ cả cây; đừng vì một việc xấu của người mà bỏ người.

**Tu là luôn biết rằng hễ ghét người thì tâm ta hư, mà thương người thì tâm ta tốt.

**Tu là biết rằng càng mưu sâu kế độc thì càng nhiều tai họa rình chờ.

**Tu mà chưa có đủ đức để độ người thì nên xa lánh những kẻ đàng điếm, hút xách, cờ bạc, gian ác, bất hiếu, phản phúc và bội tín; họ dữ dằn còn hơn loài rắn độc.

**Tu là biết mình đang học theo Phật, một đấng Giác Ngộ hoàn toàn.

**Người tu luôn biết nguyên nhân của cái khổ là tham ái để trì chí đi theo con đường của Đức Thế Tôn là chấm dứt tham ái mà thoát khổ.

**Người tu không chỉ sùng bái Phật mà còn phải thực hành rốt ráo lời dạy của Phật.

**Người tu lúc nào cũng phải lấy giáo pháp làm thầy như lời Đức Từ Phụ đã dạy.

**Người tu lúc nào cũng thỉnh Phật trụ thế.

**Người tu lúc nào cũng mang trong người đầy đủ Tam Qui Ngũ Giới.

**Người tu lạy Phật chứ không lạy tượng. Nếu lòng ta thành, ta có thể lạy Phật mà không cần tượng.

**Người tu luôn nhớ rằng Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác tất cả. Tâm ô nhiễm là khổ; Tâm thanh tịnh là Niết Bàn.

**Người tu luôn biết rằng không ai lăng mạ và đánh đập mình cả; chỉ có sự lăng mạ và đánh đập. Nó đến rồi đi như những nợ nần phải trả.

**Người tu luôn biết rằng chúng ta như những ngọn nến cháy dở; không nhứt thiết phải hết nến mới tắt; mà ngọn gió nhỏ cũng có thể làm tắt nến. Biết như vậy để thu xếp thời giờ mà tu.

**Người chân tu luôn luôn thành thật khắc kỷ.

**Người tu luôn biết rằng cứ tiếp tục phạm lỗi để tiếp tục ăn năn là tự làm chết mòn mình. Cứ than buồn và thất vọng mãi là tự đang đọa mình vào cảnh khổ.

**Tụng kinh nhiều mà buông lung không hành trì thì chẳng khác chi người chăn bò cho người; chỉ ngày ngày đếm bò chứ chả bao giờ làm chủ bò.

**Ít tụng kinh mà sống với Phật pháp thì vẫn hưởng phần lợi lạc của giải thoát.

**Người tu luôn nhớ rằng sống mà buông lung thì không khác gì thây ma biết đi.

**Người tu không tẫm vào mình một thứ dầu thơm nào, ngoại trừ hương thơm đức hạnh.

 **Người tu luôn nhớ rằng nói điều lành mà làm ác thì ví bằng chẳng nói.

**Như tu mưu sanh không làm hại đến người như ong đi hút mật mà chẳng làm tổn hại đến hoa.

**Người tu giữa chốn phồn hoa đô hội mà tâm chẳng buông lung, luôn an trú trong chánh trí như hoa sen vượt lên từ trong bùn nhơ mà thanh khiết ngạt ngào.

**Người tu luôn biết rằng chính ta còn không có thiệt huống hồ chi tiền tài và danh vọng.

**Người tu luôn nhớ rằng ác nghiệp mãi đeo đuổi ta như lủa ngún giữa tro than.

**Người tu luôn được người lành kính yêu, nhưng luôn bị kẻ dữ ghét bỏ vì người tu luôn khuyên người làm thiện, những điều mà kẻ dữ không muốn.

**Người tu sẽ không vị tình những ai làm điều sai quấy.

**Người tu không mong cầu thành công bằng những phương tiện bất chánh.

**Người tu không chỉ đến chùa lạy Phật, mà là đến chùa để học cho bằng được con đường giải thoát của Phật.

**Người tu luôn biết rằng ta vẫn còn là phàm phu và ta đang sửa đổi những xấu xa thành hay tốt.

**Người tu không cầu được ai cho phước hoặc bình an, mà cầu tự mình tiến tu.

**Người tu luôn biết rằng tin nhơn quả là chánh tín và tin mọi sự vật được tạo bởi nhơn duyên là chuyện khoa học.

**Người tu luôn thấy rằng mê tín là lòng tin mù quáng không thấy lẽ thật. Mê tín sẽ đưa ta đến chỗ hễ cầu mà toại nguyện thì tin; mà cầu không toại nguyện thì bỏ đạo.

**Tu là biết rằng công danh phú quí là tuồng ảo ảnh; còn tiền bạc càng thu nhiều thì càng khổ nhiều.

**Tu là không buồn ai; không ghét ai; không trọng ai, không khinh ai; mà cũng không thương ai.

**Tu là biết rằng Phật hay ma đều do ta mà ra cả.

**Tu là biết gốc của cái khổ là tham ái và si mê.

**Người tu luôn biết rằng nghèo vật chất không bằng nghèo đức hạnh.

**Người tu không bao giờ xao lãng giới, định, huệ; mà chỉ xao lãng tham, sân, si.

**Người tu lúc nào cũng kiên nhẫnôn hòa. Lúc nào cũng thương mến người và vật.

**Người tu thì lúc giàu, lúc nghèo, lúc sang, lúc hèn, lúc ốm, lúc mạnh, lúc trẻ, lúc già cũng thế, trước sau không dời đổi.

**Người tu luôn biết rằng lợi tha và lợi dụng là hai nghĩa hoàn toàn khác nhau.

**Người tu thường nhớ câu không vay, không trả.

**Người tu là biết phải thương muôn loài chứ không để chúng sanh nào phải hy sinh cho ngon miệng ta.

**Người tu luôn hiểu rõ là lúc nào tâm ta cũng tạo cảnh chứ không để cảnh tạo tâm.

**Người tu bố thí phải do tâm đại bi và lòng đại nguyện. Dám hy sinh tánh mạng và tài sản mà bố thí; lúc nào cũng cho; chỗ nào cũng cho. Ấy là sự bố thí của kẻ giác ngộ.

**Người tu luôn biết rằng mắt tai mũi luõi là những mối lái đưa giặc vào đoạt của châu báu nhà mình.

 **Người tu luôn nhớ rằng cái tâm nó lanh lẹ, khó mà nắm bắt và điều phục nó lắm.

**Người tu nên nhớ rằng trong bất cứ cuộc cải vã nào, cả hai đều thua.

**Người tu luôn nhớ rằng ngu si tham đắm sắc dục cũng giống như dòi bọ nằm trong đống phẩn, cứ tưởng phẩn ngon.

**Người tu luôn nhớ rằng đời người như ánh điện chớp, nhưng Đức Thế Tôn đã nhờ cái ánh điện chớp ấy mà đắc quả Như Lai; thì ta cũng quyết đi vào cõi tịnh tịch bằng ánh điện chớp như Ngài. Biết đâu ta đã tu được hai a tăng kỳ kiếp chín chín chín rồi; bây giờ chỉ cần một ánh điện chớp nữa là xong ngay.

**Người tu luôn nhớ rằng bất cứ người nào mà ta gặp cũng đều có cái gì đó hơn ta. Biết như vậy ta sẽ luôn học hỏi được thêm.

**Người tu nên luôn nhớ rằng người sống nhiều là người không để thời gian luống qua vô ích chứ không phải là người nhiều tuổi.

**Người tu phải luôn nhớ rằng địa vị cao nhiều người ganh; quyền thế lớn nhiều người ghét; chí hướng to lắm kẻ thùlợi lộc nhiều lắm kẻ oán.

**Người tu quyết không bao giờ mắc phải những chứng bệnh khinh lờn, tự mãn và thụ hưởng. **Người tu luôn nhớ sanh, già, bịnh, chết là khổ; ái biệt ly là khổ; oán tắng hội là khổ; sân là khổ; si là khổ…Nghĩa là cái gì của phàm phu là khổ. Chỉ có cõi tịnh tịch giải thoát mới là niềm an vui vĩnh hằng.

**Người tu lúc nào cũng nên nhớ rằng mình đang tập xa bỏ dục lạcái dục, những điều đáng mừng, những điều không đáng mừng, chấp trước, thù hận, hung hăn, và bất cứ một vọng niệm nào khởi lên.

**Người tu muốn dứt sạch hết khổ não thì nên có thái độ thành khẩn và hành vi đoan chánh.

**Người chưa tu nuốt bồ hòn rồi mới biết đắng; người tu rồi thì biết bồ hòn đắng mà không nuốt.

**Người tu là người luôn chế phục được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

**Người tu luôn biết rằng những tham, sân, si, ngã mạncống cao… là những thứ làm khẳm thuyền ta. Hãy tát chúng ra cho thuyền nhẹ mà lướt nhanh đến bến bờ giải thoát.

Pages: 1 2 3 4 5