ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP II
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

181. Đức Phật Thích Ca Đã Độ Ai Và Sẽ Độ Ai?
182. Tại Sao Sau Mỗi Thời Khóa Tu Chúng Ta Đều Hồi Hướng?
183. Tại Sao Nói Tu Là Phản Quang Tự Kỷ?
184. Đạo Phật Là Một Tôn Giáo Hay Là Một Triết Lý?
185. Tôi Đến Với Đạo Phật
186. Tìm Hiểu Về Các Danh Xưng Trong Đạo Phật
187. Yếu Lý Của Đạo Phật
188. Người Phật Tử Việt Nam Và Quan Niêm Về Chữ Thiện
189. Cái “Dục” Nó Làm Ta Khổ Như Thế Nào?
190. Lười Biếng Và Trụy Lạc Là Bạn Của Khổ Đau
191. Đạo Phật Bi Quan Hay Lạc Quan
192. Tại Sao Người Tu Theo Đạo Phật Phải Dưỡng Tánh?
193. Ta Học Được Gì Ở Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát?
194. Mười Đại Nguyện Trong Bài Sám Phổ Hiền

181. ĐỨC PHẬT THÍCH CA ĐÃ ĐỘ AI VÀ SẼ ĐỘ AI?

Khi nói đến đạo Phật là nói đến thanh tịnh, Niết Bàn và giải thoát. Có ai dám nói là mình đi tu chơi đâu? Mà thường những người phát tâm đi tu là để hoặc được thanh tịnh ở đời nầy, hoặc được giải thoát, hoặc nhập Niết Bàn sau khi bỏ thân tứ đại nầy. Nhưng khi đã vào tu, đã phát nguyện làm con Phật thì Phật có độ cho ta hay không? Xin thưa ngay là chưa bao giờ và sẽ không bao giờ Phật sẽ độ cho ai, dù người ấy là La-Hầu-La, là con ruột của Phật.

Khi đến với đạo Phật, dù đã tu lâu hay mới bắt đầu tu, điều quan trọng mà chúng ta cần thông suốt là chúng ta phải tự cứu lấy chúng ta bởi vì Đức Phật đã nói rõ ràng trong rất nhiều kinh sách là các con nên tự mình cố gắng, còn các Đức Như Lai chỉ là những bậc thầy mà thôi. Chính Đức Thế Tôn có lần đã khuyên La-Hầu-La (con của Ngài lúc Ngài chưa xuất gia) rằng thân xác ta mà ta lo chưa xong thì làm sao ta lo được cho thân ngươi. Thôi ngươi hãy tự lo cho ngươi đi. Thấy như thế để biết rằng hễ ai tu thì người đó tự chứng, tự thấy rõ con đường mà mình đang đi.

Thực ra tu là lội ngược dòng đời. Thay vì nghe, thấy ở bên ngoài thì tự mình xoay vào bên trong mà quán sát cái tâm của mình, để rồi thấy cái gì nên sửa thì sửa, chứ đừng ỷ lại vào ai, ngay cả Phật. Tìm cho được Phật ở ngay chính tâm ta trước cái đã rồi hẳn nói chuyện giải thoát và Niết Bàn. Xin hãy luôn nhớ rằng chư Phật chỉ là những bậc đạo sư chỉ dạy cho chúng ta cách tu hành làm sao cho rốt ráo, chứ các Ngài không thể độ được bất cứ ai. Là Phật tử, muốn được giải thoát, xin hãy cùng nhau tu hành cho thông suốt các lời dạy của chư Phật, hãy nhìn vào những lời dạy dỗ ấy như những kim chỉ nam, như ngọn đuốc soi đường cho ta trong suốt cuộc hành trình về đất Phật.

182. TẠI SAO SAU MỖI THỜI KHÓA TU CHÚNG TA ĐỀU HỒI HƯỚNG?

Đạo Phật là đạo của từ bi. Đức Phật vì thương xót chúng sanh mà thị hiện, cho nên người con Phật cũng thừa hưởng những gì mà Ngài đã để lại: Từ bi và thương xót mọi loài. Thói thường thì ta muốn cái gì cũng là của ta, nhưng một khi đã tu theo Phật thì vì cái lòng từ bi mẩn chúng ấy mà cái gì ta có là ta muốn người cũng có như ta. Chính vì vậy mà ta thấy sau mỗi thời kinh hay nghe pháp ta đều hồi hướng:

Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo.

Ôi dễ thương làm sao cái câu hồi hướng của những người con Phật. Họ không riêng sống cho họ, mà họ đem niềm vui nghe hiểu được Phật pháp mà hướng về những người chưa có cơ duyên nghe được, và nguyện sao cho những người nầy cũng nghe được như họ, để ai nấy cũng đều được giác ngộ và đồng thành Phật.

Hồi hướng để làm gì?

Trước hết, những người con Phật hồi hướng để tỏ lòng từ bi mẩn chúng. Thứ đến, hồi hướng còn giúp ta phá tâm ích kỷ. Đời là vô thường, cuộc sống ta như tia điện chớp, có gì là ta đâu, và cũng không có gì là của ta cả. Xin hãy bắt chước những người xuất gia, sáng ra là đã bắt đầu hồi hướng cho đến lúc đi ngủ trở lại. Vừa bước xuống giường là họ đã nguyện cho chúng sanh lúc nào cũng được an lạc, lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Thức dậy miệng ta mỉm cười, ta cũng nguyện rằng hết thảy chúng sanh đều có nụ cười như ta. Đến khi đi rửa mặt rửa tay, cũng nguyện cho chúng sanh cũng có được bàn tay sạch để giữ cho Phật pháp không bị băng hoại.

Ngay lúc đi tiểu tiện, cũng nguyện cho chúng sanh trút bỏ đi những tham sân si, giống như mình đang bỏ phẩn uế dơ dáy nầy vậy. Cứ như thế, nhứt cử nhứt động đều hồi hướng. Hồi hướng cho đến khi nào không còn cái gì là của ta nữa. Hồi hướng cho tới khi nào tâm ta lúc nào cũng nghĩ đến chúng sanh. Được như vậy ta đang không đắc quả chứ là gì? Phật tử ơi, càng nghĩ đến cái ngã nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng nấy. Tại sao vậy? Tại vì một khi đã nghĩ đến cái ngã thì từ cái lớn đến cái nhỏ đều của ta, mà hễ của ta thì đẹp, xấu, sang, hèn ta đều lãnh chịu, chứ có ai vô đây để chịu thế cho ta đâu? Chính cái ta hồi hướng cho người, người lại hồi hướng cho ta ấy mà cả thế giới Phật đều chỉ thấy có nụ cười. Hé mở lòng ra để chia xẻ với mọi người, nhứt là với những người khổ hơn ta, thì tự nhiên ta sẽ thấy mình là người có nhiều hạnh phúc ở thế gian, và tự nhiên ta sẽ có một khuôn mặt rạng rỡ của một vị Bồ Tát.

183. TẠI SAO NÓI TU LÀ PHẢN QUANG TỰ KỶ?

Trong đạo Phật, tu là sửa. Mà sửa cái gì? Sửa cái tâm của mình. Bằng cách nào? Bằng cách “Phản quang tự kỷ.” Phản quang tự kỷ là sao? Là tự xoay về mình để xem xét chính mình. Xem xét bằng cách nào? Thói thường chúng ta hay vọng ngoại, nghĩa là nhìn ra ngoài. Nghĩa là thấy người nhiều hơn thấy ta. Ta thấy người từ cái tốt, xấu, hay, dở, giàu sang, hèn mọn, phú quí, bần tiện…Còn chúng ta? Tốt, xấu, hay, dở ra sao? Với chúng ta thì chúng ta chỉ phô trương những cái hay, cái đẹp mà thôi, còn những cái dở, cái xấu thì vô tình hay cố ý ta che lấp chúng đi. Do vậy chúng ta hay khen người nầy, chê người kia; rồi buồn, thương, giận, ghét. Lâu ngày thành quen, ta chỉ nghĩ đến bên ngoài mà không thấy gì bên trong. Chính cái thường thấy lỗi người nầy nó tạo cho ta hai thứ tệ hại nhứt trên cõi đời nầy là khinh người và tự cao. Đã nói rằng tu mà còn ngã mạn, cống cao thì biết đến bao giờ mới thành Phật?

Dù rằng con người, tu hay chưa tu, rất khó mà bỏ được chuyện thị phi. Cái bệnh thị phi nầy thiệt là khó trị vô cùng. Sắt mài thành kim còn dễ hơn chuyện khuyên người nên bỏ thị phi. Thế mới biết tu là cả một trời khó khăn chờ đợi. Tu là biết nhìn lại từng tâm niệm của chính mình, và biết buông xả để thấy cả một bầu trời cao rộng trước mắt ta. Tu là phải chăn giữ cái tâm của mình. Một niệm dấy lên ta đều biết, biết hay, biết dở mà không bao giờ chạy theo. Thực tình mà nói, khi đã tu thiệt rồi thì nội cái lo chăn giữ cái tâm của mình đã là hụt hơi rồi, còn thì giờ rảnh rỗi đâu mà nhìn cái hay cái dở của người. Bởi vậy khi thấy ta còn có thì giờ đi lo chuyện thị phi, ấy là biết rằng ta chưa thực sự tu đấy.

Là người Phật tử chân chánh, xin hãy thường thấy lỗi mình. Nếu không thấy được lỗi của mình, thì xin đừng thấy lỗi người. Có được như vậy thì sẽ ít có tị hiềm ganh ghét hơn. Có được như vậy thì cõi Ta Bà nầy sẽ ít Ta Bà hơn. Có được như vậy thì những lời hồi hướng vừa rồi của ta mới là thực tình hơn.

184. ĐẠO PHẬT LÀ MỘT TÔN GIÁO HAY LÀ MỘT TRIẾT LÝ?

Theo định nghĩa của những Bách Khoa Tự Điển thì Tôn Giáo có nghĩa là một hệ thống tín ngưỡng đặt trọng tâm vào các đấng siêu nhiên. Nếu theo như những định nghĩa ấy thì đạo Phật không phải là một tôn giáo. Vì sao?

Vì Đức Phật là người đã khai sáng ra đạo Phật không bao giờ chủ trương việc phó thác thân mạng mình cho bất kỳ ai, dù người đó được tôn xưng là thần linh. Phật không phủ nhận sự hiện diện của thần linh và quỉ vật, nhưng Ngài coi những người nầy là những chúng sanh như bao chúng sanh khác, thế thôi. Trên lý thuyết thì nói vậy, chứ trên thực tế đạo Phật đã được mặc nhiên coi như là một tôn giáo có số tín đồ đứng vào bậc nhất trên thế giới.

Đạo Phật chẳng những được mặc nhiên coi như là một tôn giáo lớn, mà lý thuyết của Phật còn được coi như là một thứ triết lý cao siêu cũng vào bậc nhất. Xã hội càng văn minh tiến bộ, thì có nhiều triết lý của một số tôn giáo khác bị khoa học đẩy lùi vào bóng tối, duy chỉ có triết lý của đạo Phật càng ngày càng vững vàng. Triết lý của Phật đã cho mọi người thấy là cách nay trên hai mươi lăm thế kỷ, Phật đã có cái trí huệ không lường được. Cái trí huệ mà cả những cái khối óc của các nhà bác học từ xưa đến nay gom lại cũng chưa có đủ khả năng đi tìm những cái mà Ngài đã nói. Chính Đức Từ Phụ đã từng nói rằng chớ vội tin vào một điều gì, cho dù điều ấy đã được nhiều người nói đến. Đừng tin mù quáng mà phải suy đi nghĩ lại trước khi tin, và chỉ tin vào chơn lý mà thôi.

Thế mới biết đạo Phật mới thật sự là con đường sáng, là đuốc soi. Đạo Phật là thể hiện chẳng những Từ bi mà còn là đạo của tự do bình đẳng nữa. Chỉ cái câu mà Đức Từ Phụ đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành,” cũng đủ nói lên sự bình đẳng của đạo Phật với chúng sanh muôn loài. Ngài không là chúa sáng thế hay là đấng Tạo Hóa, mà Ngài chỉ là một đạo sư dẫn dắt chúng sanh đến quả vị Phật. Triết lý của Ngài muốn nói cao siêu thì cũng cao siêu, mà muốn nói bình thường thì cũng có bình thường, vì Ngài tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà nói pháp để lại cho đời sau.

185. TÔI ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT?

Thật tình mà nói, gia đình tôi là gia đình Phật giáo thuần thành. Tuy nhiên, thuở nhỏ vì lý do trường Nam Tỉnh Lỵ bị nước ngập, nên ông tôi đã gửi tôi vào trường Thánh Minh để học những năm đầu của bậc Tiểu học. Trong trường, hằng ngày ngoài học chữ ra, tôi còn phải học giáo lý Thiên Chúa. Đáng lý ra tôi phải thiên về Thiên Chúa chứ, nhưng không biết tại sao hễ mỗi lần nhìn các nhà sư ôm bình bát đi khất thực ngang nhà là tôi thấy có cảm tình. Họ đi từng bước, từng bước, rất chậm rải và rất khoan thai. Tôi thích hễ mỗi lần các vị đi ngang thì bà tôi bảo tôi mang thực vật ra cúng dường các Ngài. Thích nhất là đứng đếm từng bước chân các Ngài đi, mà tưởng chừng như mình cũng được như mấy Ngài vậy. Chứ thuở ấy tôi nào biết thanh tịnh là gì, chỉ thấy từng bước đi của mấy Ngài có cái gì là lạ ấy. Có cái gì ấy làm cho lòng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thơ thới. Giờ thì tôi mới khám phá ra là mỗi bước đi của mấy Ngài là mỗi bước thanh tịnh. Giờ thì tôi mới thấy mỗi bước đi của các Ngài là sen nở chẳng những cho các Ngài mà cho lẫn tôi nữa.

Tôi đã thích đạo Phật từ dạo ấy. Sau đó, từ những suy nghĩ cỏn con ấy, tôi đã xin ông tôi cho tôi được về trường Tỉnh Lỵ học, nhưng không nói lý do vì lúc ấy tôi nghĩ nếu nói ra lý do như vậy thì thật là bâng quơ. Ông tôi cũng chiều theo ý tôi, nhưng thấy tôi mỗi ngày phải xăn quần để lội vào trường là ông tôi đau xót cằn nhằn, trường Thánh Minh cao ráo, sạch sẽ không chịu học, mà lại đi lội bùn mỗi ngày cho cực cái thân. Tôi vẫn mỉm cười. Tuy không nói ra, nhưng thật sự tôi đã là một Phật tử từ dạo ấy.

Thế rồi dòng đời đưa đẩy, và cũng vì thời cuộc, tôi không có cơ duyên gần với Phật pháp. Tôi còn nhớ cái ngày mà tôi từ giã mái trường để vấn thân vào cuộc chiến chinh, thì Bà tôi đã ân cần trao cho tôi một bức hình Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hình ép nhựa trong, rất cẩn thận. Tôi bỏ bức hình vào bóp và mãi chinh chiến, nên tôi quên mất bức hình đi. Mãi cho đến một hôm vào đầu năm 1972, tôi bị nạn, tôi sực nhớ lời Ngoại dặn, hễ có chuyện gì thì con nhớ khấn nguyện Đức Quán Thế Âm nhe con. Lúc ấy tôi bị rớt tàu bay ở ngoài khơi đèo Hải Vân, đáng lý phải lội vào hướng Tây thì mới vào bờ được chớ, đàng này sau khi khấn nguyện Ngài Quán Âm thì tôi nghe như có tiếng nói bên tai, con ơi con phải lội trở ra hướng Đông thì ta mới cứu được con. Lúc đó tôi bán tín bán nghi.

Vì không nghi làm sao được khi hướng Tây là vào đất liền, còn hướng Đông là trở ra đại dương. Sau bốn năm lần do dự, tiếng nói ấy hình như cứ chầm chậm mà đều đều bên tai tôi. Con hãy lội ra hướng của ta thì ta mới cứu con được. Cuối cùng tôi quyết định lội ra hướng Đông, thì sau hai tiếng đồng hồ, tôi bám được vào một mõm đá, còn tất cả những người lội vào hướng đất liền đều thiệt mạng vì cách bờ quá xa làm sao lội cho nổi. Đáng lý sau cái lần ấy, tôi phải lập tức về quỳ trước Phật đài mà xin quy y Phật, nhưng vì hoàn cảnh, tôi như những chàng Cùng Tử bỏ nhà đi lăn lóc với núi sông (chứ thật sự không phải vì danh lợi). Rồi trong quảng đời chinh chiến, tôi còn được Đức Quán Âm cứu độ đến năm bảy lần như vậy nữa, nhưng cũng không kéo được chàng Cùng Tử ấy trở về.

Mãi đến năm 1985, khi tôi đặt chân đến đất Mỹ với bao nhiêu thất vọng ê chề, chàng Cùng Tử mới lần tìm về nhà. Đức Từ Phụ và những người tiếp nối Ngài lúc nào cũng rộng vòng tay đón đứa con thất lạc trở về. Trong lúc cực kỳ đau khổ, thì tôi được Tam Bảo che chở, tôi được Hòa Thượng, mà bây giờ là Hòa Thượng Bổn Sư của tôi, khuyên lơn và an ủi tôi. Ngài đã khuyên tôi nên thọ giới và tu tại gia và chính Ngài đã dạy tôi một câu mà có lẽ từ bây giờ và cho đến mãi về sau nầy tôi sẽ nhớ mãi. Ngài nói rằng: “Con ơi hãy tu đi, cái khổ nó lúc nào cũng rình rập bên con. Con phải tu để diệt nó, chứ con không thể nào trốn chạy nó được đâu.” Thú thật, lúc đó trong đầu tôi vẫn còn nghĩ là cơn đau khổ nào rồi cũng qua đi, cho nên khi nghe Ngài nói vậy thì tôi cũng vâng vâng, dạ dạ cho xong.

Rồi tôi lại lăn trôi nhập cuộc vào cuộc sống mới trên đất Mỹ và tưởng đâu mình đã yên thân. Nhưng bắt đầu từ năm 1990, những đau khổ liên tiếp xãy đến với tôi vì cả mẹ, nhạc phụ và cha tôi lần lượt qua đời. Trong cơn đau khổ tột cùng, tôi lại tìm đến Hòa Thượng Bổn Sư. Ngài nhìn tôi bằng ánh mắt của một đấng Từ Phụ, Ngài bảo, con ơi, âu cũng là duyên. Thầy đã nhiều lần khuyên con nên hướng về Tam Bảo mà tu; tại gia cũng được, nhưng phần nghiệp hãy còn, nên tội nghiệp con phải khổ mãi. Nhưng lần nầy tôi đã đến với Ngài khác hơn những lần trước, tôi đã bẩm Ngài cho tôi được quy y và thọ giới. Dù chỉ tu tại gia, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, chẳng những cho tôi, cho gia đình tôi mà con cho những người quanh tôi nữa. Tôi đã nguyện với lòng, từ bây giờ và cho đến về sau nầy, chàng Cùng Tử của năm nào sẽ quay hẳn về nhà, biết ăn chay, biết giữ giới, và biết hướng về chính mình để tìm ra thanh tịnh. Chàng Cùng Tử nầy quyết phải hưởng cái gia tài mà Đức Từ Phụ đã để lại. Chẳng những một mình hưởng mà còn kêu bạn bè, thân thuộc, và chúng sanh xa gần cùng hưởng. Để có một ngày không xa nào đó tất cả chúng ta sẽ cùng đi trên con đường mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi.

186. TÌM HIỂU VỀ CÁC DANH XƯNG TRONG PHẬT GIÁO

Phật giáo kể từ ngày Đức Phật Thích Ca khai sáng cho đến bây giờ đã trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm, nhưng Phật giáo vẫn vậy, vẫn không thay đổi. Có người đến với Phật giáo vì thật sự muốn tu để được giải thoát, mà cũng có người đến vì danh, vì lợi. Cái bịnh tham danh, tham lợi thật sự là cái bịnh truyền nhiễm tai hại vô cùng. Có người ban đầu muốn tu thật đấy, nhưng khi vào rồi thì lại bị nhiễm bịnh tham danh mà làm hư đi đại sự. Có người vẫn tự xưng là “thầy” đấy, ngoài miệng thì rất ư là “thầy,” nhưng trong lòng thì hỡi ơi con bịnh tham ái đã lan tràn đi khắp lục phủ ngũ tạng rồi.

Thật sự mà nói, từ nguyên thủy Phật giáo đã không có giai cấp, vì chủ đích của Đức Thế Tôn là xóa bỏ giai cấp cơ mà, thì không lý do gì Ngài lại chấp nhận cho tái tạo bất cứ giai cấp nào trong đạo Phật. Tuy nhiên, để cho sự truyền giới và các nghi lễ được trang nghiêm, cũng như để gây một ấn tượng tốt trong lòng người được thọ giới, hàng Tăng sĩ được gọi theo thứ bực, tùy theo đã tu lâu hay mới tu. Ta hãy thử tìm hiểu những danh xưng nầy trong Phật giáo.

Người mới bước chân vào con đường xuất gia thì gọi là chú Tiểu, hay chú Điệu. Trong tiếng Việt, ba miền Nam, Trung, Bắc đều có những từ ngữ riêng để dùng cho một danh xưng, chẳng hạn như người mới xuất gia dân miền Bắc gọi là chú Tiểu, dân miền Trung gọi là chú Điệu, còn dân miền Nam lại kêu là Ông Đạo. Nhưng chung qui cũng là người mới tu. Giới luật cho người mới tu là chỉ giữ năm giới như cư sĩ tại gia mà thôi. Đến khi thọ giới Sa Di thì họ phải giữ mười giới nhưng vẫn được gọi là chú Tiểu hay chú Điệu. Có nhiều nơi ở miền Bắc, người ta còn dùng danh xưng “Sư Bác” để kêu những người mới xuất gia nhưng hơi có tuổi.

Đại Đức (Reverend), vốn xưa kia được dùng để xưng hô với những đại đệ tử của Phật. Chỉ cho sự tu hành đã được viên mãn. Như vậy danh từ Đại Đức dùng để chỉ người có đủ cả phước lẫn huệ, và xứng đáng nhận lãnh vai trò lãnh đạo tinh thần cho hàng Phật tử. Đã trãi qua nhiều thế kỷ, danh từ Đại Đức vẫn luôn được dùng để gọi người đã tu lâu; tuy nhiên, ngày nay người ta quen dùng chữ Đại Đức để chỉ những vị đã thọ đủ 250 giới Tỳ Kheo và tuổi đời trên hai mươi.

Thượng Tọa, tiếng Pháp và Anh đều gọi là Veneration, dùng để tôn xưng các bậc tu hành có tác phong đạo đức đáng được mọi người kính phục. Thượng Tọa có khả năng giảng dạy cho tăng chúng và Phật tử, cũng như hướng dẫn thiền sinh trong những buổi thiền quán. Ngày xưa, người ta căn cứ vào số năm tu để xưng gọi. Hễ mỗi năm từ tháng Ba đến tháng Bảy, tăng chúng cùng nhau kiết tập tại một nơi để tu học, và sau mỗi khóa học là được tăng lên một “hạ.” Khi được 9 hạ thì gọi là Hạ Tọa; được từ 10 đến 19 hạ thì gọi là Trung Tọa; và từ 20 đến 49 hạ thì được gọi là Thượng Tọa.

Bây giờ thì cách xưng gọi có phần khác đi, một tăng sĩ khi thọ giới tỳ kheo và tuổi trên hai mươi, theo thầy hoặc tăng chúng an cư kiết hạ liên tục trong suốt 5 năm và tỏ ra biết rành mọi nghi thức hay trụ trì thì gọi là Đại Đức; còn những thành phần giáo phẩm có một trình độ Phật pháp vững vàng như Yết Ma, Giáo Thọ, hay Giảng Sư được Giáo Hội tấn phong phải trên hai mươi tuổi đạo và bốn mươi tuổi đời thì mới được gọi là Thượng Tọa. Thượng Tọa hiểu cho đúng nghĩa là người gương mẫu và thực hành giáo hạnh một cách nghiêm chỉnh.

Hòa Thượng (the Priest Venerable) vốn là một tục ngữ của Ấn Độ, có nghĩa là Ông Xã. Lúc truyền sang Trung Hoa thì được gọi là Hoa Xã, rồi từ từ người ta đọc trại thành Hòa Thượng. Hòa Thượng dịch là “Lực Sinh,” nghĩa là nhờ đời sống tâm linh thanh tịnh mà khiến cho đạo lực của những người theo học được phát sinh. Hòa Thượng còn có nghĩa là “thầy gần gủi” nhất để mình học hỏi và nương tựa tinh thần. Hòa Thượng còn là người chứng minh tối cao trong hội đồng truyền giới tỳ kheo và Bồ Tát. Thường thường, Hòa Thượng phải là người thọ giới tỳ kheo trên năm mươi năm tuổi đời và ba mươi năm tuổi đạo mới được Giáo Hội tấn phong lên Hòa Thượng. Hòa Thương là thành phần giáo phẩm cao cấp với đầy đủ đức hạnh. Tuy nhiên, cho dù tu lâu mà đạo hạnh và tác phong không được tinh chuyên thì cũng không xứng được tôn xưng Hòa Thượng.

Tóm lại, trong Phật giáo danh từ Đại Đức là một danh từ có nguồn gốc và ý nghĩa từ nguyên thủy. Danh từ nầy đã được các hàng Phật tử dùng để xưng gọi những vị đại đệ tử của Phật, là một danh từ chính thống, có ý nghĩa đầy đủ để xưng gọi các bậc tu hành với đầy đủ giới đức và đạo hạnh. Không biết tại sao mà theo dòng thời gian, ngày nay người ta chỉ dùng danh từ nầy cho những người tu chưa được lâu năm cho lắm. Theo thiển ý, thì đây quả là điều đáng tiếc. Đáng tiếc vì mới ngày nào đây chính cái danh từ ấy đã được dùng để chỉ cho người mà đức hạnh đã viên mãn như những vị đại đệ tử của Đức Phật, thế mà giờ đây người ta lại dùng nó một cách không cân nhắc như vậy. Hy vọng một ngày không xa lắm, những người con Phật sẽ lại dùng cái danh từ nầy để chỉ chung cho tất cả những ai xuất gia mà đạo hạnh tinh chuyên và đức độ trang nghiêm, để mỗi lần gọi thầy nào là Đại Đức là ta nhớ ngay tới hình ảnh của Đức Phật và những vị đại đệ tử của Ngài. Từ đó ta có thể hình dung ra ngay vị thầy ngay trước mặt ta cũng có những đạo hạnh giống như Phật vậy.

187. NHỮNG YẾU LÝ CỦA ĐẠO PHẬT

Đạo Phật có những tín điều như bất cứ tôn giáo nào khác; tuy nhiên, cái khác trong đạo Phật là những Phật tử phải hành trì theo những tín điều nầy để được giải thoát, chứ không phải chỉ mù quáng tin theo mà được cứu rỗi đâu. Đấy chính là cái khó nhứt và cũng là điểm quan trọng nhứt trong Phật giáo. Tại sao? Tại vì thói thường ta hay giải đãi, đã nói đi tu mà còn bắt phải hành trì nữa, thì quả thật là khó quá. Thôi thì ta đi tìm một tôn giáo khác, nơi mà mình tìm đến và bảo họ rằng mình tin họ thì được cứu rỗi ngay, như vậy có phải là dễ dàng và khỏi phải mất công hay không ? Phật giáo thì lại cho rằng nếu chỉ tin như vậy là tin mù quáng, ai biết được có ai cứu rỗi ai. Từ xưa đến nay có ai đã từng đến bảo bạn rằng tôi đã được cứu rỗi? Thưa chưa từng có. Vậy thì ngay từ bây giờ, cho dù khó làm, nhưng thấy có lợi lạc cho mình, xin hãy đến trước đài vô thượng giác, lạy Phật tổ mà thệ nguyện rằng:”Lạy Ngài, con biết những điều mà Ngài đã chỉ dạy, khó làm lắm, nhưng con thấy nó có lợi lạc cho chính con, cho những người thân của con và cả cho khắp giới chúng sanh. Nên con thệ nguyện sẽ hành trì cho đến khi rốt ráo mới thôi.”

Chúng ta hãy tìm hiểu những tín điều của đạo Phật là những tín điều gì? Một thi sĩ nổi tiếng của Trung Hoa vào thời nhà Đường, có lần tới thăm một nhà sư để hỏi về những yếu lý của đạo Phật. Nhà sư chỉ nói vỏn vẹn yếu lý mà Đức Phật đã để lại là:

Hành thiện, không hành ác.
Thanh lọc tâm
Đấy là con đường của chư Phật.

Chàng thi sĩ nghe xong bèn cười hô hố mà rằng: “Tưởng đạo Phật là cái gì cao thâm lắm, chứ như vậy thì dễ quá. Tôi muốn hỏi ông những điều cao siêu cơ!” Nhà sư đã ôn tồn đáp lại: “Vâng, đúng vậy, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể hiểu yếu lý của đạo Phật. Duy chỉ có một điều là để thực hiện cho bằng được yếu lý của đạo Phật, thì ngay cả những người tóc trắng cũng chưa chắc đã làm nổi.” Cái câu trả lời của nhà sư đã khiến chàng thi sĩ kính bái. Tín điều của đạo Phật chỉ nằm gọn trong những điều mà nhà sư đã nói sao? Thưa đúng, chỉ nằm gọn trong cái bài kệ mà nhà sư đã lấy ra từ kinh Pháp Cú. Vậy những tín điều đó là những gì? Xin nhắc lại:

Hành thiện, không hành ác.
Thanh lọc tâm
Đấy là con đường của chư Phật.

Mà thiện là làm sao? và ác là làm sao? Và làm thế nào để thanh lọc tâm đây? Kinh điển của Phật giáo thì quá nhiều, cho dù có nghiên cứu suốt đời, chúng ta cũng không thông hết đâu. Ta chỉ học những điều căn bản để mà hành trì.

Thứ nhất là tám con đường chánh mà bất cứ Phật tử nào cũng nên đi. Ấy là thấy biết đúng như sự thật (chánh kiến); suy nghĩ ngay thật (chánh tư duy); không mang tâm niệm xấu ác để hại người, luôn nói lời chân thật, hòa nhã, không nói thêm,nói bớt (chánh ngữ); Hành động và việc làm đều chân chính (chánh nghiệp); luôn luôn chuyên cần trong mọi công việc (chánh tinh tấn); lúc nào cũng nên nghĩ đến điều hay lẽ thật (chánh niệm); không làm phương hại đến ai trong khi mưu cầu sinh kế cho mình (chánh mạng); lòng lúc nào cũng hướng tới những tư tưởng cao đẹp và có ích thiết thực cho đời sống (chánh định). Người nào sống trong chánh đạo thì thân tâm thường an lạc, gia đình hạnh phúc yên vui, và những người chung quanh hằng nể trọng.

Yếu lý thứ nhì trong đạo Phật là mười điều mà bất cứ người con Phật nào cũng không nên làm. Mười điều ấy là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không ăn nói gian trá, không nói xấu hoặc vu oan cho ai, không dùng những lời lẽ thô tục hạ tiện mà nói với bất cứ ai, không phát biểu ý kiến theo sự kích động tà vạy của lý trí, Không động lòng tham muốn bất cứ thứ gì, không nóng giận và sân hận, không để tinh thần bị lung lạc bởi tà kiến .

Yếu lý thứ ba là mười điều mà bất cư Phật tử nào cũng nên làm. Ấy là phải thương xót chúng sanh mọi loài, phải thực hiện lòng bố thí, phải giữ cho tâm luôn thanh tịnh, phải ăn nói chân thật, Phải thương yêu bạn bè và người quanh ta, phải ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng, phải nói lời thẳng thắn chứ không quanh co, phải thường biết đủ để không sanh lòng tham muốn, phải khiêm tốn trong mọi trường hợp, phải suy nghĩ cho đứng đắn và minh bạch.

Yếu lý thứ tư là phải hành trì lục độ: Bố thí rộng rãi từ tài vật, pháp thí cho đến vô úy thí. Bố thí để diệt đi cái ích kỷ bỏn xẻn trong ta. Trì giới là thực hiện các giới luật mà chư Phật đã giảng dạy. Nhẫn nhục trong mọi trường hợp; không bao giờ để cho tâm mình bị xáo động vì ngoại cảnh chẳng hạn như vui, buồn, thương, giận…Tinh tấn, như đã nói trong tám con đường chánh, là cố gắng và nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ trong việc hành trì đạo pháp. Thiền định là phương pháp thiết yếu để thanh lọc tâm mình. Và cuối cùng là Bát Nhã tức là được giác ngộ.

Một khi cố gắng hành trì những đạo hạnh trên thì người Phật tử mới có đủ khả năng tiến tới con đừờng diệt khổ để vào đạo như Đức Như Lai đã chỉ dạy. Trong những điều kể trên, tinh tấn và thiền định là quan trọng nhất. Là một Phật tử đúng nghĩa, chúng ta không bao giờ có thể trây lười trong bất cứ việc gì. Vì trây lười thì làm sao mà thiền định cho được.

Đức Phật đã chỉ bày cho ta nhiều cách tu. Ta có thể diệt khổ đau và phiền não bằng cách nầy hay cách khác, nhưng chung qui đều đi đến chỗ giải thoát rốt ráo. Bây giờ ta hãy đi vào con đường Tứ Diệu Đế mà đức Phật đã giảng dạy. Tứ Đế hay là Tứ Thánh Đế, là bốn pháp căn bản để làm trợ duyên cho việc tu tập và đạt thành chánh quả. Ta không và sẽ không bao giờ thấy được hình tướng của nó, bởi vì cái khổ đâu có ai hình dung ra được nó ngắn dài, lớn nhỏ ra sao (Khổ Đế). Cái khổ nó kết tập nhiều đời (Tập Đế). Ta phải tu tập những yếu lý mà đức Thế tôn đã giảng dạy để diệt cho được cái khổ (Diệt Đế). Cuối cùng khi đã đạt được chân lý thì con đường đạo thực sự sẽ mở rộng thênh thang, và chúng ta sẽ ung dung tự tại mà đi đến giải thoát (Đạo Đế).

Kế đến là quán thập nhị nhân duyên để thoát ra cái vòng lẩn quẩn của luân hồi. Mười hai nhân duyên là đầu mối của kiếp sống con người. Nó là hạt giống tạo ra thế giới của muôn loài. Con người từ khi thọ thai đến khi ra đời, rồi lớn lên, rồi già, rồi chết, là một trường tranh đấu không ngừng nghỉ. Do đâu mà có ta? Từ vô minh, con người thọ hình do bởi giọt máu kết tinh của cha và mẹ, để rồi lớn dần cho đến khi chào đời, rồi hội nhập vào cái trường đấu tranh không ngừng nghỉ ấy. Đó là do một chuổi xích liên hệ chặt chẻ với nhiều yếu tố khác nhau hợp lại. Từ Vô minh dẫn đến Hành; từ Hành dẫn đến Thức; từ Thức dẫn đến Danh sắc; từ Danh sắc dẫn đến Lục nhập; từ Lục nhập dẫn đến Xúc; từ Xúc dẫn đến Thọ; từ Thọ dẫn đến Ái; từ Ái dẫn đến Thủ; rồi từ Thủ dẫn đến Hữu; từ Hữu dẫn đến Sanh, lão, bệnh, và Tử.

Thấy như vậy, ta biết rằng từ chỗ không sáng suốt nó đưa đến tất cả những thứ khác. Vậy thì người tu theo Phật là biết rõ ràng rằng muốn không sanh, lão, bệnh, tử thì phải diệt cho được cái vô minh. Vì chính những cái nhân duyên nầy dẫn dắt con người tiếp tục lăn trôi bởi nghiệp lực. Vô minh theo Phật giáo là cội rễ của mọi điều ác, chính vì vậy mà Đức Từ Phụ đã dạy ta nên diệt hoàn toàn bức màn ấy để hào quang của chư Phật lóe sáng rực rỡ bằng phép tu thanh tịnh bởi những yếu lý mà đức Từ Phụ đã giảng dạy. Một khi ta đạt được thanh tịnh, thì chẳng những vô minh cũng không còn, mà sân si, tự ngã cũng đều vắng bóng.

188. NGƯỜI PHẬT TỬ VIỆT NAM VÀ QUAN NIỆM VỀ CHỮ THIỆN

Dân Việt Nam là một dân tộc hiền hòa và chơn chất. Hiền hòa và chơn chất từ cái suy nghĩ cho đến hành động. Chính vì vậy mà Phật giáo rất dễ thâm nhập vào lòng dân Việt. Ở Việt Nam, đi đâu ta cũng nghe từ ông già, bà cả, đến những trẻ chăn trâu nghêu ngao những câu ca dao rất dễ thương như:

Ai ơi ăn ở cho lành,
Kiếp nầy không được, để dành kiếp sau.

Ôi cái chữ lành, chữ thiện ấy nó đã ăn sâu vào trong lòng con dân Việt từ ngàn đời, chứ không phải là mới có từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam. Qua hai câu trên, ta thấy người Việt Nam chẳng những ăn ở hiền lành mà còn biết nhẫn nhục nữa. Nếu kiếp nầy ăn ở hiền lành mà chưa được hưởng thì khoan vội oán trách chi ai, mà hãy nhẫn nhục chờ ở kiếp lai sanh. Ôi nó dễ thương làm sao cái tình tự Việt Nam.

Đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì cái ăn lành ở hiền ấy càng được ca tụng và khuyến khích. Phật giáo đã khẳng định là hễ có ngày hôm nay, ắt có ngày mai và ngày hôm qua. Có hôm nay mà không có hôm qua thì làm gì có lẽ ấy. Phật giáo đã giải thích rõ ràng cho người Việt Nam là đúng có kiếp nầy, kiếp trước và kiếp sau. Nghiệp của con người sẽ không bao giờ tan biến đi đâu cả, mà nó sẽ đi theo ta đến khi nào ta giải thoát mới thôi.

Phật giáo còn dạy cho dân gian Việt Nam rõ ràng hơn về hai chữ Thiện, Ác. Theo đạo Phật , muốn định giá trị cho chữ Thiện phải có đầy đủ những yếu tố sau:

Phải đúng sự thật.
Phải đúng chơn lý.
Phải lợi ích cho cả mình lẫn người.

Chẳng hạn như không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm… là những điều thiện trong đạo Phật. Như vậy ta thấy rằng cái câu “Ăn ở cho lành” theo Phật giáo còn có nghĩa là phải hành trì tam quy, ngũ giới, thập thiện vì chỉ có những điều nầy mới hội đủ điều kiện theo cái nghĩa Thiện của đạo Phật mà thôi.

Là người Phật tử Việt Nam, chúng ta thừa hưởng những hai gia tài về cái Thiện: Thứ nhất là cái Thiện hiểu theo nghĩa đơn sơ mộc mạc của ta, và thứ nhì là cái Thiện đúng theo cái nghĩa của nhà Phật; thế mà không chịu phát huy và hành trì để đi đến giải thoát thì quả là uổng vô cùng.

189. CÁI “DỤC” NÓ LÀM KHỔ TA NHƯ THẾ NÀO?

Cổ nhân có câu: “Đa dục vi khổ, thiểu dục vô vi tự tại,” nghĩa là muốn nhiều thì khổ nhiều; không ham muốn thì vô vi tự tại. Cái dục ở đây phải hiểu là năm món dục: Sắc, thanh, hương, vị, và xúc. Người đa dục về sắc thì hao mòn sức lực; người tham danh tham lợi thì phải chạy ngược chạy xuôi để làm lụng, để tranh giành danh lợi; người ham thích ăn ngon, thì lúc nào cũng phải lo âu toan tính để sắm cho được những bữa ăn ngon, mà quên mất ở trên đời nầy còn nhiều thứ đáng làm hơn là cái háo ăn. Thậm chí nhiều khi còn sát hại chúng sanh để thỏa mãn cái háo ăn của mình.

Phật tử ơi, cái dục và cái tham nó là những cái túi không có đáy. Hễ ta càng được nhiều thì ta càng muốn nhiều và muốn mãi, không bao giờ ta kềm hãm nó được đâu. Cái tham dục nó giống như người đang khát nước mà uống nước muối vào vậy, càng uống càng khát, càng uống càng muốn uống nữa. Người nghèo thì chỉ mơ ước có đủ ăn đủ mặc; thế mà khi đã đủ ăn đủ mặc rồi, ta đâu có chịu dừng lại, mà ta muốn có ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Người có tâm tham dục thì sẽ chẳng bao giờ biết đủ, biết dừng cả!

Là Phật tử chân chánh nên biết rằng tham dục có thể đưa ta đến những tinh cầu xa xôi, nhưng nó không và sẽ không bao giờ mang lại cho ta sự thanh tịnh và an lạc. Vậy thì ngay từ bây giờ ta phải biết quay về với Phật pháp, lo tu học, nhờ đó mà được bớt khổ. Người biết tu, đối với vật chất bao nhiêu cũng thấy đủ. Có ít thì tiêu ít, có nhiều thì lại chia sớt cho những kẻ cơ hàn đói rách. Người biết tu, thấy rõ ngay cả thân nầy cũng tạm bợ, huống hồ gì là vật chất. Thấy như vậy để đừng đua đòi, thấy như vậy để đừng có toan tính điều bất chánh mà mang thêm ác nghiệp. Hãy suy gẫm câu thơ của thi sĩ Nguyễn Công Trứ thì ta sẽ thấy tâm mình lắng lại để không còn ham muốn buông lung nữa:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.

Hễ biết đủ, thấy đủ, là đủ; chứ đợi cho đủ thì biết chừng nào mới đủ (vì cái lòng tham của ta nó đâu có đáy). Người biết đủ là có bao nhiêu xài bấy nhiêu, chứ không đôn đáo tìm cầu cho vương thêm nghiệp. Chỉ vì tham dục mà khổ cực lao lung, xin hãy bớt tham dục đi cho lòng thanh thản. Người hết tham dục thì được an nhiên tự tại, chẳng những trong hiện tại, mà còn mãi mãi về sau nầy nữa; chẳng những cho chính mình, mà còn cho những người chung quanh nữa.

190. LƯỜI BIẾNG TRỤY LẠC LÀ BẠN CỦA KHỔ ĐAU

Tại sao lại nói lười biếng giải đãi là bạn của khổ đau? Tại vì một khi đã trây lười thì đâu có chịu học, chịu tu để mà giải thoát. Trây lười ở đây là trây lười tu học theo Phật, chứ không hiểu theo nghĩa hạn hẹp là lười biếng. Vì thế, có khi một người cả ngày nầy qua năm nọ chỉ biết lo kiếm tiền; làm quên ăn quên ngủ. Phàm phu nhìn thì nói người ấy chí thú làm ăn. Nhưng theo đạo Phật thì nói người ấy chẳng đang làm gì hết. Tại vì có cái gì là của người ấy đâu? Không có cái gì cả. Chẳng những không có cái gì, mà đôi khi trong lúc làm ăn toan tính đã mang thêm ác nghiệp nữa là khác.

Phật tử ơi, nên luôn nhớ rằng tất cả tiền tài, danh vọng ta đều bỏ lại sau khi ta bỏ đi cái thân tứ đại nầy, chỉ có thiện nghiệp và ác nghiệp sẽ cùng đi theo ta qua bên kia nấm mồ và kiếp luân hồi. Muốn tránh cái cảnh trở lên lộn xuống với đầy dẫy những khổ đau nầy, ta phải tinh tấn tu theo Phật. Điều thiện chưa sanh phải siêng năng làm cho nó khởi sanh; điều thiện đã sanh phải cố gắng phát huy cho nó tăng trưởng. Điều ác chưa sanh phải tìm cách ngăn chặn không cho nó sanh; điều ác đã sanh phải diệt trừ không cho nó phát triển. Ấy là đúng nghĩa Tinh Tấn của nhà Phật.

Tóm lại giải đãi hay tinh tấn đều hoàn toàn tùy thuộc nơi mình. Nếu trây lười thì trầm luân, còn tinh tấn thì phá trừ dứt đoạn phiền não, là giải thoát. Chúng ta ai cũng đều biết, biết rất rõ ràng. Chỉ có điều là ta quyết đi theo con đường nào, thế thôi.

191. ĐẠO PHẬT BI QUAN HAY LẠC QUAN?

Đạo Phật quan niệm cuộc đời nầy đau khổ, bởi thế cho nên có nhiều người hiểu lầm cho rằng đạo Phật là để dành riêng cho những ai chán đời. Hiểu như vậy thì quả là nông cạn. Phật giáo không phải là một giáo lý bi quan, mà cũng không hoàn toàn lạc quan. Phật giáo chỉ nói lên những điều thực tiển. Nếu đạo Phật chỉ nói rằng đời là bể khổ, muốn tránh khổ là phải đi tu. Ấy là Phật giáo bi quan. Đàng nầy Phật giáo nói rõ đời là bể khổ, tại sao khổ? Phật giáo còn chỉ cho chúng ta biết cách làm sao diệt khổ để được an vui thanh tịnh. Vậy thì Phật giáo lạc quan lắm chứ! Đức Phật đã nhận chân ra cái khổ và nguồn gốc của nó. Chính Ngài cũng đã tìm ra cách làm sao để diệt cho hết khổ. Với các nhà sư tu theo đạo Phật, tại sao lúc nào trên môi họ cũng có sẳn một nụ cười; chẳng những cho chính họ, mà còn cho mọi người? Tại vì:

Họ không than van sầu muộn cho quá khứ,
Họ không nóng nảy khao khát những gì chưa đến,
Mà họ chỉ tập trung vào hiện tạị
Do đó mà họ được tự tại.

Mà các nhà sư là những đại diện cho những người con Phật gương mẫu. Chỉ cần nhìn họ là ta biết đạo Phật bi quan hay lạc quan, chứ đừng đi tìm một đáp số nào khác cho xa vời.

192. TẠI SAO NGƯỜI TU THEO PHẬT GIÁO PHẢI DƯỠNG TÁNH? MÀ DƯỠNG TÁNH NÀO?

Dưỡng tánh ở đây là dưỡng tánh gì? Dưỡng tánh Phật, vì Tánh Phật không một chút cợn cáu, tánh Phật hoàn toàn trong sạch. Tánh Phật không hạn hẹp, mà rộng rãi thênh thang như bầu trời bao la không một vẩn mây. Tánh Phật không đứt đoạn mà liên tục và trường tồn. Tánh Phật không nhược, không yếu… Đấy là cái tánh mà ta cần phải dưỡng, phải nuôi cho nó ngày càng lớn thêm. Còn cái tánh phàm phu của ta thì sao? Cái tánh ấy nó chứa đầy bỏn xẻn, tham lam; nó chứa đầy sân hận, thù hiềm; nó chứa đầy những si mê tội lỗi. Cái tánh tới đầu nầy thì nói một đàng, tới đầu kia thì lại nói một nẻo; nói cho người ganh ghét thù địch. Cái tánh ngã mạn cống cao; coi trời không bằng vun. Cái tánh chỉ có ta là trung tâm vũ trụ; mục hạ vô nhân. Cái tánh chỉ thấy lỗi người chứ chẳng bao giờ thấy lỗi mình… Cái tánh như vậy đó ta cần phải diệt trừ nó càng sớm càng tốt. Diệt trừ bằng cách nào?

Thứ nhứt là nuôi dưỡng lòng Từ Bi. Bất cứ tôn giáo nào cũng nói đến tình thương, nhưng thương như thế nào? Cái chữ tình thương hiểu theo phàm phu thì cũng có tốt đấy, nhưng có nhiều khi nó rất là hẹp hòi và ích kỷ. Chữ Thương trong đạo Phật không có phạm vi giới hạn, mà nó bao la, vô tận. Nó lan khắp từ cá nhân, đến gia đình, xã hội, quốc gia và chủng loại. Cái đặc biệt của đạo Phật là tình thương không phân biệt thân sơ, bạn thù. Nó lan như nước, hễ chỗ nào thấp thì nước chảy tới. Như vậy ta thấy cái tình thương trong đạo Phật nó thật là bình đẳng bao la.

Người Phật tử nên luôn nhớ rằng tánh từ bi nó luôn sẳn có trong ta, chứ không phải cầu xin lạy lục ai cho ta, hoặc mua chuộc ai ban cho ta. Không ai có thể làm được chuyện đó đâu. Hạt giống từ bi luôn có sẳn trong ta, nhưng không may, nó đã bị tham, sân, si, ích kỷ, ngã mạn, cống cao che lấp đi. Ta chỉ cần học hỏi cách thức làm sao để trưởng dưỡng nó là được. Ta chỉ cần phanh phui, gôõ lần những chướng ngại ấy là tự nhiên từ bi nổi lên. Trưởng dưỡng lòng từ bi là phải trưởng dưỡng bất cứ ở đâu, trong bất kỳ trường hợp nào, chứ không phải việc lớn thì làm mà việc nhỏ thì bỏ.

Thứ nhì là trưởng dưỡng trí tuệ. Trí tuệ là cái tánh sáng suốt bao trùm khắp cả mà không bị ngăn che hay trở ngại. Cũng như trên, vô minh là nguyên nhân của sự ngăn che không cho trí tuệ lóe sáng. Trí tuệ trong đạo Phật nó không cạn cợt như cái trí tuệ của phàm phu, mà nó rãi khắp. Cái biết của thế gian là cái biết còn nhiều sai lầm do bởi cái nhìn nhị biên thiên lệch của phàm phu. Có những cái biết thế gian chỉ nhằm phục vụ cho những dục vọng, ích kỷ, và thỏa mãn bản ngã hẹp hòi. Nhiều khi chính cái biết nầy nó còn nguy hiểm hơn là không biết. Tại vì chính những hiểu biết ích kỷ nầy đã đưa con người vào không biết bao nhiêu là cuộc chiến ghê rợn và dã man. Đức Phật đã dạy rằng cái thông minh phàm phu nầy có nhiều khi là một cái nạn cho con người.

Cũng có thứ hiểu và biết làm điều thiện vậy; tuy nhiên, thứ hiểu biết nầy, dầu không có hại cho người, cũng chỉ là cái hiểu biết hẹp hòi của thế gian. Ngược lại trí tuệ trong đạo Phật, dù là hữu lậu hay vô lậu, cũng làm cho ta thanh tịnh hơn. Tóm lại, sống trong đời mà không có trí tuệ thì chẳng khác chi như là người đi trong đêm tối vậy, hoặc giả như chèo thuyền giữa biển cả mênh mông mà không có la bàn để định hướng vậy; không thấy đâu là bờ bến mà đến. Trí tuệ của thế gian thì chỉ là những ngọn đèn bão leo lét trong đêm tối, có sáng hơn chút đỉnh, nhưng không thể vững bền được. Con người, dù có văn minh đến đâu, cũng không làm sao mà diệt trừ được đau khổ. Chỉ có trí tuệ Phật mới có đủ công năng diệu dụng đưa con người ra khỏi khu rừng Vô Minh mà thôi.

Là người Phật tử luôn nhớ rằng trong ta có sẳn mầm trí tuệ của Phật. Tuy nhiên, cái mầm ấy đã bị vô minh che lấp. Muốn xé tan bức màn vô minh ấy thì ta phải tu theo những pháp mà Phật đã dạy. Mặc dù pháp của Phật là nhiều vô số kể, nhưng điều trước tiên là ta phải biết lắng nghe và thấy (văn), rồi suy nghĩ cho thật đúng (tư), để từ đó rút ra những kinh nghiệm sống ở đời. Cố gắng đừng để cho dục vọng nó lấn lướt lý trí của ta. Đừng để cho sự bỏn xẻn ích kỷ nó chen vào cái nghe, cái thấy và cái sinh hoạt hằng ngày của ta. Khi đã nghe, thấy và suy nghĩ thật cân nhắc rồi thì phải suy nghiệm (tu). Thí dụ ta thích chạy theo đua đòi, thì ta phải xem coi những cái xa hoa đua đòi nầy sẽ đưa ta đến đâu. Nó có tạo cho ta một cuộc sống thanh bình và an lạc hay không? Thử xem xa hoa đua đòi có bắt ta còng lưng ra làm để được những thứ xa hoa ấy hay không? Nếu có, xin hãy xét lại xem có nên xa hoa phung phí hay không? Người biết suy nghiệm như vậy là người biết tu và người ấy chắc chắn sẽ có một cuộc sống an lạc và thanh tịnh.

193. TA HỌC ĐƯỢC GÌ Ở NGÀI QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT?

Mỗi người trong số Phật tử chúng ta đã đọc đi tụng lại không biết bao nhiêu lần cái bài Bát Nhã Tâm Kinh. Nhưng chúng ta đã học được những gì ở Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát? Trước nhất ta hãy tìm hiểu thêm về Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Theo Đức Phật thì Ngài Quán Tự Tại là người đã thực hành sâu về trí huệ Bát Nhã và thấy được rằng ngũ uẩn đều là không thì liền được qua khỏi mọi khổ nạn. Tức là Ngài dùng trí huệ mà quán sát rằng cái thân năm uẩn nầy nó không có thật. Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức đều là giả. Tại sao? Vì nếu ta cho rằng cái thân nầy (sắc) là có thật thì ta sẽ chỉ mãi mê lo bồi đắp cho nó mà thôi. Có thể vì lo bồi đắp cho nó mà ta tạo thêm những ác nghiệp. Ngài Quán Tự Tại dùng cái trí huệ Bát Nhã mà thấy rằng thân nầy là giả hợp. Chúng chỉ là đất, nước, lửa, gió do duyên hợp lại mà thôi. Chúng ta cũng tập thấy như Ngài để mà chấm dứt cái lăng xăng suốt ngày chỉ vì lo cho nó. Thấy như vậy để thay vì lo cho nó, ta biết tu cho nhẹ bớt nghiệp đi.

Cái thân đã không phải là thiệt của mình, còn cái Thọ có phải là của mình hay không? Thọ là gì? Thọ là sự nhận chịu. Thọ chỉ có được sau khi mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Thí dụ như tai nghe, mắt thấy… Tuy nhiên, những thứ nầy, trước khi ta nghe nó có không? Trước khi ta thấy nó có không? Chắc chắn là không. Tỉ như mình đui hoặc điếc thì mình có nghe không? chắc chắn là không. Chỉ khi nào tiếng nói chạm vào màng nhĩ mình thì mình mới sanh phiền não. Thế cho nên, nếu có tiếng chửi mà không có màng nhĩ để thọ thì không có chuyện gì xãy ra cả. Ngài Quán tự Tại thấy cái Thọ cũng là giả. Chúng ta cũng tập thấy như Ngài Quán Tự Tại để không bị cái mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nó sai khiến ta suốt hết ngày nầy đến ngày khác.

Cái Thọ đã là giả rồi, giờ ta thử xem cái Tưởng nó có thiệt không? Tưởng là Tâm Tưởng. Nhiều khi mình chợt nhớ một địa danh nổi tiếng nào đó, tuy mình chưa từng đặt chân đến bao giờ, nhưng cũng cố hình dung ra sự đẹp đẽ của nó. Quả thật là cái tâm tưởng của ta nó quá quắc mà, chưa từng biết mà cũng dám tưởng tượng cho ra được. Thấy như vậy đó mà Ngài Quán Tự Tại quán cái Tưởng là không có thật. Ta hãy học và bắt chước nơi Ngài để cho tâm ta được thanh tịnh hơn.

Hành uẩn có thật không? Hành là cái suy nghĩ của ta. Mỗi ngày ta có bao nhiêu cái suy nghĩ? Theo sự nghiên cứu của các nhà bác học thì mỗi ngày có ít nhất phải là sáu mươi chín ngàn (69.000) niệm. Ô hô! Nếu nói là cả cái 69.000 niệm là của ta hết thì chỗ đâu mà ta chứa cho hết?

Chính vì vậy mà Ngài Quán Tự Tại thấy hành là không phải thật của ta, mà chúng là giả tạm, chúng mượn trạm nầy để đến rồi đi. Nếu chúng ta mà chấp chặt lấy chúng là chúng ta chỉ mang thêm khổ vào thân mà thôi. Hãy học theo Ngài Quán Tự Tại để thấy rằng Hành là liên tục sanh diệt, cho nên nó không có thiệt.

Bốn cái Sắc, Thọ, Tưởng và Hành đều là giả hết rồi.

Bây giờ ta hãy thử xem coi cái Thức nó có thiệt hay không? Thức là gì? Thức là sự phân biệt giữa cái nầy với cái kia. Lấy cái gì để phân biệt? mắt phải thấy, tai phải nghe, mũi phải ngửi…Đó là cái phân biệt của lục căn. Như trên đã nói thân nầy đã là giả tạm, thì sáu căn làm sao mà thiệt cho được. Mà dùng cái không thiệt để phân biệt thì làm sao mà có cái thực cho được. Như vậy thì thức cũng phải chịu chung cái số phận giả tạm như những thứ kia thôi.

Tóm lại, Ngài Quán Tự Tại đã dùng trí huệ Bát Nhã để thấy rằng cả năm uẩn đều là giả tạm, không có thiệt. chính vì vậy mà Ngài liền dứt trừ được hết thảy mọi đau khổ. Khi mọi đau khổ đã dứt lìa, không tự tại chứ là gì? Xin hãy tập được như Ngài Quán Tự Tại để không còn phải chịu khổ; chẳng những ở đời nầy, mà là đời đời kiếp kiếp sau nầy.

194. MƯỜI ĐẠI NGUYỆN TRONG BÀI SÁM PHỔ HIỀN

Các Ngài Bồ Tát đã lấy từ bi làm lòng, nên chúng sanh khổ là các Ngài khổ, chúng sanh vui là các Ngài vui, tất cả công hạnh tu tập chính là vì chúng sanh mà tu tập. Thế nên Bồ Tát có bao nhiêu công đức đều đem hồi hướng cả cho pháp giới chúng sanh, mong cho muôn loài chóng thoát khỏi sanh tử, và đồng sớm được thành Phật. Chính vì vậy mà Ngài Phổ Hiền đã có mười điều nguyện:

1. Nhứt giả Lễ Kỉnh Chư Phật.

2. Nhị giả Xưng Tán Như Lai.

3. Tam giả Cúng Dường chư Phật.

4. Tứ giả Sám Hối Nghiệp Chướng và Tội Lỗi.

5. Ngũ giả Tùy Hỉ Công Đức.

6. Lục giả Thỉnh Cầu Chư Phật thuyết pháp độ sanh.

7. Thất giả Thỉnh Phật Trụ Thế (ở lại đời).

8. Bát giả Thuận theo Phật pháp (học theo Phật).

9. Cữu giả Hằng Thuận (làm lợi) Chúng Sanh.

10. Thập giả Hồi Hướng Công Đức.

Chúng sanh cứ mãi lưu lãng trong vòng sinh tử luân hồi do bởi chạy theo trần lao mà quên đi cái giác tánh sẳn có của mình. Trần lao là thứ vô thường, cho nên một khi đã theo nó thì cũng phải lưu chuyển như nó thôi. Nếu chúng sanh biết hồi đầu thức tỉnh, rời trần lao mà xoay về giác tánh thời thoát khỏi luân hồi. Vì giác tánh là bổn thể chơn như thường trụ. Bởi thế, Bài sám Phổ Hiền nầy có ý khuyên chúng sanh đem thân mạng về nương với Phật, Pháp, Tăng. Lội ngược dòng trần lao mà về với giác tánh. Một khi đã về nương với Tam Bảo mới nhận chân ra được những điều hay lẽ thiệt của các Đức Như Lai, rồi từ đó mới phát lòng khen ngợi. Khen ngợi ở đây không có nghĩa khen ngợi tầm thường của thế tục, mà là tán thán chân lý. Cúng dường mà Ngài Phổ Hiền phát nguyện ở đây không chỉ riêng cho các đức Phật, mà là cúng dường ngay cho Đức Phật ở trong ta, đức Phật mà ta mới tìm thấy và quay về.

Điều nguyện thứ tư là quan trọng lắm. Do bởi thấy rõ điều hay lẽ thiệt của các đức Phật, mới vỡ lẽ ra là ở nơi ta từ vô thỉ đến nay kết cấu vô biên nghiệp hoặc. Muốn thành tựu công đức, trước hết phải trừ sạch nghiệp chướng mà ta đã tạo ra trong quá khứ và nguyện rằng kể từ nay và mãi mãi về sau con sẽ không bao giờ tái phạm. Sám hối tội chướng chẳng những cho việc ác tiêu trừ, mà còn phải nguyện không tái phạm thì mới được gọi là sám hối. Vui theo việc thiện của người khác là ở nơi công đức của người mà mình có quan niệm tán thán kính mộ, và nguyện sẽ bắt chước theo người mà làm những việc thiện lành. Chính bởi lẽ đã thấy những lợi lạc của việc tu học ấy mà luôn tâm nguyện, cầu thỉnh Phật thuyết pháp.

Ở đâu có thuyết pháp đều phát tâm đi nghe để vừa được lợi lạc mà cũng vừa bớt chạy theo trần lao. Hơn nữa, một khi mình biết được điều hay lẽ thật là phát tâm chia xẻ cho mọi người đều được biết để cùng nhau tu học. Nghe quý thầy nói những điều hay lẽ thiệt bèn phát tâm nói lại cho người khác nghe, hoặc viết lại cho người khác đọc để cùng nhau chia xẻ sự lợi lạc. Hồi hướng công đức lành đến mọi loài chúng sanh đều được lợi lạc an vui ấy là bổn nguyện của chư Bồ Tát. Lòng của Bồ Tát lúc nào cũng tha thiết đến sự lợi lạc của mình và của người. Chẳng những người xuất gia nguyện tu theo hạnh của Ngài Phổ Hiền, mà Phật tử tại gia cũng nên phát tâm tu theo hạnh nguyện của Ngài, hầu biến cõi Ta Bà nầy ra cõi Trang Nghiêm thanh tịnh.

Pages: 1 2 3 4 5