ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP II
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

141. Đức Phật Và Con Đường Hạnh Phúc
142. Nhân Sinh Quan Của Đạo Phật
143. Lục Đạo Mà Phật Đã Nói Trong Loài Hữu Tình
144. Bốn Loài Hữu Tình
145. Ba Cõi
146. Ngũ Thừa Trong Đạo Phật
147. Đi Tu Là Đi Chăn Trâu
148. Đạo Phật Bắt Đầu Từ Đâu?
149. Sống Tỉnh Thức
150. Phân Thân Trong Khi Tu Học
151. Tu Là Phải Biết Chưng Diện
152. Phật Đã Thực Sự Diệt Độ Chưa?
153. Bốn Sự Thật Cao Quý
154. Khái Niệm Về Tu Hành Và Gia Đình Có Gắn Liền nhau Không?
155. Sự Lựa Chọn Cách Sống Của Người Phật Tử
156. Tám Con Đường Cao Quí Đưa Ta Đến Giác Ngộ
157. Người Phật Tử Tại Gia
158. Năm Món Diệu Hương Để Cúng Phật
159. Phật Giáo Và Việc Thờ Hình Tượng
160. Đạo Phật Là Đạo Của Ai?

141. ĐỨC PHẬT VÀ CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay chúng ta có cái mai mắn không cùng tận là chúng ta đã và đang thừa hưởng cái con đường đi đến chân hạnh phúc mà Đức Phật đã vạch ra. Không phải chỉ với sáu năm tu khổ hạnh trong vùng rừng núi, và cũng không phải chỉ có bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ Đề mà Ngài đạt thành chánh quả đâu. Mà là từ vô lượng kiếp về trước Ngài đã tu, Ngài đã tìm cách mở ra cho được con đường đi đến chân hạnh phúc.

Con đường đi đến chân hạnh phúc là con đường thế nào? Là con đường mà tâm ta quay về với cái tánh tự nhiên của ta. Cái tánh ấy vốn rộng lớn bao la như vũ trụ, tràn đầy tình thương yêu trong sáng, tràn đầy sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc bao la sâu thẳm. Chính Ngài đã mở cánh cửa kỳ diệu của đời sống con người ấy. Ngài đã chỉ vạch cho chúng ta thấy rằng chúng ta có đầy đủ những thứ mà chúng ta đang mong muốn tìm kiếm. Ngài dạy chúng ta rằng chỉ cần để tâm mình trong sáng, tỉnh thức, linh động và bén nhạy thì tự nhiên tâm ta sẽ tỏa chiếu sự thông minh, sự hiểu biết chân thật, tình thương yêu tươi mát rộng lớn, và niềm an vui vô cùng vô tận sẽ trải dài ra trước mắt ta.

Cái con đường hạnh phúc ấy nó không nương tựa vào điều gì cả, nó giống như bầu trời không một áng mây che, ánh sáng tỏa chiếu khắp muôn phương. Chính Đức Phật đã chiêm nghiệm được cái con đường hạnh phúc ấy và Ngài muốn cho mọi chúng sanh đều chiêm nghiệm được như Ngài. Ngài đã nhấn mạnh rằng cái khả năng chiêm nghiệm và thành đạt đến con đường chân hạnh phúc ở mỗi chúng sanh đều đồng đều, không phân biệt huyết thống, màu da, chủng tộc, giàu nghèo, hèn sang. Phật tánh sẳn có ở mỗi chúng đều bình đẳng như nhau.

142. NHÂN SINH QUAN CỦA ĐẠO PHẬT

Nhân sinh quan hay hữu tình quan trong đạo Phật là cái nhìn của Phật về các loài hữu tình. Hữu tình hay chúng sanh chỉ chung cho tất cả các động vật có sinh mạng, không phải chỉ riêng loài người mà thôi. Hữu tình có sáu đường, bốn loài và ba cõi. Sáu đường hay lục đạo: Trời, Người, Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục, và A-tu-la.

Chúng sanh vì tạo các nghiệp khác nhau rồi bị nghiệp lực thúc đẩy, dẫn dắt đến sáu loài đầu thai từ cõi nầy đến cõi khác. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, như bánh xe xoay vần không bao giờ ngừng nghỉ, cho nên các Đức Phật gọi đó là luân chuyển trong lục đạo.

Trong lục đạo có ba đường lành là Trời, Người và A-tu-la; và ba đường ác là Súc sanh, Ngạ quỉ và Địa ngục.

Chúng sanh lại chia ra làm bốn loài từ Thấp sanh, Hóa sanh, Noãn sanh và Thai sanh.

Lại nói ba cõi của hữu tình là Cõi Dục, Cõi Sắc, và Cõi Vô Sắc.

143. LỤC ĐẠO MÀ PHẬT ĐÃ NÓI TRONG LOÀI HỮU TÌNH

Phật đã dạy nhơn sanh do mê lầm tạo ra hành động, do hành động bị dẫn đến quả khổ của sanh tử ở trong lục đạo, khó mà thoát ra. Mê lầm tức là vô minh, si ám. Hành động tức là hành vi tạo tác. Vì xung động mê lầm nên con người phát sinh các thứ hành vi, sự dồn chứa hành vi sẽ sanh ra lực có khả năng dẫn dắt chúng ta luân hồi; hoặc vào địa ngục, hoặc làm ngạ quỉ, hoặc làm súc sanh, hoặc vào cảnh giới A-tu-la, hoặc đầu thai làm người, hoặc sanh lên cõi trời.

Sanh về cõi trời có nghĩa là sáng suốt, thanh tịnh, tự tại. Người sanh về cõi trời được thọ vui nhiều hơn khổ. Sự ăn mặc, lầu đài cung điện đều sung sướng tốt đẹp cả. Người sanh lên cõi trời không thiếu thốn về vật chất. Chúng sanh nào giữ được năm giới và thực hành mười điều thiện sẽ được sanh lên cõi trời hưởng thọ phước báo, đương nhiên là phước báo thắng diệu hơn ở cõi nhân gian.

Sanh vào cảnh giới A-tu-la, nghĩa là tánh tình xấu xa, phước không bằng chúng sanh ở cõi trời. Ai sanh về cõi nầy, phước báo gần giống như cõi trời, nhưng tánh tình vẫn còn thích chuyện đấu tranh. Người có phước báo, nhưng có nhiều tham vọng, dối trá, kiêu mạn, tâm thường chứa đầy tức giận, chấp trước sẽ được sanh vào cõi nầy.

Cõi người, tức là được lại làm người. Chúng sanh ở cõi nầy, vui khổ lẫn lộn, thường bị cảnh khổ sở thiếu thốn, đói khát, lạnh lẽo, nóng nực, sợ sệt… Chúng sanh trong cõi nầy, tâm luôn bị các thống khổ về sanh, lão, bệnh, tử, chia ly, thương ghét. Cái khổ của chúng sanh ở cõi người gồm đủ loại: Khổ khổ, Hoại khổ, và Hành khổ.

Sanh cũng là khổ, già cũng khổ, bịnh cũng khổ, chết cũng khổ, phạm tội bị tù đày trói buộc cũng khổ. Tình ái thương yêu cũng khổ, chia ly oán hận cũng khổ, cầu không đặng cũng khổ, ghét mà phải ở chung cũng khổ…

Sanh vào loài súc sanh, nghĩa là loài sanh vật bị người đời ăn thịt hoặc sai khiến. Loài súc sanh chẳng bao giờ được đi thẳng như con người. Chúng sanh nào sống ngu độn, độc ác và tàn bạo thì sanh vào loài súc sanh.

Sanh vào ngạ quỉ, tức là quỉ đói. Quỉ đói có nhiều loài. Nếu chúng sanh nào sống bỏn xẻn, ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình mà sống chết mặc bây, sẽ sanh vào ngạ quỉ. Tuy nhiên, loại còn chút ít phước đức, sẽ được sanh làm ngạ quỉ ở vùng gò miếu và rừng núi; loại không còn chút phước đức nào thì sẽ sanh vào những chỗ bất tịnh, ăn uống thất thường, đói khát ngày đêm. Loài ngạ quỉ thường cổ nhỏ như cây kim, thấy cái gì cũng muốn, nhưng đâu có cho vào bụng được. Khi đồ ăn nào vào miệng được thì tự nhiên trở thành lửa đỏ, phải chịu đại khổ não cùng kiếp.

Sanh vào địa ngục là lảnh đủ mọi cực hình khổ não, không bao giờ được an vui, ở chỗ tối tăm, luôn bị tra tấn. Chúng sanh nào phạm vào các nghiệp sát nhơn cực ác sẽ bị rơi vào cõi nầy.

144. BỐN LOÀI HỮU TÌNH

Bốn loài hữu tình gồm có: Thấp sanh, hóa sanh, noãn sanh và thai sanh.

Thấp sanh là loài sanh ra do sức nóng lạnh hòa hiệp lại. Loài nầy ở chỗ ẫm thấp, nương theo chất ướt mà thọ hình như côn trùng và sâu bọ.

Hóa sanh không nương theo chủng tộc, cũng chẳng nhờ nhơn duyên cha mẹ, không chỗ nương tựa, loài nầy tự biến hóa sanh ra như chúng sanh ở cõi trời và địa ngục. Ngoài ra, hóa sanh còn là những loài đã có rồi, mà tiến hóa lên thay hình đổi thể.

Noãn sanh là loài tạo ra hình thể từ trong trứng. Đúng ngày trứng nở mà sanh ra như gà, vịt, chim…

Thai sanh là loài được sanh ra từ trong thai mẹ thành cơ thể như người, trâu, bò, ngựa…

145. BA CÕI

Ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô Sắc.

Cõi Dục nghĩa là cõi của ái dục. Có hai thứ dục: Dâm dục và Thực dục. Dâm dục là ham muốn nam nữ, thực dục là ham muốn về vật chất. Chúng sanh nào sanh ra ở cõi dục đều có năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chúng sanh từ ở cõi trời, a-tu-la, người cho đến địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh đều ở trong cõi Dục nầy.

Cõi Sắc ở trên cõi dục một bực. Chúng sanh trong cõi nầy không có dâm dục và thực dục. Tuy nhiên vẫn chưa thoát được các mối phiền trược. Cõi nầy chia ra làm bốn cõi: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền.

Cõi Vô Sắc là cõi cao hơn cõi sắc một bực. Chúng sanh trong cõi nầy không có thân thể, hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc của vật chất. Chúng sanh trong cõi nầy thường trụ trong các thiền định thâm diệu. Cõi Vô Sắc gồm: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.

146. NGŨ THỪA TRONG ĐẠO PHẬT

Ngũ thừa trong đạo Phật gồm: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa.

Nhơn thừa là thừa trọng tâm trong Phật giáo vì chính chúng sanh trong thừa nầy có thể tu hành hướng thượng. Tuy nhiên, Đức Phật dạy muốn bảo tồn thân người, nghĩa là được đầu thai lên làm người trở lại thì ta phải phụng trì ngũ giới: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Thiên thừa tức là cõi trời, an vui hơn cõi người, và cũng ít thọ khổ hơn cõi người. Tuy nhiên, muốn được sanh vào cõi trời, chúng sanh phải giữ thập thiện tức là thực hành mười điều lành. Năm giới cấm trong cõi người chỉ nhằm ngăn ngừa việc ác và nằm trong phạm vi tiêu cực, còn mười điều lành trong cõi trời chính là phần phụng hành tích cực. Mười điều lành gồm: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không hổn hào, không nói thiêu dệt, không tham dục, không tức giận, và không tà kiến. Ý nghĩa của mười điều lành là xa lìa sự giết hại các sinh mạng, xa lìa tà dục, xa lìa sự nói dối, xa lìa các lời nói ly gián hoặc nói lưỡi hai chiều. Không đến bên nầy nói một đường, đến bên kia nói một nẽo, làm cho đôi bên tức giận nhau. Xa lìa lời nói thô ác, tức là chớ để tâm giận nổi lên mắng nhiếc mọi người. Xa lìa vọng ngữ, tức là không nói sai sự thật và không tạo chuyện không mà nói có, có mà nói không. Không thêu dệt, trau chuốt, điêu ngoa, khiến xiêu lòng người.

Thanh Văn thừa dùng pháp Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) để tu cho đến chứng quả Thanh văn.

Duyên Giác thừa tu theo cách quán mười hai nhân duyên để được chứng quả Bích Chi Phật.

Bồ Tát Thừa thực hành lục độ để chứng quả vị Phật.

147. ĐI TU LÀ ĐI CHĂN TRÂU

Đức Phật đã ví vọng tâm của chúng sanh như là loài trâu hoang. Trâu hoang là trâu chạy lung tung không định hướng, còn vọng tâm là một thứ tâm lăng xăng, cứ mãi lo nghĩ thị phi. Chúng ta đang lăng lăng lộn lộn trong cuộc thị phi nầy có khác gì loài trâu hoang kia đâu. Bởi vậy Đức Từ Phụ đã nói đi tu cũng giống như đi chăn trâu vậy. Nghĩa là đi tu là kéo cái tâm thị phi điên đảo kia về với cái chơn tâm của từ bi hỷ xả; cái chơn tâm trong sáng, phẳng lặng; cái chơn tâm bất sanh bất diệt. Nếu Đức Từ Phụ đã ví chuyện tu như chuyện chăn trâu thì chuyện tu đâu có khổ. Việc gì cũng vậy, đều do thói quen. Chăn trâu mà hễ thấy trâu vừa xoay mặt thì ta biết ngay trâu muốn làm gì để mà chăn cho nó kịp thời, thì việc tu cũng vậy, hễ tâm vừa gợn lên vọng niệm là ta biết đấy là vọng niệm mà đừng theo.

Con trâu hoang, với toàn thân bao phủ một màu đen, không người chăn giữ, có thể gây thiệt hại cho mùa màng chẳng những của chủ trâu mà còn cho bá tánh nữa. Như vậy phải làm sao? Muốn tránh cảnh trâu dậm đạp lúa mạ thì phải có những mục đồng giỏi, biết cách và có thể điều khiển được trâu. Trâu ở đây là gì? Trâu ở đây chính là cái tâm lăng xăng của chúng ta đấy. Toàn thân màu đen ở đây ám chỉ nghiệp đen tối, hung ác, tội lỗi của chúng sanh. Còn mục đồng ở đây là ai? Mục đồng ở đây có thể là một Bồ Tát, hay một chơn tăng, xông vào trần tục để cứu độ chúng sanh thoát vòng khổ não.

Nhìn hình ảnh chú mục đồng nhỏ thó mà con trâu đen huyền đang lồng lộn, ta thấy quả là khó khăn cho chú mục đồng. Tuy nhiên, mạnh dùng sức, yếu dùng chước, và rồi lúc nào phần thắng cũng nghiêng về bên trí huệ. Cũng giống như theo đạo Phật là lội ngược dòng đời, thế mà nhờ đuốc từ bi của Phật Tổ mà biết bao nhiêu vị tổ đã đắc quả.

Muốn chăn dẫn trâu hoang cho thành thuần thục thì việc trước tiên là ta phải tìm cho được trâu, xem coi nó ở đâu. Phàm phu thì cứ tưởng là đã mất trâu, mà mãi mê tìm kiếm. Thật sự thì trâu có mất đâu. Trâu vẫn còn đấy, cũng như tâm ta vẫn còn đấy. Thế mà ta cứ bị những giác quan nó dẫn dắt ta đến nỗi ta lạc mất tâm ta. Trớ trêu thay, ta đang êm đềm cỡi trâu mà ta nào có hay. Nghĩa là nhứt thiết chúng sanh đều có chơn tâm, Phật tánh đầy đủ. Thế mà ta cứ hướng ngoại để tìm tâm. Mặc dù ta đã nhiều lần thay đổi hình dạng trong đường lục đạo, nhưng chơn tâm ấy vẫn là chơn tâm. Nó chỉ bị ẩn khuất mà thôi.

Đã biết chơn tâm vẫn thường hằng ở trong ta, nhưng làm sao để thấy được nó đây? Một khi đã biết được chỗ ẩn náo của trâu và quyết tâm chăn cho được nó, tuy chưa bắt được nó, nhưng việc chăn nó cũng không là nan sự. Một khi ta đã biết cái chơn tâm kiến tánh nó nằm ở ngay trong ta, thì vấn đề chỉ là ta có muốn đạt cho được nó hay không thôi. Nếu muốn đạt cho được nó thì ta phải tu.

Con đường tu tập tuy rất dài và rất khó, nhưng không phải không làm được.

Người chăn trâu, sau khi đã thấy trâu rồi, cũng giống như khi ta đã nhận ra chính cái vọng tâm là giặc ở trong ta, đã tạo ra các điều hung ác và sanh khởi ra các niệm không lành làm cho Phật tánh của ta bị lu mờ. Ấy chính là cái duyên cho chơn tâm ẩn khuất. Nhận thức được như vậy mà nhứt định một vọng niệm cũng không khởi, thì cái chuyện ngộ được chơn tâm chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Cái cảnh chú mục đồng bắt được trâu có khác chi người học đạo biết áp dụng tứ nhiếp pháp mà tu tập, hoặc tham thiền nhập định mà câu thúc vọng tâm.

Người mục đồng, tuy thả cho trâu đi ăn cỏ, nhưng luôn xỏ mũi trâu, vì vẫn còn sợ trâu sút chạy thì khó lòng bắt lại; cũng giống như người Phật tử phải luôn luôn giữ gìn giới luật cho nghiêm trang, vì tâm mình thường hay dối gạt mình lắm. Cho nên chưa chứng được quả A-la-hán thì chưa tin được tâm mình đâu.

Cái cảnh mục đồng ngồi thong dong tự tại trên lưng trâu và cỡi về nhà cũng giống như người tu hành, sau khi giữ giới và hành trì những gì Như Lai đã chỉ dạy thì có quyền ung dung tự tại đi vào nhà Như Lai. Trong Kinh Pháp hoa nói: “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.” Nhà Như Lai ở đây có nghĩa là từ bi, áo Như Lai ở đây có nghĩa là nhu hòa nhẫn nhục, Toà Như Lai ở đây có nghĩa là các pháp không: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không tham, không sân, không si.

Chăn cho tới lúc nào đó không thấy trâu đâu, mà chỉ còn lại vỏn vẹn có chú mục đồng. Con trâu tượng trưng cho những thú tánh tàn ác, còn chú mục đồng tượng trưng cho cái Phật tánh. Thú tánh không có thực thể, nên chi chúng sanh biết cải tà qui chánh thì tự nhiên tất cả các thú tánh tội lỗi đều tan biến và tự nhiên cái Phật tánh nó hiển lộ ra.

Lúc nầy thì cả trâu lẫn người đều không còn. Trâu tu luyện lâu rồi thì trí huệ cũng sẽ như chú mục đồng kia. Ý nói khi người Phật tử đã có trí huệ như Phật, nhận rõ thân người, thân chúng sanh và thân các pháp đều vô ngã, tức là đã ngộ được chân không và pháp không rồi vậy.

Chân tâm vốn thanh tịnh và bất động thì làm gì có đi có đến, có ra có về. Cái chơn tâm nơi Phật và cái chơn tâm nơi chúng sanh không bao giờ sai biệt, không lớn hơn, mà cũng không nhỏ hơn. Chỉ vì vọng tưởng bấy lâu nay mà chấp trước, mà xa lìa nó, mà không thể thấy được nó. Nếu xa lìa vọng tưởng chấp trước thì Thanh tịnh trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí tự nhiên hiện tiền như gương đã được lau sạch hoàn toàn.

Khi gương đã sạch bụi rồi, cũng như trâu và người đã không còn thì cũng giống như vạn duyên đà dứt sạch. Lúc ấy người Phật tử cứ thẳng đường vào nhà Như Lai thái bình, thanh tịnh.

148. ĐẠO PHẬT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Đạo Phật bắt đầu từ khi Đức Thế Tôn ra đời tại Nepal, Ấn Độ, cách nay trên hai ngàn năm trăm năm. Thái Tử Sĩ Đạt Tha, con vua Tịnh Phạn và bà Hoàng Hậu Ma Gia, tại một vương quốc nhỏ ở phía bắc Ấn. Thái Tử ra đời trong một xã hội vô cùng hổn độn, đầy dẫy những bất công. Đức Thế Tôn đã làm một cuộc cách mạng con người, một cuộc cách mạng vĩ đại không tiền khoáng hậu.

Mỗi bước chân Ngài đi qua là một đóa sen nở với những hương thơm ngạt ngào, không riêng gì ở Ấn Độ, mà là ở khắp năm châu. Lúc Pháp sư A-tư-đà vào làm phép cho Thái Tử, ông đã khóc mà rằng ông sẽ không có cơ hội học đạo Vô Thượng Bồ Đề với một vị Phật tương lai. A-tư-đà đã tuyên đoán là thái tử hoặc sẽ là chuyển luân thánh vương, hoặc sẽ là một người giác ngộ rốt ráo. Từ khi nghe được những lời tiên đoán nầy, vua Tịnh Phạn lấy làm lo lắng. Từ đó nhà vua ngày đêm huấn luyện cho thái tử văn thơ và võ nghệ, những mong sau nầy thái tử sẽ kế vì vua cha mà chăm lo việc nước.

Ngay khi còn nhỏ, thái tử đã tỏ ra là một con người có lòng nhân đức. Có một lần, Đề-bà-đạt-đa bắn một con thiên nga rớt vào vườn Lộc Uyển của thái tử. Thái tử đã đem chim vào mà săn sóc vết thương. Sau đó, Đề-bà-đạt-đa và thái tử cùng giành nhau con thiên nga. Đề-bà-đạt-đa cho rằng chính mình đã bắn rớt chim, vậy thì chim phải thuộc về mình. Còn thái tử thì cho rằng chim phải thuộc về ai thương chim. Trong lúc tranh cãi thì triều đình có khuynh hướng thiên về Đề-bà. Tuy nhiên, sau tiếng ho của vua Tịnh Phạn, thì mọi người đều đồng ý cho là thái tử có lý. Tuy thắng cuộc, nhưng thái tử cứ mãi âu lo về cuộc sống nầy vì Ngài đã thêm một lần mắt thấy tai nghe về cái sức mạnh của uy quyền và bạo lực.

Vào thời thái tử sanh ra, chỉ có Bà-la-môn là tối cao và Phạm thiên có uy quyền tối thượng. Phạm thiên là chủ tể, cho nên việc tế lễ Phạm thiên là việc phải làm. Mà mỗi lần tế lễ Phạm thiên đâu phải là ít tốn kém. Thế thì những người nghèo làm sao? Tiền bạc đâu để tế lễ Phạm thiên đây? Mà không tế Phạm thiên (nghĩa là không đút lót gì cho Phạm thiên) là bất kính với Phạm thiên và người ta tin rằng hạng người nầy sẽ đời đời làm nô lệ. Như vậy thử hỏi Phạm thiên có công bằng với tất cả mọi người hay không? Đó chẳng những là cái khổ của con người trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, mà còn là cái khổ chung của chúng sanh. Ai cũng chỉ cho mình là Phạm thiên và cho những hạng khác là cùng đinh. Xã hội chính vì vậy mà càng đau khổ hơn, càng thù hận hơn. Đức Phật đã nhìn thấy ngay khi Ngài còn nhỏ những bất công ấy. Ngài đã nhìn thấy cá lớn nuốt cá bé; chim nhỏ ăn trùng; chim lớn ăn chim nhỏ; kên kên nuốt chim lớn; thú lớn ăn thú nhỏ; người bắt thú… Ngài đã vô cùng băn khoăn và từ đó Ngài đã quyết lòng đi tìm cho ra manh mối của những trở ngại nầy để mà tìm đường giải thoát cho chúng sanh.

Ngài nhận thấy đời là một đấu trường mà mọi người đều phải chiến đấu, không thể nào chạy ra ngoài được. Ngài đã thấy rõ quyền bính, giàu sang và sắc đẹp không phải là cứu cánh của cuộc đời. Ngài đã nhìn thấy hạ tiện hay không hạ tiện, không phải do giai cấp, mà là do hành động và ngôn ngữ của mình. Rồi Ngài lại thấy thêm cái cảnh đau đớn của Công Chúa Gia Du lúc hạ sanh La-hầu-La. Ngài thấy rõ cuộc sống của con Ngài bắt đầu bằng một tiếng khóc, ôi đau khổ cho cuộc đời thế tục! Từ đó Ngài quyết chí xuất gia tìm chơn giải thoát cho mình và cho người. Sau bao năm tu tập, Ngài đã tìm ra con đường giải thoát cho chúng sanh.

Phật pháp mà Ngài tìm ra có hai Đế: Chân Đế và Tục Đế. Nếu ta đứng hẳn về chân đế, xa rời tục đế thì chúng ta sẽ không tìm được miếng cơm manh áo. Ngài dạy chúng sanh không xa rời tục đế, mà phải mượn cái tục đế để hướng về chân đế, để nhìn thấy những cái thực của tục đế, thấy sự giành giựt, đau khổ của thế gian để mà xa lìa chúng. Thấy để mà tự quán sát mình. Thấy để không đánh mất mình. Ngài đã chỉ dạy rằng hãy đi con đường trung đạo. Hãy đứng trong chân đế để thấy tục đế, và hãy đứng trong tục đế để thấy chân đế, dù chỉ là thấy được một phần.

Sau khi đọc Kinh Vệ Đà, thì thái tử đã đặt lại vấn đề về sự phục vụ của Kinh Điển. Ngài thấy rõ Kinh Điển mà Phạm thiên đã đặt ra là cho ai. Có chăng là chỉ cho một thiểu số Bà-la-môn mà thôi. Đó là một truyền thống ích kỷ và chính đó là đầu dây mối nhợ của các sự bất công trong xã hội. Ngài đã thấy rằng vì quyền lợi riêng của giai cấp mình mà Bà-la-môn đã tạo ra kinh điển, chỉ để phục vụ cho giai cấp họ mà thôi. Từ đó, Ngài đã đặt lại vấn đề, và kết quả là Ngài đã tìm được con đường giải thoát, chẳng những cho mình, mà còn cho chúng sanh nữa. Kinh điển của Ngài là cho mọi người và mọi giai cấp. Ngài hoàn toàn bác bỏ khái niệm về Phạm thiên đã tạo ra mọi loài, vừa làm giáo chủ, vừa làm bá chủ thiên hạ. Đức

Thích Ca Mâu Ni đã tạo ra đạo Phật với một sắc thái đặc biệt. Dù chính Ngài đã sáng tạo ra đạo Phật, nhưng Ngài đã khẳng quyết đạo Phật không có giáo chủ. Ngài nói rằng Ngài chỉ là người dẫn đường cho chúng sanh thoát khỏi biển sanh tử luân hồi, chứ Ngài không là chúa sáng thế. Ngài chỉ đưa ra những lời khuyên dạy chúng sanh làm cho đúng để được giải thoát. Làm hay không làm là còn tùy ở chúng sanh.

149. SỐNG TỈNH THỨC

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất, một xã hội chỉ biết có đua chen, một đấu trường xã hội mà trong đó con người là những đấu sĩ, phải liên tục đấu tranh, giành giựt và tranh sống như những chiến sĩ. Nếu chúng ta không chen chân vào thì chúng ta sẽ bị nó đào thải, còn nếu chen chân vào thì chúng ta cũng sẽ bị quay cuồng như bao nhiêu người khác. Chúng ta phải làm sao đây? Đức Phật đã dạy: “Xin hãy sống, hãy tạo sự nghiệp, miễn đừng làm phương hại đến người khác.” Nhưng mà sống đấu tranh thế nào mà không phương hại đến người khác đây? Cũng chính Đức Phật dạy rằng chúng ta hãy sống trong tỉnh thức, sống an nhiên tự tại, thì tự nhiên chẳng những ta được lợi lạc, mà người cũng được lợi lạc.

Thế nào là sống là sống trong tỉnh thức?

Sống trong tỉnh thức là biết rằng trong cuộc đời nầy không có cái gì tồn tại lâu dài. Mọi việc đến rồi đi một cách tự nhiên, ngay cả thân ta. Hể thuận duyên thì thành, mà nghịch duyên thì diệt. Sống trong tỉnh thức là không luyến tiếc quá khứ, không ưu tư tương lai, vì luôn biết rằng:

Quá khứ đã qua rồi
Còn tương lai thì chưa đến.

Thói thường ta chỉ thích đón nhận những sung sướng, những hạnh phúc và sợ hãi trốn tránh những đau khổ. Người sống trong tỉnh thức là người biết sống an trú trong hiện tại, không sợ hãi bất cứ cái gì xãy đến với ta. Nên nhớ rằng sợ hãi sẽ đeo đẳng ta nếu ta tìm cách trốn, mà không tìm cách diệt nó. Tại sao ta lại không chấp nhận hiện tại, mà lại đi suy nghĩ viễn vong về những chuyện đã qua, hoặc những chuyện chưa tới. Hãy tạm gọi quá khứ, hiện tại và tương lai là những cái gông của cuộc đời đi, thì ta sẽ thấy rõ trên đời nầy ta muốn mang bao nhiêu cái gông. Nếu chúng ta lẩn thẩn với cả ba thứ quá khứ, hiện tại và vị lai, tức là ta chấp nhận mang vào cổ cùng lúc ba cái gông. Nếu như ta chỉ chọn hiện tại, ấy là ta chỉ mang một gông thôi. Xin hãy lựa cái gông nào nhẹ nhàng và lợi lạc nhứt mà đeo. Xin thưa chỉ có hiện tại là những gì mà ta đang có, không ai chối cải được điều ấy.

Cuộc đời nầy với những ràng buộc liên tục từ vật chất đến tinh thần giữa người nầy với người khác, đã khiến cho chúng ta phải hướng ngoại mà quên mất đi ta. Sống tỉnh thức là biết về sống với chính ta, giúp ta soi rọi lại cái phần nội tâm đã bị chính ta quên lãng bấy lâu nay.

Sống tỉnh thức là biết soi rọi những hành động sai lầm của ta mà sửa chữa. Sống tỉnh thức là sống trong lòng từ bi bao la, chứ không tham muốn, ganh tị, sân hận, và bất mãn. Sống thức tỉnh là biết rằng ta chỉ là hạt cát của sa mạc, hoặc chỉ là giọt nước của đại dương, để mà đừng đòi hỏi cái gì cũng xãy đến như ý ta muốn. Sống tỉnh thức là biết rằng ta không phải là trung tâm của vũ trụ; dưới mắt ta là cả một bầu trời bao la rộng lớn, chứ không phải chỉ có ta, không phải là mục hạ vô nhơn.

Trên đời nầy làm cái gì thì cũng phải có suy tính. Người sống trong tỉnh thức là người dùng trí huệ mà suy tính. Trí huệ sẽ cho ta biết thực ta đang nghĩ gì, đang muốn gì, và những gì đang xãy ra quanh ta. Sống tỉnh thức là tỉnh thức từ cái đi, cái đứng, cái ngồi, cái ăn, cái nói. Nghĩa là cái gì cũng được ta quan sát một cách tỉ mỉ và chính xác. Sống tỉnh thức là biết rằng chính ta chịu trách nhiệm cho mọi cảm xúc vì biết rằng mọi cảm xúc đều do ta tạo nên. Sống tỉnh thức là chỉ làm những điều gì có lợi lạc và kiềm chế, không làm những gì không mang lại lợi ích.

Tâm ta thường hay lang thang, thiếu chủ định như con vượn chuyền cây. Sống tỉnh thức là đừng chạy theo vọng niệm. Sống tỉnh thức là biết rằng niệm đến, niệm đi, cứ để tự nhiên, chứ không chạy theo. Sống tỉnh thức là biết rằng không có ai suy nghĩ, mà chỉ có sự suy nghĩ; không có ai đi, mà chỉ có sự đi; không có ai thấy, mà chỉ có sự thấy. Sống như vậy thì làm gì có gánh nặng đau khổ của cuộc đời. Sống tỉnh thức là biết suy nghĩ đến những tai hại do sự sân hận và lòng ganh ghét gây nên, cũng như những lợi lạc do lòng từ bi mang lại. Sống tỉnh thức là biết mong cầu cho mình và cho người thoát khỏi những phiền toái gây ra bởi tức giận, sợ hãi, lo âu, căm thù và sân hận. Biết mong cho mình và cho người được an vui hạnh phúc. Sống tỉnh thức là biết rằng sân hận sẽ mang đến sợ hãi, bất an, lúc nào cũng trách mình và trách người. Sống tỉnh thức là biết rằng lòng từ bi hỉ xả sẽ chẳng những có lợi cho người, mà còn có lợi cho ta nữa; lòng từ bi hỉ xả sẽ làm cho tâm trí ta sáng suốt, khiến cho ta luôn có thiện cảm về người khác, và ta sẽ chẳng bao giờ trách ta hay trách ai cả.

Tóm lại sống tỉnh thức là phương tiện chẳng những tạo cho ta cuộc sống an nhiên tự tại ở hieản tại, mà còn là phương tiện thù thắng giúp ta một cách tích cực trên bước đường tu tập.

150. PHÂN THÂN TRONG KHI TU HỌC

Thân chúng ta vẫn là thân chúng ta đấy chứ; tuy nhiên, nếu chúng ta quyết chí tu học thì chúng ta nên cố hòa nhập ta vào người. Để chi? Để mà thông cảm, để mà thương và cứu độ. Người khác là người khác mà cũng có thể là mình. Họ có thể là hình ảnh của chính ta đấy. Hãy nhìn những cái sai trái của người để thấy những cái sai trái của mình, chứ đừng nhìn để mà trách người. Hãy dùng cách tu mà Đức Phật đã dạy là “Phản quang tự kỷ,” có nghĩa là hãy nhìn thấy con người thật của mình trước khi thấy bất cứ ai. Có được như vậy ta chẳng những tránh được phiền não, mà còn tránh được nhiều hậu họa về sau.

Trong khi tu học, hãy nhận dạng cho được những chuyện xãy ra hằng ngày từ thương yêu, đau khổ, và phiền não. Để thấy rằng trên đời nầy cái gì cũng vô thường. Sanh đó, rồi diệt đó; vui đó, rồi buồn đó; thương đó, rồi ghét đó… Để thấy đau cũng khổ, thương cũng khổ, cầu bất đắc cũng khổ, oán tắng hội cũng khổ… Nhận dạng như vậy để chúng ta có được những bài pháp sống mà áp dụng trong cuộc tu học của ta.

Người biết phân thân là người biết nhận xét người trên quan niệm và cách suy nghĩ của người, chứ không trên quan niệm và cách suy nghĩ của ta. Người biết phân thân là người không hàm hồ khen ai, mà cũng không hàm hồ chê ai. Chuyện khen chê là chuyện thị phi, hãy xem chúng như gió thoảng mây bay, như nước chảy qua cầu.

Người biết phân thân là người dám can đảm nhìn thấy cái lỗi của mình, và không bao giờ hoan hỉ khi thấy lỗi người. Không gì đáng sợ cho bằng bịnh mà nói mình không bịnh, lỗi mà nói mình không lỗi. Càng cố đè nén, chôn sự sợ hãi của lỗi lầm chỉ càng làm cho tình huống trở nên tệ hại hơn thôi.

151. TU LÀ PHẢI BIẾT CHƯNG DIỆN

Tại sao lạ đời vậy? Tu mà còn chưng diện cái nỗi gì?

Tu là lìa bỏ mọi tham ái, là thấy thân nầy bất tịnh, là vô thường, thế mà tại sao phải chưng diện? Ấy thế mà tu là cần phải chưng diện cho thật nhiều. Chưng diện ở đây không có nghĩa là ăn mặc bảnh bao, son phấn lòe loẹt. Mà chưng diện ở đây là chưng diện cho thiện nghiệp, chưng diện cho cái lòng từ bi hỉ xả, và chưng diện cho cái nhìn như thị. Một thí dụ điển hình về một cô gái có ý tứ, từ cái đi, cái đứng, cái ăn, cái nói. Từ công dung ngôn hạnh đều vẹn toàn thì lo gì phải ở giá, lo gì không có người để ý đến. Người tu mà chủ đích cho được Phật thọ ký, phải còn hơn những giữ gìn của cô gái nhiều. Người tu chẳng những phải có ý tứ về đi, đứng nằm, ngồi, mà còn về hành động và tư tưởng nữa.

Ngoài đời thì dựa vào sắc tướng bên ngoài, chính vì vậy mà có những sự đổ vôõ do bởi thời gian sẽ tàn phá đi những cái sắc tướng vô thường ấy. Một khi sắc tướng đã phai tàn thì con người ta sẽ đi từ chán đến bất đồng ý kiến, rồi tìm những dị biệt để đi đến cải vã và cuối cùng đi đến chỗ ghét nhau. Tất cả những tai ươn xãy đến đều do cái nhìn “Nhị Biên,” không như thị của ta mà ra. Chúng ta cứ mãi mong chờ những viên ngọc nước dưới ánh mặt trời mà chả bao giờ chúng ta có được. Khi chúng ta muốn vui thì chúng ta chỉ lấy những yếu tố bên ngoài làm niềm vui, như vậy niềm vui của ta tùy những yếu tố bên ngoài ấy. Hễ những yếu tố ấy còn thì niềm vui còn, mà hễ những yếu tố ấy mất, thì niềm vui của chúng ta cũng tan biến theo.

Hãy tự hỏi lòng mình xem có mấy khi ta cười cho chính ta. Có khi nào ta tặng hoa cho ta đâu? Thưa ít khi lắm. Thường thì ta chỉ tặng cho ai đâu chứ ít khi ta nghĩ đến ta. Đi tu là tặng cho ta những nụ cười, những đóa hoa đẹp gấp vạn triệu lần những đóa hoa ngoài đời. Tập được như vậy, ta mới thấy được cái đẹp của cuộc đời. Ấy là ta tự chưng diện cho chính ta đấy. Hãy tập nhìn cho biết cái nào giả, cái nào thiệt và hãy nói những lời chân thật, ấy là chưng diện cho mình đấy.

Thói thường, chúng ta nhìn đời bằng những ảo tưởng; ta cứ muốn cái gì đẹp, cái gì trẻ mãi. Khi có những thay đổi thì bao giờ ta cũng có cảm giác khó chịu. Chúng ta quên một điều mà Đức Phật đã dạy là cuộc đời nầy là đau khổ; người biết tu là người biết chuyển cái khổ đau ấy thành ra thanh tịnh an vui.

Chưng diện của người biết tu là cứ nghĩ đến một tương lai tốt đẹp, nhưng không khăng khăng phải đợi cho được những thứ ấy mới là hạnh phúc. Mà người biết tu luôn nghĩ rằng hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh. Những khi ta sống trong tỉnh thức, sống trong thanh tịnh, ấy là chư Phật giáng sinh. Sống được như vậy thì một năm của chúng ta là ba trăm sáu mươi lăm ngày với vạn triệu niềm hạnh phúc. Một tâm niệm lành phát sanh là chư Phật giáng sinh. Người biết tu là đừng bao giờ cột nhau vào những gút mắc không lối thoát, mà hãy tạo điều kiện cho các chư Phật giáng sinh.

Người biết tu là cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi có được giáo pháp cao minh. Người biết tu là người biết chưng diện với giáo pháp vì giáo pháp là con đường đưa ta đến giải thoát. Người biết tu luôn nghĩ rằng danh vọng, tiền tài, của cải, vật chất, tài sản, ruộng vườn có rồi không. Chúng đến rồi đi, chỉ chừa lại ta trơ trọi với những trằn trọc lo âu. Hãy tỉnh thức đi để thấy rằng chúng ta đã mất mát quá nhiều, nhiều lắm, nhiều thứ còn quí gấp vạn triệu lần những thứ ấy. Chúng ta đã mất quê hương, cha mẹ, anh em và nhiều thứ nữa. Nhưng chúng ta còn giáo pháp, chúng ta vẫn còn khả năng tiếp nhận những phương cách đưa chúng ta từ chỗ phiền não đến giải thoát.

Người biết chưng diện cho cái tu của mình là từ khi mở mắt ra, tai nghe, xúc chạm đều có thể tu được. Người biết tu biết rằng tất cả những phương tiện làm cho con người bớt đau khổ đều là Phật pháp.

152. PHẬT ĐÃ THẬT SỰ DIỆT ĐỘ CHƯA?

Thưa Đức Phật Thích Ca hóa thân đã thật sự nhập diệt cách nay gần ba ngàn năm, nhưng pháp thân của Đức Phật, nghĩa là cái hồn của đạo Phật, cái tánh giác ngộ của đạo Phật vẫn thường còn.

Chúng ta có thấy được cái tánh giác ngộ ấy không?

Thường chúng ta tưởng giác ngộ là phải như Phật vậy. Thưa Phật là toàn giác, còn chúng ta nếu có giác ngộ chăng thì chỉ là phần giác mà thôi. Mà muốn đạt được phần giác cũng không phải là chuyện dễ, tại vì chúng ta đã sống trong mê mờ tăm tối lâu rồi. Chúng ta vui thì ít mà buồn giận thì nhiều. Hãy sống trong thức tỉnh đi để thấy rằng Phật vẫn còn đó. Hãy sống trong thương yêu và dẹp bỏ cái chấp ngã để thấy rằng Phật vẫn còn trụ thế.

Muốn thấy Phật vẫn còn trụ thế chúng ta phải làm sao?

Chúng ta phải ngày đêm hành trì những lời Phật dạy, hành trì để mà từ bỏ đi cái ngã chấp to lớn trong ta. Có nhiều khi chúng ta đi chùa hằng ba bốn chục năm, hoặc cả đời, nhưng chúng ta chả bao giờ thấy Phật đâu cả. Tại sao vậy? Tại vì ta cứ đi chùa, cứ tụng kinh, cứ ăn chay, cứ niệm Phật; nhưng trong lòng ta ta chưa bao giờ biết cái nghĩa thật của chữ tu. Cứ đi chùa, niệm Phật, ngồi thiền, mà mặt thì cứ vênh vênh tự đắc ngoài ta ra không còn ai.

Hễ ta còn vọng niệm về chứng đắc thì ta sẽ chẳng bao giờ chứng đắc cả. Hễ khi nào còn một vọng niệm cố chấp thì ta sẽ chẳng bao giờ thực sự tu cả. Một thí dụ cụ thể là lúc đi phố thấy một thanh niên đứng đường xin tiền, chúng ta chẳng những không cho mà còn cho rằng anh ấy lười biếng, hút sách nên mới phải đi xin tiền. Chúng ta nào có biết những nguyên nhân sâu xa đã đưa cậu ta đến con đường ấy. Nhiều khi biết rồi ta sẽ cảm thấy thương tâm vô cùng. Hãy dùng cái bi, trí, dũng của đạo Phật trong từng lời ăn, tiếng nói, đến hành động và hành trì liên tục. Ấy là ta đã thỉnh Phật trụ thế rồi vậy.

153. BỐN SỰ THẬT CAO QUÝ

Một trong những chánh pháp cao quý mà Đức Thế Tôn đã để lại cho chúng ta là Tứ Diệu Đế hay là bốn sự thật cao quý. Bốn sự thật nầy chẳng những là khuôn vàng thước ngọc cho mọi Phật tử, mà còn là sự thật cao quý cho nhơn loại. Tứ Diệu Đế là bốn sự thật chắc chắn, quý báu, hoàn toàn nhất. Không có một giáo lý nào có thể sánh bì. Bốn sự thật nầy như là ngọn đuốc thiêng có thể soi đường cho người đi đường trong đêm tối, đi đến đích, mà không sợ lầm lạc. Bốn sự thật ấy là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Thế nào là Khổ Đế?

Con người từ lúc mới sanh ra đã phải thường xuyên đối diện với cái khổ về vật chất hay tinh thần. Khổ vì sanh, già, bịnh, chết. Khổ vì không biết được niềm an vui bao la vẫn luôn có mặt nơi ta, thế mà ta nào có hay biết. Thế nên ta luôn kiếm tìm để thỏa mãn những nhu cầu vật chất nhỏ hẹp. Khổ vì muốn mà không thành tựu, khổ vì chính sự sân hận của ta. Đạo Phật nói rõ sống là khổ, đau là khổ, già là khổ, sự sợ hãi về cái chết cũng là khổ. Con người từ lúc sanh ra cho đến lúc trả thân về cho tứ đại phải chịu không biết bao nhiêu là nỗi khổ. Chính vì vậy mà Đức Thế Tôn đã ví cõi đời nầy là một bể khổ.

Thế nào là Tập Đế?

Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy vì đâu mà có khổ. Thấy để mà diệt cho được cái khổ. Khổ có hai loại: Khổ về thể chất và khổ về tinh thần. Khổ về thể chất bao gồm sanh, lão, bệnh, tử. Khổ tinh thần là những nỗi khổ cầu bất đắc, điều mình không ưa lại xãy ra. Nguyên nhân của những nỗi khổ đã chứa nhóm, tích trữ lâu đời, lâu kiếp trong mỗi chúng ta. Ấy cũng chính là sự thật về cội gốc của bể khổ trần gian và của luân hồi sanh tử. Phật đã dạy tất cả các cội gốc của sanh tử luân hồi đều do các phiền não mê lầm mà ra. Phiền não mê lầm chính là những dục vọng xấu xa, những ý niệm sai quấy, làm não loạn tâm chúng ta. Phật cũng dạy rằng chính tham, sân, si, ngã mạn, cống cao, thân kiến, biên kiến, tà kiến đều là nguyên nhân gây ra đau khổ. Chính những thúc dục mù quáng, mê mờ đã làm ta luôn bị quay cuồng trong vui, buồn, thương, ghét, sướng, khổ, mãi mãi không thôi. Những ham muốn nầy cứ làm sức mà xoay mãi bánh xe luân hồi.

Thế nào là Diệt Đế?

Một khi ta biết được sự đau khổ, biết được nguyên nhân gây ra cái khổ, thì sự giải trừ đau khổ là chuyện tự nhiên phải có. Phật đã dạy muốn diệt cái khổ, chúng ta phải diệt cho tận gốc, chứ nếu chỉ diệt cái quả thì không bao giờ hết khổ được. Muốn diệt tận gốc cái khổ thì phải diệt từ cái nhân của nó. Khi nhìn thấy sự tham dục và lòng sân hận chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến những nỗi khổ triền miên bất tận thì chúng ta đã biết phải làm gì để được đời đời thoát ra khỏi những đau khổ nầy. Nên nhớ rằng diệt dục ở đây không có nghĩa là diệt trừ tất cả mong muốn, kể cả nhu cầu cho cuộc sống. Ai mà nghĩ như vậy, rồi đâm ra ép xác, khổ hạnh là một sai lầm lớn lao. Diệt dục trong ý nghĩa lành mạnh và rất dễ dàng thực hiện là không để tâm mình dính mắc vào các ý tưởng tà vạy, những ham muốn vô tận, vô đáy. Nếu mọi phiền não đều bị tiêu diệt thì Niết Bàn tự nhiên hiển lộ.

Thế nào là Đạo Đế?

Muốn thực chứng Niết Bàn, chúng ta phải tu theo phương pháp mà Đức Phật đã dạy. Nếu không có một phương pháp hành trì đúng thì cho dù có hiểu biết bao nhiêu cũng bằng thừa. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta đủ mọi cách từ thiền quán như: quán thân bất tịnh, quán ngã vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ. Quán sát để thấy rằng niềm hạnh phúc bao la nồng ấm và trong sáng không ở thân nầy đẹp, không ở trí óc nầy thông minh đỉnh đạt, không ở sự giàu sang quyền quí. Mà niềm hạnh phúc bao la ở ngay trong chân tâm của ta.

Trong niềm hạnh phúc bao la ấy, ta vẫn thấy đúng là đúng, sai là sai, hay là hay, dở là dở. Nhưng ta không bao giờ bị dính mắc, không bao giờ bị lôi kéo, hoặc bị ám ảnh bởi thương ghét, giận hờn, khen chê. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta vẫn biết tất cả những ý tưởng từ thuận đến nghịch, biết với lòng an nhiên tự tại, chứ không bị chúng xô đẩy, dẫn dắt, hay lôi kéo. Chúng hiện ra như thế nào, ta nhận biết chúng như thế ấy. Một khi ta đã sống được với niềm an vui chơn thật thì ta sẽ không còn thấy đối nghịch và phân tranh trong lòng ta. Tâm ta từ đó đi vào chỗ tỉnh lặng. Ta thương yêu cuộc đời nầy với quả tim nồng ấm, chỉ muốn làm điều lành, điều tốt đẹp cho con người và xã hội. Đó chính là Niết Bàn của đời nầy vậy.

154. KHÁI NIỆM VỀ TU HÀNH VÀ GIA ĐÌNH CÓ GẮN LIỀN NHAU KHÔNG?

Nếu trong cuộc sống thế tục mà ai cũng đi tu hết thì sao? Đức Từ Phụ đã từng khẳng định: ” Nếu mà không có đời thì không bao giờ có đạo.” Chính Ngài đã khẳng định như vậy mà tại sao chúng ta cứ mãi bị vằn vật bởi hai chữ đạo và đời? Tại sao chúng ta cứ nghĩ hai nẻo đạo và đời phải phân ra? Không nhứt thiết như vậy, nếu chúng ta tách rời đạo và đời ra hai ngã để giải thoát cũng giống như chúng ta đi tìm lông rùa và sừng thỏ vậy, chả bao giờ ta tìm được đâu.

Xin nhớ rằng gia đình là nền tảng của quốc gia và xã hội, trong đó có các giáo hội. Nếu chúng ta cứ khăng khăng coi con cái là nợ nần, vợ chồng là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo, rồi ai cũng đi tu thì đâu còn gia đình và xã hội nữa. Xin hãy đổi cái nhìn ấy đi. Tu có thể tu từ trong gia đình, chứ không đợi gì phải xuất gia mới gọi là tu. Luôn nên nhớ rằng con cái, vợ chồng, tài sản có thể là nợ nần, oan gia, nghiệp báo; nhưng họ cũng có thể là những người bạn đồng tu. Họ có thể dạy cho ta chữ Nhẫn. Khi nói tới cuộc sống chung thì lúc nào cũng có va chạm, có trục trặc. Theo đạo Phật, mỗi người đều có cái nghiệp riêng của họ, và không có cái nghiệp nào giống cái nghiệp nào. Khi hai sự khác biệt mà chung đụng nhau tất phải có xung đột, chứ làm gì có chuyện xuôi chèo mát máy. Làm sao có cái chuyện xuôi chèo mát máy trên cõi đời nầy. Bởi vì nếu mọi chuyện đều êm xuôi thì sao gọi là đời. Chúng ta luôn luôn sống trong mâu thuẩn, có điều là chúng ta có biết cách biến những mâu thuẩn ấy thành những kinh nghiệm để sống hay không thôi.

Làm sao để biến những mâu thuẩn ấy thành ra kinh nghiệm sống?

Yếu tố đầu tiên là chúng ta phải luôn sống trong tinh thần hoan hỉ. Muốn có hoan hỉ chúng ta phải làm sao? Trên đời nầy có ai muốn buồn đâu; tuy nhiên, trong cuộc chung sống, có cái gì đó làm chúng ta không vừa ý; hoặc có cái gì đó đã quá lờn cũng làm cho chúng ta không còn hứng thú nữa. Cái quan trọng là chúng ta phải nắm cho được cái tri túc, nghĩa là biết đủ. Hãy chiêm nghiệm hai câu sau đây của nhà thơ Nguyễn Công Trứ:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.

Biết đủ, thấy đủ thời đủ vậy; biết nhàn, thấy nhàn, thời nhàn vậy. Xin hãy biết thế nào là đủ để đừng đòi hỏi quá ở người khác, để cùng nhau hòa hợp trong hoan hỉ.

Nếu cùng chung sống trong gia đình mà trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì có khác chi là cuộc sống ở lữ quán đâu. Sống như những kẻ qua đường, không ai ngó ngàng đến ai. Sống với muôn ngàn ích kỷ thì làm sao mà có hòa hợp, làm sao mà có hoan hỉ. Cuộc sống như vậy quả thật là đầy trục trặc, không chóng thì chầy rồi cũng tan vỡ. Thấy rõ như thế ấy, chúng ta nên tìm mọi cách để sống hòa hợp và hoan hỉ với những người thân của ta. Hãy tập hiểu nhau, hãy tập thương yêu nhau, hãy dành thì giờ cho nhau. Hãy cùng nhau nhìn về một hướng để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Yếu tố thứ nhì là kiến hòa đồng giải, có nghĩa là phát biểu và thảo luận trong tinh thần xây dựng và thương yêu lẫn nhau, chứ không bằng đả kích chống báng nhau. Chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe. Hãy đừng dành nói hết, mà hãy nhường cho vợ, cho chồng, cho con chúng ta cùng phát biểu. Đừng nghĩ rằng cái gì của mình cũng là trung tâm vũ trụ, mà hãy nghĩ rằng tài ta chỉ là hạt cát trong sa mạc bao la mà thôi. Hãy lắng nghe để có sự cảm thông, hãy lắng nghe để thấy được cái ý kiến của người khác. Rồi từ đó ta mới có cơ hội xây dựng. Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, chúng ta nên chia xẻ những tình thương.

Đừng vội đánh giá, mà phải lắng nghe, rồi suy đi nghĩ lại trước khi đánh giá. Hãy cố nhìn mình và nhìn người bằng con mắt chính xác. Nếu có tâm tham dục, nói tham dục; nếu ghét nói ghét; thương nói thương. Hãy nói ra những điều mình nghĩ và nói thẳng với nhau những gì mình muốn nói, chứ không qua trung gian ai hết. Tuy nhiên, nên dùng lời ái ngữ mà nói, chứ đừng dồn người vào chân tường. Nên hỏi lại người nếu có điều gì ta không hiểu, chứ đừng để tâm trách móc ai hết. Một khi mình nói ra mà người khác không hiểu, hoặc cố ý không hiểu; xin hãy cứ nói ra trong tinh thần xây dựng, hãy lựa lời mà nói. Nói vì thương yêu, chứ không nói để chống báng. Nói thành thật và chia xẻ niềm hạnh phúc.

Điều thứ ba là mọi người phải cùng nhau tôn trọng những qui luật thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Đừng nhìn vấn đề bằng hai mặt. Khi đã đặt ra điều luật gì thì mọi người cùng làm, chứ không phải điều luật cho người mà không cho ta. Hoặc giả nói một đàng mà làm một nẽo; hoặc miệng nói từ bi, mà lòng dạ tàn ác; hoặc miệng nói từ bi mà hành động chẳng từ bi. Hãy tập sống trong những gì mình tin tưởng. Khi dạy con cái, đừng bao giờ bạo động. Hãy mạnh dạn nhìn nhận những lỗi lầm của ta để những người quanh ta cũng được hưởng những kinh nghiệm như ta. Xin hãy tập tin tưởng nhau và tin tưởng dựa trên cơ sở thành thật và chia xẻ trọn vẹn.

Điều thứ tư là tôn trọng, quí kính và phục vụ nhau. Chúng ta tôn trọng nhau vì thấy người khác xứng đáng được tôn trọng hay vì những bắt buộc của luân lý. Chẳng hạn như mẹ chồng, nàng dâu; hoặc mẹ vợ, chàng rể. Xin hãy tôn trọng họ như một con người, chứ đừng vì địa vị của họ mà tôn trọng. Xin hãy nhìn mọi người như ta nhìn một vị Phật tương lai vậy. Con người có khi cũng lầm lỗi, nhưng không nhứt thiết vì những lỗi lầm ấy mà ta vội kết luận họ không phải là người tốt. Thí dụ trong “Les Miserables,” của Victor Hugo. Ta thấy với lời ái ngữ mà một linh mục đã chuyển một người từ trộm cướp và hận thù thành một người cả đời hiến thân làm việc nghĩa, việc thiện. Đức Phật đã dạy rằng trên đời nầy có hai hạng người cao quí: một là những người đã chứng quả A-la-hán, hai là những người lầm lỗi mà biết nhận lỗi. Xin hãy cứ tôn trọng người, cho dù người không tôn trọng ta. Xin hãy cứ lắng nghe người, dù người không nghe ta. Xin hãy tiếp tục làm cho người những điều hay điều đẹp cho đến khi nào ta nhận chịu những chỉ trích chê bai mà tựa như ta đang uống nước Cam-lồ của giải thoát vậy.

155. SỰ LỰA CHỌN CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Hãy quan sát một con muỗi đang hút máu người, ta sẽ thấy thương hại cho con vật lắm. Không hút máu người thì làm sao mà sống, mà mỗi lần đi hút máu người rồi có an toàn trở về hay không? Con vật đâu có sự lựa chọn nào khác. Cái hút máu người của con muỗi đối với nó, không có gì là xấu ác, mà là bản năng tự nhiên. Con người thì khác, dầu sao đi nữa thì chúng ta vẫn có sự lựa chọn, chúng ta có thể lựa cách sống, hoặc dữ tợn, hoặc sống tín tâm, an tịnh và xây dựng.

Trong chúng ta, ai cũng hằng mong có một cuộc sống lương thiện. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh nọ mà có người phải sống một cách lừa đảo, hoặc vì ham tiền, hoặc vì ham danh lợi, hoặc vì ham quyền uy địa vị. Chung qui cũng tại cái tham dục nó đưa đẩy ta, bắt ta phải chọn cách sống tàn bạo và dữ tợn.

Tại sao ta lại bị tham dục nó bức bách ta phải sống như thế? Đạo Phật nói tại bởi Vô Minh. Những người Phật tử một khi đã quyết chí đi theo con đường mà năm xưa đức Từ Phụ đã đi, nghĩa là quyết chí tu cho đến thành chánh quả, thì họ coi tất cả những sinh vật thấp hơn mình là những người em nhỏ của mình. Họ quan niệm rằng tất cả các sinh vật đều mong muốn được sống hạnh phúc và tránh sự đau khổ. Nếu chúng ta không giúp được ai thì xin đừng hại ai. Tương tợ, nếu chúng ta không giúp được những sinh vật yếu kém, thì xin đừng giết hại chúng mà gây thêm ác nghiệp.

Nên nhớ rằng sự có mặt của một loài, không phải là để cho loài kia giải trí hay ăn thịt. Chúng có mặt để sống cuộc sống của chúng, cũng như ta có mặt để sống cuộc sống của ta. Bất cứ loài vật nào cũng muốn sống và muốn phát triển. Loài thú vật chúng có cái tàn bạo của chúng, nhưng đó là bản năng, và chúng không có con đường nào khác để lựa chọn. Còn ta, ta có lý trí, ta có con đường để lựa chọn. Xin hãy phát tâm thương hại mọi loài. Nếu chưa ăn chay được thì xin vẫn ăn mặn, nhưng xin phát tâm chỉ ăn để mà sống chứ không ăn vì sự thỏa thích. Xin đừng cố ý giết hại một sinh vật nào vì chúng cũng là những người anh em nhỏ lạc loài của chúng ta.

156. TÁM CON ĐƯỜNG CAO QUÝ ĐƯA TA ĐẾN GIÁC NGỘ

Mỗi khi nói đến Đạo Đế là ta phải nói tới Bát Chánh Đạo. Tuy nhiên, Bát Chánh Đạo chỉ là một phần của Đạo Đế mà thôi. Bát Chánh Đạo cũng rất là quan trọng cho những ai mới phát tâm tu học. Tại sao? Tại vì Bát chánh Đạo hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ, Đông phương cũng như Tây phương. Nó là tám con đường nhỏ đưa đến Đại Lộ Giải Thoát. Ai muốn giải thoát đều phải bước qua, không có ngoại lệ.

Thứ nhất là Chánh Kiến

Chánh Kiến là thấy biết chân thật mọi sự vật. Mọi sự vật đều tự chúng đầy đủ, tự tại, rỗng lặng, không ngăn ngại trong hình tướng, màu sắc, âm thanh…Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, lấy tốt làm xấu, dở làm hay…

Người có chánh kiến thì sự nhận xét sự vật không bị tập quán, thành kiến hay dục vọng làm sai lạc. Biết phân biệt cái nào giả, cái nào thiệt.

Chánh Tư Duy

Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân thật. Sự suy nghĩ dựa trên sự thấy biết chân thật nên không bị các thành kiến, tình cảm hay xúc cảm làm sai lạc khi suy nghĩ. Người có chánh tư duy lúc nào cũng biết xét đến những hành vi lỗi lầm và những ý nghĩ xấu xa để mà sám hối. Biết suy xét Vô Minh là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ.

Chánh Ngữ

Chánh ngữ là nói điều chân thật và thẳng thắn để mang lại sự an vui và tốt đẹp cho mọi người. Người có chánh ngữ không bao giờ nói sai sự thật, không thiên vị. Thấy dở nói dở, thấy hay nói hay. Đức Phật đã dạy rằng bất luận lời nói là của ai, nếu không hợp với chơn lý là không bao giờ tin. Bất luận lời nói là của ai, nếu hợp với chơn lý thì cứ tin theo đó mà tu.

Chánh Nghiệp

Chánh nghiệp là thân làm điều chân thật, miệng nói điều chân thật và ý nghĩ điều chân thật. Một khi thân, khẩu, ý đều chân thật thì ta sẽ đem đến cho người sự thương yêu và tốt đẹp. Người có chánh nghiệp không bao giờ làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, danh giá và hạnh phúc của ai. Người có chánh nghiệp luôn luôn hành động có lợi cho người khác và nếu cần, họ có thể hi sinh quyền lợi hay tánh mạng của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

Chánh Mạng

Chánh mạng là sống bằng nghề nghiệp chân chánh và không làm hại sinh mạng hay gây đau khổ cho người khác. Người theo đúng chánh mạng sống cuộc đời ngay thật, không tham gian, không làm giàu có trên mồ hôi nước mắt của người khác. Họ sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, xứng với bát cơm mình ăn, manh áo mình mặc, chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác. Họ không bao giờ mê tín dị đoan. Họ luôn luôn lấy trí huệ làm mạng.

Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn là siêng năng chân thật, nghĩa là siêng năng làm điều thiện và siêng năng thực hành đời sống tỉnh thức. Cái thứ siêng năng làm tổn hại người khác, người Phật tử nhứt quyết không làm. Người làm theo đúng nghĩa chánh tinh tấn bao giờ cũng siêng năng sửa mình, cương quyết phát triển mọi căn lành và bài trừ những điều ác.

Chánh Niệm

Chánh niệm là chú tâm một cách chân thật. Khi ta sống trong tỉnh thức thì tâm ta ở trạng thái trong sáng, nhận biết trực tiếp và rõ ràng các hoạt động của thân thể, không bao giờ dính mắc vào một cái gì. Người sống trong chánh niệm biết rõ những ý tưởng vui, buồn, thương, ghét xuất hiện, nhưng không bị lôi cuốn đi theo để tạo ra những phiền não cho cuộc sống. Người sống trong chánh niệm chỉ ghi nhớ những điều hay lẽ phải có lợi cho mình và cho người mà thôi.

Chánh Định

Chánh định là tâm trong sáng, an ổn và linh động chân thật. Sống được như thế là sống với cái tâm Phật, tâm giải thoát. Sống lành và thiện thì tự nhiên tâm ta sẽ hiển lộ ra lòng thương yêu bao la. Chánh định thì có sự thông minh bén nhạy hay trí huệ, nhận biết rõ mọi thứ một cách tường tận mà không bị dính mắc, nên luôn thong dong tự tại. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và cho người.

Tóm lại Bát Chánh Đạo chẳng những giúp ta tự tu thân, cải thiện hoàn cảnh xung quanh, mà còn giúp ta đạt quả Vô Thượng Bồ Đề nữa. Ngay trong đời sống nầy, Bát chánh đạo giúp ta có một đời sống cao quý, làm chủ cuộc sống của mình, tự mình giải thoát khỏi mọi dính mắc sai lầm, mà còn đem tình thương yêu, sự hiểu biết mà tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho cá nhân, gia đình và xã hội nữa.

157. NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA

Hễ chịu mang danh Phật tử là chịu làm con Phật, tức là chịu tu học theo Phật, chịu tin Phật. Người học tu theo Phật là người có ý nguyện hướng đời mình về Đức Phật, với tâm tư ước muốn sớm được giác ngộ thành Phật, thoát vòng tục lụy sanh tử luân hồi. Người Phật tử mà không có lòng tin vững chắc vào lời dạy của Đức Từ Phụ: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành,” là mặc nhiên phủ nhận lời dạy của Ngài, tức là phủ nhận khả năng Phật tánh của mình. Đây cũng là điểm then chốt trong đạo Phật.

Xưa nay có rất nhiều người tự xưng là Phật tử, nhưng không trọn hiểu thâm ý của Đức Phật, không vững niềm tin, không tín tâm vào chánh pháp, nên sanh ra nhiều ác nghiệp. Nguyên do bởi ngã mạn cống cao cũng có, nói là Phật tử mà đi phỉ báng thầy tổ; nói là Phật tử mà đi khen chê tăng ni; nói là Phật tử mà đi dèm chê, chế nhạo người phát tâm ăn chay. Thậm chí còn tìm cách nầy hay cách nọ đưa đẩy người vào con đường phá giới. Nói là Phật tử, biết dăm ba chút về thiền, rồi tự xưng mình là thiền sư, rồi đi quảng bá bậy bạ, làm tổn hại đến thanh danh của Phật giáo. Thật tình mà nói, ấy là những con ma trơi chứ không là tín đồ của một tôn giáo nào cả. Người Phật tử chân chánh, tự cổ chí kim, chưa ai tự xưng mình là thầy hoặc là thiền sư bao giờ.

Người Phật tử chân chánh lúc nào cũng tín tâm, lúc nào cũng cần học về giáo lý của nhà Phật, lúc nào cũng chánh tâm nghiên cứu, chân thành cầu minh sư học đạo.

Phật đã dạy rằng tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta. Hiểu ta mà không dốc lòng thực hành, không thành kính Tam Bảo, là tự mở cửa ba đường ác để bước vào. Rừng thiền mênh mông, biển pháp bao la, cho dù có cả đời chỉ ngồi nghiên cứu kinh điển cũng không sao hiểu hết đâu, chứ đừng dăm ba câu rồi ngã mạn cống cao là tự mình mở cửa địa ngục cho mình vào.

Người Phật tử trước hết nên nhớ rằng hễ tiền tài danh vọng, địa vị quyền uy càng lớn thì tham dục càng nhiều. Xin hãy thiểu dục tri túc và làm những việc lành, cũng như tuân theo luật nhơn quả để còn có cơ hội đi về nước Phật. Nên nhớ rằng nếu chưa có duyên xuất gia thì tại gia mà biết tu cũng là quý lắm. Người Phật tử luôn cố gắng tu tập để cho vượt thoát khỏi kiếp người và vượt ra ngoài tam đồ, lục đạo. Điều quan trọng ở đây không phải là sự hiểu biết, mà là thực hành những điều hiểu biết ấy.

Xin hãy lấy tâm Phật làm Tâm mình, lấy hạnh Phật làm hạnh mình, và lấy nguyện Phật làm nguyện mình thì tự nhiên, dù không phải là Phật tử đi nữa, mình cũng sẽ có một cuộc sống an nhiên tự tại.

158. NĂM MÓN DIỆU HƯƠNG ĐỂ CÚNG PHẬT

Thói thường ta hay đi chùa dâng hoa và thắp hương cúng Phật. Tuy nhiên, có dâng ngàn triệu cánh hoa, hoặc vạn triệu cây hương mà tâm ta không thành kính thì cũng bằng thừa. Mỗi tuần đi chùa, mà tâm vẫn còn lừa lọc, vẫn còn ngã mạn cống cao, thì xin hãy lắng lòng mà tìm hiểu thêm cho đúng về Phật pháp để tránh cái cảnh tam đồ, lục đạo.

Dâng hoa và thắp hương cúng Phật chỉ là hình tướng bên ngoài, cái quan trọng là cái lòng ta. Khi đến chùa, ta chỉ cần đến trước chánh điện cười với Đức Thế Tôn một cái, nhưng phải dâng cho Ngài một nụ cười thật thành kính, rồi sau đó nguyện với Ngài rằng:

–Đức Từ Phụ, Pháp thân Ngài thanh tịnh, cho dù trầm hương cũng không bì kịp, con chỉ xin nguyện trì giới cho trang nghiêm để cho được thanh tịnh như Ngài. Xin Ngài hãy chứng minh cho con cái Giới Hương thanh tịnh mà con học được nơi Ngài.

–Đức Từ Phụ, Tâm chúng con mê nhiểm và thường hay loạn động trong mọi hoàn cảnh. Nếu chúng con cứ để buông trôi mãi thì chắc chắn tam đồ, ác đạo sẽ là trạm dừng chân kế tiếp của chúng con. Chúng con xin nguyện trước Tam Bảo kể từ nay tâm nầy lắng xuống, con sẽ định tĩnh như Ngài đã định tĩnh năm xưa. Xin Ngài hãy nhận nơi đây cái Định Hương mà con xin thành kính dâng lên với tất lòng.

–Đức Từ Phụ, đã từ vô thỉ chúng con vì mê lầm mà tạo ra bao ác nghiệp, con không muốn tam đồ ác đạo là trạm dừng chân kế tiếp. Con xin thành tâm học hỏi và hành trì những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Con xin Ngài chứng minh cho con nhận chút Huệ hương nơi Ngài để từ đây con có được cái trí huệ mà từ bỏ những điều xấu ác và chuyên làm những việc thiện lành.

–Đức Từ Phụ, bao kiếp trầm luân con nay đà chán, nay con quyết chí tu hành theo hạnh nguyện của Ngài để từ nay phá trừ ngã chấp và thoát ly ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Xin Ngài hãy chứng minh trao truyền cho con cái chơn lý giải thoát mà năm xưa Ngài đã tìm ra.

–Đức Từ Phụ, tâm con giờ nầy đã hoàn toàn không còn chút ngã chấp nào, xin Ngài hãy chứng minh trao truyền cho con cái tri kiến mà năm xưa Ngài đã tìm ra để con cũng có được cái thấy như Ngài, mà bỏ đi cái Pháp Chấp. Nghĩa là con không còn thấy bất cứ cái gì là có thật nữa, từ đất, nước, lửa, gió, vui, buồn, sướng, khổ tất cả chỉ là hư vọng. Xin Ngài thương xót mà trao truyền cho con chút Tri Kiến Hương.

159. PHẬT GIÁO VÀ VIỆC THỜ PHƯỢNG HÌNH TƯỢNG

Thói thường nhiều người hễ nói tới Phật giáo là nói tới hình tượng Phật, và đôi khi còn quơ đủa cả nắm cho rằng đạo Phật là đạo thờ hình tượng. Cái sự hiểu lầm nầy cần phải được đánh tan. Đạo Phật không bao giờ chấp nhận việc thờ phượng những hình tượng cũng như mê tín dị đoan. Hình tượng là những tượng bằng gỗ, đá, đất hay kim loại do điêu khắc nắn đúc mà thành. Một số người với tính cách buôn bán đã khoác cho những vật vô tri kia những tên tuổi khác nhau để dối gạt người đời. Thật là chuyện không thể nào chấp nhận được trong Phật giáo.

Với đạo lý nhơn quả của đạo Phật, ai gieo nhân nào là hưởng quả đó, gieo gió thì gặt bão. Đối với Phật giáo, việc thờ cúng hình tượng là chuyện hoang đường, không hợp lý. Gây nhân địa ngục mà đi cúng vái các hình tượng để cầu xin về cõi an lạc là điều không tưởng. Chuyện nầy còn không tưởng hơn cả chuyện mò kim đáy biển, hoặc nấu cát mà muốn thành cơm nữa. Giả thử như vị thần thánh nào đó có đủ quyền phép cứu rỗi những hạng người như thế thì bản thân vị thần đó đã phạm tội đổi trắng thay đen, thì còn đâu đủ tư cách để cho người đời sùng bái.

Đã hiểu như vậy, người Phật tử chân chánh cương quyết bài trừ việc thờ phụng hình tượng. Sở dĩ trong chùa có các hình tượng của các Đức Như Lai là vì muốn cho chúng ta ngày ngày nhìn thấy hình ảnh của các Ngài như nhìn thấy những gì cao quý nhứt mà ta nhứt định phải noi theo. Chúng ta đến chùa, lạy Phật là lạy những gì mà các Ngài đã thành đạt và nguyện sẽ được như các Ngài, chứ không mang tính chất như những người lạy hình tượng ngoài đời. Chúng ta thờ Phật không phải để cầu Ngài cứu rỗi, hoặc ban ơn ta, mà chúng ta thờ Phật để lấy Ngài làm gương sửa mình, để nhắc nhở chúng ta nên nỗ lực hướng thượng, bắt chước Ngài từ lời nói, đến những việc làm cao quý để cứu mình, cứu người và giúp đời, hầu làm cho cái cõi ta bà nầy được tịnh độ. Là Phật tử chân chánh nên luôn nhớ rằng chúng ta lạy Phật là để bắt chước Ngài chứ không vì sợ mà lạy. Và nên nhớ rằng hình tượng Phật đối với Phật giáo cũng giống như là lá quốc kỳ đối với một quốc gia, nó gói gọn niềm tin tưởng và ái mộ của mọi người.

Thấy như thế, người Phật tử chân chánh nên nhớ rằng các Đức Như Lai đều muốn chúng ta học cái gương của các Ngài mà tu trì cho đắc quả như các Ngài, chứ các Ngài không bao giờ muốn chúng ta mãi theo hầu các Ngài.

160. ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO CỦA AI?

Đức Thế Tôn đã nói:

Ngã thuyết nhất thế pháp
Vị độ nhất thế nhân
Nhược vô nhất thế nhân
Hà dụng nhất thế pháp

Có nghĩa là Ngài nói ra các pháp là để độ cho chúng sanh mọi loài. Nếu không có mọi loài, thì cũng không có pháp. Bấy nhiêu đó đủ cho thấy đạo Phật là đạo của ai rồi. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm hiểu lý do tại làm sao mà Đức Thế Tôn đã nói như vậy. Đạo Phật căn cứ trên sự thật hiện tại để mà thuyết minh về nhân sinh cho mọi người được rõ hầu cải thiện con người và xã hội. Đức Thích Ca Mâu Ni đã thấu triệt chân tướng của vũ trụ nên Ngài chỉ bày cho chúng ta những phương pháp thiết thực để thông hiểu triệt để cái nguyên nhân của xấu ác và đau khổ nhằm giúp biến cõi ta bà nầy thành cõi thanh tịnh trang nghiêm. Đức Từ Phụ đã khẳng quyết rằng nếu mọi người đều cải tạo tâm mình, làm lành tránh ác, thì tự nhiên cái thế giới ác trược nầy sẽ chuyển thành cõi nước thanh tịnh ngay. Do đó đạo Phật không chỉ riêng dành cho Phật tử mà là dành cho chúng sanh muôn loài. Tuy nhiên, ai có cơ duyên đến với Tam Bảo và hành trì Phật pháp thì cái cơ hội được chứng đắc Phật quả mới thành tựu được.

Pages: 1 2 3 4 5