ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

81- Tại sao chúng ta muốn trẻ mãi không già?
82- Chúng ta cho người khác cái ta thích hay họ thích?
83- Thế nào là chân giải thoát?
84- Thế nào là cái không trong đạo Phật?
85- Muời tâm kim cang của một người Phật Tử?
86- Làm thế nào cho thế gian này bớt khổ?
87- Chúng ta có thể đoán biết chúng ta sẽ đi về đâu?
88- Tại sao gọi Phật là đạo sư?
89- Đạo Phật và phong trào giải phóng phụ nữ.
90- Tại sao phải sám hối và ai sám hối cho ta?

81. TẠI SAO TA MUỐN TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ?

Thói thường ai cũng muốn trẻ mãi chứ nào ai muốn già, chỉ nghỉ đến cái da thẳng má hồng chứ ai dám nghỉ đến da nhăn má hóp đâu bao giờ. Nhưng than ôi! luật tự nhiên nào ai chống chế cho được, một ngày da thẳng là một ngày ta chuẩn bị cho da nhăn, một ngày ta sống là một ngày ta đi gần đến nhà mồ.

Lúc nhỏ ta chỉ nghĩ đến sắc mà không nghĩ đến không, ta chỉ nghĩ đến trẻ trung hay huy hoàng chứ đâu nghĩ đến tàn phai chết chóc. Khi lớn lên ta thấy được rằng cuộc đời nầy là tạm bợ; đẹp đó rồi phai tàn đó, xấu xí đó; giàu đó rồi nghèo đó; sinh đó rồi diệt đó. Mà thấy để rồi thấy thì cũng chẳng đi đến đâu. Khi thấy rồi thì ta phải quyết tâm trì chí nguyện rằng trong một tương lai không xa, ta sẽ được đi trên con đường mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi.

Mùa xuân, thấy cây cỏ xanh tươi thì lòng ta cũng vui theo cảnh bên ngoài, nhưng đó chỉ là niềm vui tạm bợ, vì sao? vì hết xuân sang hạ, sang thu, đông thì sao? Cảnh vật đìu hiu, mà nhìn nó, nhìn cây trơ lá thì lòng ta cũng sẽ như những cành cây trụi kia chứ làm sao mà vui cho được. Khi ta khám phá ra cảnh thật của điện đôn hoàng là niềm vui chính trong tâm hồn ta, thì cho dù ngoại cảnh có là gì đi nữa thì ta vẫn là ta. Không khởi gận, không khởi buồn, không khởi ưu, ấy là gì nếu không phải là “Vô não vô ưu chân cực lạc.” chứ là gì?

Hãy nhìn đóa hồng rơi lã tả trên cành thì ta mới thấy giữa cái búp, cái nỡ, cái tàn và cái rơi chỉ là luật tự nhiên mà thôi. Biết như vậy để chi? Không để ta chán đời yếm thế, không để ta than vản cuộc sống phù du. Mà để ta biết trân trọng những gì ta đang có, già cũng được mà trẻ cũng được. Ta trân trọng sự nở của bông hồng giống như ta trân trọng tuổi trẻ của ta, mà ta cũng trân trọng sự tàn hoại của bông hồng giống như trân trọng cái tuổi già của ta vậy. Có được như vậy trong tư tưởng, thì ngoài đời chúng ta cũng sẽ biết thế nào là kính già yêu trẻ. Hãy yêu thương những cụ già, hình ảnh của những cánh hồng rơi, mà cũng chính là hình ảnh của chúng ta vậy.

82. CHÚNG TA CHO NGƯỜI KHÁC NHỮNG CÁI TA THÍCH HAY NHỮNG CÁI HỌ THÍCH?

Trong cuộc sống hằng ngày, dù tham lam bỏn xẻn đến đâu, chúng ta cũng đã từng cho người khác một cái gì đó. Hoặc giả chúng ta đã trân trọng cho những người thân ta. Tuy nhiên, rất nhiều khi ta thấy họ nhận một cách rụt rè, hoặc có khi còn phản ứng lại nữa là khác. Tại sao vậy? Tại vì thường thì chúng ta cho họ những gì ta muốn cho. Có chắc gì những gì ta muốn cho là những thứ mà họ thích muốn đâu?

Là Phật tử, hãy tập theo hạnh lắng nghe của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, để thấy người khác muốn gì, cần gì và cho họ đúng cái mà họ cần họ muốn.

Cũng có lắm khi ta cho với tâm địa không mấy hoan hỉ, cho mà dằn vật, cho mà quạu quọ thì ai mà dám thọ nhận cái của ta cho.

83. THẾ NÀO LÀ CHÂN GIẢI THOÁT?

Đức Phật dạy rằng pháp của Phật như nước Cam Lồ giúp chúng sanh gột sạch những phiền não và đi đến giải thoát thực sự. Giải thoát thực sự là thế nào? Người mới biết tu khi gặp quá nhiều phiền não của thế tục, chỉ mong nghe được tiếng chuông chùa, nghe được kinh là cảm thấy như được giải thoát rồi. Tuy nhiên đấy chỉ là bước đầu của sự giải thoát mà thôi, còn phải bước nhiều bước nữa để được thực sự đi đến giải thoát. Khái niệm giải thoát của người biết tu là làm sao cho thoát khỏi vô minh sân hận để đi đến rốt ráo, không còn sanh tử luân hồi nữa. Còn cao hơn một chút nữa, giải thoát là tâm ta tự tại, an nhiên thanh tịnh nghĩa là chơn tâm thường trụ, một sắc trần chẳng nhiểm, một niệm lòng chẳng khởi. Với tất cả các chỗ, các pháp lòng ta không nhiểm trước, tức là nghiệp lành nghiệp dữ gì cũng rốt ráo cả. Như vậy có phải là khi ta thực sự giải thoát thì dù ở trong mọi hoàn cảnh khó khăn, khổ sở, tâm ta không hề sợ hãi, chẳng có lòng yêu, lòng ghét, lòng buồn, lòng vui… Như thế có phải là muôn duyên đều dứt, mà muôn duyên đều dứt thì chơn tâm thường trụ thanh tịnh, vắng lặng tự nhiên hiện bày.

Tóm lại, ta thấy khái niệm về giải thoát nó biến thiên ở mỗi người, ý muốn nói là ta biết ta là điểm vô cùng quan trọng trong đạo Phật. Hãy tự biết ta, còn chuyện dại, chuyện khôn, chuyện thương, chuyện ghét của thế gian ta không thể chìu nổi hết đâu. Hãy biết ta và hãy dửng dưng trước những thị phi, ấy không là Niết Bàn chứ là gì?

84. THẾ NÀO LÀ CÁI “KHÔNG” TRONG ĐẠO PHẬT?

Giáo lý của đạo Phật có một nguyên tắc căn bản, do Đức Phật Thích Ca chứng ngộ, đó là đạo lý duyên sinh chi phối vũ trụ và nhân sinh.

Chính vì vạn sự, vạn vật trong vũ trụ đều là duyên sinh duyên diệt, đều biến hóa vô thường, cho nên tất cả mọi hiện tượng đều là hư huyển, tạm bợ, không, giả. Vạn vật từ lớn đến nhỏ đều không trường cửu, không có bản chất thật và cái đó đạo Phật gọi là “duyên sinh tính không.” Và cũng chính chỗ nầy mà nhiều người đã hiểu lầm cái nghĩa “không môn” trong đạo Phật và cho rằng Không Môn là không có gì hết.

Thực ra “duyên sinh tính không” nghĩa là không có thực thể. Thí dụ như một chiếc xe hơi do một số nhơn duyên nào đó tạo thành chẳng hạn như sắt, người thợ mỏ, thợ luyện kim, kỷ sư cơ khí, kỹ sư phát họa mô hình, thợ lắp ráp… nếu một trong những nhơn duyên trên không tồn tại thì không có chiếc xe, ấy là “duyên sinh tính không.”

Thói thường có mấy ai quán được cái “không” của sự vật đâu. Khi thấy sự vật đẹp thì ta vẫn thích, yêu rồi sanh lòng muốn có muốn lấy để rồi một ngày nào đó sự vật ấy tiêu tan, tức là về với dạng không, thì ta buồn ta khổ. Chính vì thế mà các ngài A La Hán đã quán sự vật với tánh “không” ngay từ đầu, nghĩa là nhìn sự vật một cách tự nhiên chứ không chạy theo cái đẹp, không thích, không yêu, không muốn có, không muốn lấy thì làm gì có buồn khổ phiền não tức là giải thoát. Đây chính là diệu lý của cái “không” trong đạo Phật.

85. MƯỜI TÂM KIM CANG CỦA MỘT NGƯỜI PHẬT TỬ?

Kim cang là loại bảo châu vô cùng kiên cố, nó có thể phá vỡ những vật khác nhưng không vật nào khác có thể phá hủy được nó. Như vậy tâm kim cang là tâm mà phiền não và đau khổ không thể nào xuyên phá được, ngược lại nó có khả năng diệt trừ tất cả những đau khổ và phiền não để đi đến giải thoát. Người Phật tử chân chánh nào cũng cần có đủ mười tâm kim cang trước khi nói đến chuyện giải thoát.

Thứ nhất là Liểu giác pháp tánh, tức hiểu biết một cách rốt ráo về các pháp. Pháp đây là chỉ cho muôn sự chứ không phải nói về giáo pháp mà thôi. Thực tánh của các pháp là vắng lặng, thường hành, không biến dịch… nghĩa là thực tánh của các pháp là không. Tại sao gọi là không? Một đóa hoa chẳng hạn, do nhiều nhơn duyên kết hợp lại như đất nước, lửa, gió, người trồng bông, thời tiết… Duyên thuận thì có hoa, mà duyên hết thì hoa sẽ không có, hoa sẽ không là hoa mà sẽ là cái gì “không” ấy. Tại sao gọi là vô thường? Vì trong từng phút, từng sát na, chính cái hoa nó đang khô héo, chết dần. Cái trục trặc lớn nhất làm cho chúng ta khó liểu giác pháp tánh là ta cứ tưởng cái thấy phàm phu của ta là đúng, chứ chúng ta đâu có ngờ những gì ta thấy và hiểu, rất nhiều khi, nó không giống sự thật những gì đang xãy ra. Muốn liểu giác pháp tánh, chúng ta phải có một cái nhìn giống như cái nhìn của chư Phật, nghĩa là phải nhìn “như thị.”

Thứ nhì là Hóa độ chúng sanh có nghiã là giúp chuyển hóa chúng sanh từ phiền não và đau khổ sang giải thoát. Tuy nhiên muốn hóa độ chúng sanh thì trước hết ta phải giác liểu các pháp cái đã. Thí dụ như ta muốn vớt người đang chết đuối thì trước hết ta phải biết bơi, vì nếu ta không biết bơi thì ta chẳng những không cứu được họ mà chính ta cũng bị chết chìm theo họ.

Thứ ba là Trang nghiêm thế nhân tức là tịnh độ hoá nhân gian bằng cách mỗi người trong chúng ta hãy tu tập, hãy thiền cho tâm thanh tịnh. Mỗi người trong chúng ta đang mỗi ngày gây ra không biết bao nhiêu là phiền não đau khổ cho người khác mà còn cho ngay cả chính mình. Nhiều khi việc gì xãy ra, chúng ta không cần hỏi cho ra lẽ mà chỉ đơn phương phán xét và kết quả là phiền não đau khổ cho người và cho mình. Như vậy muốn trang nghiêm thế nhân, chúng ta phải làm sao? Chúng ta hãy dứt bỏ những phiền não ra vì chính những phiền não nầy nó làm cho ta cứ u-u minh-minh, không biết phân biệt được đâu là điều hay lẽ phải và không biết được cội nguồn của đau khổ. Ai có thể trang nghiêm thế nhân? Chính chúng ta đã góp phần mang lại những phiền não thì cũng chính chúng ta mới có thể mang lại thanh tịnh và trang nghiêm cho thế giới nầy.

Thứ tư là Thiện căn hồi hướng là hãy làm đúng như những gì Phật dạy là hãy hồi hướng tất cả những thiện căn đến cho tất cả chúng sanh chứ không nhận riêng cho mình. Ngược lại chính mình phát nguyện chịu nhận hết những đau khổ thế cho chúng sanh giống như ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã nguyện sẽ không thành Phật khi còn một chúng sanh bị đọa địa ngục, và ngài A Nan cũng nguyện sẽ không nhập Niết Bàn khi hãy còn dù chỉ một chúng sanh đau khổ.

Thứ năm là phụng sự đạo sư. Đạo sư ở đây chỉ tất cả những tăng ni hành trì Phật pháp. Chính vì có những vị nầy thì Phật pháp mới được kế tục và lưu truyền. Tuy nhiên, nói cho rộng ra là tất cả các pháp là đạo sư của chúng ta, vì chúng đều cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm để sống và để giải thoát. Thí dụ như ta nhìn một cái hoa đang nở ta biết nhìn nó như một đạo sư chỉ cho ta thấy cái sanh cái diệt, để chi? Để nếu chúng ta sớm biết tu tập, chúng ta sẽ đi đến chỗ không sanh không diệt. Cũng chính chiếc hoa ấy nó chỉ cho chúng ta thấy lúc nào các duyên hợp lại thì có hoa, một khi các nhơn duyên ấy tan rã thì cái hoa ấy cũng tan rã theo. Cũng cái hoa ấy nó cho chúng ta thấy cái vô thường của vạn vật, từ hoa nở, hoa tăng trưởng đến hoa tàn, hoa héo, hoặc đến không còn cánh hoa, nghĩa là nó chỉ cho thấy cái sanh, lão, bệnh tử… như vậy cái hoa ấy không là đạo sư chứ là gì?

Thứ sáu là thật chứng các pháp, nghĩa là chúng ta chẳng những nên biết các pháp mà còn phải thật chứng bằng cách tu, giác ngộ và hiểu biết các pháp theo đúng như chư Phật đã biết.

Thứ bảy là quãng hành nhẫn nhục. Hãy nhẫn những gì dễ nhẫn nhục mà cũng phải nhẫn nhục ngay cả những gì khó nhẫn, có như thế ta mới mong tiến gần đến giải thoát được. Nói về nhẫn ta có sanh nhẫn, pháp nhẫn, vô sanh pháp nhẫn. Sanh nhẫn là nhẫn trước sự nhục mạ của người khác, hoặc sự cao gác của kẻ khác. Thí dụ như ai đó lợi dụng lòng tốt của ta, ta không nói tức là nhẫn. Pháp nhẫn là nhẫn nhục chịu đựng với những pháp bên ngoài. Thí dụ như nóng, lạnh, mưa gió bão bùng… Trời nóng nực mà ta không than trời trách đất ấy là nhẫn. Còn vô sinh pháp nhẫn là nhẫn nhục cho cả những cái từ bên ngoài và bên trong ta. Điều tiên quyết là ta cũng phải có cho được chữ nhẫn, nghĩa là có cho được cái tâm Từ Bi Hỉ Xả của Đức Phật.

Thứ tám là Trường thời tu hành tức là tu hành trường kỳ chứ không mỗi tháng một hai ngày hoặc mỗi năm vài ba tháng. Tu là phải tu hết kiếp nầy đến kiếp sau và trong trong từng sát na. Dù cho bị nghịch cảnh thì hãy xem đó là những trợ duyên, những yếu tố giúp cho ta tu tập tinh tấn hơn. Hãy biết rằng các pháp là vô thường và không có lý do gì mà ta lại ôm ấp những cái vô thường ấy. Ở đời đừng mong không gặp những chướng duyên, vì nếu chỉ là thuận duyên thì không gọi là thế giới ta bà. Có điều là khi gặp những chướng duyên, những phiền não mà tâm ta vẫn thanh tịnh, ấy là giải thoát. Tóm lại, ta phải luôn luôn tinh tấn tu tập để có được cho mình cái tự tại, từ đó ta mới có thể chuyển hóa những thói hư tật xấu thành đức tính tốt trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tu và hãy sống trong thức tỉnh ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Thứ chín là tự hạnh mãn túc, nghĩa là mình tự tu cho mình cho đến khi nào được mãn túc, được rốt táo, chứ không tu một năm nghỉ ba năm thì biết đến chừng nào mới tự hạnh mãn túc.

Cuối cùng là Lân tha nguyện mãn nghĩa là sau khi ta đã được mãn túc rồi thì ta cũng giúp cho người khác tu và được tốt, được mãn túc như ta.

Tóm lại, Phật tử mà thiếu một trong mười cái tâm kim cang, quả là một thiếu thốn lớn cho sự giác ngộ. Một khi đã có đủ mười tâm kim cang rồi thì ấy là cảnh giới thanh tịnh mầu nhiệm, ấy là giải thoát, chẳng những cho mình mà còn cho người nữa.

86. LÀM THẾ NÀO CHO THẾ GIAN NẦY BỚT KHỔ?

Cái khổ là cái gốc của thế giới ta bà nầy, nghĩa là nếu không khổ thì có đâu sinh tử luân hồi, mà không sinh tử luân hồi thì cõi ta bà nầy tự nhiên bị diệt. Nhận chân được cõi ta bà là đau khổ nhưng những người con Phật vẫn sẵn sàng lăn mình vào lòng đời, với những tai ách sẵn chờ. Tuy thấy đời là đau khổ, nhưng ta vẫn hãnh diện đã được sinh ra làm người vì con người có suy tưởng, có quả cảm, có trí tuệ nên dễ tiến tu hơn bất cứ sinh vật nào khác. Tuy nhiên, muốn cho cái niềm hãnh diện của ta có nghĩa lý thì ta phải biết cách làm sao cho thế gian nầy bớt khổ. Phải làm sao? Bỏ trốn cái khổ có được không? Làm sao trốn đây? Cái khổ nó ở đâu thì còn trốn được chứ nó ở ngay trong ta thì làm sao trốn. Như vậy thì không có chuyện trốn rồi, phải đương đầu với nó, phải biết nó ẩn tàng nơi nào, mà tìm phương diệt trừ nó. Làm sao diệt nó đây? Phật đã dạy hãy nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng sự thật. Một khi đã biết có nó rồi thì chúng ta hãy cười mà tự bảo rằng: “Tôi biết anh hay chị mạnh lắm, anh hay chị có khả năng dẫn con người đi vòng vòng trong đường sinh tử, nhưng anh chị không dẫn được tôi đâu.” Nói như thế ấy với lòng quả cảm và trí tuệ thì ta đã một chút đến gần Phật rồi vậy.

Đức Thế Tôn đã nói Ngài muốn cho tất cả chúng sanh đều có những nụ cười trên môi vì có cười ta mới có thanh thản tự tại được. Chúng ta hãy cười cho mình, hãy cười với nhau, hãy nhìn các thiền sư mỗi khi gặp nhau là cười ha hả. Khi cười được thì bao nhiêu hầm hố, tường vách đều tan đi, đề khỏa lấp hết. Hơn nữa, lúc cười ta còn mang lại cho tha nhân một sự thoải mái, thanh thản và vì thế mà bao nhiêu nghi ngờ, sợ hãi trong họ tan biến đi hết.

Có những cái đẹp, cái sung sướng thoải mái trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta quên đi, thí dụ như hơi th· của chúng ta. Trước những căng thẳng, những gay go trong cuộc sống thường nhật, chúng ta hãy dừng lại và quán niệm hơi th· của ta để cho ta có đủ thanh tịnh mà vượt qua những cam go đó. Một lần mà ta dừng lại để quán niệm là ta có đủ lục độ: Trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trí tuệ và thiền định. Đó là những thứ làm cho ta và thế giới quanh ta bớt khổ.

Hãy tập những hạnh làm cho đời đẹp hơn, chẳng hạn như hãy tập nghe. Thường thì mình ưa nói mà không ưa nghe, bây giờ hãy thử tập nghe để thấy, chỉ cần lắng nghe thôi là ta đã làm vơi bớt nổi khổ đau cho người khác rồi. Nghe để mà thương, để mà thông cảm với người khác hơn, nghe để tạo điều kiện cho người khác chuyển hóa. Hãy tập nghe những gì đã nói, đang nói, sẽ nói và luôn cả những gì không nói. Chẳng hạn như đột nhiên con cái đổi tánh, bê tha trụy lạc; chúng không nói ra nhưng ta phải biết lắng nghe để biết có cái gì trục trặc đó.

Hãy nhìn cái nhìn của đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, nhìn mà không phán xét không phản ứng. Nhìn cho sâu để hiểu chơn lý của sự vật. Hãy nhìn từ trong vị trí của tha nhân chứ đừng nhìn từ vị trí của ta. Có như vậy ta mới thấu rõ được ngọn ngành, có như thế ta mới không gieo thêm cái khổ cho người khác.

Nói về làm, hãy làm theo hạnh của ngài Bồ Tát Phổ Hiền, hãy thực hiện niềm vui cho mọi người, từng cử chỉ, từng lời nói đều có thể mang lại sự cảm thông những đau khổ của người. Ta đã sống quá nhiều với bức rứt, xin đừng mang lại thêm bức rứt nữa. Buổi sáng hãy mang lại cho người một nụ cười và buổi chiều một niềm vui nào đó. Niềm vui và tình thương mà ta cho ra thì không bao giờ tận mà chỉ có thêm lên, biết đâu người nhận được tình thương và niềm vui từ ta, có thể mang đi ban cho nhiều người và cứ thế mà niềm vui sẽ lan đi khắp.

Tóm lại, chỉ cần tập nghe, hiểu và mang niềm vui cho mọi người là chúng ta có thể làm vơi khổ cho thế gian nầy.

87. CHÚNG TA CÓ THỂ ĐOÁN BIẾT LÀ CHÚNG TA SẼ ĐI VỀ ĐÂU KHÔNG?

Nếu nhìn theo góc độ một đời người để thấy sự báo ứng thiện ác, có khi ta không hiểu tận tường mà đâm ra nghi ngờ về việc có nên làm lành làm thiện hay không. Kỳ thực, luật nhơn quả tác động qua ba đời, mà ta thì chỉ thấy có hiện tại rồi đi đến kết luận là bất công thì quả là kết luận hàm hồ. Thí dụ như có người sống lành sống thiện lại bị khổ; không những không gặp điều may mắn mà còn gặp toàn là tai ương. Trong khi có người tham lam hối lộ, làm trái luật pháp, nhưng vẫn sống tự do, được cả phúc lẫn thọ. Tại sao vậy? Việc thọ báo lần lượt diễn ra theo thứ tự, biết đâu trong đời quá khứ ta đã làm nên những ác nghiệp nên nay phải trả, còn chuyện ta làm lành bây giờ là để cho đời kế tiếp. Đời nầy vị tất những khổ vui là do những nghiệp nhân của đời nầy. Đức Phật đã dạy rằng hơn nửa phần chuyện xãy ra trong đời nầy là do quả báo của nghiệp nhân ở đời trước. Vậy thì những nợ cũ hãy trả và đừng vay thêm nợ mới như thế ta sẽ được gì ở đời sau? (nếu chưa được rốt ráo mà phải tái sanh). Ta sẽ được cái nợ cũ trả hết, không có nợ mới, có thơ thới lắm không?

Hãy quán sát những việc làm hằng ngày của ta thì ta biết lúc ta rời khỏi cõi ta bà này ta sẽ đi về đâu. Đức Thế Tôn chỉ cây chuối đang bị gió Bấc thổi rạp về hướng nam mà hỏi ngài A Nan rằng khi cây chuối chết nó sẽ ngã về đâu? Ngài A Nan liền bạch Phật là cây chuối lúc chết sẽ ngã về phương nam. Đức Phật bèn dạy rằng chúng sanh cũng vậy. Cứ quán sát thân khẩu nghiệp của ta ngay lúc nầy thì chúng ta biết ngay chúng ta sẽ đi về đâu lúc lâm chung.

88. TẠI SAO GỌI ĐỨC PHẬT LÀ ĐẠO SƯ?

Đức Phật đã từng nói đạo Phật là đạo của những người có cái “dũng.” Tại sao vậy? Tại vì chính chúng ta phải tự đi con đường đến chỗ rốt ráo Niết Bàn chứ Phật không thể đi dùm ta được. Đức Phật tuy thấu rõ mọi nguyên lý của thế gian nầy, nhưng Ngài không thể thay đổi trạng thái vốn có của nó. Tuy nhiên Ngài biết đường để chỉ dạy chúng ta, Ngài biết cách hướng dẫn chúng ta ra ngoài bể khổ, nên mới gọi Ngài là đạo sư. Thí dụ như đức Phật biết tại sao bị nắng hạn, nhưng Ngài không làm cách nào để đổi cái hạn của nắng được; tuy nhiên, Ngài biết làm cách nào để vượt qua cái nắng hạn, Ngài biết làm sao để trử nước phòng khi nắng hạn mà dùng. Ngài sẵn sàng chỉ dạy cho chúng ta những cái mà Ngài biết. Ai tinh tấn nghe theo lời Ngài chỉ dạy thì đi đến nơi đến chốn, ai mệt mỏi dừng chân dọc đường thì không đến được, thậm chí biết đường mà không đi thì sẽ chẳng bao giờ đến.

Đức Thế Tôn đã bỏ hết cung vàng điện ngọc để tìm ra con đường giải thoát cho chúng sanh. Chẳng những tìm được đường mà Ngài còn chỉ cho chúng ta làm sao để đi đến đó. Còn đi đến hay không đến là tùy ở chúng ta. Cho dù chúng ta có mệt mỏi mà dừng lại hay bỏ cuộc thì Phật cũng không bỏ chúng ta đâu vì Ngài coi tất cả chúng sanh là con Ngài, ngay cả những người lìa bỏ Ngài.

Như thế mới thấy đức Phật chẳng những là một bậc đạo sư cho trời và người, mà Ngài còn là một nhà giáo dục vĩ đại. Ngài không thể làm dùm ai, nhưng Ngài chỉ tường tận cách làm. Ngài không chuộc tội thay cho chúng sanh, nhưng Ngài dạy cho chúng sanh cách tự chuộc tội cho mình.

89. ĐẠO PHẬT VÀ PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

Phật lúc còn tại thế hay răn dạy hàng Tỳ kheo rằng sắc đẹp đàn bà là đáng sợ; nữ sắc là ma, là rắn độc. Chính ra, bản tâm của Phật không phải là trọng nam khinh nữ, bởi sắc dục thuộc cả hai giới tính nam và nữ. Đối với nam giới nữ sắc là đáng chán bỏ, thì đối với nữ giới, lúc nào nam sắc cũng là đáng chán bỏ.

Ta thấy trong lịch sử cận đại với những phong trào giải phóng phụ nữ đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Tuy nhiên, hãy nhìn về hai mươi lăm thế kỷ về trước nàng Long Nữ mới có tám tuổi đã thành Phật. Như vậy cũng đủ cho chúng ta thấy là đạo Phật là đạo đã đi tiên phong trong vấn đề nam nữ bình quyền.

90. TẠI SAO PHẢI SÁM HỐI VÀ AI SÁM HỐI CHO TA?

Chúng sanh từ vô thỉ đã tạo không biết bao nhiêu là nghiệp chướng bởi lầm mê. Những ai tu hành theo Phật pháp mà không sám hối nghiệp chướng, chẳng khác nào người đi đường đạp lên chông gai không chịu dừng lại nhổ gai ra mà cứ tiếp tục đi. Như vậy muốn không bị đau chân thì làm sao cho được.

Chúng ta phải nghĩ rằng trong những đời quá khứ từ vô thỉ kiếp, do tham lam, giận tức, si mê mà ta đã phát ra ý nghĩ, hành động và lời nói gây ra các nghiệp ác, không thể nào tính lường cho được. nếu các nghiệp ác nầy có hình tướng thì cả vũ trụ nầy cũng chứa không hết. Chúng ta cứ bình tâm mà suy nghĩ và tự hỏi lại xem coi ta có từng trộm cướp, sát sanh, tà dâm không? khẩu nghiệp đã từng nói dối, nói thêu dệt, nói hung ác, và nói lưỡi hai chiều không? Tâm ý ta có tham, giận, si mê không? Nếu ta nói có thì ta nên sám hối để cho thân tâm ta được thanh tịnh.

Như trên đã nói, tâm ta nhơ nhớp, thì cũng tự tâm ta thanh tịnh lại chứ không ai có thể làm cho ta thanh tịnh được cả. “Tội tùng tâm khởi do tâm sám,” nghĩa là tội do tâm mà khởi ra thì cũng chính từ tâm mà sám hối. Chúng ta chưa phải là Thánh, ai lại không có tội lỗi; tuy nhiên, chỉ sợ là ta gây ra nghiệp mà không biết hổ thẹn, không dốc lòng sám hối đó thôi. Có biết sám hối thì ta mới biết lỗi mà tránh những điều ác và từ từ thanh tịnh và Niết bàn sẽ không xa.

Tóm lại, sám hối là thấy rõ lỗi cũ, ngăn ngừa lỗi sau. Sám hối hàm nghĩa ăn năn, hối hận, vì những lỗi lầm trong quá khứ, bất luận là lâu mau và bây giờ cho đến về sau, mình nguyện là không tái phạm. Nếu biết lỗi cũ là bậy, bây giờ mình xin chuộc lỗi, mà sau nầy vẫn còn làm lại, thì không phải là sám hối.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12